VnReview
Hà Nội

Mua bếp từ thương hiệu nào?

Trong bài viết trước, VnReview đã giúp bạn tìm hiểu thông tin để quyết định có nên mua bếp từ hay không. Nếu bạn đã định mua bếp từ thì bạn sẽ phải đối mặt với vấn đề khó khăn không kém: nên mua bếp từ thương hiệu nào?

Trên thị trường bếp hiện nay, mặc dù bếp từ khá đa dạng cả về mẫu mã, thương hiệu và giá cả nhưng có thể chia làm hai lựa chọn: bếp xuất xứ từ Trung Quốc và Đông Nam Á; bếp xuất xứ từ châu Âu.

Nếu là người đã từng đi siêu thị xem bếp, bạn hẳn sẽ phải xiêu lòng bởi những lời chào mời hấp dẫn từ người bán hàng bếp điện từ. Thành viên TyBiBo hồi tháng 2/2012 lên diễn đàn webtretho tường thuật có lần chị đi siêu thị Big C Tô Hiến Thành (TP.HCM), sau khi nghe giới thiệu xuôi tai, hai vợ chồng chị đã đặt cọc 1,2 triệu đồng để mua bếp từ 3 mặt bếp Hoffmann với giá 25 triệu đồng, trong đó khuyến mãi bộ nồi 19 triệu đồng. Người bán hàng cho biết bếp có thương hiệu là một hãng của Đức, linh kiện Đức và sản xuất tại Malaysia.

Tuy nhiên, khi về đến nhà, chị TyBiBo có tìm kiếm trên mạng thì không có hãng nào của Đức sản xuất bếp có tên Hoffmann. Còn tìm kiếm từ khóa "Hoffmann Induction Cooker" tức "bếp từ Hoffmann" thì cho ra kết quả đến từ website Philippine bếp Hoffman với giá bán tương đương khoảng 400 USD (hơn 8 triệu đồng), có kèm khuyến mãi bộ nồi. Chính vì sự mập mờ như vậy, TyBiBo đã quyết định đòi lại tiền đặt cọc và lên diễn đàn cảnh báo cho những người tiêu dùng khác.

Câu chuyện bán bếp từ có giá hàng khuyến mại "khủng" hơn cả giá bếp như vậy không phải là hiếm thấy. Nó được người dùng Internet chia sẻ phổ biến trên các diễn đàn mạng và ngay cả phóng viên VnReview trong lần đi siêu thị gần đây nhất cũng được chào mời tương tự.

Gian hàng Kitchmate ở Pico Mall

Gian hàng Kitchmate ở Pico Mall

Showroom bếp Kitchmate ở Pico Mall (Hà Nội) được thiết kế hiện đại, bắt mắt với hai màu đỏ trắng kết hợp nổi bật với hàng chữ: "German Technology", có nghĩa là "Công nghệ Đức". Dấu ấn của "công nghệ Đức" không chỉ là chiếc biển to tướng trong showroom mà có ở trên sản phẩm – nơi dễ nhìn, dễ thấy nhất. Chẳng hạn, trên góc trên cùng tay phải mặt bếp đôi kêt hợp một từ một điện có in chữ nổi màu trắng "Schott Ceran®" (là thương hiệu kính ceramic chịu nhiệt nổi tiếng của Đức) và phía dưới vòng mặt bếp điện Hi-Light có dòng chữ cảnh báo nóng, đừng chạm bằng tiếng Anh kèm lời dịch bằng tiếng Đức (y hệt dịch Google Translate từ tiếng Anh sang tiếng Đức).

Tuy nhiên, nếu không được thông tin cụ thể, rõ ràng thì hẳn nhiều người sẽ lầm tưởng đây là bếp của Đức. Cô nhân viên bán hàng lịch sự, nhiệt tình giới thiệu sản phẩm cũng chỉ nói sơ qua đây là sản phẩm công nghệ Đức, do Malaysia sản xuất rồi tập trung giới thiệu tính năng của bếp.

Quả thực, đứng ở showroom Kitchmate một lúc mà chúng tôi được đưa từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Trước hết là sự tiện dụng, an toàn, dễ điều khiển của bếp. Bếp từ + điện có tổng công suất 3100W, có thể chịu va đập mạnh (cô bán hàng cầm chiếc chảo nặng trịch, to tướng đặt uỵch xuống mặt bếp liên tục để chứng minh). Mặt bếp điện đỏ rực, tỏa hơi nóng gắt nếu đứng lâu trong khi xung quanh vòng bếp điện lại nguội, có thể sờ tay vào thoải mái. Mặt nấu bếp từ có nóng, thậm chí có thể bỏng tay nếu sờ vào do nhiệt từ đáy nồi tỏa ra.

Tiếp đến là về giá. Giá bếp Kitchmate phải nói là cao ngất ngưởng so với thu nhập trung bình của người dân hiện nay – bếp đôi cả hai mặt bếp là bếp từ (model CIN 200H) giá 28,9 triệu đồng; bếp đôi 1 từ kiêm 1 điện (2 vòng) CIG 200i giá 34 triệu đồng, được trừ 12% trực tiếp vào giá chỉ còn khoảng 30 triệu đồng (giá đã bao gồm thuế VAT). Song chưa hết, với giá bán đó, ngoài bếp từ, khách hàng có thể rinh về nhà bộ 3 nồi + 1 chảo 5 lớp đáy dùng cho bếp từ của hãng Movën, cũng được giới thiệu là nồi của Đức. Bộ nồi này được cho biết là có giá 18 triệu đồng (!), nhưng vài tháng nữa mới mua được nồi của hãng này ở Mê Linh Plaza vì hiện giờ hãng chưa có mặt tại Việt Nam.

Riêng đối với bếp CIG 200i, nếu thanh toán bằng thẻ Visa hoặc thẻ các ngân hàng BIDV, Techcombank, Agribank, khách hàng còn được tặng thêm bộ nồi hấp 5 tầng dành cho bếp từ giá 7 triệu đồng!

Tuy nhiên, cô bán hàng cũng lưu ý điều kiện để hưởng những khuyến mại nói trên là "một trong 3 người mua đầu tiên trong tháng". Ngoài ra, phải chấp nhận cho nhà phân phối đến tận nhà quay quảng cáo về bếp.

Nếu giới thiệu được người mua bếp từ Kitchmate, người giới thiệu được hưởng hoa hồng 5%.

Tính sơ bộ, nếu mua một chiếc bếp đôi Kitchmate khoảng 30 triệu đồng, thì trị giá khuyến mại, giảm giá có thể lên đến 25 triệu đồng!

Không chỉ Kitchmate, các thương hiệu bếp khác như Munchen (có in hẳn cờ Đức lên mặt bếp nhưng dưới bếp lại ghi sản xuất tại Đài Loan); Frico cũng áp dụng những gói khuyến mại "khủng" như vậy.

Bếp từ Teka

Bếp từ Teka

Có thể nói, khuyến mại "khủng" là một yếu tố phân biệt giữa bếp nhập khẩu từ Trung Quốc, Malaysia và bếp xuất xứ từ châu Âu với các thương hiệu như Electrolux, Fagor, Teka, Bosch, Ariston. Giá bếp xuất xứ từ châu Âu khoảng 12 triệu đồng cho đến 18 triệu đồng, không có hoặc có kèm hàng khuyến mại giá trị không quá 1 triệu đồng. Ngoài ra, bếp có xuất xứ châu Âu thường có từ 3 mặt bếp trở lên, trông mặt bếp dày dặn và "khôn" hơn. Dưới đáy bếp có đủ thông số: xuất xứ, nguồn điện, công suất bếp, số serial, tên model, mã vạch, dấu hiệu tiêu chuẩn.

Bếp Munchen

Bếp từ Munchen

Đại diện cửa hàng Beponline.vn (Nguyễn Trãi, Hà Nội) cho biết, bếp từ Trung Quốc rẻ (sau khi trừ sản phẩm khuyến mãi) vì sử dụng vật liệu rẻ, thiết kế tối giản nhất để tiết kiệm chi phí, mặt kính mỏng, đáy bếp cũng mỏng hơn so với hàng châu Âu nên độ bền kém hơn. Khi dùng bếp Trung Quốc cũng có nguy cơ dễ hỏng vi mạch do chất lượng bo mạch kém, linh kiện giá rẻ, nhiều khi đang đun dễ gặp trục trặc về phần mạch điều khiển.

Về độ bền của bếp từ như Kitchmate, Hoffmann, Frico, những người dùng mà VnReview đã tiếp xúc đều phản ánh bếp dùng thuận tiện, chưa gặp trục trặc gì. Trên mạng, có duy nhất trường hợp thành viên vinatest của diễn đàn lamchame.com hồi tháng 8/2011 cho biết bếp từ Kitchmate nhà chị mua một tháng thì phải thay quạt thông gió; thay xong 2 ngày sau thì mặt bếp bị nứt (ảnh bên dưới).

Bếp Kitchmate nứt

Mặt kính bếp Kitchmate bị nứt do một thành viên diễn đàn lamchame.com phản ánh

Về giá bán, theo tìm hiểu trên mạng, giá bếp đôi Kitchmate CIG 200 (1 từ + 1 điện) thời điểm ra mắt ở Malaysia tháng 1/2011 là 3.899 ringgit (khoảng 24 triệu đồng). Cộng thêm các chi phí vận chuyển, kho bãi, làm thị trường, thuế VAT, giá bếp Kitchmate bán tại Việt Nam tầm 27-28 triệu đồng chiếc cũng không phải là quá phi lý. Nhưng nếu kèm bộ nồi Movën đến 18 triệu đồng như người bán hàng nói thì xem ra đại lý Kitchmate lỗ chỏng gọng.

Cho nên, quà khuyến mại kèm theo có đáng giá 18 triệu đồng hay không còn phải xem xét. Mặc dù bộ nồi này dày dặn, có dập chữ nổi trên đáy nồi nhưng tìm trên mạng thì thấy không có nhà sản xuất nồi của Đức nào có tên Movën! Chúng tôi đã hỏi thăm về thương hiệu Movën thì một người bạn Đức Rita Kurzbach qua chat Facebook cho biết "Tôi chưa bao giờ nghe đến nhà sản xuất nồi nào tên là Movën và hỏi Google cũng không giúp gì được hơn".

Dưới đây là những đặc điểm để phân biệt giữa bếp từ hoặc bếp từ kết hợp thương hiệu châu Âu so với bếp Trung Quốc, Đông Nam Á mà nhóm phóng viên tổng hợp được sau thời gian khảo sát thị trường bếp:

 

Bếp châu Âu

Bếp Trung Quốc, Đông Nam Á

Thương hiệu

Fagor, Teka, Electrolux, Bosch, Ariston

Munchen, Frico, Kitchmate, Facom

Hình dáng, mặt bếp

- Phổ biến hình vuông, có 3 mặt bếp trở lên; có các bếp kết hợp từ - điện (riêng bếp Electrolux có các loại bếp đôi từ kết hợp điện)

- Mặt bếp, ngoài bảng điều khiển, thường in chữ Induction trên vòng bếp (nếu là bếp từ) và tên thương hiệu.

 

- Phổ biến bếp hình chữ nhật 2 mặt bếp, kích thước phù hợp để thay thế bếp gas; bếp từ kiêm điện phổ biến do tâm lý người dùng muốn tận dụng nồi, xoong và cần giữ nhiệt lâu hơn sau khi tắt bếp.

- Mặt bếp in cả thương hiệu bếp, thương hiệu chất liệu kính, cảnh báo tiếng Anh và tiếng Đức, cờ Đức

Nồi

Kén nồi hơn, một số loại nồi nhiễm từ kém chất lượng trên thị trường khi dùng với bếp xịn sẽ không nóng, nóng rất chậm hoặc đèn nhấp nháy liên tục

 

Kính mặt bếp

- Trông dày, cứng cáp hơn

- Chi phí khi thay mặt bếp là rất đắt, phải đợi nhiều tuần để nhập hàng về

 

- Chi phí thay mặt bếp khoảng 250 USD, có thể thay ngay

Lỗi/ khiếm khuyết thường gặp

- Xước mặt bếp

 

- Xước mặt bếp

Theo Beponline:

- IGBT (điều khiển việc đóng, ngắt tần số, nhiệt độ) hỏng hoặc chập chờn

- Bảng mạch: nguyên nhân do IGBT kém

- Mất cảm ứng

Giá bán

Từ 12 - 28 triệu đồng, tùy thương hiệu, số mặt bếp. Cá biệt có những bếp từ giá đến hơn 53,5 triệu đồng như bếp Teka

Từ 19 triệu đồng đến khoảng 40 triệu đồng, tùy số mặt bếp, loại bếp từ kết hợp điện/halogen

Khuyến mãi

Không có hoặc bộ nồi giá rẻ (chưa đến 1 triệu đồng)

Khuyến mãi bộ nồi có giá hàng chục triệu đồng, nhưng không bán nồi riêng hoặc bếp riêng

Lắp đặt

Lắp đặt miễn phí tại nhà

Lắp đặt miễn phí tại nhà

Bảo hành

- Bảo hành 2 năm

- Teka bảo hành 2 năm, có trung tâm bảo hành tại Việt Nam

- Fagor bảo hành 3 năm

- Đổi bếp mới trong vòng 2 ngày nếu bếp bị lỗi kỹ thuật không thể khắc phục được

- Bảo hành 2 năm

 

Nếu gia đình đã quyết sử dụng bếp từ thay thế bếp gas, bạn có thể phải bỏ ra khoản tiền hàng chục triệu đồng để mua bếp và nồi. Vậy nên mua chiếc bếp có giá trị thấp hơn giá trị hàng khuyến mãi đi kèm hay mua bếp thương hiệu nổi tiếng nhưng không có khuyến mãi? Hy vọng sau những thông tin phân tích ở trên, bạn đã có thể biết lựa chọn của mình nên là như thế nào.

Nhóm phóng viên

Chủ đề khác