VnReview
Hà Nội

OLED và SUHD: Kẻ tám lạng người nửa cân

Thế giới TV cao cấp hiện đã chia hai chiến tuyến, một bên là công nghệ SUHD, một bên là OLED. Mỗi công nghệ đều có những ưu thế riêng biệt, nhưng đều hướng tới mục tiêu cao nhất là tái tạo hình ảnh một cách chân thực, trung thực nhằm thỏa mãn những đôi mắt luôn muốn thưởng thức những gì đẹp nhất.

Theo Cnet, hiện người dùng vẫn luôn phân vân trong việc lựa chọn giữa OLED và SUHD và thậm chí có khi còn chưa hiểu hết mỗi công nghệ có những ưu thế và điểm yếu gì. Không có công nghệ nào hoàn hảo nhất ở hiện tại, chỉ có công nghệ phù hợp nhất và mang đến những gì chúng ta mong muốn được thấy nhất. Dưới đây là một số so sánh mang tính tham khảo giữa hai công nghệ này:

Độ sáng: SUHD > OLED

SUHD được quảng bá là công nghệ độc quyền của Samsung dựa trên nền tảng công nghệ tấm nền LED và phát triển dựa trên công nghệ chấm lượng tử "Quantumn Dot". Có thể nói SUHD là một trong những công nghệ; LED tốt nhất hiện nay, hội tụ gần như tất cả những gì mà công nghệ có thể làm để tái tạo hình ảnh.

LED là từ viết tắt của Light Emitting Diode hay dịch sát nghĩa ra là đi-ốt phát quang. Về cơ bản, đây là những khối trạng thái rắn siêu nhỏ có thể phát ra ánh sáng nhờ vào sự chuyển động của các điện tử thông qua lớp bán dẫn. Công nghệ LED dùng một hệ thống đèn nền chiếu sáng phía sau (chính vì vậy mà độ mỏng hiện tại đã đạt đến giới hạn).

 Độ sáng cao giúp SUHD hiển thị hình ảnh tốt ngay cả trong phòng nhiều ánh sáng

Điểm nổi bật của đèn LED là độ sáng vẫn duy trì rất cao trong một thời gian dài. Với TV SUHD hiện nay, nhờ cải tiến công nghệ, độ sáng đã đạt đến mức 1000 nit, một độ sáng cực kỳ cao. Một điều mà công nghệ OLED hiện tại vẫn còn thua kém khi chỉ đạt khoảng 600 nit. Chưa kể TV OLED với những pixel khi ở trạng thái sáng mạnh trong một thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến tuổi thọ của nó.

Độ sáng cao có ảnh hưởng khá nhiều đế chất lượng hình ảnh ở những cảnh cần độ sáng, những video có ánh sáng rực rỡ. Độ sáng cao sẽ giúp người xem có trải nghiệm tốt hơn và đặc biệt là độ sáng cao giúp cho hình ảnh vẫn giữ được độ trung thực trong môi trường ánh sáng mạnh, giảm thiểu sự phản chiếu bởi môi trường ngoài như đặt ở phòng khách hay ngoài trời, lúc đó TV SUHD sẽ chiếm ưu thế.

Các TV SUHD cao cấp hiện nay với công nghệ HDR kèm theo độ sáng 1000 nit để tái hiện những cảnh sắc rực rỡ, những sắc màu nổi bật. Sự chênh lệch độ sáng trong cùng một cảnh được thể hiện chi tiết, sắc nét chứ không bị ảnh hưởng lệch hẳn một bên như quá sáng bị chói hoặc quá tối không nhìn thấy gì.

Độ tương phản: OLED > SUHD

Trong bất kỳ chiếc TV nào, độ sâu màu đen luôn là yếu tố hàng đầu để đánh giá chất lượng hình ảnh. Một màu đen sâu sẽ mang đến độ tương phản cao, màu sắc phong phú, sống động và hình ảnh chân thực. Độ tương phản là mức độ chênh lệch giữa màu sáng nhất và tối nhất. Nghĩa là màu đen càng đen thì độ tương phản càng cao và độ sáng càng cao thì độ tương phản cũng cao.

Độ tương phản của OLED vẫn trội hơn SUHD

Khi nói đến màu đen, TV OLED hiện tại nhỉnh hơn so với SUHD. Bởi vì TV LED sử dụng đèn nền LED để chiếu sáng từ phía sau màn hình, do đó ngay cả khi sử dụng công nghệ làm mờ cục bộ thì ánh sáng vẫn xuyên qua tấm nền và tạo ra hiện tượng lọt sáng. Công nghệ SUHD đã giảm thiểu chuyện này đến mức thấp nhất và mang đến cảm giác như độ sâu màu đen đã ở trạng thái tuyệt đối.

TV OLED không bị những vẫn đề trên. Lý do rất đơn giản, các điểm ảnh trên màn hình của nó có thể tắt hoặc mở độc lập, và khi không nhận tín hiệu, điểm ảnh sẽ ở trạng thái tắt hoàn toàn. Có nghĩa là về lý thuyết, điểm ảnh nào thể hiện màu đen sẽ là màu đen tuyệt đối. Chính màu đen gần như tuyệt đối này đã đẩy độ tương phản trên TV OLED lên mức cao nhất hiện nay.

Độ tương phản cao sẽ giúp các cảnh tối khi xem phim được thể hiện chính xác hơn, rõ ràng hơn, ấn tượng hơn, màu sắc chi tiết sẽ rõ ràng, tách bạch … Có thể nói độ tương phản chiếm phần lớn trong việc ảnh hưởng đến chất lượng hình ảnh của một chiếc TV. Đối với các dòng TV cao cấp hiện nay, dù SUHD có độ tương phản thấp hơn một chút so với OLED nhưng độ tương phản hiện tại của SUHD cũng đã ở mức cực cao, nghĩa là dư sức mang đến trải nghiệm tuyệt vời cho người xem.

Không gian màu: SUHD ~ OLED

Trong thời gian đầu xuất hiện, OLED luôn chiếm ưu thế về không gian màu. Tuy nhiên, công nghệ SUHD chấm lượng tử ra đời đã thay đổi được điều đó, với việc dùng tấm nền 10 bit, tái hiện được 1 tỷ sắc thái màu khác nhau. Không gian màu của SUHD hiện nay không còn thua kém OLED nữa và thậm chí có đôi chút nhỉnh hơn. Tuy nhiên, về cơ bản hiện nay hai công nghệ này cho không gian màu rộng tương đương và dẫn đầu trong số các công nghệ hiển thị.

OLED và SUHD:  Kẻ tám lạng người nửa cân

Không gian màu rộng đồng nghĩa với việc thể hiện màu sắc chuẩn hơn, chân thực hơn, giống với màu sắc thực tế mà mắt thường nhìn được. Ngoài ra, còn có khả năng tái hiện được hình ảnh đẹp hơn so với thực tế, mang đến sự thỏa mãn cao nhất cho người xem hình ảnh trên TV. Về cơ bản, chúng ta luôn thích xem những gì đẹp nhất.

Kích thước: SUHD > OLED

Một điều không thể phủ nhận rằng công nghệ OLED vẫn chưa được hoàn thiện như SUHD vốn có một thời gian dài phát triển và cải thiện từ công nghệ LCD – LED. Điều dễ thấy nhất về hạn chế của OLED chính là kích thước màn hình. Tỷ lệ hư hỏng của màn hình OLED ở kích thước càng lớn thì càng nhiều, đó cũng chính là lý do mà các ông lớn luôn e dè không vội vàng dùng tấm nền OLED trên những chiếc TV kích thước lớn hiện tại.

Có thể dễ dàng nhận thấy rằng với TV SUHD hiện nay, kích thước 65 inch, hoặc 78 inch hoặc cao hơn nữa như 85 inch, 110 inch đều không phải là vấn đề trong sản xuất thì TV OLED vẫn chỉ mới dừng lại ở các kích thước an toàn là 55 inch và 65 inch, trong đó LG khá đột biến khi đưa ra mẫu TV OLED 4K màn hình cong 77 inch.

Kích thước màn hình ảnh hưởng rất lớn đến trải nghiệm của người xem, màn hình càng to thì độ sống động của hình ảnh, cảm giác chìm vào không gian được thể hiện trên TV càng lớn. Ở điểm này thì TV SUHD đang chiếm ưu thế so với OLED.

Thay lời kết

Cả công nghệ SUHD và OLED đều là đỉnh cao hiện nay trên TV và mỗi công nghệ mang đến một ưu thế riêng. Do rào cản về giá, tuổi thọ chưa được kiểm chứng và độ sáng không tốt bằng nên TV OLED vẫn chưa thể chiếm ưu thế trên thị trường. Ngược lại TV SUHD lại thu hút người dùng hơn với nhiều công nghệ mới như HDR thời thượng, độ phân giải cao, TV to và có mức giá phù hợp với chất lượng hình ảnh và công nghệ của sản phẩm. Mỗi người dùng cần phải xác định rõ nhu cầu cần thiết nhất của mình, khi đó sẽ có lựa chọn phù hợp nhất, đương nhiên là phải cân đối cả túi tiền cho phép.

Nhật Minh

Chủ đề khác