VnReview
Hà Nội

Phân biệt ngắn gọn các công nghệ TV đang có trên thị trường: QLED, OLED, QNED,...

Đứng giữa ma trận của thị trường TV, người tiêu dùng rất dễ bị nhầm lẫn giữa các loại TV được nhà sản xuất tiếp thị là mới nhất, xịn nhất, tốt nhất.

Một bài viết đơn giản giúp bạn phân loại sản phẩm trên thị trường TV, chọn cho mình một sản phẩm xứng đáng.

Trên thị trường TV hiện nay, dù các nhà sản xuất có đưa ra bao nhiêu tên gọi chăng nữa, TV mà chúng ta mua về cũng chỉ có hai dạng công nghệ tấm nền: phát quang hoặc truyền dẫn. Tấm nền phát quang hiểu một cách đơn giản là điểm ảnh tự phát sáng, tự bật tắt. Trong khi loại truyền dẫn ánh sáng thì điểm ảnh cần được đèn nền chiếu sáng.

I - TV dùng màn hình phát quang

Với công nghệ màn hình tiên tiến có khả năng điều khiển khả năng chiếu sáng tới từng điểm ảnh, chúng ta hiện có hai lựa chọn là TV OLED và microLED.

TV OLED đầu tiên trên thế giới mỏng 3mm, Sony XEL-1 (ảnh: Engadget)

OLED là công nghệ màn hình cao cấp dễ tiếp cận nhất với người tiêu dùng hiện nay. Có lẽ bạn đã quá quen với những quảng cáo của LG hay Sony về TV OLED của họ. Chất lượng hình ảnh của các sản phẩm OLED nói chung đều ở mức xuất sắc, màu đen sâu, tương phản cao, hình ảnh sống động nổi khối. TV OLED luôn được giới chuyên môn đánh giá cao về mặt này.

Tuy nhiên, dù có nhiều điểm mạnh như vậy nhưng TV OLED vẫn còn tồn tại mối e ngại về hiện tượng burn-in sau nhiều năm sử dụng. Ngoài ra, nguồn cung tấm nền OLED cỡ lớn gần như phụ thuộc vào LG Display, dẫn tới mẫu mã kém đa dạng, kích thước không phong phú. Tại thị trường Việt Nam, chủ yếu có hai hãng kinh doanh là LG và Sony.

Gần đây, một công nghệ màn hình phát quang khác xuất hiện gây xôn xao trong giới công nghệ. Đó là microLED hay Micro LED, cũng loại bỏ đèn nền giống như OLED vì điểm ảnh có thể tự phát sáng. Tuy nhiên, vật liệu phát sáng là loại vô cơ (thường là GaN) chứ không phải hữu cơ như trên OLED (Organic LED: LED hữu cơ).

Nguyên mẫu TV Crystal LED năm 2012 của Sony, TV LED "thực" đầu tiên trên giới sử dụng công nghệ microLED (ảnh: FlatpanelsHD)

Nói về ưu điểm của microLED thì có rất nhiều. Công nghệ mới sở hữu đầy đủ các mặt tốt của OLED từ trước như màu đen sâu, tương phản cao, góc nhìn rộng,... Bên cạnh đó, lại ghi điểm ở việc dùng vật liệu vô cơ chứ không phải hữu cơ nên có thể đạt tới độ sáng rất cao, đồng thời loại bỏ mối lo bị burn-in.

Tuy nhiên, microLED cũng tồn tại nhiều vấn đề khiến nó khó có cơ hội cạnh tranh với OLED và LCD trên thị trường TV. Đây là một công nghệ còn chưa trưởng thành, dẫn tới chi phí chế tạo rất tốn kém, quy trình phức tạp với sản lượng thấp. Do vậy, TV microLED phải rất rất lâu nữa mới có thể phổ biến.

Hiện tại, chỉ có Samsung đang cố gắng bán chúng cho giới siêu giàu, giá tham khảo cho kích thước 110 inch hơn 150.000 USD tức gần 3,5 tỷ đồng. Các công ty khác có sản phẩm microLED đều chỉ tập trung bán cho doanh nghiệp. Mới đây nhất, hãng tiên phong công nghệ microLED là Sony cũng xác nhận rằng chưa có kế hoạch phục vụ thị trường tiêu dùng.

Samsung là công ty duy nhất muốn bán TV microLED cho người tiêu dùng, nhưng giá lên tới vài tỷ đồng (ảnh: Samsung)

Như vậy, nếu muốn theo đuổi chất lượng hình ảnh đỉnh cao thì OLED là công nghệ duy nhất có thể lựa chọn lúc này, trong khi TV microLED còn quá xa vời. Tham khảo từ vài hệ thống lớn, TV OLED đã có giá dễ chịu hơn vài năm trước rất nhiều. Bỏ ra 30 triệu đồng là bạn có thể sở hữu một chiếc đến từ LG hay Sony. Còn tầm giá phổ biến hiện nay của TV OLED là 40-50 triệu đồng.

II - TV LCD

Loại thứ hai là TV LCD sử dụng màn hình truyền dẫn ánh sáng. Loại này có điểm ảnh không thể tự phát sáng như loại ở trên, cần có đèn nền chiếu sáng đi qua lớp tinh thể lỏng (Liquid Crystal). Lớp này đánh chặn một phần ánh sáng và cho một phần đi qua tới bộ lọc màu (Color Filter), từ đó lọc ra màu sắc hiển thị hình ảnh.

Ban đầu, TV LCD sử dụng đèn nền công nghệ huỳnh quang CCFL (Cold Cathode Fluorescent Lamp), sau này đổi qua đèn LED (Light Emitting Diode) và tồn tại cho tới bây giờ. Trên thị trường hiện nay người ta vẫn thường marketing TV LCD LED bằng "TV LED" khiến nhiều người ngộ nhận, thực chất đó vẫn là TV LCD. Việc nâng cấp đèn nền không làm thay đổi bản chất sản phẩm.

*Xem thêm: "Mổ xẻ" tấm nền TV tìm hiểu đó là TV LED hay TV LCD?

Sony Qualia 005 là TV LCD đầu tiên trên thế giới trang bị đèn nền LED thay cho CCFL, bố trí full-array (ảnh: PBase)

Đối với TV LCD LED, thị trường tồn tại hai loại là Edge LED và FALD (Full Array Local Dimming), thường gọi lần lượt là "LED viền" và "LED toàn mảng có làm mờ cục bộ". Loại LED viền bố trí đèn nền ở cạnh còn LED FALD bố trí toàn mảng ở phía sau tấm nền LCD, chia đèn nền làm nhiều phân vùng bật tắt độc lập, mỗi vùng này là một cụm đèn LED.

TV LCD không thể đạt tới cấp độ kiểm soát ánh sáng chính xác tới từng điểm ảnh như màn hình phát quang, việc kiểm soát đèn nền bật tắt là mấu chốt để giảm thiểu hiện tượng hở sáng, quầng sáng. LED viền thường tồn tại trên TV giá rẻ, có hiệu quả làm tối kém. Ít TV LCD dùng LED viền mà có chất lượng hình ảnh tốt, hơn nữa khi so sánh với LED FALD cùng tầm giá thì không bằng.

Trong khi đó, các hãng Sony, LG, Samsung,... thường ưu tiên dùng LED FALD trên dòng cao cấp, đảm bảo màu đen và tương phản tốt nhất có thể. Về lý thuyết, số vùng làm tối càng nhiều càng tốt nên cũng thường có giá cao hơn LED viền. Bên cạnh đó, sự khác biệt về thuật toán kiểm soát đèn nền cũng tạo nên hiệu quả trình diễn khác nhau giữa các thương hiệu TV.

Bravia ZX1 là TV LCD đầu tiên trên thế giới dùng đèn nền LED viền (ảnh: Sony)

Thời gian gần đây, nhằm tăng cường hơn nữa hiệu quả làm tối màn hình LCD của đèn nền, người ta bắt đầu ứng dụng công nghệ miniLED. Việc thu nhỏ kích thước chip LED giúp nhồi nhét được nhiều LED lên hệ thống đèn nền hơn. Với hàng chục ngàn đèn LED bố trí theo kiểu FALD, số vùng làm mờ đạt tới hàng ngàn thay vì chỉ vài trăm như trước đây.

TV LCD miniLED nhờ thế có thể hạn chế đáng kể hiện tượng hở sáng, quầng sáng hay gặp trên LCD giá rẻ, màu đen cũng trở nên sâu hơn, tương phản cao hơn. Nhìn chung, lợi ích lớn nhất là giúp TV LCD tiến gần hơn đến cấp độ của màn hình OLED. Tuy vậy, thời gian đầu khi các TV LCD miniLED này xuất hiện, giá thành vẫn còn cao không kém OLED là mấy, làm giảm đi sự hấp dẫn của công nghệ mới.

Tuy nhiên, công nghệ LCD vẫn chưa phải đã chịu thua hoàn toàn OLED. Các nhà sản xuất đã sử dụng công nghệ chấm lượng tử (quantum dot) để cải thiện LCD. Dòng TV QLED của Samsung, TCL và gần đây có thêm LG QNED, đang khai thác chấm lượng tử dưới hình thái QDEF. Công nghệ này đem tới lợi ích tăng độ sáng và sản lượng màu, giúp LCD vượt xa OLED ở hai mặt này.

Sony Bravia XBR-X900A là TV đầu tiên trên thế giới áp dụng công nghệ chấm lượng tử (ảnh: Wired)

Mặc dù sử dụng những cái tên na ná OLED như "QLED" và "QNED" nhưng về bản chất, các TV này vẫn chỉ sử dụng màn hình LCD với hệ thống đèn nền dạng Edge LED hoặc LED FALD mà thôi. Một số mẫu cao cấp nhất có tên "Neo QLED" của Samsung hoặc dòng TV QNED của LG, sẽ trang bị thêm đèn nền miniLED. Không phải một loại TV với công nghệ màn hình mới!

Thực tế, các loại màn hình phát quang QNED (Quantum Nano Emitting Diode) và QLED (Quantum dot Light Emitting Diode) vẫn chưa được thương mại trên bất kỳ sản phẩm nào, bao gồm cả TV. Do vậy dù là TV QLED hay TV QNED, chúng đều thuộc nhóm LCD chứ không nên nhầm lẫn với TV OLED, sử dụng màn hình phát quang có các điểm ảnh có thể bật tắt.

Bên cạnh QNED mới giới thiệu, LG còn có một dòng TV giá rẻ hơn là NanoCell. Các TV NanoCell không sử dụng chấm lượng tử như TV QLED, thay vào đó là một lớp phủ tăng cường sản lượng gam màu đỏ. Chung quy cũng là để tái tạo màu sắc chính xác hơn, dồi dào hơn như mục đích của chấm lượng tử. Giá bán của loại này đã xuống rất thấp, dễ tiếp cận với đại đa số.

TCL là hãng TV đầu tiên áp dụng đèn nền miniLED lên TV LCD (ảnh: TCL)

Về giá bán, Samsung đã rải đều dòng TV QLED từ phân khúc bình dân cho tới cao cấp, tạo lợi thế cạnh tranh đáng kể so với OLED còn đắt đỏ. TCL thậm chí còn bán TV QLED với giá thấp hơn cả Samsung. Tuy nhiên, khi Samsung, TCL và LG bắt đầu tích hợp đèn nền miniLED vào vài mẫu LCD cao cấp, giá thành cao hơn hẳn và không kém OLED là mấy.

III - Kết luận

Nếu như bạn thuộc giới siêu giàu thì có thể chờ đợi TV microLED của Samsung, trong khi đại đa số người dùng khá giả phù hợp hơn với OLED. Cả hai đều là sản phẩm trang bị tấm nền phát quang, đem lại chất lượng hình ảnh hàng đầu thị trường TV hiện nay. Vấn đề duy nhất của loại này là mẫu mã kém đa dạng và hay thiếu hàng.

Đối với LCD, phân khúc bình dân có thể chọn các mẫu NanoCell, QLED,... Nếu ưu tiên chất lượng hình ảnh thì hãy hướng tới loại trang bị đèn nền LED FALD, đem lại khả năng kiểm soát ánh sáng chính xác hơn Edge LED. Còn ở phân khúc cao cấp, đèn nền miniLED trên Neo QLED và QNED là công nghệ cần chú ý.

Ambitious Man

Chủ đề khác