VnReview
Hà Nội

Những sai lầm đắt nhất khi mua đồ gia dụng

Mua sắm là một hoạt động thư giãn, vui vẻ và thú vị. Bạn hài lòng, sung sướng khi nghĩ mua được một món đồ giá tốt. Song dù thích hay ghét mua sắm, chắc chắn có ít nhất một lần trong đời bạn từng nuối tiếc thứ bạn mua.

Bởi vì sao? Khi nói đến mua sắm đồ gia dụng, người tiêu dùng, nhất là là phụ nữ, thường mua những thứ không cần thiết hoặc sai mục đích mà cuối cùng nó kết thúc ở dưới tủ bếp mà thậm chí không được sử dụng.

Do vậy, hãy kiểm tra những sai lầm thường xảy ra nhất trong khi mua sắm đồ điện tử gia dụng và học cách tránh để trở thành người mua sắm thông minh.

tủ lạnh

Khi mua tủ lạnh, ngoài vẻ về ngoài, bạn nên lưu ý đến chỉ số điện năng tiêu thụ của tủ

– Không được chuẩn bị. Nhiều người khi ra quyết định mua sắm chỉ biết mình cần mua sản phẩm gì, làm nhiệm vụ nào mà không tìm hiểu kỹ các thông tin cơ bản liên quan đến sản phẩm dẫn đến mua về sản phẩm không phù hợp với nhu cầu (thường là tốn tiền cho các tính năng không dùng đến), mua sản phẩm thương hiệu nổi tiếng nhất nhưng không phải là tốt nhất…

– Không để ý đến chính sách trả lại hàng. Không phải sản phẩm nào mua về bạn cũng hài lòng. Chẳng hạn bạn đã mua những thứ sau đó bạn quyết định không muốn. Nhưng trong nhiều trường hợp, bạn không thể trả lại sản phẩm bạn đã mua do bạn bỏ qua một khâu quan trọng trước khi mua: Tìm hiểu thông tin về chính sách trả hàng, đổi hàng.

– Không đọc đánh giá của người dùng và chuyên gia. Nhờ có Internet, nhiều người dùng sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm của mình về điểm mạnh, điểm yếu của sản phẩm bạn định mua. Ngoài ra, còn có những trang chuyên về đánh giá sản phẩm. Nếu bỏ qua nguồn tư vấn này, có nghĩa bạn đã bỏ qua nguồn một tư vấn đáng giá.

- Không tính đến chi phí vận hành. Giá một sản phẩm không chỉ là giá bán mà còn cả chi phí vận hành; trong suốt quãng đời của nó (tuổi thọ đồ gia dụng thường từ 10-15 năm trở lên). Cho nên mua được sản phẩm giá rẻ nhất chưa phải là giá tốt nhất. Chẳng hạn, bạn có thể chỉ phải trả thêm một vài triệu đồng cho một chiếc máy giặt lồng ngang nhưng bạn sẽ tiết kiệm được hóa đơn tiền điện và nước trong hàng chục năm so với mua máy giặt lồng đứng.

- Nhắm mắt mua mà không so sánh giá. Thông thường, bạn hay đến siêu thị điện máy để mua sắm đồ gia dụng vì nghĩ ở đó bán hàng đảm bảo chất lượng, bảo hành đàng hoàng. Tuy nhiên, có một thực tế không thể nghi ngờ là giá bán cùng một sản phẩm ở các siêu thị điện máy là rất khác nhau, có nơi chênh nhau đến hàng triệu đồng. Nhiều người bán hàng giải thích sự khác nhau là do chất lượng bảo hành sau bán hàng trong khi lờ đi thực tế chi phí thuê mặt bằng chiếm một phần không nhỏ trong giá bán sản phẩm. Còn về bảo hành, phần lớn sản phẩm sẽ được chuyển về bảo hành chính hãng. Do đó, trước khi mua bạn nên so sánh giá sản phẩm bạn định mua giữa các siêu thị chỉ bằng việc dành khoảng 5 phút lướt Web.

– Không kiểm tra số đăng ký sản phẩm để đảm bảo sản phẩm mình mua đúng với ghi trên bao bì và bảng giá. Thông thường, các cửa hàng có uy tín không dám "treo đầu dê, bán thịt chó", như giới thiệu cho khách hàng sản phẩm thông số này và giao hàng cùng loại nhưng có thông số khác kém hơn. Tuy nhiên, bạn không nên chủ quan, trước khi nhận hàng cần kiểm tra lại thông số sản phẩm để loại trừ khả năng người giao hàng nhầm lẫn.

– Mua thứ gì đó bạn không cần chỉ bởi vì nó giảm giá. Thích mua hàng giảm giá là tâm lý chung của người tiêu dùng, nhưng nó cũng có thể trở thành sai lầm đắt giá khi bạn mua sản phẩm giảm giá bất chấp nó có phù hợp với nhu cầu sử dụng. Chẳng hạn, bạn mua một chiếc nồi rán giảm giá nhưng về nhà mới thấy, nồi rán vệ sinh phức tạp, dùng nhiều dầu, tốn diện tích trong khi rán bằng chảo vừa tiết kiệm dầu, gọn gàng mà vẫn đáp ứng nhu cầu.

– Mua trọn gói hoặc khuyến mại thêm đồ gia dụng khác. Các cửa hàng, siêu thị đặc biệt bán đồ gia dụng lớn với giá thấp nếu bạn mua một tủ lạnh với một máy giặt cùng nhãn hiệu hoặc khuyến mãi tủ lạnh kèm lò vi sóng… Nghe có vẻ hấp dẫn nhưng nếu mua như vậy, có thể là bạn sẽ phải hy sinh hiệu suất bởi vì có những đồ gia dụng nhãn hiệu khác hoạt động tốt hơn. Và không loại trừ hàng khuyến mại đi kèm là sản phẩm "xả hàng", tức là nhà phân phối muốn tống bớt đi để giải phóng tồn kho.

– Bỏ qua hướng dẫn mua sắm sản phẩm. Các hướng dẫn mua sắm sản phẩm thường cung cấp cho bạn thông tin cơ bản về sản phẩm như loại sản phẩm, tính năng, tầm giá, nhãn hiệu đáng tin cậy, công suất, độ ồn... để từ đó bạn có thể biết được nên mua sản phẩm nào phù hợp với nhu cầu, túi tiền. Chúng tôi đã soạn hướng dẫn mua sắm hầu hết các sản phẩm điện tử tiêu dùng, đồ gia dụng. Bạn có thể tham khảo các tư vấn mua sắm của vnReview và hy vọng qua đó, bạn sẽ nhận được đầy đủ thông tin bổ ích trước khi mua sắm.

Châu Giang

Chủ đề khác