VnReview
Hà Nội

Các giải pháp thay thế Teamviewer tốt nhất

Thật bất tiện khi tài liệu quan trọng bạn cần lại đang nằm trong chiếc máy tính ở nhà hoặc những hướng dẫn sửa chữa máy tính của bạn qua điện thoại lại quá phức tạp đối với "những đứa bạn gà công nghệ"… Tuy nhiên vì khoảng cách địa lý, vì thời gian hoặc những lý do khác khiến bạn không thể trực tiếp thao tác hoặc hỗ trợ ngay được.

Vì vậy, các phần mềm điều khiển máy tính từ xa đã được ra đời cho phép kết nối máy tính từ xa và hỗ trợ kỹ thuật để khắc phục sự cố một cách thuận tiện, nhanh chóng, làm giảm công sức, thời gian của người hỗ trợ cũng như người được hỗ trợ.

Nhắc đến điều khiển máy tính từ xa nhiều người sẽ nghĩ ngay đến Teamviewer - phần mềm điều khiển từ xa máy tính nổi tiếng. Tuy nhiên còn có những phần mềm khác cũng có tính năng tương tự, thậm chí không hề thua kém.

1. LogMeIn

LogMeIn là một trong số những giải pháp điều khiển từ xa cũng được khá nhiều người sử dụng. Với khả năng cài đặt nhanh và dễ dàng điều khiển máy tính của người dùng từ bất kì trình duyệt nào. LogMeIn cho phép thực hiện mọi thao tác trên máy tính ở xa như thể bạn đang làm việc trực tiếp trên máy đó. Bạn có thể cài đặt phần mềm, tiện ích, thay đổi cấu hình hệ thống, in ấn từ xa... và cả lập lịch cho máy tính khởi động lại ở một thời điểm nào đó. Tiện ích truyền tập tin cho phép bạn sao chép trực tiếp giữa máy tính ở nhà và máy tính điều khiển từ xa. Tuy nhiên, bạn phải đăng ký với hãng để sử dụng được một số tiện ích này.

LogMeIn có nhiều chính sách cho phép người dùng lựa chọn các chế độ bảo mật khác nhau để phòng chống truy nhập trái phép vào hệ thống. Ứng dụng tạo ra danh sách các mật khẩu chỉ sử dụng một lần nếu bạn không an tâm khi sử dụng chung máy tính của người khác hoặc những máy tính tại dịch vụ công cộng. Ngoài ra, ứng dụng còn có tính năng cho phép bạn quay phim tất cả các thao tác truy xuất từ xa trong phiên làm việc và lưu lại với định dạng AVI.

Bên cạnh hiệu suất làm việc ổn định, ưu điểm lớn nhất của phần mềm điều khiển máy tính từ xa này là nó tương thích với nhiều nền tảng khác nhau: từ PC, điện thoại di động đến máy tính bảng. LogMeIn hiện có hai phiên bản miễn phí (Free) và phiên bản tính phí (Pro) dành cho máy tính hệ điều hành Windows và Mac. Phiên bản Pro (trả phí - giá 69,95 USD/năm) có thêm nhiều tính năng hơn so với bản miễn phí như khả năng kéo thả, đồng bộ tập tin, các công cụ hội thảo từ xa.

2. UltraVNC

UltraVNC là một ứng dụng điều khiển máy tính từ xa mã nguồn mở và chỉ dùng trên Windows. Nó hỗ trợ khá nhiều tính năng như chat, trao đổi tập tin. Điểm mạnh của UltraVNC là khả năng hỗ trợ các plugin. Mặc dù UltraVNC chỉ chạy trên Windows nhưng bạn vẫn có thể truy cập từ xa máy tính của mình trên các nền tảng khác thông qua sử dụng trình duyệt.

3. Splashtop

Với hơn 15 triệu người sử dụng trên toàn cầu, Splashtop là một trong các công cụ điều khiển máy tính để bàn từ xa được nhiều người tin dùng. Nó có tốc độ làm mới màn hình tuyệt vời và có cả khả năng truyền tải âm thanh hay video từ xa. Nếu bạn thường xuyên phải làm việc trong lĩnh vực giáo dục, Splashtop có một phiên bản đặc biệt có thể tạo ra cả một lớp học ảo và nó cũng có những phiên bản khác cho cá nhân, doanh nghiệp.

4. Weezo

Là cái tên khá "quái dị" của một phần mềm truy cập từ xa miễn phí. Sau khi cài đặt máy khách (client) Windows, bạn có thể truy cập vào thư mục cũng như kiểm soát con; chuột (của máy tính khác) thông qua trang web Weezo của người dùng. Hầu hết các hoạt  động đều diễn ra ở trang web này nên bạn không cần phải cài đặt thêm bất kì chương trình gì hay phải nhớ IP, số phiên.

5. Chrome Remote Desktop

Chrome Remote Desktop là một trong những công cụ hỗ trợ từ xa nhưng chỉ dành riêng cho các máy tính đang cài đặt trình duyệt Chrome của Google. Đây thực ra là một tiện ích mở rộng của Google Chrome cho phép bạn dễ dàng truy cập vào những máy tính khác mà không cần phải ngồi "kè kè" bên cạnh. Để sử dụng công cụ này, máy tính hai phía đều cần phải được cài đặt ứng dụng Chrome Remote Desktop. Phía máy cần hỗ trợ phải mở ứng dụng này trong một thẻ mới và nhấn tùy chọn "Enable Remote Connections" để cho phép các kết nối từ xa.

Sau đó, cần phải nhấn nút Share phía trên để chia sẻ máy tính với người khác và sẽ được ứng dụng cung cấp một mã truy xuất. Sau khi được phía bên kia cung cấp mã truy xuất, bạn cần phải mở ứng dụng Chrome Remote Desktop trên máy của mình, nhấn chọn nút Access và nhập mã đã được cung cấp. Giờ đây, bạn đã có thể kết nối máy tính của mình với phía bên kia. Bạn cũng cần phải thiết lập một mã PIN để có thể truy xuất từ xa vĩnh viễn. Tương tự TeamViewer, công cụ này cũng hỗ trợ nhiều nền tảng như Windows, Mac, Linux và thậm chí cả Chrome OS.

6. Windows Remote Desktop Connection

Đây là một ứng dụng truy cập từ xa được tương thích ngay trên chính hệ điều hành Windows, do đó với Windows Remote Desktop Connection, bạn không cần phải tải thêm bất kì một chương trình bổ sung nào.

Ứng dụng này cho phép truy xuất từ xa vĩnh viễn nhưng đòi hỏi máy tính bên kia phải chạy phiên bản Windows Professional trở lên. Giải pháp này cũng yêu cầu thao tác mở cổng (port forwarding) trên bộ định tuyến để máy tính có thể truy xuất được từ Internet.

Để kết nối đến máy tính ở xa bằng Remote Desktop Connection, máy tính đó phải đang mở và có kết nối mạng, đồng thời tính năng Remote Desktop trên máy đó cũng phải đang được kích hoạt. Để kích hoạt tính năng bạn vào Control Panel > System and Maintenance > Remote settings. Sau đó, bạn phải được phía bên kia cấp quyền để kết nối.

7. AnyDesk

có đến 4 phiên bản sử dụng bao gồm Free (miễn phí), Lite (rút gọn), Professional (chuyên nghiệp) và Enterprise (doanh nghiệp). Phiên bản AnyDesk FREE sẽ rất phù hợp với cá nhân.

AnyDesk có một lợi thế chính là việc không cần cài đặt, người dùng chỉ cần tải về (dung lượng của ứng dụng khá nhỏ) và sử dụng được ngay.

Xét về giao diện thì có thể AnyDesk không sánh bằng Team Viewer, nhưng nó cũng không đến nỗi tệ khi được thiết kế giống như một cửa sổ trình duyệt web ở đó có hai lựa chọn gồm ô cung cấp dãy số cùng ô nhập mã số cần thiết khi kết nối máy tính với nhau. Để kết nối đến một máy tính khác thì cả hai chiếc máy tính đều phải đang mở AnyDesk.

Cách sử dụng ứng dụng này tương tự như Team Viewer, người dùng chỉ cần bật ứng dụng rồi gửi dãy số ở dòng This Desk sang cho bạn, bạn chỉ việc dán mã số ấy nên ô Remote Desk và nhấn Connect là xong.

Ngoài ra, nếu muốn cài đặt luôn AnyDesk vào máy tính thì người dùng chỉ cần ấn vào dòng chữ Install AnyDesk on this computer. Sau đó có thể tự thiết lập những tùy chỉnh hoặc giữ nguyên mặc định rồi ấn Accept & Install cho việc cài đặt.

AnyDesk chỉ sử dụng cho hệ điều hành Windows. Tuy nhiên cũng đã có nhiều thông tin cho biết sẽ có các phiên bản tiếp theo dành cho các hệ điều hành như Android, MacOS X, Linux, và iOS.

Tổng hợp

Chủ đề khác