VnReview
Hà Nội

5 nâng cấp công nghệ nên tránh để tiết kiệm chi phí (phần 2)

phần 1, chúng ta đã bàn về các yếu tố công nghệ nên tránh nâng cấp để tiết kiệm chi phí bao gồm dung lượng lưu trữ, vi xử lý (CPU) và card đồ họa (GPU). Phần tiếp theo của bài viết sẽ đề cập đến các yếu tố còn lại cũng góp phần tiết kiệm chi phí không kém các yếu tố trên.

Bộ nhớ

Trước kia, bổ sung thêm bộ nhớ là lời khuyên được đưa ra nhiều nhất cho việc cải thiện hiệu suất của máy tính. Và đó là một lời khuyên đúng đắn ở thời điểm hầu hết các máy tính đều chỉ được xuất xưởng với 1GB hoặc 2GB RAM.

Hiện nay, rất khó tìm được một chiếc máy tính mới có dung lượng RAM ít hơn 8GB. Tuy nhiên, thiết bị của bạn có thể có ít hơn 8GB RAM hoặc có thể nhiều hơn, đặc biệt nếu bạn đã mua nó cách đây vài năm.

Thay vì mua RAM cho máy tính, bạn có thể sử dụng chức năng trên Windows gọi là "virtual memory (bộ nhớ ảo)" hoặc chức năng tương tự trên Linux với tên gọi "swap area" hoặc "swap partition." Mặc dù tên gọi khác nhau, về cơ bản cách thức làm việc của chúng là tương tự nhau. Cụ thể, chúng sẽ lấy một phần không gian lưu trữ nhất định trên ổ cứng, bảo lưu và sử dụng như "RAM bổ sung" khi cần thiết. Nếu bạn có một ổ cứng dung lượng lớn và còn nhiều không gian trống, đây là một tùy chọn rất tuyệt vời dành cho bạn.

Vậy, tại sao chúng ta không bỏ RAM và sử dụng ổ cứng ngay từ đầu? Bởi vì RAM nhanh hơn ổ cứng. Thông thường, bộ nhớ ảo chỉ được sử dụng trong trường hợp "khẩn cấp," khi RAM thực đã hoàn toàn bị đầy, hoặc để đổ những nội dung của RAM vào ổ cứng chuẩn bị cho chế độ ngủ đông (hibernation).

Có thể bạn sẽ nghĩ rằng sử dụng SSD trong trường hợp này sẽ giúp tăng tốc mọi thứ vì chúng nhanh hơn ổ cứng truyền thống, nhưng đó là điều không được khuyến khích, bởi vì việc sử dụng ổ cứng làm RAM ảo sẽ làm tăng số lượng các hoạt động đọc/ghi dữ liệu, vốn là một trong những yếu tố làm giảm tuổi thọ của SSD nhanh hơn cách sử dụng bình thường.

Thay vào đó, bạn có thể sử dụng RAID 0 như đã đề cập ở mục 1 của phần 1 để nâng cao hiệu suất của ổ cứng truyền thống. Càng nhiều ổ cứng bạn có trên một hệ thống RAID 0, tốc độ sẽ càng gần hơn với RAM thực.

Nếu bạn không thể thiết lập RAID, đồng thời bạn nhận thấy bộ nhớ ảo được sử dụng rất thường xuyên và làm chậm máy tính của bạn một cách đáng kể, hãy nghĩ đến việc nâng cấp RAM.

Wi-Fi

Hiện nay, hầu như mọi thiết bị di động, laptop và cả một số dòng máy tính để bàn đều được tích hợp sẵn khả năng Wi-Fi để kết nối với thế giới bên ngoài. Nhưng chúng ta biết rằng Wi-Fi là công nghệ không ngừng tiến hóa. Chuẩn 802.11ac mới nhất hiện giờ có tốc độ lên đến 1300 Mbps, nhanh hơn gấp nhiều lần so với chuẩn tiền nhiệm 802.11b có tốc độ tối đa chỉ vào khoảng 11 Mbps. Các chuẩn Wi-Fi tương lai đang được phát triển được cho là đã đạt được tốc độ theo thử nghiệm là 10503 Mbps (10.53 Gbps).

Vậy khi nào bạn nên nâng cấp thiết bị Wi-Fi của mình? May thay, nâng cấp Wi-Fi thường thong thả hơn các loại nâng cấp khác bởi phải mất khá nhiều năm trước khi một chuẩn Wi-Fi mới chính thức được đưa vào sử dụng. Và thậm chí khi đó, chúng tôi cho rằng, nếu bạn đang sử dụng chuẩn Wi-Fi thấp hơn một "thế hệ," bạn vẫn không gặp bất kỳ vấn đề gì. Chẳng hạn, chuẩn mới nhất hiện giờ là 802.11ac, nhưng nếu bạn vẫn đang sử dụng chuẩn 802.11n, vốn cũ hơn, bạn cũng không cần phải nâng cấp.

Bất kỳ ai đang sử dụng một chuẩn bất kỳ thấp hơn 802.11n có lẽ nên nghĩ đến việc nâng cấp. Khi chuẩn tiếp theo được đưa vào sử dụng, những ai đang sử dụng chuẩn Wi-Fi thấp hơn 802.11ac có lẽ nên nâng cấp. Thiết bị của bạn càng mới, việc nâng cấp sẽ càng dễ và càng tiết kiệm được nhiều chi phí hơn.

Nếu bạn có đủ khả năng để nâng cấp mỗi khi một chuẩn Wi-Fi mới được đưa vào sử dụng, chúng tôi khuyên bạn chỉ nên nâng cấp khi phần lớn các thiết bị của bạn đều thương thích với chuẩn mới. Nếu bạn có một router mới, nhưng không thiết bị nào của bạn tương thích với chuẩn mới, bạn đang lãng phí cho công nghệ mới bạn không thể sử dụng.

Hãy đợi đến khi hầu hết các thiết bị bạn sở hữu đều đã hỗ trợ chuẩn mới, đồng thời chuẩn mới cũng đã được đưa vào sử dụng khoảng một thời gian, hãy thực hiện nâng cấp.

Nâng cấp khi bạn thật sự cần

Như bạn thấy, chúng tôi không tập trung nhiều vào việc bạn có nên nâng cấp toàn bộ thiết bị hay không, thay vào đó mỗi thiết bị chỉ có một số thành phần cần được nâng cấp.

Vấn đề bạn gặp phải thường chỉ đến từ thành phần đó, do vậy nếu bạn xác định được nó và xử lý, bạn chắc chắn sẽ tiết kiệm được rất nhiều. Điều này thậm chí còn đúng hơn với những thiết bị không thể nâng cấp từng thành phần riêng lẻ. Bạn không cần phải mua thiết bị mới trong khi có những vấn đề bạn có thể xử lý được hoặc có thể chấp nhận được.

Đối với những thành phần như camera bên trong thiết bị, bạn chỉ cần xác định nhu cầu của bản thân, liệu camera hiện tại có hoạt động và có đủ tốt. Hẳn nhiên, ở ngoài kia luôn luôn có nhiều tùy chọn tốt hơn, nhưng nếu nó vẫn đáp ứng được nhu cầu của bạn, hãy tiết kiệm.

Bài liên quan:

>> 5 nâng cấp công nghệ nên tránh để tiết kiệm chi phí (phần 1)

Hiền Lê

Chủ đề khác