VnReview
Hà Nội

Lỗi “500 Internal Server Error” là gì? Bạn có thể tự khắc phục không?

Đừng lo lắng bởi đó là sự cố đến từ trang web mà bạn truy cập. "500 Internal Server Error" không phải lỗi do trình duyệt, máy tính hay đường truyền mạng.

Vậy thì ý nghĩa của "500 Internal Server Error" là gì?

Theo How To Geek, nếu dòng chữ "500 Internal Server Error" xuất hiện, đơn giản website đó đang bị lỗi.

Lỗi 500 được thể hiện ở nhiều dạng khác nhau, nhưng đều cùng mang một ý nghĩa: "500 Internal Server Error", "500 Error", "HTTP Error 500", "500. That's an error", "Temporary Error (500)" hoặc đơn giản chỉ là "500". Một số trang web còn dùng những hình ảnh vui vẻ để thể hiện lỗi 500 giúp người dùng bớt khó chịu và căng thẳng khi gặp nó.

Tóm lại, đây là một lỗi chung chung với mã trạng thái là HTTP 500, xuất hiện khi máy chủ trang web bị lỗi và nó không thể cung cấp thêm thông tin gì. Thay vì hiện ra một trang web bình thường, máy chủ sẽ gửi trang lỗi 500 đến trình duyệt và hiện nó lên màn hình của bạn.

Làm sao để khắc phục?

Do là lỗi đến từ trang web nên bạn không thể tự khắc phục nó, người quản trị hoặc phụ trách kỹ thuật website sẽ làm việc này.

Tuy nhiên, vẫn có cách giải quyết vấn đề. Có thể có quá nhiều người truy cập dẫn đến quá tải máy chủ, bạn chỉ cần chờ vài phút rồi tải lại website bằng nút Tải lại hoặc phím tắt F5, nhiều khả năng lỗi 500 sẽ được tự khắc phục và trang web có thể vào bình thường.

Một điều cần lưu ý: Không nên tải lại website bị lỗi 500 khi đang tiến hành thanh toán hoặc giao dịch vì nó có thể thực hiện 2 giao dịch giống nhau. Một số website có thể dừng giao dịch khi sự cố xảy ra, nhưng rắc rối có thể xuất hiện ra khi trang web gặp lỗi trong lúc đang giao dịch.

Nếu đã tải lại nhưng vẫn gặp lỗi này, có lẽ bạn nên đợi lâu hơn một chút trước khi truy cập lại. Trang web có thể gặp vấn đề và người quản trị website sẽ phải sửa nó. Đợi vài tiếng hoặc vài ngày rồi vào lại xem có hết không.

Bạn cũng có thể liên hệ trực tiếp với người quản trị website để phản ánh lỗi và yêu cầu họ sửa càng nhanh càng tốt. Nếu website bị lỗi, không chỉ bạn mà người khác cũng phải chịu chung lỗi, do đó người quản lý website buộc phải sửa nó nếu không muốn làm khách truy cập khó chịu.

Ví dụ, nếu website của một doanh nghiệp gặp lỗi, bạn có thể gọi điện hoặc gửi email đến doanh nghiệp đó. Nhiều doanh nghiệp hiện nay đều sử dụng Facebook hoặc Twitter, bạn có thể nhanh chóng báo cáo lỗi với họ.

Xem bản lưu cache của trang web

Trong trường hợp cấp bách cần truy cập mà bị lỗi, bạn có thể xem bản lưu của trang web bằng nhiều cách khác nhau. Cách này chỉ dành cho các trang web tĩnh (static website) hoặc những bài báo cũ, đối với một số trang web động (dynamic website) hay trang tin tức cập nhật theo thời gian thực, cách này chắc chắn sẽ không hiệu quả.

Bạn có thể sử dụng Google Cache để truy cập bản lưu cache của một trang web nào đó. Tìm kiếm trang web mà bạn cần, click vào nút mũi tên kế bên đường link rồi chọn Bản lưu (Cached) để xem chúng, có thể chọn chế độ xem Text-only version để trang web tải nhanh hơn, không cần tải hình ảnh.

Ngoài Google Cache, một số công cụ lưu cache trang web khác cũng rất hiệu quả như Wayback Machine.

Nếu là người phụ trách kỹ thuật trang web, bạn phải mất một thời gian để khắc phục bởi có thể không chỉ một mà có nhiều nguyên nhân gây ra lỗi này. Sự cố thường đến từ file .htaccess, thiết lập sai quyền hạn cho file và thư mục trên máy chủ, gói phần mềm cần thiết cho website không được cài đặt hoặc hết thời gian chờ khi kết nối với các tài nguyên bên ngoài, vì vậy cần kiểm tra file log trên máy chủ, thực hiện nhiều bước xác định sự cố để có được cách giải quyết hợp lý.

Phúc Thịnh

Chủ đề khác