VnReview
Hà Nội

Tại sao bạn nên cân nhắc mua Mac nếu đang dùng iPhone?

Bạn có thể làm những điều hay ho với chiếc iPhone của mình, nhưng nếu kết hợp nó với một chiếc máy tính Mac, mọi thứ sẽ còn thú vị hơn rất nhiều nữa.

Thật vậy, khi ghép nối hai loại thiết bị Apple này lại với nhau, bạn có thể thực hiện cuộc gọi hoặc nhắn tin ngay trên desktop, truyền tải tập tin mà không cần bất kỳ sợi cáp nào, hoặc tự động đồng bộ thẻ tín dụng và các thông tin đăng nhập. Nếu bạn là một người dùng iPhone, và bạn đang tìm mua một chiếc máy tính mới, đã đến lúc quên đi Windows và chọn ngay máy Mac hoặc MacBook.

Trải nghiệm nhắn tin, gọi điện, và FaceTime không gián đoạn

Tại sao phải lúng túng với cả rổ thiết bị khi bạn có thể làm mọi thứ từ máy Mac? Hệ điều hành macOS được cài sẵn ứng dụng Messages (trước đây là iMessage), cho phép bạn nhắn tin, gọi điện, và thực hiện cuộc gọi FaceTime mà không cần phải cầm điện thoại trên tay. Bạn thậm chí có thể gõ một tin nhắn trên iPhone, và tiếp tục hoàn thành rồi gửi nó đi trên máy Mac!

Nhắn tin và gọi điện từ máy Mac sẽ giúp bạn không phải tìm đến chiếc điện thoại trong khi đang làm việc trên máy tính, và ứng dụng Messages tích hợp sẵn này là một vị cứu tinh nếu bạn xui xẻo làm mất hoặc làm hỏng điện thoại. Ngoài ra, trên macOS, bạn có thể bấm chuột vào bất kỳ số điện thoại nào đang thấy trong trình duyệt để thực hiện cuộc gọi trên điện thoại - quả là tiện lợi khi bạn có thể tiết kiệm thời gian rút điện thoại ra khỏi túi rồi mò mẫm gõ lại số điện thoại kia.

Apple cho phép bạn thay đổi các tuỳ chọn thông báo đối với cuộc gọi và tin nhắn nếu không muốn bị phân tâm khi sử dụng máy tính. Bạn cũng có thể tắt hoàn toàn chức năng đồng bộ Messages nếu không hào hứng với điều này.

Truyền tải tập tin dễ dàng bằng AirDrop và iCloud

Hầu hết người dùng iPhone đã quen thuộc với AirDrop, công cụ cho phép bạn "bắn" các tập tin, ảnh, hay website đến các iPhone gần đó. Nhưng bạn có biết AirDrop cũng hoạt động trên Mac hay không? Bạn có thể gửi bất kỳ thứ gì bạn muốn trực tiếp từ máy Mac mà không phải cài thêm các ứng dụng khác, hoặc cắm thêm những sợi cáp rắc rối.

Tất nhiên, bất kỳ thứ gì được sao lưu lên iCloud sẽ ngay lập tức hiện diện trên máy Mac. Nếu đặt iPhone tự động sao lưu ảnh và tài liệu lên đám mây, thì bạn chỉ cần mở Finder (phiên bản File Explorer của macOS) và chọn các tài liệu bạn muốn xem chứ không cần đến AirDrop. Đây là một giải pháp hai chiều, do đó các tài liệu được lưu lên đám mây từ máy Mac của bạn cũng sẽ hiện diện trên iPhone.

Bên cạnh AirDrop và iCloud, Mac còn được trang bị một công cụ gọi là Continuity Camera, giúp biến iPhone của bạn thành một camera hoặc máy scan tài liệu phục vụ các ứng dụng desktop khác như Mail, Message, Notes, Pages, Keynote và Numbers. Ví dụ, nếu bạn đang làm việc trên một slideshow và cần có ngay một bức ảnh chụp chú chó đang nuôi, bạn có thể chụp ảnh nó bằng iPhone và thấy nó hiện ra trong tài liệu đang mở trên Mac.

Tự động đồng bộ ghi chú, các giao dịch đã thực hiện, và nhiều thứ khác

iPhone và Mac không chỉ đồng bộ được tin nhắn văn bản hay các tập tin iCloud với nhau. Bởi cả máy Mac lẫn iPhone của bạn đều được liên kết đến cùng một Apple ID, tất cả các ứng dụng viết cho hệ sinh thái Apple cũng sẽ tự động đồng bộ giữa hai thiết bị. Email, ghi chú, các mật mã và thẻ tín dụng đã lưu sẽ luôn sẵn dùng bất kể bạn đang sử dụng thiết bị nào, giúp bạn tiết kiệm được những khoảng thời gian quý giá.

Các giao dịch đã thực hiện cũng sẽ được đồng bộ giữa các thiết bị Apple, do đó bất kỳ eBook, phim, hay nhạc bạn đã mua trên iPhone đều truy cập được trên máy Mac. Và bởi những máy Mac mới dùng chip M1 có thể chạy tốt các ứng dụng iOS, bạn có thể chơi game hay sử dụng các ứng dụng chuyên nghiệp trên iPhone và sau đó chuyển sang dùng chúng trên máy tính mà không cần mua thêm lần nữa.

Dù ghép nối iPhone với máy Mac là phương thức dễ dàng nhất để đồng bộ tin nhắn, cuộc gọi, tập tin, thông tin đăng nhập, và thông tin thẻ tín dụng trên nhiều thiết bị, cần lưu ý rằng bạn vẫn có thể thực hiện được nhiều điều nói trên mà không cần máy Mac. Bạn có thể sử dụng một dịch vụ như LastPass để đồng bộ thông tin đăng nhập và thông tin thẻ tín dụng giữa các thiết bị, Dropbox để chia sẻ các tập tin thông qua đám mây, và một dịch vụ nhắn tin bên thứ ba để nhắn tin từ máy tính. Nếu không mặn mà gì với Apple, bạn có thể dùng máy tính Windows và điện thoại Android để ghép nối với nhau mà chẳng gặp chút khó khăn nào.

Dẫu vậy, hệ sinh thái Apple nổi bật ở tính dễ dàng và sự lôi cuốn. Chúng hoạt động một cách mượt mà và thanh thoát, không đòi hỏi bạn phải cài đặt thêm các phần mềm bổ trợ hay đăng ký các gói subscriptions đắt đỏ. Và trải nghiệm của bạn sẽ càng tăng lên khi bạn thêm nhiều thiết bị Apple vào bộ sưu tập - bạn có thể sử dụng một chiếc iPad làm màn hình không dây cho máy Mac, hay sử dụng Apple Watch để tự động đăng nhập vào máy Mac mà không cần gõ mật mã hay sử dụng thiết bị đọc vân tay.

Minh.T.T;theo ReviewGeek

Chủ đề khác