VnReview
Hà Nội

Những công ty mơ về 'xe bay'

Giấc mộng được bay lên trời một cách tự do mà không phải tốn công mua vé rồi xếp hàng và chỉ bay những quãng đường xa xôi thực tế đã có từ rất lâu. Rất nhiều công ty đang có tham vọng biến những hành trình ngắn trên không thành hiện thực.

Một trong số đó là Uber. Công ty kinh doanh dịch vụ vận tải chia sẻ của Mỹ này đang có những khoản đầu tư lớn vào xe bay. Họ vừa thuê lại Mark Moore, một kỹ sư hàng không cao cấp của NASA ở Trung tâm Nghiên cứu Langley, để phát triển dự án xe bay của hãng với tên gọi Uber Elevate. Tuy vậy, nó không phải là một chiếc "xe" có thể chạy bon bon trên đường khi người ở trong đã "chán" bay, mà là một thiết bị bay có thể cất/hạ cánh thẳng đứng (VTOL) tương tự những chiếc trực thăng hiện đại. Mục đích chính của phương tiện này là giúp người đi thực hiện những hành trình ngắn trong đô thị, đặc biệt là giữa các toà cao ốc chứ không phải để thay thế hoàn toàn xe truyền thống. Hồi 2010, Moore đã công bố bản phác thảo về phương tiện VTOL bay bằng điện này.

Song, không chỉ có Uber hay Moore mơ về những cỗ máy bay cá nhân trên. Rất nhiều công ty công nghệ khác cũng có khát vọng tương tự.

1. eVolo

Sản phẩm mà công ty Đức này phát triển gần giống một chiếc trực thăng hơn là "xe", vì nó không có bánh để chạy cũng như chuyển hướng trên mặt đất. Volocopter như tên gọi của nó, có 18 cánh quạt cỡ nhỏ và có thể chở được 2 người. Sức mạnh của nó đến từ bộ pin được ghép từ 6 khối pin nhỏ, cho phép hoạt động liên tục tới 20 phút. Tuy vậy con số này không đủ để đáp ứng nhu cầu di chuyển thực tế. Do vậy eVolo đang cố gắng nâng cấp thời lượng bay lên đến 1 giờ.

Hiện tại hãng đang thử nghiệm phiên bản có người lái (giúp đảm bảo an toàn bay nhưng sẽ giảm tải trọng) tại Đức và hướng đến mục tiêu đi vào sản xuất trong 2018. Chiếc Volocopter hoàn chỉnh sẽ có tốc độ tối đa dự kiến tới 100 km/h. Nó có 130 cảm biến độc lập được xử lý bằng máy tính và được kỳ vọng có thể bay mà không cần phi công lái (cho phép chở được nhiều hơn).

2. Airbus

Cũng dựa trên kiểu cất cách thẳng đứng, nhưng dự án Vahana của hãng hàng không châu Âu có vẻ gọn gàng hơn và chỉ chở được 1 người. Do đó, tính năng bay không người lái là điều bắt buộc mà Vahana phải có. CEO Rodin Lyasoff của A3, một công ty con của Airbus, cho biết họ sẽ cho bay thử nghiệm một phiên bản Vahana có kích thước hoàn thiện trong 2017 này. Trong khi đó, Zach Lovering, người giám sát toàn bộ dự án, kỳ vọng nhóm nghiên cứu sẽ có sản phẩm thực tế vào 2020.

Vahana sẽ là một phương tiện bay bằng điện với 8 cánh quạt và được thiết kế để đạt được tới độ cao 300 mét. Và để có thể tự bay không cần người điều khiển, nó sẽ được trang bị cả radar lẫn lidar (một kỹ thuật do thám sử dụng laser để đo khoảng cách) để tránh các chướng ngại vật.

Bên cạnh dự án Vahana, Airbus hiện cũng đang phát triển một dự án "bus trên không" khác với tên CityAirbus. Phương tiện bay này sẽ dành cho số đông thay vì đơn lẻ như Vahana, nhiều hành khách có thể bay chung cùng một chuyến trên CityAirbus. Tương tự như xe bus dưới mặt đất, hàng khách của CityAirbus sẽ phải tìm đến các bãi đáp và chờ nó hạ cánh để nhận/trả khách.

Trên trang chủ của mình, Airbus mô tả CityAirbus trước tiên sẽ được điều kiện bởi phi công thật. Nhưng khi các điều luật quy định an toàn giao thông được thông qua, họ sẽ tung ra phiên bản không cần người lái.

3. EHang

Dù thoạt nhìn, khoang hành khách của thiết bị bay đến từ Trung Quốc này có vẻ giống một chiếc xe mini, song nó vẫn dựa trên cơ chế VTOL như các mẫu đã nêu. Chiếc drone bay cỡ lớn của EHang chỉ có càng đáp chứ không có bánh xe. Về thông số kỹ thuật, nó có tải trọng tới 100 kg, tốc độ tối đa 100 km/h, trần bay cao 3350 mét.

Tương tự mong muốn của Uber, thiết bị bay của EHang cho phép hành khách ở bên trong tự chọn địa điểm cần đến và chỉ việc ngồi cho đến khi nó hạ cánh. Hiện phiên bản thử nghiệm của EHang đã được kiểm tra ở Trung Quốc. Song công ty này đang xin Uỷ ban Hàng không Liên bang (Mỹ) cấp phép để tiến hành thử nghiệm tiếp ở Mỹ.

4. Terrafugia

So với mọi mẫu tương tự trực thăng ở trên, thì ý tưởng của Terrafugia mới thực sự gọi là "xe bay". Tất nhiên nó sẽ có khả năng cất cánh, bay và hạ cánh. Nhưng ngoài ra, nếu bạn cảm thấy không "thích" bầu trời nữa thì TF-X vẫn cho phép bạn chạy phương tiện này trên đường bộ như một chiếc xe thông thường. Tuy vậy sản phẩm của Terrafugia chỉ có khả năng bay không người lái, ở trên mặt đất bạn phải tự tay lái nó.

Phương tiện bay/chạy kết hợp này có tầm hoạt động 160 km. May mắn là nó cũng cất cánh thẳng đứng được nên bạn không phải lo ngại vấn đề tìm "đường băng" như máy bay thông thường. Lúc đã "trên trời", bạn chỉ cần nhập địa điểm cần đến và TF-X sẽ tự động hoàn tất phần còn lại. Công ty Mỹ này dự kiến phiên bản hoàn thiện sẽ có mặt vào 2025.

5. Đồng sáng lập Larry Page của Google

Cho đến lúc này, chưa rõ phương tiện bay có bánh xe chạy được trên mặt đất mà cộng đồng mạng vô tình chụp được tại California hồi tháng 10/2016 là của Google, Alphabet hay là một dự án kinh doanh riêng của Larry Page. Chỉ biết rằng các nhân chứng đã thấy phương tiện trên cất cánh thẳng đứng, lơ lửng trong không gian rồi đáp ngược trở lại mặt đất. Hiện vẫn còn quá nhiều bí mật về nó. Có thông tin cho rằng một bản thiết kế tương tự đã được đăng ký với Văn phòng Thương mại & Bản quyền (Mỹ) hồi 2011.

Còn các bạn, các bạn ấn tượng và kỳ vọng vào mẫu thiết kế nào nhất? Hãy cho chúng tôi biết ở phần bình luận nhé!

Huyền Thế

Chủ đề khác