VnReview
Hà Nội

Tâm sự và chiêm nghiệm của một fan cuồng Grado (phần cuối)

Từ một thú vui suốt ngày bị bố mẹ... than phiền mà tôi học được bài học về sự bình yên. Rồi tôi ngẫm nghĩ về lòng tự hào của mình.

Từ một thú vui suốt ngày bị bố mẹ... than phiền mà tôi học được bài học về sự bình yên. Rồi tôi ngẫm nghĩ về lòng tự hào của mình.

GR10 rất tôt nhưng tôi rất tiếc (rằng bass hơi ít).

Một trong những suy nghĩ sai lầm nhất mà tôi đã từng thấy ở bạn bè, người thân và đồng nghiệp hay bất kỳ ai có tình yêu âm nhạc (tức là tất cả mọi người, không chừa một ai) là "mua tai nghe thì chỉ mua một cái tốt tốt vừa vừa với túi tiền rồi thôi".

Áp dụng vào bản thân: dù đã thôi coi Metal làm thể loại chính của mình nhưng cho đến giờ tôi vẫn giữ nguyên vẹn tình yêu với Grado. Đi kèm với tình yêu này là quá trình nâng cấp có phần vô tội vạ: khi nhìn vào biểu đồ phía dưới, bạn có thể thấy rằng ngoại trừ thời gian đầu, quá trình "nâng cấp" phía sau của tôi thực chất không phải là nâng cấp. Điều này thể hiện một sự thật rất rõ ràng về tai nghe: không phải tai nghe cứ đắt tiền hơn thì sẽ xịn hơn. Thực tế, mỗi chiếc tai nghe đều có giá trị của riêng mình, bất kể giá tiền là ở mức nào.

Ví dụ, tôi đang chuẩn bị cho chiếc in-ear GR10 (giá gốc gần 9 triệu đồng, giá mua cũ... bí mật) "lên sàn" vì chiếc tai nghe này quá thiếu bass. Đeo GR10 lên tai mà tôi không thể ngừng tưởng nhớ về iGi, chiếc in-ear có giá chưa đến 2 triệu đồng của Grado. Âm thanh của iGi không thực sự thoáng đãng, mức độ cách âm của chiếc in-ear giá tương đối mềm này cũng thua kém hẳn so với GR10. Ấy vậy mà iGi vẫn đáng sở hữu hơn GR10 chỉ vì một lý do duy nhất: chiếc tai nghe này có chất âm đặc trưng của "nhà Grado", trong khi GR10 thì lại quá thiếu bass và không thể "đập Rock" được.

Từ một thú vui suốt ngày bị bố mẹ... than phiền mà tôi học được bài học về sự bình yên. Rồi tôi ngẫm nghĩ về lòng tự hào của mình.

Không hiểu sao tôi luôn luôn bị hút vào các phiên bản của 325 như 325is, 325e và MS2

Ấy vậy mà chỉ vài tháng trước, tôi vẫn còn nhịn ăn nhịn mặc để mua lại GR10 này với niềm háo hức rằng mình sắp làm chủ một chiếc in-ear cao cấp nhất của hãng tai nghe mà mình yêu thích. Xét cho cùng thì cảm giác khi người ta hỏi "Cái này mày mua giá bao nhiêu" vẫn là có thật. Đó là còn chưa kể tới những lần đầu tiên được thử nghiệm một âm thanh mới, suy nghĩ mãi về nó và cuối cùng là chỉ cảm thấy bình yên khi đã rước được chiếc tai nghe mơ ước kia về nhà.

Nhưng chơi mãi, mua mãi và bán mãi rồi tôi cũng nhận ra rằng, có theo đuổi đến bao lâu thì cuối cùng nhu cầu của bạn vẫn sẽ tiếp tục thay đổi. Ngày hôm nay bạn yêu Classical, ngày mai bạn yêu Indie, và thế là lại phải mua tai nghe mới. Ngày hôm nay bạn mua một chiếc in-ear vì chiếc SR60i của bạn để lọt âm quá nhiều, ngày mai bạn lại phải mua tai nghe on-ear vì đeo in-ear cộm tai không chịu nổi. Cứ như thế, hành trình tai nghe vẫn cứ kéo dài mãi, và bạn sẽ chẳng bao giờ cảm thấy "đủ" cả.

Có lẽ, để cảm thấy "đủ" với tai nghe, bạn có thể lấy vợ và chuyển sang chơi dàn âm thanh giống như thằng bạn tôi. Hoặc, bạn sẽ phải trải nghiệm đủ nhiều để nhận ra rằng hành trình của mình không có điểm dừng, và rằng bạn chỉ có thể học cách bằng lòng với những gì mình đang có. Hoặc, bạn có thể trở thành một fan cuồng và trải qua hết tất cả các cung bậc Grado, giống như tôi chẳng hạn. Khi trải qua tất cả, bạn sẽ biết mình thực sự cần gì. Và đó sẽ là "đủ", dù rằng tôi vẫn thiếu một chiếc in-ear Grado.

Từ một thú vui suốt ngày bị bố mẹ... than phiền mà tôi học được bài học về sự bình yên. Rồi tôi ngẫm nghĩ về lòng tự hào của mình.

Khi bạn đã đi qua tất cả, bạn biết mình cần gì. Không phải lúc nào đồ càng đắt thì cũng là càng tốt.

Nhưng trong tương lai gần, tôi sẽ không mua một chiếc in-ear Grado nào cả. Những dòng tâm sự cuối cùng, tôi xin được dành để nói về chiếc in-ear Trung Quốc mà tôi sẽ giữ lại sau khi bán đi cả những chiếc tai nghe đình đám của Grado, một thương hiệu mà tôi "cuồng" không kém gì người ta cuồng Apple hay Sony: VSonic Gr07.

Với giá mua 2nd vào khoảng 1,8 triệu đồng (giá mua mới ở Việt Nam là 3 triệu đồng), chiếc Gr07 là lời khuyên mới nhất (và giá trị nhất) đến từ thằng bạn tôi. Âm thanh của Gr07 thực sự mang trong mình "nhân tố wow" – nếu không có nhiều kinh nghiệm với tai nghe, trong lần đầu đeo Gr07 bạn sẽ không tránh khỏi cảm giác ấn tượng về âm thanh giàu nhạc tính, trong trẻo và rộng rãi. Với cảm nhận của riêng tôi, Gr07 hoàn toàn xứng đáng với mức giá 3 triệu đồng và cũng hoàn toàn có thể đứng vào chung một đẳng cấp với những chiếc tai nghe Shure hay Sony trong cùng tầm giá.

Điều này là hoàn toàn trái ngược với ấn tượng của tôi (và có lẽ là của phần lớn bạn đọc) về hàng Trung Quốc, một đất nước nổi danh với đồ nhái rẻ tiền hoặc hàng kém chất lượng. Thực tế, trước khi đi Đức và bắt đầu hành trình audio của mình, tôi vẫn thường sử dụng những chiếc tai nghe 90.000 đồng có gắn mic đến từ đất nước láng giềng. Đặc điểm chung của chúng? Xấu xí, thô kệch, âm lượng nhỏ dần cho đến khi... chết hẳn một bên tai.

Và đến tận bây giờ, trong văn phòng làm việc, tôi vẫn bắt gặp những chiếc tai nghe Trung Quốc bằng nhựa thô kệch. Trên đường phố Singapore và Malaysia, thỉnh thoảng tôi vẫn bắt gặp những chiếc HD598 "fake loại 2" có phần củ tai được bọc kín bằng nhựa thay cho lớp sắt bảo vệ phần driver đen bóng trên bản gốc.

Từ một thú vui suốt ngày bị bố mẹ... than phiền mà tôi học được bài học về sự bình yên. Rồi tôi ngẫm nghĩ về lòng tự hào của mình.

Bạn có thể thích hay không thích điều này, nhưng sự thật là Trung Quốc đã tiến những bước quá dài. Ví dụ, chiếc Little Dot I+ là một trong những lựa chọn amp đèn giá rẻ hợp lý nhất hiện nay.

Nhưng cùng lúc, ngành sản xuất audio cao cấp của Trung Quốc đã tiến những bước rất xa. Những chiếc tai nghe Hifiman tự tin sánh vai cùng tất cả những tên tuổi lừng danh từ Mỹ, Nhật và châu Âu trong phân khúc tai nghe từ phẳng – công nghệ tai nghe cao cấp nhất hiện nay. Các thương hiệu tăng âm, DAC hoặc DAP (máy nghe nhạc) từ Trung Quốc như iBasso hay Little Dot lần lượt ra đời và chiếm thế áp đảo trên thị trường audio toàn cầu. Thực tế, phần lớn các thương hiệu amp/DAC tầm trung mà bạn có thể tìm thấy tại Việt Nam đều sẽ là hàng Trung Quốc hoặc Đài Loan.

Ngay cả nhà sản xuất smartphone đình đám Xiaomi cũng thu hút được hàng nghìn trang bình luận trên head-fi.org, diễn đàn tai nghe đình đám nhất thế giới nhờ có Xiaomi Piston, một sản phẩm có giá chưa đến 400.000 đồng nhưng lại được yêu thích hơn cả in-ear tầm giá 1 triệu của Sennheiser hay Audio Technica.

Câu chuyện về VSonic Gr07 hay Xiaomi Piston với tôi trở nên vô cùng đặc biệt sau khi tôi được nghe về dự án tự thiết kế và chế tạo tai nghe của người Việt có tên Joinhandmade. Nói một cách công tâm, sản phẩm đầu tay của Joinhandmade là Jelly Ear có chất lượng chưa được hoàn thiện. Nhưng nhận xét khách quan như vậy không có nghĩa là tôi không cảm thấy xót xa khi tai nghe của người Việt bị chính người Việt hùng dũng đứng lên "gạch đá". Cho đến tận khi Joinhandmade ra đời sản phẩm mới hoàn thiện hơn, những chiếc tai nghe "thuần Việt" đầu tiên vẫn tiếp tục là mục tiêu công kích của các "đồng bào mạng".

Từ một thú vui suốt ngày bị bố mẹ... than phiền mà tôi học được bài học về sự bình yên. Rồi tôi ngẫm nghĩ về lòng tự hào của mình.

Also flamed in Vietnam. ("Cũng bị 'ném đá' ở Việt Nam nữa")

Nhưng hãy nhìn vào Nhật, Hàn và cả Trung Quốc. Tôi tin rằng người tiêu dùng tại bất cứ đâu cũng đều đủ thông thái để phân biệt hàng tốt và hàng kém chất lượng. Điều đó có nghĩa rằng, khi chúng ta vẫn cứ chê bai họ thì người dân Nhật, Hàn và Trung Quốc đã chấp nhận tất cả các lỗi lầm của những thế hệ sản phẩm nội địa đầu tiên. Bạn có thể có những quan điểm riêng về chất lượng sản phẩm, nhưng trải qua những ngày khó khăn, Toyota đã vượt mặt Ford và GM, còn Samsung cũng đã đứng vào cùng một hàng ngũ với Apple.

Và VSonic cũng đã ra mắt Gr07, một sản phẩm xứng đáng đứng vào cùng một đẳng cấp với Sony MDR-EX500 hay Shure SE215.

So sánh giữa chiếc tai nghe 90.000 đồng trên bàn làm việc tại công ty và VSonic Gr07, tôi tự hỏi rằng, không sản xuất tai nghe 100.000 đồng, Trung Quốc lấy đâu ra kinh nghiệm (và vốn) để sản xuất tai nghe 100 đô la? Ở một xứ sở tràn ngập các sản phẩm giá rẻ, những người tiên phong cho các hãng audio có thương hiệu đã phải vượt qua những khó khăn gì? Chúng ta không biết về hành trình của họ, nhưng hãy nhìn vào điểm đến: cuối cùng thì rất nhiều người đã lựa chọn những chiếc smartphone Hàn Quốc và những chiếc tai nghe Trung Quốc thay cho đồ Mỹ, Nhật, Đức.

Là một tín đồ âm thanh từng được thưởng thức trọn vẹn vẻ đẹp của nhiều dòng tai nghe đình đám thế giới, nhiều lúc tôi vẫn tự hỏi, điều gì khiến cho người ta "cuồng" tai nghe đến vậy? Có lẽ là bởi tình yêu với tai nghe cũng đặc biệt không kém gì tình yêu dành cho loại hình nghệ thuật mà chúng truyền tải: âm nhạc. Biết nói thế nào khi âm nhạc là không đong đếm được, còn người ta thì cứ tin rằng nhạc này thì phải hát thế này, bài này phải hay hơn bài kia.

Cũng giống như thế, người ta sẽ tranh cãi với nhau rằng cái amp này mới là đáng giá, cái tai nghe "hay" của anh thực ra là dở ẹc.

Từ một thú vui suốt ngày bị bố mẹ... than phiền mà tôi học được bài học về sự bình yên. Rồi tôi ngẫm nghĩ về lòng tự hào của mình.

Tôi đã từng mở hộp những chiếc tai nghe nghìn đô, nhưng cảm xúc khi mở hộp tai nghe Việt vẫn thật sự... lạ lùng.

Nhưng rồi sẽ có lúc, khi vô tình đánh đồng sở thích với danh dự và trí tuệ, người ta sẽ quên mất rằng có những sự thật không thể chối cãi. Rằng Việt Nam chưa có thương hiệu tai nghe nào cạnh tranh được với Trung Quốc, chứ đừng nói là Mỹ, Đức, Nhật. Joinhandmade có thể đã có sai lầm về mức giá, về thiết kế sản phẩm khi khởi nghiệp, nhưng chạy theo "gạch đá" nhóm làm tai nghe người Việt ấy sẽ chỉ mang lại sự hả hê hẹp hòi cho một vài cư dân mạng. Còn cái sự thật quan trọng nhất thì vẫn tồn tại: rằng chúng ta, với tư cách là một cộng đồng mang tính dân tộc, vẫn chưa thể đưa tên tuổi Việt Nam lên bản đồ audio thế giới.

Người ta sẽ tranh cãi rằng tai nghe Việt cần phải thế này cần phải thế khác. Hoặc, không phải cứ mua tai nghe Việt thì mới là ủng hộ cho đất nước. Bạn có thể thực sự tin rằng Jelly Ear không phải là sản phẩm góp phần đưa tai nghe Việt tiến xa, nhưng cuối cùng thì có bao nhiêu người Việt đang thực sự làm gì để đưa tên tuổi Việt Nam lên bản đồ audio thế giới?

Để kết thúc chuỗi tâm sự của mình, tôi xin tóm tắt lại một trong những bài viết đầu tiên của tôi về lĩnh vực công nghệ: Vì sao Google lại ra mắt một chiếc ChromeBook có giá tới... 1.500 đô, trong khi Chrome OS thực chất chỉ là một phiên bản trình duyệt Chrome được phóng to lên thành hệ điều hành? Câu trả lời được Gizmodo đưa ra là bởi tại đại bản doanh của Google, người ta muốn nhìn thấy laptop mang thương hiệu Google bên cạnh những chiếc laptop mang thương hiệu Apple hay Microsoft. Tạm chưa bàn tới những điểm mạnh phục vụ cho tầm nhìn "chỉ có đám mây" của ChromeBook, sự hiện diện của ChromeBook Pixel tại sân nhà là một minh chứng cho thấy Google không cần phải cúi đầu với các ông lớn khác về phần cứng.

Vậy, liệu đến bao giờ chúng ta mới có thể tự tin đeo tai nghe Việt trên "sân nhà"? Đến bao giờ thì chúng ta mới thôi đem những lý do cao đẹp ra biện minh cho sở thích thể hiện bản thân và lấp liếm đi sự thật rằng bạn bè quốc tế không hề biết đến khái niệm "Vietnamese headphones"?

Câu trả lời xin dành cho bạn đọc.

-------------------------o0o-----------------------

>> Tâm sự và chiêm nghiệm của một fan cuồng Grado (phần 1)

>> Tâm sự và chiêm nghiệm của một fan cuồng Grado (phần 2)

Gia Cường

Chủ đề khác