VnReview
Hà Nội

8 thương hiệu tai nghe hàng đầu thế giới: không có Apple hay Beats

Mỗi khi chuẩn bị sắm cho mình một chiếc tai nghe, bạn rất dễ bị lạc vào ma trận hàng trăm sản phẩm khác nhau trên thị trường. Để không lãng phí thời gian và tiền bạc, dưới đây là danh sách để tham khảo.

Danh sách này được trang Improb liệt kê dựa tổng hòa nhiều yếu tố từ đánh giá giới chuyên môn, phản hồi của khách hàng đến chất lượng sản phẩm. Tất nhiên yếu tố âm thanh vẫn được ưu tiên lên hàng đầu, ngoài ra còn có thiết kế, hoàn thiện, tính năng, giá tiền,...

Theo Improb, các tên tuổi có mặt trong danh sách không được sắp xếp theo thứ tự, mỗi hãng có những thế mạnh riêng. Những cái tên xuất hiện ở đây đa phần đều quen thuộc với người chơi âm thanh ở Việt Nam như Sennheiser, Sony, Audio-Technica, Shure, Bose,... nhưng thiếu vắng Apple và Beats.

Giữa cả rừng tai nghe hiện ra trước mắt, thương hiệu có lẽ là yếu tố an toàn để bạn dễ đưa ra lựa chọn hơn.

1. Sennheiser

Được thành lập bởi Fritz Sennheiser vào năm 1945, Sennheiser là một cái tên nổi tiếng đến từ nước Đức. Họ sản xuất nhiều thiết bị âm thanh như microphone, soundbar và đặc biệt là tai nghe. Với bề dày lịch sử, Sennheiser là một thương hiệu quen thuộc và được cộng đồng rất tín nhiệm. Không một bảng xếp hạng hay danh sách thống kê nào về mặt hàng tai nghe mà lại thiếu Sennheiser.

Một số tai nghe đáng chú ý đang có mặt trên thị trường của Sennheiser gồm có: HD820, HD660S, Momentum Wireless, Momentum True Wireless, IE 40 Pro,...

Momentum True Wireless là sản phẩm đáng chú ý nhất gần đây của Sennheiser;

2. Audio-Technica

Một trong những thương hiệu nổi tiếng nhất khi nói về tai nghe. Được thành lập bởi Hideo Matsushita vào năm 1962, Audio-Technica nhanh chóng ghi dấu ấn trong lòng các audiophile bởi chất lượng âm thanh đầy đặn và quyến rũ của mình. Chất âm trung ngọt ngào được xem như dấu hiệu nhận biết của Audio-Technica, khiến nhiều người ưa chuộng. Đây đồng thời cũng là thương hiệu tai nghe bán chạy nhất ở chính xứ sở hoa anh đào, quê nhà hãng.

Thời gian gần đây, hãng có một số sản phẩm được quan tâm như ATH-M70x, ATH-M50x/M50xBT, ATH-M40x, ATH-R70x, ATH-MSR7,...

Một lựa chọn tuyệt vời cho ai thích nghe nhạc vocal đến từ Audio-Technica

3. Beyerdynamic

Không lạ khi cái tên Beyerdynamic được xướng lên ở đây hay bất cứ bảng xếp hạng nào khác về tai nghe. Là đồng hương với Sennheiser, Beyerdynamic được thành lập vào năm 1942 và cung cấp dải sản phẩm nghe nhạc rộng khắp, từ loại dành cho studio, audiophile cho đến khách hàng phổ thông. Không ít phòng thu trên thế giới đang sử dụng sản phẩm của Beyerdynamic. 

Là một hãng luôn nghiêm túc với chất âm, bạn sẽ không phải thất vọng khi bỏ tiền cho Beyerdynamic. Những sản phẩm đáng chú ý gồm có Xelento, T1 thế hệ 2, Amiron Wireless, DT 1770 Pro, DT 990 Pro, DT 770 Pro, Beat Byrd,...

Beyerdynamic Amiron Wireless sẽ là thách thức với bất kỳ mẫu tai nghe không dây nào khi xét về chất âm

4. Shure

Bất cứ người chơi âm thanh nào cũng đều biết đến cái tên này. Một trong những hãng có chất âm được đánh giá cao bởi cộng đồng lẫn giới nhà nghề. Shure có tuổi đời còn nhiều hơn cả ba cái tên ở trên, được Sidney Shure thành lập năm 1925 ở Mỹ, ban đầu tập trung vào các đồ dùng âm thanh chuyên nghiệp hơn là tai nghe. Thực tế microphone thu âm mới là đỉnh cao của Shure, họ bước chân vào làng tai nghe muộn hơn khá nhiều so với bề dày lịch sử của mình.

Với Shure, kinh nghiệm dày dặn trong ngành công nghiệp âm thanh như một bảo chứng cho chất âm. Một số tai nghe bạn có thể muốn thử bao gồm SE846, SE535, SE215, SE215 microphone,...

Shure SE846

5. Grado

Grado được thành lập tại Brooklyn, New York, Mỹ vào năm 1953, bởi bậc thầy sửa đồng hồ Joseph Grado. Một cái tên xa lạ với nhiều người. So với các hãng trong danh sách, Grado kém nổi tiếng hơn hẳn bởi hãng chẳng quan tâm đến việc quảng cáo. "Hữu xạ tự nhiên hương", công ty để mặc cho sản phẩm tự nói lên giá trị của mình. ‘Nhân viên tiếp thị' không ai khác chính là người hâm mộ, người đã và đang sử dụng tai nghe. Là một hãng khá bảo thủ, đừng hy vọng quá nhiều ở Grado ngoại trừ chất âm.

Nếu bạn muốn kiểm chứng vì sao giữa thời đại Internet hiện nay, lại tồn tại một hãng từ chối chạy các chiến dịch marketing khổng lồ, hãy thử một lần với các tai nghe của Grado. Ví dụ PS1000e, GS1000e, PS500e, RS2e, GR10, SR325e, SR225e, SR125e,...

Grado được biết đến nhờ hiệu ứng truyền miệng của người chơi tai nghe, thay vì các chiến dịch quảng bá rầm rộ

6. Bose

Được thành lập từ năm 1964 bởi Amar Bose, đây hẳn là một trong những lựa chọn đầu tiên của nhiều người khi tìm mua tai nghe. Thế mạnh của Bose nằm ở dải âm trầm và tính năng chống ồn, rất phù hợp với xu hướng vận động ngày nay cua thị trường. Đó là tai nghe không dây chống ồn lên ngôi, khi con người muốn nghe nhạc mọi nơi mọi lúc và cách ly với thế giới bên ngoài.

Các sản phẩm của Bose đáng chú ý gồm có NC700, Soundsport Free Wireless, QC35 II,...

Bose nổi tiếng nhất là nhờ các tai nghe chống ồn, ví dụ QC35 II

7. AKG

Tiếp theo chúng ta đến với một thương hiệu của nước Áo. AKG là thương hiệu trực thuộc tập đoàn Harman International Industries, và giờ đã bị tập đoàn Hàn Quốc Samsung thâu tóm. Trước khi được chú ý đến bởi người hâm mộ Samsung và công chúng bởi thương vụ đình đám trị giá hơn 8 tỷ USD, AKG đã được cộng đồng chơi âm thanh và giới chuyên nghiệp chú ý. Ban đầu họ chuyên cung cấp hệ thống âm thanh và microphone cho rạp phim, nhà hát, câu lạc bộ,... Sau đó lấn sân sang tai nghe và gây được tiếng vang.

AKG là một hãng âm thanh được ngưỡng mộ bởi có nhiều đóng góp cho ngành công nghiệp, ví dụ K50 là tai nghe trùm đầu dạng mở đầu tiên trên thế giới. Một số tai nghe bạn có thể thử của thương hiệu này gồm có N5005, K550, N25, N20,...

Flagship in-ear mới nhất của thương hiệu nước Áo

8. Sony

Thương hiệu thứ hai của Nhật Bản góp mặt trong danh sách này và cũng là cái tên cuối cùng được nêu: Sony. Hẳn tất cả đều đồng ý đây là thương hiệu tai nghe dễ nhận ra nhất, phổ biến nhất và quen thuộc nhất. Được thành lập từ năm 1946, Sony là hãng điện tử có dải sản phẩm trải dài nhiều lĩnh vực nhất trong số 8 thương hiệu có mặt trong danh sách. 

Nói riêng về tai nghe, họ chính là hãng có thị phần lớn nhất. Không giống các thương hiệu ở trên, danh mục tai nghe của Sony được thiết kế để chiều lòng nhiều nhóm khách hàng nhất có thể. Do vậy chất lượng có thể không đồng đều trên tất cả sản phẩm, nhưng lại giúp hãng bành trướng và tăng doanh số.

Flagship Signature IER-Z1R của Sony

Để cạnh tranh với Bose, Sony tung ra dòng tai nghe chống ồn chủ động 1000X, hiện tại có WH-1000XM3 và true wireless WF-1000XM3. Để đấu với Beats, họ lại có dòng h.ear thiết kế thời trang (H500A), EXTRA BASS tập trung dải âm trầm (XB900N, XB700, XB55AP).

Còn khi muốn đầu tư vào âm thanh khắt khe hơn, bạn lại phải tìm đến các mẫu trùm đầu 1AM2, Z7M2 hay in-ear M7, M9. Flagship Cao cấp nhất hiện nay của hãng là Signature IER-Z1R.

Ambitious Man

Chủ đề khác