VnReview
Hà Nội

6 lý do HomePod trở thành nỗi thất bại ê chề của Apple

Sau quyết định khai tử mẫu loa thông minh HomePod, Apple đã ngầm thừa nhận thất bại trước cái đối thủ cạnh tranh như Google và Amazon.

Dù HomePod được cam kết hỗ trợ lâu dài nhưng liệu có bao nhiêu người đang sử dụng mẫu loa đắt tiền và kém hữu ích, ngoài các fan trung thành của nhà Táo? Ban đầu, loa HomePod có giá 349 USD (khoảng 8,1 triệu đồng). Sau đó, Apple giảm giá xuống còn 299 USD (6,9 triệu đồng) và cuối cùng là khai tử sản phẩm.

Tương tự, mẫu loa iPod Hi-Fi đính kèm đế cắm iPod ra mắt năm 2006 đã mang đến nhiều tai tiếng cho Táo khuyết. Thiết kế to lớn, thô kệch, đã khiến iPod Hi-Fi nhanh chóng bị dừng bán chỉ sau một năm ra mắt.

Mặt khác, HomePod có cho mình lượng người dùng trung thành vì thiết kế bắt mắt với lớp vải bọc tinh tế. HomePod được xếp hạng là mẫu loa thông minh có cấu tạo phức tạp nhất mà Apple từng sản xuất.

Đi kèm với đó là trợ lý ảo Siri, HomePod là thiết bị duy nhất của Apple có khả năng quản lý nhiều thiết bị thông minh kết nối với Internet trên nền tảng HomeKit. Cùng tính năng AirPlay 2, người dùng có thể bố trí nhiều loa HomePod trong nhà và tạo nên một hệ thống âm thanh đồng nhất.

Như đã nói ở trên, HomePod dù có một tệp khách hàng nhất định nhưng chưa bao giờ trở thành sản phẩm thu về lợi nhuận giống như cách mà các mẫu loa thông minh nhỏ hơn, rẻ hơn của Amazon và Google đã làm, hay kể cả HomePod mini ra mắt hồi tháng 10/2020. Sau đây là 5 lý do vì sao HomePod không thành công dưới góc nhìn của tác giả Ben Patterson của TechHive.

Giá bán quá đắt

Trước hết, nhìn vào mức giá 349 USD hay thậm chí là 299 USD, người dùng khó lòng chấp nhận chi hầu bao cho một mẫu loa thông minh. Mặc dù định vị ở phân khúc cao cấp cho HomePod là điều mà Apple rất nên làm.

Và tất nhiên, Apple không đơn độc trong việc mang đến một mẫu loa thông minh đắt đỏ. Google từng ra mắt loa Home Max với giá 299 USD nhưng nó cũng đã bị ngừng sản xuất cách đây không lâu.

Chất âm không nổi trội

Trong giới audiophile - thuật ngữ chỉ nhóm người đam mê, yêu thích âm thanh tái tạo một cách trung thực nhất có thể - mức giá 300 USD (khoảng 7 triệu đồng) cho một sản phẩm loa là có thể chấp nhận được. Dù HomePod có chất âm tốt nhưng khi đặt cạnh Sonos Play: 5 và Google Home Max, sản phẩm của Apple lép vế hơn.

Tuy vậy, một điểm cộng cho loa HomePod là thiết kế âm thanh đa hướng cho trải nghiệm thính giác tốt hơn. Song, dải trầm quá nhiều khiến HomePod không chơi tốt nhiều bản nhạc thiên về âm trung và cao.

Khả năng hỗ trợ hạn chế

Ngoài vấn đề chất âm, mẫu loa thông minh của Apple cũng không hỗ trợ nhiều nền tảng phát nhạc trực tuyến. Đến thời điểm hiện tại, HomePod chỉ có thể phát nhạc từ mỗi dịch vụ Apple Music. Nếu muốn sử dụng Spotify, Amazon Music, Tidal, Deezer, Qobuz hay YouTube Music, người dùng phải thực hiện thêm thao tác qua AirPlay 2. Trong khi với các mẫu loa khác, người dùng có thể chọn bất kỳ ứng dụng nào họ muốn.

Siri chưa đủ thông minh

Trình quản lý nhà thông minh HomeKit sở hữu một số tính năng đề cao quyền riêng tư tốt nhất cho người dùng. Đơn cử như HomeKit Secure Video, tính năng lưu trữ video được quay từ camera an ninh và được phân tích cục bộ thay vì gửi đến máy chủ đám mây của bên thứ 3. Với các video ghi hình được lưu trữ trên iCloud, chúng sẽ được mã hóa để không ai ngoài chủ sở hữu xem được.

Nhưng nhược điểm chí mạng của nền tảng này là không hỗ trợ nhiều thiết bị thông minh như trợ lý ảo Google Assistant và Alexa. Điều đó đồng nghĩa với việc, nếu sử dụng HomePod làm trung tâm quản lý nhà cửa, người dùng sẽ không có nhiều lựa chọn về đồ thông minh.

Ở một thái cực khác, trợ lý ảo Alexa của Amazon hỗ trợ hơn 100.00 tiện ích thông minh, người dùng chỉ cần bỏ ra 50 USD (khoảng 1,1 triệu đồng) hoặc có khi còn rẻ hơn cho mẫu loa Echo Dot cơ bản. Siri không thông minh như "những người bạn khác" nên đây cũng là điều mà Apple cần lưu ý cải thiện với HomePod mini trong tương lai.

HomePod mini vẫn đủ để thành công

HomePod mini giờ đây là đại diện duy nhất của Apple trong mảng loa thông minh. Có giá 99 USD (khoảng 2,3 triệu đồng), HomePod mini được định vị ở phân khúc thấp hơn so với HomePod nhưng vẫn cao hơn gấp đôi so với Echo Dot và Google Nest Mini.

Trình điều khiển bị giới hạn là điểm trừ của HomePod mini, nhưng bù lại chất âm của nó tốt và cao cấp hơn loa của 2 đối thủ trong cùng phân khúc. Và nếu HomePod mini vẫn chỉ sử dụng HomeKit cũng như tiếp tục hạn chế trong khâu hỗ trợ dịch vụ phát nhạc, người dùng vẫn có thể dễ bỏ qua chỉ vì mức giá dễ tiếp cận hơn, chứ không như người đàn anh HomePod.

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, HomePod mini được tích hợp hai phần cứng chủ chốt mà HomePod không có. Bao gồm chip ultra-wide band U1 giúp tăng cường khả năng truyền phát, bộ vô tuyến radio mới cho phép HomePod mini quản lý các thiết bị thông minh tốt hơn.

Ra mắt sai thời điểm

Bên cạnh đó, theo quan điểm của tác giả Daniel B.Kline đến từ trang The Motley Fool, thời điểm Apple ra mắt HomePod vào 2018 là quá chậm trễ. Cuối 2014, Amazon đã tiên phong tạo ra thị trường loa thông minh gia đình và trợ lý ảo bằng việc tung ra Echo, giá chỉ 199 USD. Sau đó, công ty tiếp tục tung ra Echo Dot nhỏ gọn hơn vào năm 2016 cùng nhiều phiên bản loa thông minh khác nhau.

Lần lượt từ trái sang phải: Google Nest Mini, Amazon Echo Dot và Apple HomePod mini

Chỉ sau hai năm ra mắt sản phẩm đầu tiên, dòng thiết bị Echo hỗ trợ trợ lý ảo Alexa đã phổ biến rộng rãi. Cùng lúc đó, Google ra mắt Google Home với tham vọng cạnh tranh với Amazon. Đến nay, nhờ "trí thông minh" của Google Assistant, các sản phẩm loa nói riêng và nhà thông minh nói chung của Google đã có thể sánh ngang đối thủ Amazon.

Trong khi đó, Apple HomePod ra mắt năm 2018 dường như đã quá muộn khi hai đối thủ kia đã có thời gian dài phát triển và hoàn thiện. Với mức giá cao gấp đôi so với sản phẩm đầu bảng của Google và Amazon, thiết bị của Apple không thu hút được nhiều khách hàng. Thậm chí càng khiến họ chọn mua những đối thủ kia vì nhược điểm mà Siri hay phần mềm trên HomePod gây ra.

Khép lại năm 2019, HomePod chỉ chiếm 4,7% thị phần trên thị trường loa thông minh theo dữ liệu từ Strategy Analytics.;Quý 4/2020, HomePod mini đã giúp thị phần hãng tăng lên 7,8% với doanh số lẹt đẹt 4,6 triệu đơn vị. Chiếm một phần nhỏ trên tổng thị trường đã bán được 150 triệu sản phẩm. Qua đó phản ánh sự thật rằng loa HomePod chỉ hướng đến nhóm người dùng yêu thích đồ Apple.

Ngọc Diệp

Chủ đề khác