VnReview
Hà Nội

Apple cần nhiều nỗ lực hơn nếu muốn iPhone chơi tốt nhạc Hi-Res

Gần đây, Apple đã công bố một nâng cấp đáng kể cho nền tảng Apple Music, cung cấp khả năng phát nhạc lossless chất lượng cao.;

Apple cần nhiều nỗ lực hơn nếu muốn iPhone chơi tốt nhạc Hi-Res

Trên thực tế, vẫn còn nhiều tranh cãi liệu những người nghe nhạc trên smartphone có hưởng lợi từ khả năng phát nhạc chất lượng cao hay không. Một ví dụ điển hình là iPhone, iPad đã loại bỏ hết jack cắm tai nghe, người dùng phải sử dụng các bộ tai nghe Bluetooth thay thế. Khi quyết định loại bỏ jack cắm tai nghe, Apple lập luận nó sẽ giúp iPhone chống nước tốt hơn, tiết kiệm không gian hơn, tạo điều kiện cho những chiếc điện thoại mỏng hơn được trang bị công nghệ mới.

Sự biến mất của jack tai nghe trên iPhone cũng liên quan đến việc mua lại thương hiệu Beats, cùng quá trình tiếp thị tai nghe Apple AirPod Pro mới tích hợp khả năng chống ồn. Khó có thể khẳng định được Apple cố tình khiến người dùng mua tai nghe không dây thay vì có dây, nhưng đó cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến quyết định đó, đặc biệt là khi cân nhắc đến số tiền mà Apple đã bỏ ra mua lại Beats để tham gia vào một thị trường vô cùng đông đúc.

Theo một cách nào đó, Apple đã tự đưa vào mình một góc nhỏ nhờ cách tiếp cận "khu vườn kín cổng cao tường" đối với hệ sinh thái công nghệ, nhưng cũng là một sự cứng đầu tuyệt đối của họ. Nhà Táo có truyền thống từ chối công nghệ và định dạng mà họ không sở hữu hoặc kiểm soát, một trong những thứ khiến khách hàng của họ đôi khi nhận được sự phục vụ kém chất lượng.

Apple cần nhiều nỗ lực hơn nếu muốn iPhone chơi tốt nhạc Hi-Res

Ví dụ: AirPods vẫn sử dụng codec AAC không có Hi-Res. Dù tốt hơn phiên bản SBC cơ bản, nhưng vẫn thua kém về chất lượng so với Qualcomm apt-X HD hay Sony LDAC. Để phát nhạc lossless iPhone với AirPods Max, bạn phải sử dụng sợi cáp Lightning – 3.5mm mà trên iPhone thì đâu còn cổng 3.5mm nữa? 

Điều này cho thấy, toàn bộ hệ sinh thái âm thanh hiện tại của Appple đang bị rối loạn thực sự. Bởi ở bất kỳ chất lượng nào, codec AAC truyền bằng Bluetooth hoặc AirPlay 2 sẽ luôn giảm file nhạc lossless hay Hi-Res xuống mức thấp nhất mà chúng có thể truyền được.

Một lý do nữa khiến nhạc lossless trở nên quá sức đối với iPhone chính là băng thông. Các file nhạc có dung lượng lớn và thậm chí là công nghệ 5G, đều sẽ tiêu thụ rất nhiều dữ liệu của người dùng. Hầu hết mọi người nghe nhạc trên iPhone vào lúc đang di chuyển trên đường hoặc tập thể dục. Ở những môi trường như vậy, có quá nhiều tiếng ồn xung quanh để tận hưởng đầy đủ nhạc chất lượng cao. Để phát huy hết khả năng của chúng, cần phải có hệ thống âm thanh cao cấp tại nhà hoặc thông qua những bộ tai nghe, loa chất lượng.

Thực tế, lý do chính mà Apple hỗ trợ nhạc Hi-Res là nhằm theo kịp guồng quay của thị trường. Những người thực sự yêu âm thanh chất lượng cao từ lâu đã chẳng thèm ngó ngàng đến Apple Music. Audiophile đã có những lựa chọn như TIDAL, Qobuz và Deezer, Amazon Music HD. Tại Nhật Bản, có thêm dịch vụ mora của Sony.

Apple cần nhiều nỗ lực hơn nếu muốn iPhone chơi tốt nhạc Hi-Res

Có một cách khác để chúng ta nghe nhạc "chuẩn HD" trên iPhone: sử dụng DAC (Digital-to-Analog Converter: Bộ chuyển đổi tín hiệu số sang tương tự) chuyên dụng bên ngoài, gắn vào cổng Lightning của iPhone. Có rất nhiều thiết bị như vậy trên thị trường hỗ trợ iPhone. Chúng là những giải pháp tốt, nhưng lại là một cách kỳ quặc để giải quyết vấn đề của Appple.

Việc thị trường streaming đang hướng đến lossless là điều không thể bàn cãi, đặc biệt khi Amazon đã giảm phí cho gói Amazon Music HD đối với mọi thuê bao Amazon Music Unlimited. Điều đó khiến Spotify và Apple Music mắc kẹt trong giới hạn chất lượng thấp nếu không thay đổi để bắt kịp xu hướng.

Dù việc Apple từ chối áp dụng codec âm thanh chất lượng cao đã khiến màn ra mắt nhạc lossles này trở nên nửa vời, nhưng rõ ràng, Apple đã thừa nhận khả năng bị tụt lại trong cuộc chơi. Táo khuyết cần phải chứng minh rằng họ vẫn đang theo kịp sự phát triển của công nghệ, và họ đã hành động thật nhanh.

Ở một mức độ nào đó, có thể coi việc áp dụng nhạc lossless cho Apple Music là một chiêu trò tiếp thị nhằm giữ chân những thuê bao hiện tại. Nhiều người có thể đang phân vân bởi hầu hết các dịch vụ phát nhạc trực tuyến khác đã hỗ trợ một số định dạng âm thanh chất lượng cao, dù giá cao hơn.

Apple cần nhiều nỗ lực hơn nếu muốn iPhone chơi tốt nhạc Hi-Res

Tuy nhiên, có một khía cạnh đáng chú ý trong động thái hỗ trợ nhạc lossless của Apple. Gã khổng lồ công nghệ cũng đã bổ sung Dolby Atmos nhằm mang trải nghiệm Spatial Audio đến dịch vụ streaming của mình. Apple Music không phải nền tảng duy nhất làm điều đó bởi một số dịch vụ khác đã áp dụng công nghệ 360 Reality Audio của Sony. Âm thanh không gian rất quan trọng đối với những hệ thống âm thanh surround 5.1 trong việc xem phim bởi các dàn âm thanh stereo thông thường không thể tái hiện đầy đủ trải nghiệm âm thanh vòm.

Và dẫu Dolby Atmos ban đầu được coi là một công nghệ chủ yếu để cải thiện trải nghiệm xem phim tại rạp cũng như rạp hát tại gia, nhưng việc hỗ trợ nó cho trải nghiệm nghe nhạc thông thường cũng là một điều rất tuyệt vời.

Bổ sung trải nghiệm đắm chìm vào âm thanh không có gì là bất thường. Vào đầu những năm 1970, một số nhà sản xuất đã phát triển hệ thống quadrophonic nhằm mang lại 4 kênh cũng như cảm giác phấn khích cho âm nhạc. Tuy nhiên, do chi phí quá cao và các định dạng cạnh tranh, âm thanh quadrophonic đã thực sự chết. Giờ đây với sự hỗ trợ của Apple, Dolby Atmos cho âm nhạc cuối cùng cũng trở thành cơ hội để hãng tạo nên cột mốc mới trên hành trình hướng đến chất lượng thu âm cao hơn. Dẫu vậy, Apple vẫn cần khẩn trương xem xét cập nhật công nghệ stream nhạc qua Bluetooth và Wi-Fi.

Apple là một công ty lớn nhưng không sở hữu thế giới âm nhạc hay thị trường smartphone. Ngành công nghệ đã đi được một chặng đường dài kể từ khi iTunes và iPod xuất hiện. Ở đó có một sự cạnh tranh khốc liệt với guồng quay cực nhanh, buộc các công ty phải thay đổi và thích nghi nếu không muốn tụt hậu trong cuộc đua này. Apple không còn đủ khả năng để duy trì cách tiếp cận "kín cổng cao tường" đối với các định dạng nhạc cũng như công nghệ streaming ở thời điểm hiện tại.

Lê Hữu (theo Forbes)

Chủ đề khác