VnReview
Hà Nội

Sự khác nhau giữa cảnh phim sau khi quay và khi ra rạp

Dưới đây là cái nhìn thú vị về quá trình biến những thước phim trở nên "lung linh" như chúng ta vẫn thấy. trên phim ảnh.

Mới đây trên trang chia sẻ video nổi tiếng Vimeo, người dùng với nickname GradeKC đã đăng tải một đoạn phim cho thấy sự khác nhau giữa các cảnh phim khi vừa được quay xong và sau khi đã qua quá trình xử lý màu sắc. Đoạn phim này cũng giống như những bức ảnh trước và sau khi xử lý mà những nhà nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp vẫn thường chia sẻ trên mạng xã hội.

Những cảnh phim trong video được cắt ra từ bộ phim "The House in Pine Street" do Aaron và Austin làm đạo diễn. Phim được sản xuất năm 2014 và là một bộ phim tâm lý kinh dị kể về người phụ nữ trẻ phải đối phó với cái thai ngoài ý muốn khi chuyển đến một ngôi nhà bị ám. Bộ phim được quay bằng máy quay phim chuyên nghiệp CineAlta cảm biến lớn PMW-F5/F55 ở định dạng 4K và chế độ LOG.

LOG là chế độ quay của các máy chuyên nghiệp giúp cho việc xử lý hậu kỳ trở nên dễ dàng hơn, các đoạn phim cũng chi tiết và có màu sắc tốt hơn. Chính vì lý do này nên những thước phim sau khi quay sẽ thiếu độ bão hòa màu (saturation) và độ tương phản (contrast) như những gì mà chúng ta thấy trong đoạn video của GradeKC.

Người phụ trách chính xử lý cho phần màu sắc của bộ phim là Taylre Jones. Anh đã xử lý chỉnh sửa màu sắc cho đoạn phim từ chế độ LOG sang chế độ Rec.709. Anh đã giải thích quá trình đó như sau :

"Những đoạn phim được quay từ máy quay F55 là ở chế độ LOG. Giải thích một cách đơn giản thì chế độ này sẽ giữ lại những chi tiết chính và giúp cho tôi có thể thoải mái sáng tạo trong việc chỉnh màu cho bộ phim.

Bạn cũng có thể tưởng tượng việc này giống như biến 1 cuộn dây 10m có thể thay đổi chiều dài một cách linh hoạt thành một vòng tròn nhỏ. Nếu như bộ phim chỉ cần 6m chiều dài đoạn dây đó để truyền tải nội dung của nó thì tôi có thể thoải mái sử dụng đoạn dây còn lại cho việc sáng tạo. Khi bạn không quay ở chế độ LOG thì cũng giống như lấy đi khả năng thay đổi chiều dài của sợi dây đó. Sẽ rất khó khăn để có thể tùy chỉnh trên đoạn dây theo ý muốn của mình."

Jones cũng nói rằng mỗi một cảnh phim mà chúng ta vẫn thường xem sẽ mất khoảng 10 đến 15 điều chỉnh riêng biệt. Và những điều chỉnh này thường được nhóm lại thành 1 đến 4 lần quét cảnh để dễ dàng theo dõi và đối chiếu.

Dưới đây là đoạn video đã được đăng tải về quá trình chỉnh sửa màu của Taylre Jones cho một số cảnh phim.

Đoạn phim cho thấy quá trình chỉnh sửa màu sắc của Taylre Jones

Trailer của bộ phim

Anh Minh

Theo Petapixel

Chủ đề khác