VnReview
Hà Nội

Khoảnh khắc ấn tượng khi lỗ đen nuốt chửng một ngôi sao

Các nhà khoa học vừa được chiêm ngưỡng một cảnh tượng cực kỳ hiếm khi một lỗ đen nuốt trọn một ngôi sao và phóng ra luồng vật chất với tốc độ gần bằng ánh sáng.

Hình ảnh mô tả lại cảnh tượng một ngôi sao bị lỗ đen "nuốt" trọn.

Trang Slash Gear cho biết, nhóm vật lý thiên văn quốc tế dẫn đầu bởi trường ĐH Johns Hopkins (Mỹ) vừa công bố báo cáo trên tạp chí Sciene về cảnh tượng lần đầu tiên khi một ngôi sao bị lỗ đen nuốt trọn.

Các nhà khoa học theo dõi hiện tượng này mô tả một ngôi sao có kích thước tương đương với Mặt Trời. Ngôi sao này đã bị trượt khỏi quỹ đạo và rơi vào trường hấp dẫn của lỗ đen khổng lồ.

Điều đặc biệt là khi ngôi sao bị nuốt trọn, lỗ đen phun ra một cột lửa vật chất khổng lồ với tốc độ gần bằng ánh sáng. Trưởng nhóm nghiên cứu, ông;Sjoert van Velzen cho biết: "Những sự kiện này cực kỳ hiếm. Đây là lần đầu tiên chúng ta thấy được tất cả quá trình từ khi ngôi sao bị phá huỷ cho tới khi giải phóng ra một dòng lửa plasma hình nón". Có lẽ đây chính là sản phẩm sau khi lỗ đen "ăn thịt" thành công một ngôi sao.

Nhà vật lý thiên văn Gemma Anderson, một người tham gia cùng dự án nói rằng các nhà khoa học đã thấy nhiều cảnh tượng lỗ đen hút những thứ như đám mây khí khổng lồ nhưng quá trình đó phải mất hàng triệu năm mới hoàn tất. Trong khi đó, quá trình nuốt trọn "con mồi" là một ngôi sao lại xảy ra nhanh đến nỗi chúng ta có thể quan sát được chúng trong thang đo lịch sử của loài người.

Thông qua cảnh tượng lỗ đen nuốt trọn một ngôi sao, các nhà khoa học cũng lần đầu tiên chứng minh được rằng, luồng vật chất xuất hiện sau quá trình trên vẫn có khả năng thoát ra và "chạy khỏi" chân trời sự kiện. Cho tới trước đó, "tương lai" của luồng vật chất như thế nào vẫn chỉ tồn tại trên lý thuyết của các nhà khoa học.

Velzen đã phối hợp với một đội ngũ gồm 13 nhà thiên văn học khác đến từ Mỹ, Hà Lan, V.Q Anh và Úc. Họ sử dụng các loại kính thiên văn trên mặt đất để thu thập tín hiệu radio, tia X và dữ liệu quang học từ sự kiện.

Lỗ đen là một thứ rất khó nghiên cứu trong thiên văn bởi chúng ta thực sự không thể nhìn thấy chúng. Lực hấp dẫn của chúng mạnh đến nỗi ngay cả ánh sáng cũng không thể thoát khỏi nếu đã lọt qua vùng chân trời sự kiện. Các nhà thiên văn học chỉ có thể nghiên cứu các lỗ đen bằng cách tìm hiểu ảnh hưởng của chúng tới khoảng không gian xung quanh, bao gồm những thứ chúng hút vào và nhả ra.

Video mô tả cảnh tượng một ngôi sao bị lỗ đen hút vào

Phi Thiên

Chủ đề khác