VnReview
Hà Nội

Xem sinh vật hồi sinh sau 30 năm đông lạnh

Các nhà khoa học Nhật Bản đã hồi sinh thành công hai cá thể bọ gấu nước bị đông cứng suốt 30 năm.

Một con bọ gấu nước dưới kính hiển vi.

Theo Huffington Post, bọ gấu nước (hay tardigrade) là những sinh vật cực nhỏ sống ở trong môi trường ẩm ướt. Chúng có kích thước không quá 1mm, có 4 ngấn trên lưng và 8 chân có móng. Bọ gấu nước thuộc nhóm sinh vật không xương sống, có thể tồn tại ở những môi trường cực kì khắc nghiệt như ở 2 cực của Trái Đất, dưới đáy biển sâu với áp lực cao hay thậm chí là sống trong cả cả môi trường chân không trong thời gian vài ngày.

Những con bọ gấu dùng trong nghiên cứu này được lấy từ mẫu rêu đông lạnh ở Nam Cực vào năm 1983. Các mẫu này được đông lạnh tại -20 độ C và đem về lưu trữ tại Nhật Bản. Viên nghiên cứu địa cực Nhật Bản cho biết chúng đã được rã đông vào tháng 5/2014.

Sau 30 năm bị đông cứng, sinh vật này vẫn có thể hồi sinh.

Hai con bọ gấu nước trong số đó đã hồi sinh và bắt đầu những cử động nhẹ. Tuy nhiên 20 ngày sau, một cá thể đã chết. Cá thể thứ hai bắt đầu sinh sản sau 23 ngày được "đánh thức". Nó đã đẻ ra 19 quả trứng và 14 quả trong số đó đã nở thành công.

Quá trình bọ gấu nước hồi sinh

Nhóm nghiên cứu tin rằng, gấu nước đông lạnh 30 năm vẫn sống sót và chức năng sinh sản vẫn được bảo tồn do khả năng giữ các tổn hại đối với tế bào và gen của nó ở mức tối thiểu trong các điều kiện đóng băng. Họ dự kiến sẽ tiếp tục kiểm tra tổn hại đối với các gen và chức năng hồi sinh của gấu nước để tìm ra cơ chế sống sót dài hạn của loài vật này.

Trước đó, gấu nước mới chỉ được hồi sinh sau 9 năm chứ chưa hề có trường hợp nào kéo dài tới 30 năm. Tuy nhiên, loài sinh vật này vẫn chưa thể đánh bại một đối thủ "đáng gờm" khác về khả năng sinh tồn, đó là loài giun tròn có thể sống gần 39 năm.

G.L

Chủ đề khác