VnReview
Hà Nội

Bức ảnh cho thấy sự thảm khốc của vụ cháy rừng ở Amazon khi nhìn từ ngoài không gian

Hậu quả từ vụ cháy rừng Amazon thực sự quá khủng khiếp và chúng thậm chí có thể quan sát được từ ngoài Trái Đất.

Theo Sciencealert, ảnh vệ tinh được NASA công bố cho thấy các dải màu xanh lá bất ngờ dần chuyển sang màu vàng và đỏ, đồng thời bao phủ toàn bộ phần Nam Mỹ. Đây chính là nồng độ CO2 trong khí quyển và là hậu quả từ vụ cháy rừng Amazon đang diễn ra.

NASA đã tiến hành thu thập dữ liệu từ Máy phát hồng ngoại khí quyển (AIRS) ở độ cao 5,5 ngàn mét tính từ bề mặt đất. Quá trình thu thập dữ liệu từ ngày 8-22/8.

Trong thông cáo báo chí của NASA, cơ quan này khẳng định vệ tinh Aqua của NASA đã đo lường được mức nhiệt độ, độ ẩm khí quyển, lượng mây, nồng độ khí nhà kính và nhiều hiện tượng khác.

Toàn bộ dữ liệu này được mô phỏng dưới dạng bức ảnh GIF cho thấy nồng độ CO2 bay vào khí quyển rất lớn. Chúng được biểu thị bằng gam màu vàng và đỏ sẫm và đo theo đơn vị ppbv (một phần tỷ theo khối lượng). Còn màu xanh là thấp nhất.

Cụ thể màu xanh lá cây biểu thị nồng độ CO2 ở mức xấp xỉ 100 ppbc, màu vàng là khoảng 120 ppbv, màu đỏ sẫm là 160 ppbv. Tuy nhiên giá trị đo được ở nơi xảy ra vụ cháy thậm chí còn cao hơn rất nhiều.

Khí CO2 thải ra từ cháy rừng có thể di chuyển một quãng đường dài và lưu lại trong bầu khí quyển ít nhất khoảng 1 tháng. Điều đáng nói là CO2 lại là một trong những khí nhà kính nguy hiểm nhất hiện nay.

NASA khẳng định, mặc dù AIRS đánh giá lượng CO2 ở mức tương đối cao nhưng chúng không ảnh hưởng nhiều đến bầu không khí mà chúng ta hít thở hiện tại. Tuy nhiên những con gió mạnh có thể khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn.

Theo Viện nghiên cứu vũ trụ quốc gia Brazil (INPE), ít nhất đã có hơn 72,8 ngàn sự cố cháy rừng Amazon trong năm 2019 này, cao hơn 80% so với năm ngoái. Trong đó tính đến ngày 23/8 đã có hơn 2,5 ngàn vụ cháy rừng Amazon xảy ra tại Brazil.

Đáng buồn thay theo Viện nghiên cứu môi trường Amazon, nguyên nhân dẫn tới cháy rừng lại là do hoạt động khai thác rừng bất hợp pháp và sự vô ý của con người.

Rừng Amazon hiện chiếm khoảng 20% lượng khí O2 toàn cầu và còn được coi là lá phổi xanh của Trái Đất. Nếu như con người không thể bảo tồn cánh rừng nguyên sinh này, chúng ta có thể đối diện với nguy cơ mất một lượng lớn O2 và nguy hiểm hơn là nguy cơ diệt vong vì không còn dưỡng khí. Đó là chưa kể rừng Amazon còn là nơi hấp thụ CO2 và chống biến đổi khí hậu giúp con người.

Tiến Thanh

Chủ đề khác