VnReview
Hà Nội

Video KH-CN ấn tượng trong tuần: Không gian qua lăng kính phi hành gia

Đoạn clip tuyệt đẹp được ghép từ các bức ảnh chụp trong khoảng thời gian các nhà khoa học làm việc trên Trạm Vũ trụ Quốc tế ISS (từ tháng 9/2011 đến tháng 7/2012).

Không gian qua lăng kính phi hành gia

Đoạn clip The World Outside My Window (Thế giới ngoài cửa sổ của tôi) và cũng là phần tiếp theo của đoạn clip All Alone in the Night (Một mình trong đêm) vốn rất hot vào 2 năm trước.

Tại mốc thời gian 2 phút 11 giây, bạn có thể nhìn thấy sao chổi Lovejoy. Những khoảnh khắc cuối cùng trong clip cũng cho thấy nhà phi hành gia Don Pettit trên bầu trời Đài Loan và Philippines.

Chu trình Mặt Trăng xoay quay quanh Trái Đất

Video được NASA ghi lại vào ngày 9 tháng 10 năm 2013 khi tàu vũ trụ Juno bay qua quỹ đạo Trái Đất. Theo kế hoạch, con tàu sẽ bay với tốc độ hơn 8.800 mph (khoảng 7,3 km/s) để tới sao Mộc vào ngày 4 tháng 7 năm 2016.

Các nhà khoa học trên Juno đã thử nghiệm camera (có khả năng theo dõi các ngôi sao và hành tinh từ rất xa) của tàu vũ trụ này để theo dõi cảnh tượng Mặt Trăng quay quanh Trái Đất.

Chuyến bay thành công của tàu đổ bộ Mặt trăng

Vào năm 2010, NASA khởi động dự án Morpheus (tên đặt theo vị thần của những giấc mơ trong thần thoại Hy Lạp) được thiết kế như một nguyên mẫu phương tiện đổ bộ. Động cơ lên tới 19.000N của Morpheus còn cho phép NASA đặt các thiết bị nặng kí và kích cỡ lớn hơn lên tàu đổ bộ này.

Trong suốt khoảng thời gian sau đó, NASA đã liên tục mang tới cho Morpheus nhiều cải tiến quan trọng. Đến mùa xuân năm 2013, Morpheus đã có thể bay với độ cao 800m. Đến ngày 10/12/2013, NASA công bố một đoạn video cho thấy Morpheus giờ đã có thể bay một cách "tự do" tại Trung tâm Kennedy.

Robot sinh học làm từ tinh trùng

Robot sinh học này được tạo ra bằng cách sử dụng một ống siêu nhỏ có độ dài 0,05 mm để chứa tinh trùng, trong khi đuôi của tinh trùng được đặt bên ngoài. Sau đó, các nhà khoa học dùng từ trường để điều khiển hướng của ống kim loại, dẫn robot này đi theo hướng mà họ muốn.

Oliver Schmidt, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết: "Tinh trùng là sự lựa chọn lý tưởng vì chúng vô hại với cơ thể con người, không cần năng lượng hỗ trợ từ bên ngoài, và có thể bơi qua các dịch nhầy".

Biến smartphone thành máy chiếu 3D

Holho Full Pyramid sẽ có 4 mặt gương, tạo ra hình ảnh 3D "ảo" mà bạn có thể nhìn từ 4 góc. Thực chất, đây là 4 hình ảnh khác biệt được đặt dưới 4 tấm gương, do ứng dụng đi kèm tạo ra.

Hình ảnh do Holho tạo ra là hình ảnh động hoàn toàn, do đó bạn có thể xem cá bơi lội, pháo hoa hoặc thậm chí là hình ảnh con người đang di chuyển. Theo Imagination Farm, công ty đã tạo sẵn một số đoạn video cho người dùng thưởng thức. Quan trọng hơn hết, ứng dụng đi kèm thiết bị cũng cho phép người dùng tự tạo các đoạn video cho riêng mình.

Gia Lộc

Chủ đề khác