VnReview
Hà Nội

Nguyễn Hà Đông đã chịu sức ép của thành công như thế nào?

Flappy Bird đang là chủ đề gây chú ý lớn, nhất là khi nó bị gỡ bỏ đúng vào thời điểm thành công đỉnh cao nhất. Hãy tìm hiểu về câu chuyện Flappy Bird từ khi khai sinh cho đến khi bị kết liễu qua những lời nói mà Nguyễn Hà Đông đã viết trên Twitter.

Flappy Bird, game di động đang hot nhất hiện nay, ra đời cách đây chưa đến 1 năm. Ở thời kỳ cao điểm nhất, Flappy Bird mang đến khoảng 50.000 USD/ngày, theo lời tác giả Nguyễn Hà Đông. Nếu bạn chưa bao giờ chơi, bạn có thể hình dung Flappy Bird rất đơn giản. Bạn chạm vào màn hình smartphone để giữ cho chú chim nổi lên, và bạn lái cho chú chim bay qua một mê cung các đường ống. Bay qua được mỗi một ống bạn sẽ thành công và có một điểm. Nếu đâm đầu phải ống, bạn chết. Chú chim này rất khó điều khiển, vì thế game khiến nhiều người chơi tức giận.

Nguyễn Hà Đông, tác giả game Flappy Bird

Tuy nhiên, Nguyễn Hà Đông đột ngột gỡ bỏ Flappy Bird, và giờ đây người chơi không thể tải game trên cả App Store hay Google Play. Người dùng iPhone đã tải game về đang rao bán thiết bị của họ với giá "cắt cổ" trên eBay.

Kết cục của Flappy Bird khiến không ít người tự hỏi, tại sao Flappy Bird thành công và tại sao tác giả phát triển nên game lại ghét nó đến mức xoá bỏ nó?

Trang Business Insider đã tìm hiểu hơn 1.000 lời tâm sự của Nguyễn Hà Đông trên trang Twitter của anh. Mọi người có thể hiểu ra rất nhiều điều về câu chuyện Flappy Bird. Sau đây là những bước thăng trầm của game di động đang "nổi như cồn" này.

Nguyễn Hà Đông thức dậy vào một buổi sáng tháng 4/2013 với tinh thần đầy hứng khởi. Anh định sẽ sáng tạo ra một số game. Flappy Bird là một trong số game đó.

Vào ngày 29/4, phiên bản đầu tiên của Flappy Bird ra đời, nó có tên ban đầu là "Flap Flap" và ứng dụng được duyệt trong chỉ 2 ngày.

Con chim, được thiết kế vào năm 2012, có tên là "Faby".

Khi Flap Flap ra lần đầu tiên, Hà Đông đã chơi được 44 điểm. Đó là lý do tại sao quân hàm bạch kim trong Flappy Bird đạt được khi người chơi đạt 40 điểm. Sau đó người chơi đã đạt và vượt qua mức điểm ban đầu của Hà Đông.

Hà Đông đã phải đổi tên game từ "Flap Flap" sang "Flappy Bird" bởi tên "Flap Flap" đã có. Anh không thích tên "Flappy Bird".

Flappy Bird bắt đầu được biết đến nhiều hơn trước dịp Noel vừa qua, khi người chơi bắt đầu nói về nó. Nhiều người đã viết những nhận xét rất thú vị về ứng dụng này, và họ bắt đầu "tweet" về các bức ảnh thể hiện sự giận dữ tột đỉnh sau tuyên bố "Flappy Bird khiến tôi…".

Bình luận về Flappy Bird bắt đầu rộ dần lên. Nguyễn Hà Đông không trả một chi phí marketing nào. Anh nói ban đầu anh không có tiền để chi vào việc quảng cáo game.

Hà Đông không ngờ ứng dụng của anh lại bùng nổ đến mức này, cũng như số tiền mà nó mang lại. Trang The Verge đã đưa tin anh thu được khoảng 50.000 USD/ngày (hơn 1 tỷ đồng).

Nhưng ngay lập tức, Flappy Bird khiến anh quá bận rộn. Người chơi phát hiện ra anh là tác giả và bắt đầu nói về anh trên trang Twitter. Ban đầu, Hà Đông đã cố gắng trả lời mọi người một cách bình tĩnh.

Một số đã bắt đầu tấn công vào cuộc sống riêng của anh. Xét cho cùng, Hà Đông chỉ là một chàng trai đơn độc, đang cố gắng đối đáp với tất cả mọi người.

Game bắt đầu chiếm hết quỹ thời gian của Hà Đông. Như anh đã nói với một người chơi nóng này, "bởi vì anh, tôi không có cuộc sống riêng".

Các email cũng bắt đầu đổ xô vào hộp thư của anh. Nguyễn Hà Đông không thể chịu nổi nữa.

Mọi người bắt đầu tấn công vào công việc của anh, buộc tội anh đã ăn cắp từ Nintendo và Mario Brothers. Hà Đông không đồng ý.

Các nhà đầu tư bắt đầu chú ý đến Hà Đông và chào mời anh. Nhưng anh không quan tâm. Hà Đông không xem mình là một người kinh doanh.

Báo chí bắt đầu đổ xô phỏng vấn Hà Đông. Nhưng anh cảm thấy chỉ muốn là một nhà thiết kế bình thường và không muốn gây sự chú ý. "Làm ơn hãy để tôi yên", anh cầu xin.

Mọi người bắt đầu tranh cãi với anh để có thêm các bản cập nhật cho Flappy Bird và ra game cho các nền tảng. Nguyễn Hà Đông trở nên cực kỳ quá sức chịu đựng.

Anh nói Flappy Bird luôn giữ nguyên ý định là một game mini, nhưng điều đó cũng không ngăn được sự việc.

Hà Đông đã đến mức ghét game của chính mình vì thành công đã phá huỷ cuộc sống riêng giản đơn của anh. Anh cũng không thích cách mọi người "lạm dụng" game của anh và làm ra những câu chuyện cười nhạo về nó.

Nguyễn Hà Đông cũng không hài lòng vì anh không thể trở lại là một nhà phát triển game bình thường nữa.

Ngày 8/2, Hà Đông đã nói rõ suy nghĩ của mình: anh sẽ xoá ứng dụng này. Và cuối tuần qua, Flappy Bird đã biến mất trên App Store. Từ sau đó, Nguyễn Hà Đông không còn bất kỳ lời tweet nào nữa. Nhưng đừng lo, anh nói Flappy Bird không phải là game cuối cùng của anh.

Hoàng Lan

Chủ đề khác