VnReview
Hà Nội

"Soi" bản đồ cáp Internet dưới đáy biển

Hàng ngày con người đều dành khá nhiều thời gian lướt web trên máy tính và các thiết bị di động, nhưng chẳng mấy ai nghĩ tới hệ thống mạng lưới phức tạp giúp truyền tải dữ liệu tới chúng ta.

Nếu bạn đang đọc những dòng chữ này trên VnReview, có nghĩa bạn là một trong số hàng triệu người đang truy cập Internet mỗi ngày trên thế giới. Hệ thống mạng lưới giúp đưa Internet tới chúng ta gồm có rất nhiều bộ phận, nhưng một trong những yếu tố thú vị nhất là những đường cáp quốc tế nằm dưới đáy biển, kết nối các châu lục lại với nhau. Hệ thống cáp khổng lồ này đã được trang TeleGeography ghi lại thành bản đồ.

Bản đồ cáp Internet dưới biển Việt Nam

Việt Nam, Đông Nam Á, Trung Quốc và Ấn Độ

Cáp Internet dưới đáy biển phục vụ tới 99% lưu lượng quốc tế và đã xuất hiện kể từ khi Internet ra đời. Có hàng tấn cáp dùng để kết nối giữa những khu vực lớn trên thế giới nên trước khi lắp đặt, đường đi của các đoạn cáp đã được tính toán kỹ lưỡng để tránh các vùng nguy hiểm dưới đáy biển.

Trái với suy nghĩ của nhiều người, vệ tinh hiện nay vẫn chưa hoàn toàn thay thế được cáp đường biển. Thậm chí, ở nhiều nơi có địa hình khó khăn, cáp lại đang trở thành lựa chọn chính thay cho vệ tinh. Nguyên nhân là bởi cáp biển có giá thành rẻ hơn rất nhiều, hơn nữa vẫn có khả năng chịu được lưu lượng khá lớn.

Bản đồ cáp Internet dưới biển

Đường cáp từ Bắc Mỹ (trái) xuyên Đại Tây Dương tới châu Âu (phải)

Bản đồ cáp Internet dưới biển

Mạng lưới cáp biển ở Châu Âu

Lưu lượng của từng đoạn cáp còn phụ thuộc vào nhu cầu sử dụng ở các quốc gia và châu lục mà chúng phục vụ. Ví dụ, cáp nằm trên Đại Tây Dương có lưu lượng lớn hơn cáp ở Đông Phi. Điều này không có nghĩa rằng cáp của Đông Phi có chất lượng kém hơn cáp ở Đại Tây Dương mà chỉ đơn giản là người dân nơi đây sử dụng Internet ít hơn các châu lục khác. Một đoạn cáp có thể có giá từ 300 – 400 triệu USD, tùy thuộc vào những yếu tố như tổng độ dài, độ dài trên mặt đất cũng như số quốc gia được kết nối thông qua đoạn cáp đó. Tuổi thọ của cáp có thể lên tới 25 năm và trong khoảng thời gian đó, lưu lượng của cáp có thể được nâng cấp lên mức cao hơn với chi phí vừa phải.

Bản đồ cáp Internet dưới biển

Úc và New Zealand

Bản đồ cáp Internet dưới biển

Châu Phi

75% hỏng hóc về cáp có nguyên nhân xuất phát từ con người như đánh cá hay tàu bè thả neo. Tất nhiên, yếu tố tự nhiên cũng có thể gây nên những ảnh hưởng nặng nề cho kết nối Internet quốc tế. Vào năm 2011, trận động đất Nhật Bản đã làm mất điện một nửa số cáp của đất nước này. Tuy nhiên, các nhà cung cấp dịch vụ đã kịp chuyển lưu lượng sang các đường cáp khác, giúp Nhật Bản duy trì được kết nối Internet với thế giới.

Ngoài ra, bạn cũng có thể tham khảo cách các đoạn cáp xuyên lục địa được lắp đặt thông qua đoạn clip dưới đây:

Việt Dũng

Theo CNN

Chủ đề khác