VnReview
Hà Nội

Đánh giá điện thoại Asus ZenFone 5

Có thể nói trong phân khúc điện thoại giá rẻ nửa đầu năm nay, dòng sản phẩm nhận được sự quan tâm nhiều nhất chính là Asus ZenFone. Với ảnh hưởng từ thương hiệu của Asus và Intel, cấu hình khá, thiết kế tốt và mức giá hợp lý, ZenFone đã tạo được ấn tượng cho người dùng thậm chí từ trước khi có hàng để bán ra.

Trong dòng sản phẩm này, ZenFone 4 có giá rẻ nhất nhưng thời lượng pin không thuyết phục và màn hình hơi kém. ZenFone 6 ngược lại có cấu hình cao, pin lớn nhưng kích thước lại quá cỡ với phần lớn người dùng. Trong khi đó ZenFone 5 có kích cỡ vừa phải, hiệu năng khá, có hai phiên bản để lựa chọn và giá đều ở mức tốt (dưới 4,5 triệu đồng). Do vậy đây cũng là sản phẩm được quan tâm nhiều nhất trong bộ ba của Asus.

ZenFone 5 là sản phẩm có mức giá và kích thước phù hợp với nhiều người sử dụng

Phiên bản ZenFone 5 chúng tôi đánh giá trong bài viết này là ZenFone 5 A501, có giá bán chính hãng 3,99 triệu đồng.

Thiết kế

Vẻ ngoài và đặc điểm thiết kế của ba máy dòng ZenFone nhìn chung là giống nhau, chỉ khác biệt ở kích thước. ZenFone 5 với màn hình 5 inch có kích thước và trọng lượng ở mức vừa phải, mặt lưng hơi cong nhẹ nên tạo ấn tượng máy mỏng hơn thực tế, khi cầm không gây cảm giác khó chịu. Tuy nhiên thân máy hơi dài nên hơi khó sử dụng bằng một tay.

Chất liệu nhựa mịn ở mặt sau khá bám vân tay, nhất là với máy màu đen

ZenFone 5 sử dụng những chất liệu khá tốt để chế tạo, nên máy không gây cảm giác một chiếc điện thoại giá rẻ. Màn hình của máy được bảo vệ bởi kính cường lực Gorilla Glass, phía dưới là viền nhôm với vòng tròn đồng tâm giống như trên các laptop cuả Asus. Chất liệu mặt sau và viền máy là lớp nhựa mịn, dễ bị bám vân tay, nhất là với máy màu đen.

Các nút cứng của máy có họa tiết giống phần viền dưới màn hình

Các nút vật lý của máy được đặt ở cạnh phải, dễ bấm và cũng có hoạt tiết kiểu vân tròn. Máy có ba nút cảm ứng đặt ở dưới màn hình. Ba nút này không có đèn nền, nên khi sử dụng buổi tối có thể bấm nhầm. Nắp lưng của máy có thể tháo rời để lộ hai khe MicroSIM và khe thẻ nhớ MicroSD, nhưng pin thì được gắn liền.

Nắp lưng của máy có thể tháo rời để thay SIM và thẻ nhớ, nhưng pin được gắn liền

Nhìn chung, ZenFone 5 có ngoại hình khá đẹp, các chi tiết thiết kế như phần viền dưới màn hình hay nút bấm cứng cáp. Thiết kế của máy cũng đem lại cảm giác cầm nắm khá thoải mái. Bên cạnh đó, nút cảm ứng phía dưới màn hình không có đèn và thân máy hơi dài khiến việc sử dụng đôi lúc gặp bất tiện.

Màn hình và loa

ZenFone 5 có màn hình 5 inch, độ phân giải 1280 x 720 pixel, đạt mật độ điểm ảnh 294 ppi. Độ phân giải của máy hiện nay là cao nhất trong các điện thoại khoảng 4 triệu đồng, nên màn hình sắc nét là điểm mạnh khi so với các sản phẩm cùng tầm giá.

Đánh giá Asus ZenFone 5

Độ sáng màn hình ZenFone 5 không cao, nên sử dụng ngoài trời nắng có thể hơi khó nhìn

Tuy nhiên màn hình của ZenFone 5 cũng có điểm yếu là độ sáng tối đa không cao: khi chúng tôi sử dụng thiết bị để đo thì độ sáng tối đa của ZenFone 5 là 291 cd/m2, chỉ là mức trung bình khá. Do vậy khi sử dụng ngoài trời nắng thì màn hình của ZenFone 5 hơi khó nhìn.

Khả năng hiển thị màu chính xác của ZenFone 5 khá tốt. Kết quả đánh giá của VnReview cho thấy độ lệch màu hiển thị của máy không cao, có thể so với các điện thoại tầm trung như Lenovo S930 hay LG Nexus 4.

Đánh giá Asus ZenFone 5

Loa ngoài của máy có âm lượng không lớn

Loa ngoài của ZenFone 5 nằm ở mặt sau, có mức âm lượng không lớn, nên chỉ đáp ứng tốt trong môi trường không quá ồn. Trong quá trình đánh giá, chúng tôi nhận thấy nhiều người dùng than phiền loa thoại của máy có âm lượng bé, khó nghe. Khi sử dụng nhiều máy ZenFone 5, cả bản chính hãng và xách tay thì chúng tôi không nhận thấy hiện tượng này, nhưng có thể chất lượng phần cứng của ZenFone 5 không đồng đều.

Máy ảnh

Máy ảnh là tính năng được Asus nhấn mạnh khi giới thiệu dòng ZenFone, với điểm nhấn là khả năng chụp đêm tốt cùng nhiều tính năng chụp ảnh thú vị. Trên ZenFone 5 máy ảnh chính có độ phân giải 8 megapixel, khả năng quay phim Full HD, còn máy ảnh phía trước có độ phân giải 2MP. So với ZenFone 4 thì máy có độ phân giải cao hơn, bổ sung đèn flash trợ sáng.

ZenFone 5 hỗ trợ nhiều chế độ chụp ảnh, phần lớn cũng đã xuất hiện trên nhiều điện thoại khác (HDR, xóa phông, chọn ảnh đẹp nhất, làm đẹp…). Một chế độ khá độc đáo của Asus là chế độ Ảnh tự sướng (selfie). Chế độ này sử dụng camera mặt sau, khi hướng vào mặt người chụp máy sẽ nhận diện khuôn mặt, đếm ngược và tự chụp một bức ảnh.

Khi bạn bật chế độ tự động và chụp ảnh, máy cũng sẽ tự đánh giá cảnh đang chụp và có thể đưa ra gợi ý cho bạn chụp ở các chế độ khác như HDR hay chụp thiếu sáng. Chế độ chụp thiếu sáng của máy khá hữu dụng với các cảnh chụp rất tối, khi mắt người cũng không nhìn rõ; nhưng đối với cảnh chụp buổi tối và có ánh đèn thông thường thì ảnh chụp không sáng ấn tượng, lại dễ bị rung.

Chụp đêm ở chế độ tự động: ISO 1600, thời gian phơi sáng 1/12 giây, ảnh 4MP

Chụp đêm ở chế độ "Ban đêm": ISO 1600, thời gian phơi sáng 1/4 giây, ảnh 4MP

Chụp đêm ở chế độ "Thiếu ánh sáng": ISO 1600, thời gian phơi sáng 1/4 giây, ảnh mặc định 2MP

Ảnh chụp ở ngoài trời của ZenFone 5 có tốc độ nhanh nhưng xử lý và lưu ảnh hơi chậm, độ nét tốt ở tâm ảnh, hơi mờ ở các vùng rìa ảnh. Màu sắc của ảnh hơi nghiêng về tông màu xanh, nhiều lúc bị quá rực rỡ so với thực tế. Ảnh có độ sáng giống ánh sáng thật, nhưng thể hiện dải ánh sáng kém nên khi chụp ngược sáng sẽ khó thể hiện hết các đối tượng trong ảnh. Điều này có thể phần nào khắc phục bằng chế độ HDR, nhưng ảnh chụp với chế độ này lại có màu sắc không thật.

Ảnh phong cảnh ngoài trời ở chế độ tự động

 

Ảnh chụp ban ngày có độ nét khá, nhưng đôi lúc màu sắc hơi bị lệch

Ảnh chụp ở chế độ HDR đôi lúc có màu sắc không thật

Ảnh xóa phông ở chế độ "Độ sâu trường ảnh"

Ảnh chụp buổi tối của ZenFone 5 đủ sáng, trong điều kiện ánh sáng rất kém cũng có thể dùng chế độ thiếu sáng. Khi chụp buổi tối, chế độ tự động thường cho kết quả tốt hơn chế độ chụp đêm: nếu dùng chế độ chụp tự động và giữ chắc tay thì ảnh có độ nét khá, ánh sáng cân bằng, ít bị nhiễu; nhưng khi dùng chế độ chụp đêm thì ảnh dễ bị nhiễu và rung hơn. Như vậy nhìn chung khả năng chụp ảnh của ZenFone 5 ở mức khá so với tầm giá, nhưng không thực sự nổi bật.

Ảnh chụp buổi tối ở chế độ tự động, ánh sáng khá cân bằng, ảnh không bị nhiễu nhiều

Ảnh chụp trong nhà ở chế độ tự động

Độ phân giải tối đa khi quay phim trên ZenFone 5 là Full HD. Trong thực tế phim quay từ máy cũng không đạt độ nét cao, kể cả khi quay vào ban ngày.

Clip Full HD quay từ ZenFone 5

Hiệu năng

Do sự khan hàng chung của dòng ZenFone, phiên bản có vi xử lý thấp hơn là ZenFone 5 A501 đã về hàng trước, còn bản A500 hiện chưa có thông tin về thời điểm báng. Về mặt cấu hình thì máy chính hãng của hai phiên bản này chỉ khác nhau ở tốc độ vi xử lý, còn lại các yếu tốt như RAM, đồ họa hay dung lượng bộ nhớ trong là giống nhau.

Đánh giá Asus ZenFone 5

So sánh cấu hình chi tiết giữa hai phiên bản ZenFone 5

ZenFone 5 A501 thể hiện hiệu năng tốt, xử lý nhanh trong những tác vụ sử dụng thông thường như mở ứng dụng, lướt web, chuyển giữa các ứng dụng, chụp ảnh xem phim… Đối với những game nặng như Dead Trigger, ZenFone 5 A501 vẫn đáp ứng được, nhưng nếu chỉnh sang chế độ đồ họa cao nhất thì sẽ hơi giật. Khi sử dụng máy để chơi game trong thời gian dài thì ZenFone 5 cũng không bị nóng nhiều.

So sánh hiệu năng giữa hai phiên bản Asus ZenFone 5

Mặc dù có chênh nhau tới 25% về tốc độ vi xử lý, trong thực tế sử dụng hiệu năng của hai phiên bản ZenFone A500 và A501 không chênh lệch nhiều. Đối với tác vụ thông thường thì hai máy đều xử lý nhanh, còn với các game nặng thì nếu A501 không chơi mượt, A500 cũng không khá hơn. Nếu như chỉ sử dụng một máy thì người dùng sẽ khó thấy khác biệt, nhưng khi đặt cạnh nhau thì A500 có thời gian mở game, mở màn chơi nhanh hơn. Sự chênh lệch cũng thể hiện rõ với các phần mềm đánh giá hiệu năng.

Dung lượng pin của ZenFone 5 là 2110 mAh, không phải là cao với điện thoại màn hình 5 inch. Trong thực tế khi sử dụng máy để mở ứng dụng Twitter, chat qua Facebook hay lướt web trên Chrome thì máy tụt pin khá nhanh: sau khi rút sạc gần 10 giờ với hơn 30 phút sử dụng thực tế, máy mất 30% pin. Với người không sử dụng điện thoại quá nhiều thì pin của ZenFone 5 đủ dùng trong một ngày. Khi sử dụng các ứng dụng như chụp ảnh, game thì pin của máy tụt nhanh hơn.

Kết quả đánh giá pin ZenFone 5 bằng quy trình của VnReview cũng không thực sự ấn tượng. Cụ thể máy đạt kết quả hơn 11 giờ gọi diện, hơn 2 giờ khi chơi game và gần 6 giờ khi xem phim. Đây đều là những kết quả trung bình.

Phần mềm

ZenFone 5 được cài đặt hệ điều hành Android 4.3, và Asus cho biết máy sẽ sớm có bản nâng cấp Android 4.4 KitKat. Tất cả các điện thoại ZenFone đều sử dụng ZenUI, sự kết hợp giữa giao diện người dùng và một số phần mềm thông minh.

Giao diện ZenUI trên ZenFone 5

Có thể thấy giao diện của ZenUI được áp dụng triết lý thiết kế phẳng, phần lớn biểu tượng của các ứng dụng đều đơn giản, tuy nhiều màu sắc nhưng thiên về tông trầm nên không bị "nhức mắt" như giao diện một số smartphone Trung Quốc. Giao diện gốc cũng không cài sẵn nhiều widget trên các màn hình chủ, chỉ có widget What's Next do Asus phát triển giúp thông báo các sự kiện sắp có trong lịch của người dùng.

Ứng dụng Do It Later trên ZenUI

Trong số các ứng dụng do Asus phát triển trên ZenUI, Do It Later là ứng dụng có nhiều cải tiến so với phần mềm gốc của Android. Các menu sẽ xuất hiện ở ứng dụng gọi điện, nhắn tin, trình duyệt web hay email để bạn có thể thêm ghi nhớ thực hiện sau. Bên trong ứng dụng Do It Later là danh sách các công việc bạn cần thực hiện, có thể là công việc được tạo từ điện thoại hoặc công việc được đồng bộ từ tài khoản Google.

Đánh giá Asus ZenFone 5

Bàn phím gốc trên ZenFone dễ nhìn và dễ bấm

Nhóm ứng dụng chia sẻ gồm Share Link, PC Link, Remote Link và Party Link cũng khá thú vị. Share Link là ứng dụng chia sẻ file trực tiếp giữa các máy dựa trên việc tạo kết nối WiFi Hotspot; PC Link là ứng dụng cho phép hiển thị màn hình điện thoại trên máy tính qua kết nối USB; Remote Link cho phép bạn dùng điện thoại để điều khiển PowerPoint hoặc WMP trên máy tính qua kết nối Bluetooth; và Party Camera sẽ giúp chia sẻ các bức hình vừa chụp trong cùng một nhóm.

Vấn đề đối với các điện thoại trong dòng ZenFone nói chung là khả năng tương thích với ứng dụng. Gần đây khi Facebook trên Android được cập nhật lên phiên bản 11, nhiều người dùng ZenFone cho biết họ gặp hiện tượng ứng dụng Facebook báo ‘has stopped' và không bật được. Cách khắc phục vấn đề này không phải đơn giản với những người không rành về điện thoại. Sau đó thì Asus đã phải đưa ra bản cập nhật hệ thống mới để giải quyết lỗi này.

Sự thiếu tương thích cũng có thể khiến cho một số game bị giật khi chơi trên ZenFone, trong khi các điện thoại cùng tầm giá không bị điều này. Đôi lúc các ứng dụng bình thường chạy được như FotMob, Outlook.com cũng bị đóng đột ngột.

Kết luận

ZenFone 5 là sản phẩm được chú ý rất nhiều trong năm nay, và thực tế sử dụng cho thấy nó xứng đáng với sự chờ đợi đó. Thiết kế tốt, hiệu năng cao, chất lượng máy ảnh khá là những điểm khiến tôi hài lòng trên chiếc điện thoại này. Tuy nhiên chiếc điện thoại này vẫn còn những điểm thiếu thuyết phục như thời gian sử dụng pin không cao, cùng vấn đề tương thích và sự ổn định với một số phần mềm. Đáng tiếc đây lại là hai khía cạnh mà người dùng rất quan tâm hiện nay.

Trong tầm giá 4 triệu đồng hiện nay, ngoài ZenFone 5 thì người dùng còn một số lựa chọn đáng chú ý như HTC 8X, Nokia Lumia 820 hay Moto G, mỗi sản phẩm đều có ưu nhược điểm riêng mà các bạn có thể tham khảo trong những bài đánh giá. Về tổng thể, ZenFone 5 vẫn là một chiếc điện thoại thuyết phục khi so sánh với các sản phẩm cạnh tranh này.

Bạn đọc có thể đặt ra câu hỏi về việc lựa chọn giữa hai phiên bản A500 và A501. Trong thực tế sử dụng hiệu năng của hai phiên bản này không chênh lệch nhiều, do vậy nếu tài chính không dư dả thì bạn có thể yên tâm lựa chọn ZenFone 5 A501.

Tuấn Anh

Chủ đề khác