VnReview
Hà Nội

Đánh giá Nokia Lumia 530: chiếc Lumia rẻ nhất hiện nay

Tương tự Asus, Nokia đang muốn đổ bê tông trong phân khúc giá rẻ. Sau khi ra mắt chiếc Lumia 630 ở tầm giá 3 triệu đồng, Nokia (nay thuộc Microsoft) vừa ra mắt sản phẩm mới ở tầm giá rẻ hơn là Lumia 530. Mặc dù là hậu duệ của Lumia 520/Lumia 525 nhưng Lumia 530 lại bị cắt giảm một số thành phần để có mức giá bán tốt hơn.

Chiếc Lumia 530 vừa được bán ra thị trường Việt Nam vào đầu tháng Tám với giá chính hãng là 2,35 triệu đồng và là máy Lumia rẻ nhất hiện nay để cạnh tranh với các điện thoại Android mà điển hình là Asus Zenfone 4. Sản phẩm chúng tôi sử dụng trong bài đánh giá có màu cam (ngoài màu này thì máy còn có các màu xanh, trắng và đen) lấy từ hệ thống Hoàng Hà Mobile với giá rẻ hơn chút so với giá của hãng (2,09 triệu đồng - biểu giá ngày 18/8/2014).

Bảng so sánh thông số phía trên cho thấy Lumia 530 đã bị cắt giảm một số thành phần so với hai mẫu đàn anh Lumia 520/525, trong đó đáng chú ý nhất là dung lượng bộ nhớ trong nhỏ đi và camera không hỗ trợ lấy nét tự động cũng như quay phim HD như hai sản phẩm đàn anh. RAM của máy nhỏ hơn Lumia 525 trong khi dung lượng pin không thay đổi. Bộ vi xử lý tuy được nâng cấp từ lõi kép 1GHz lên lõi tứ 1.2GHz song sức mạnh xử lý đồ họa (GPU) lại bị suy giảm từ Adreno 305 xuống phiên bản cũ hơn Adreno 302.

Liệu những thay đổi cấu hình như vậy trong Lumia 530 tác động thế nào đến trải nghiệm thực tế?

Thiết kế

Thiết kế của Lumia 530 dày hơn hai sản phẩm tiền nhiệm và kiểu dáng khác hẳn, giống với Lumia 620 hơn. Máy bo tròn ở các góc, trông mềm mại giống Lumia 620 chứ không vuông vắn như trên Lumia 520 và 525. Chính vì vậy, cầm Lumia 530 sẽ có cảm giác ôm tay và gọn hơn. Ngoài ra, phím chụp ảnh vật lý cũng đã không còn trên Lumia 530.

3 phím điều hướng trên Lumia 530 (máy phía trên, màu vàng) đã được đưa vào màn hình

Trong khi đó, ba phím điều hướng (Back, Windows và Tìm kiếm) đã được đưa lên màn hình cảm ứng, thay vì viền máy như trên các sản phẩm tiền nhiệm. Các phím này được Microsoft thiết kế khá nhỏ trên màn hình nhưng vẫn dễ sử dụng và giúp cho diện tích hiển thị của Lumia 530 không bị hẹp nhiều.

Mặt sau có camera sau, không có đèn flash và loa ngoài là lỗ nhỏ phía dưới

Kiểu dáng của Lumia 530 bo tròn mềm mại giống với Lumia 620 hơn là hai máy tiền nhiệm Lumia 525/520;

Màn hình

Màn hình của Lumia 530 vẫn có kích cỡ 4 inch tương tự Lumia 520/525 nhưng công nghệ tấm màn hình bên trong là TFT LCD chứ không phải là IPS LCD giống như trên hai sản phẩm tiền nhiệm. Khi so sánh trực tiếp với Lumia 525 thì màn hình của Lumia 530 hiển thị màu sắc nhạt hơn nhiều và độ sáng tối đa của màn hình cũng thấp hơn.

Màn hình của Lumia 530 (bên trái) trông màu sắc nhợt nhạt hơn Lumia 525

Trong quá trình sử dụng, chúng tôi thường đặt độ sáng màn hình ở mức cao (máy có 3 mức thiết lập độ sáng: cao, trung bình và thấp) vì nếu để mức trung bình hoặc thấp thì màn hình trông tối, khó nhìn kể cả khi sử dụng trong nhà dưới ánh sáng đèn bình thường. Tuy vậy, góc nhìn của Lumia 530 không chênh nhiều so với Lumia 525, màu sắc và độ tương phản có bị thay đổi khi nhìn từ các góc khác nhau nhưng không đến mức mất màu như màn hình của Asus Zenfone 4. Máy cũng cho phép điều chỉnh nhiệt màu (nóng và lạnh) và độ bão hòa giống như các Lumia khác.

Khi đo màn hình trên phần mềm và thiết bị chuyên dụng, kết quả cho thấy màn hình của Lumia 530 có độ sáng tối đa và độ tương phản thấp. Hai yếu tố này kết hợp lại khiến cho màn hình của máy hiển thị nhợt nhạt, không gây ấn tượng với mắt mặc dù xét trên điểm số thì khả năng hiển thị chính xác các màu cơ bản cũng không phải quá tệ. 

Bảng kết quả đo màn hình của Lumia 530 so với một số sản phẩm khác

Khả năng hiển thị các màu cơ bản: phía trên là màu máy hiển thị trông nhợt nhạt hơn nhiều so với màu tiêu chuẩn ở phía dưới

Khả năng hiển thị thang màu xám: phía trên là màu máy hiển thị và phía dưới là màu tiêu chuẩn

Chụp ảnh/quay phim

Camera của Lumia 530 có độ phân giải 5MP và không có đèn flash tương tự Lumia 520/525 nhưng không còn khả năng lấy nét tự động mà áp dụng cơ chế lấy nét cố định. Điều này nghĩa là bạn không thể thay đổi điểm lấy nét như mong muốn khi chụp ảnh. Ngoài ra, camera của Lumia 530 không hỗ trợ quay phim độ phân giải HD 720p giống như hai sản phẩm tiền nhiệm, chỉ hỗ trợ quay ở độ phân giải FWVGA (854 x 480 pixel) và VGA (640 x 480 pixel). Tuy vậy, máy có tốc độ chụp nhanh tương tự hai sản phẩm tiền nhiệm.

Mặc dù camera của Lumia 530 không có khả năng lấy nét tự động, nhưng nhìn chung độ nét của ảnh chụp cũng ở mức chấp nhận được. Một ưu điểm khác của máy ảnh Lumia 530 là khả năng thể hiện độ sáng tốt. Ảnh chụp trong các điều kiện sáng khác nhau đều cho mức sáng vừa phải, trung thực. Dải sáng của máy ảnh rộng giúp cho bầu trời trong ảnh thể hiện trung thực, không bị lóa mất.

Về màu sắc, khi chụp ở môi trường ngoài trời đủ sáng ảnh chụp có nước ảnh tươi tắn, màu sắc trung thực. Trong điều kiện trong nhà, trời tối hơn thì màu sắc hơi nhạt, độ chi tiết cũng kém hơn.

Phần mềm và hiệu năng

Lumia 530 là chiếc Lumia thứ 3 được cài sẵn phiên bản Windows Phone 8.1 mới nhất của Microsoft cùng bản cập nhật Cyan mới dành cho các máy Lumia. Phiên bản Windows Phone 8.1 đã bổ sung khá nhiều tính năng mà lâu nay thiếu vắng trên nền tảng Windows Phone, điển hình là sự xuất hiện của trung tâm thông báo, trợ lý ảo Cortana, khả năng thay hình nền cho màn hình chính (màn hình Live Tile), cài ứng dụng lên thẻ nhớ, hiển thị 3 cột trên màn hình nền và đặc biệt là bàn phím ảo trên máy đã hỗ trợ kiểu gõ Telex và VNI. Bạn đọc có thể tham khảo chi tiết về những tính năng mới của Windows Phone 8.1 trong bài đánh giá Nokia Lumia 630 và bài viết tổng quan về các tính năng mới của Windows Phone 8.1.

Về hiệu năng, Lumia 530 được trang bị bộ vi xử lý Qualcomm Snapdragon 200 lõi tứ tốc độ 1.2GHz và RAM 512B tương tự Lumia 520, nhỏ hơn RAM 1GB của Lumia 525. Bộ vi xử lý của máy có khác biệt so với hai sản phẩm tiền nhiệm nhưng sự khác biệt về hiệu năng dường như khó nhận thấy trong trải nghiệm thực tế. Nói cách khác, hiệu năng chậm không phải là vấn đề của các máy Windows Phone, kể cả là với những máy giá rẻ như Lumia 530 nhờ hệ điều hành được tối ưu tốt.

Hơn nữa, vấn đề RAM nhỏ cũng không phải là yếu tố đáng ngại trong thực tế. Đa số các game và ứng dụng phổ thông trên Windows Phone trước đây chỉ hỗ trợ RAM 1GB gần đây cũng đã được nhà sản xuất tùy chỉnh để hỗ trợ các thiết bị RAM 512MB, chẳng hạn như các game Subway Surfer, Temple Run hay game đua xe Asphalt. Tuy vậy, vẫn có những game và ứng dụng trên Windows Phone vẫn chỉ hỗ trợ RAM 1GB hoặc hoạt động không ổn định trên RAM 512MB chẳng hạn các game NOVA3, Real Soccer, Fifa13...

Thời gian pin

Dung lượng pin của Lumia 530 vẫn là 1430 mAh tương tự hai sản phẩm đàn anh. Do có sự khác biệt về bộ vi xử lý, đồ họa, RAM và phiên bản hệ điều hành nên thời gian pin của Lumia 530 có chút khác biệt so với Lumia 525, ở mức trung bình. Ở hoạt động gọi điện, máy có thời lượng pin tốt hơn Lumia 525 khá nhiều (10 giờ 55 phút so với 7 giờ 10 phút trên Lumia 525). Tuy vậy, hoạt động xem phim HD thì hai máy có kết quả tương đương, hơn 3 giờ. (Xem thêm bài VnReview test pin smartphone như thế nào).

Khi thử dùng trong thực tế, pin của máy hao khá nhanh. Cụ thể, máy hao tới 26% pin sau 1 giờ xem phim ca nhạc trên YouTube và 24% sau 1 giờ lướt web, cả hai hoạt động này đều thực hiện thông qua mạng Wi-Fi ở độ sáng mức trung bình và âm lượng ở mức 70%. Khi chơi game Temple Run 2 ở độ sáng màn hình mức trung bình (vẫn bật Wi-Fi để cập nhật thông tin) thì máy cũng hao tới 33% sau 1 giờ. Như vậy, nếu nhu cầu sử dụng trong khoảng 3 tiếng mở màn hình mỗi ngày trở lại thì máy có thể trụ được trong một ngày. 

Kết luận

Việc Nokia (nay thuộc Microsoft) ra mắt Lumia 530 với cấu hình cắt giảm so với các sản phẩm tiền nhiệm là điều khá bất ngờ. Có lẽ Microsoft làm như vậy để đẩy dòng Lumia xuống cạnh tranh với Android ở tầm giá thấp hơn đồng thời cũng đưa nó trở thành sản phẩm thay thế cho cả dòng Asha nữa.

Trong trải nghiệm thực tế, việc hạ cấp Lumia 530 xuống phân khúc thấp hơn hai sản phẩm tiền nhiệm (Lumia 520/525) không bị ảnh hưởng đến hiệu năng và thời gian pin của máy nhưng chất lượng hiển thị của màn hình thì giảm sút rõ rệt. Màn hình của Lumia 530 trông nhạt nhòa hơn và độ sáng thấp hơn nhiều so với các máy tiền nhiệm.

Bộ nhớ trong của máy giảm xuống chỉ còn 4GB, so với 8GB trên hai máy Lumia 520/525. Camera bị rút gọn nhẹ, không còn khả năng tự lấy nét và quay phim HD nhưng chất lượng ảnh vẫn khá ổn. Tuy vậy, Lumia 530 có một ưu thế nhỏ so với Lumia 520/525 là khả năng hỗ trợ 2 SIM và đang sử dụng phần mềm Windows Phone 8.1 mới hơn.

Nhìn chung, chất lượng màn hình và dung lượng bộ nhớ trong là hai vấn đề người dùng nên cân nhắc khi mua Lumia 530. Đây là hai điểm mà sản phẩm này thua kém Lumia 520/525, hai sản phẩm đang có giá bán đắt hơn vài trăm nghìn đồng (Lumia 520 có giá 2,59 triệu đồng và Lumia 525 có giá 2,79 triệu đồng).  

Thanh Phong

Chủ đề khác