VnReview
Hà Nội

Đánh giá Sony Xperia C3: chụp ảnh đẹp, hiệu năng tốt, pin khỏe

Phân khúc smartphone lai máy tính bảng hay còn được biết đến rộng rãi hơn với tên gọi phablet đang tỏ ra rất sôi động nhờ sự tham gia của hàng loạt tên tuổi lớn. Và với sự xuất hiện của chiếc Sony Xperia C3, người dùng lại có thêm một lựa chọn đáng cân nhắc.

Sony Xperia C3 có bộ cấu hình gồm màn hình lớn 5.5 inch độ phân giải HD (1280 x 720 pixel), bộ vi xử lý Snapdragon 400 lõi tứ xung nhịp 1.2GHz, RAM 1GB, bộ nhớ trong 8GB có khe cắm thẻ nhớ tối đa 32GB, camera 8MP phía sau và 5MP phía trước, pin 2500 mAh, cài sẵn Android 4.4.2 và giao diện người dùng Xperia UI mới nhất của Sony hiện nay, hỗ trợ 2 SIM cùng đầy đủ các kết nối không dây cơ bản (3G, Wi-Fi, Bluetooth, GPS).

Giá công bố chính hãng của Sony Xperia C3 là 6,99 triệu đồng. Sản phẩm chúng tôi sử dụng trong bài đánh giá lấy từ hệ thống Hoàng Hà Mobile với giá 6,15 triệu đồng, rẻ hơn khá nhiều so với giá công bố của hãng và người mua vẫn được tặng bao da và gậy tự sướng chính hãng đi kèm.

Tuần trước, VnReview đã có bài trên tay Sony Xperia C3 và bài đánh giá hôm nay sẽ cập nhật các thông tin chi tiết hơn sau khi chúng tôi có thời gian trải nghiệm máy kỹ càng hơn.

Thiết kế

Nếu nhìn từ mặt trước, có thể thấy thiết kế của Xperia C3 gần như tương đồng với "người anh em" của nó là Xperia T2 Ultra mà VnReview đã từng có bài đánh giá chi tiết. Từ phần cạnh viền vuông vức đến cách bố trí các nút bấm, khe lắp sim, thẻ nhớ, loa thoại và mic tạo cảm giác như máy sở hữu đôi loa stereo, tất cả đều gợi nhớ đến chiếc phablet 6 inch tiền nhiệm ra đời cách đây không lâu.

Thiết kế của Xperia C3 có nhiều nét tương đồng với "người anh" Xperia T2 Ultra

Và thực chất, cả về cấu hình thì 2 chiếc phablet của Sony cũng có nhiều điểm tương đồng từ vi xử lý, bộ nhớ trong, dung lượng RAM, độ phân giải màn hình,…Xperia C3 có thể coi là phiên bản rút gọn và cải tiến của T2 Ultra nhằm phục được đa dạng người dùng hơn của Sony.

Như đã đề cập ở bài trên tay, với màn hình lên tới 5.5 inch, Xperia C3 có kích thước khá lớn. Tuy vậy, nhờ phần thân mỏng (7,9mm) và trọng lượng khá nhẹ (149.7g), đặc biệt là phần mặt lưng bằng nhựa được vát nhẹ giúp cầm ôm tay hơn và có bề mặt nhám giúp chống trơn trượt nên khi sử dụng C3 bằng một tay cũng không quá khó chịu.

Mặt lưng vát nhẹ về các cạnh và làm nhám khiến cảm giác cầm nắm C3 khá dễ chịu

Máy mỏng nhẹ nên dù có kích thước lớn vẫn dễ sử dụng bằng một tay

Bên cạnh đó, phần khung viền của máy được làm giả kim loại, tạo hiệu ứng sáng bóng khá bắt mắt, dù phần viền này cũng rất dễ bám mồ hôi tay và xước dăm. Các phím bấm trên C3 vẫn trung thành với các dòng Xperia trước đó với phím nguồn hình tròn bằng kim loại được làm nổi hẳn lên và đặt ở giữa cạnh phải. Các phím tăng giảm âm lượng, phím chụp ảnh cũng đều được làm từ kim loại với độ nẩy vừa phải, dễ thao tác. Khe cắm thẻ nhớ, khe lắp sim đều dễ dàng tháo lắp.

Phần viền đẹp mắt giúp máy sang trọng hơn nhưng lại dễ bám mồ hôi và xước dăm

Khe cắm thẻ nhớ...

... và khe lắp sim đều dễ dàng tháo lắp

Một điểm đáng chú ý là Xperia C3 không cho tháo nắp lưng dù máy không phải được làm nguyên khối, đồng nghĩa với việc người dùng không thể tháo pin để thay thế khi cần thiết.

Nhìn chung, chiếc phablet của Sony có thiết kế mỏng nhẹ, hấp dẫn, dễ cầm nắm. Ngoài phiên bản màu đen như trong bài đánh giá của VnReview với phong cách khá nam tính, Xperia C3 còn có phiên bản màu trắng và màu xanh ngọc mềm mại hơn, rất phù hợp với các bạn nữ.

Màn hình

Xperia C3 sở hữu màn hình IPS LCD kích thước lớn 5.5 inch với độ phân giải HD (1280x720 pixel), cho mật độ điểm ảnh 267 PPI. Đây là mức phân giải hợp lý cho một chiếc smartphone tầm trung. Do là máy cỡ lớn nên chúng ta thường có xu hướng nhìn vào màn hình ở khoảng cách xa hơn các smartphone cỡ nhỏ, vì vậy mật độ điểm ảnh 267 PPI tuy không phải là cao nhưng vẫn đảm bảo độ chi tiết khá tốt cho việc duyệt web, check mail hay Facebook.

Xperia C3 có màn hình tươi tắn

Màn hình vừa đủ sắc nét cho các nhu cầu duyệt web, check mail, lướt facebook

Màn hình của C3 có màu sắc tươi tắn nhưng lại ám vàng khá nhiều, may mắn là Sony cho phép người dùng tinh chỉnh lại cân bằng trắng của màn hình theo ý muốn nên nhược điểm này cũng có thể dễ dàng khắc phục.

Tinh chỉnh một chút về cân bằng trắng sẽ giúp Xperia C3 thể hiện màu sắc chuẩn xác hơn

Ngoài ra, độ sáng màn hình của chiếc phablet này khá tốt. Góc nhìn của màn hình rộng, không bị biến đổi màu sắc, độ tương phản kể cả khi nghiêng màn hình ở nhiều góc khác nhau.

Độ sáng, màu sắc màn hình ở các góc đều không bị biến đổi nhiều

Khi đo màn hình bằng phần mềm và các thiết bị chuyên dụng, kết quả của máy thể hiện khớp với cảm nhận bằng mắt thường. Màu sắc của Sony Xperia C3 thể hiện trên màn hình tươi tắn là do khả năng hiển thị các màu sắc cơ bản hơi đậm hơn chút so với thực tế cùng với các yếu tố khác như nhiệt màu ấm, màu đen sâu và độ tương phản cao. Độ sáng màn hình không cao nhưng độ tương phản tốt đã giúp cho máy hiển thị màu sắc đẹp.

Bảng đo kết quả màn hình của Xperia C3 so với một số sản phẩm khác

Khả năng hiển thị các màu cơ bản: phía dưới là các màu tiêu chuẩn và phía trên màu hiển thị thực trên máy

Khả năng hiển thị thang màu xám: Phía dưới là các màu tiêu chuẩn và phía trên màu hiển thị thực trên máy

Một điểm thú vị là màn hình của Xperia C3 hỗ trợ cả tính năng cảm ứng siêu nhạy, cho phép dùng máy kể cả khi đeo găng tay. Thử nghiệm thực tế của VnReview cho thấy, tính năng hoạt động rất tốt. Mọi thao tác cảm ứng trên màn hình khi đeo găng tay đều nhanh nhẹn và thoải mái như khi dùng tay không.

Đeo găng tay vẫn có thể sử dụng Xperia C3 dễ dàng

Camera

Tự xưng là chiếc smartphone chụp "tự sướng" tốt nhất thế giới, camera trước của Xperia C3 được Sony chăm chút khá kỹ lưỡng với độ phân giải cao 5MP, ống kính góc rộng 25mm cho trường nhìn lên tới 80 độ và đặc biệt trang bị cả đèn Flash LED.

Camera trước của Xperia C3 có kích thước khá lớn, tương đương camera sau của các smartphone khác trên thị trường

Đèn Flash trên camera trước của Xperia C3 không đơn thuần chỉ có tác dụng giúp các "tín đồ" selfie tự sướng mọi lúc mọi nơi ngay cả trong đêm tối hay điều kiện thiếu sáng. Nó còn được tinh chỉnh lại để phù hợp hơn khi sử dụng ở cự ly gần để "tự sướng". Cụ thể, Sony cho biết họ sử dụng tính năng Soft Flash cho chiếc đèn trợ sáng này giúp cho ra ánh sáng dịu nhẹ, vừa phải tránh việc gây sáng quá mức cho bức ảnh hay từ chuyên môn thường gọi là "cháy" da, "lốp sáng".

Đèn Soft Flash phía trước của Xperia C3 có cường độ dịu nhẹ, vừa đủ để hỗ trợ chụp tự sướng trong điều kiện thiếu sáng

Chiếc đèn Soft Flash còn có tác dụng giúp làm làn da của bạn mịn màng và trắng sáng hơn trong điều kiện đủ sáng. Đặc biệt, một tính năng mà chắc chắn các bạn nữ sẽ vô cùng thích thú, đó là khả năng đeo lens (kính áp tròng) cho mắt cũng được Sony tích hợp cho camera trước của C3.

Bên cạnh đó, các tính năng khác như đánh phấn, gắn mi giả, làm thon gọn gương mặt, ghép ảnh... cùng rất nhiều tính năng phong phú khác cũng được tích hợp trong trình chụp ảnh mặc địch để người dùng tha hồ khám phá, mày mò cũng như giúp việc "tự sướng" thêm phần tiện lợi, thú vị hơn.

Vô số tính năng hỗ trợ chụp tự sướng cho người dùng khám phá

Tuy vậy, với kích thước "quá khổ", chiếc smartphone của Sony cũng khá bất tiện khi chụp ảnh tự sướng với 1 tay. May mắn thay, Sony cũng rất tinh ý khi cho phép người dùng sử dụng nhiều phương thức khác ngoài việc bấm phím cứng hay sử dụng phím ảo trên màn hình để chụp ảnh, như gõ hai lần vào mặt lưng hoặc chạm vào màn hình để chụp. Ngoài ra, máy còn có khả năng tự động phát hiện nụ cười và thực hiện thao tác chụp ảnh theo nhiều cấp độ khác nhau như: "cười tươi, cười vừa, cười mỉm".

Nhiều tính năng hỗ trợ người dùng chụp tự sướng bằng một tay dễ dàng hơn

Thử nghiệm thực tế cho thấy, ảnh chụp từ camera trước của Xperia C3 cho chất lượng khá tốt. Trong điều kiện đủ sáng, ảnh sắc nét, chi tiết với màu sắc hài hòa. Trong khi đó, ở điều kiện thiếu sáng, chiếc đèn Soft Flash tỏ ra hữu dụng. Ngay cả ở trong phòng tối; gần như không còn ánh sáng nhưng nhờ có đèn Flash nên camera trước của Xperia C3 vẫn ghi lại được hình ảnh đủ chi tiết với độ nhiễu thấp.

Một số ảnh chụp từ camera trước 5MP của Xperia C3 (bên trái là ảnh không sử dụng tính năng làm mịn da, bên phải là có sử dụng tính năng này):

Không được chăm chút như camera trước nhưng camera sau của Xperia C3 vẫn sở hữu những thông số tương đối mạnh mẽ. Độ phân giải 8 "chấm" nhưng được trang bị cảm biến Sony Exmor RS từng xuất hiện trên nhiều mẫu smartphone cao cấp, khả năng chống rung SteadyShot, quay phim và chụp ảnh HDR, nhiều chế độ và tùy chọn đa dạng khi chụp ảnh,…

Camera sau chỉ có độ phân giải "khiêm tốn" 8MP

Phần mềm chụp ảnh của Xperia C3 với nhiều tính năng phong phú, giao diện trực quan

Ảnh chụp từ camera sau của Xperia C3 cũng cho chất lượng tốt khi chụp đủ sáng. Cụ thể, các ảnh chụp vào ban ngày trời nắng đẹp thể hiện màu sắc chân thực, cân bằng trắng chuẩn và nhiều chi tiết. Tuy vậy ở môi trường thiếu sáng, camera của C3 lấy nét hơi chậm, nên ảnh dễ bị rung nhiễu, nhất là ảnh chụp chủ thể là trẻ em.

Một số ảnh chụp từ camera sau 8MP của Xperia C3 (Click vào ảnh để xem hình gốc):

Về khả năng quay video, camera 8MP của Xperia C3 cho phép quay video với độ phân giải Full-HD 1920 x 1080 pixel, tốc độ 30 khung hình/giây và định dạng video là mp4 phổ biến. Trong khi đó, camera 5MP của máy cho phép quay video ở độ phân giải 720p (1280 x 720 pixel). Video quay từ Xperia C3 có màu sắc trung thực, cộng với khả năng chống rung của máy khá tốt nên hình ảnh thu được luôn có độ nét cao ngay cả khi người cầm máy di chuyển.

Phần mềm

Tương tự như các model Xperia mới nhất hiện nay, Xperia C3 cũng được cài đặt sẵn giao diện Xperia UI dựa trên nền tàng Android 4.4.2. Đây là giao diện đã được Sony tùy biến khá sâu với việc đưa vào nhiều tính năng phụ hữu ích, khả năng tùy biến cao và nhất là hiệu năng rất mượt mà.

Bạn có thể tùy biến giao diện của máy theo các chủ đề có sẵn hoặc tải về thông qua chợ ứng dụng Play Store. Có rất nhiều theme đa dạng để người dùng lựa chọn và làm mới cho chiếc phablet này.

Giao diện đẹp mắt của Xperia C3 mang tới khả năng tùy biến rất cao

Thêm vào đó, Xperia C3 cũng được trang bị tính năng: "Màn hình chính Đơn giản" giúp tối ưu lại giao diện với các icon to, rõ ràng, trực quan và dễ sử dụng hơn, rất phù hợp với người lớn tuổi hay trẻ nhỏ khi dùng máy.

Chế độ "Màn hình chính Đơn giản" trên Xperia C3

Sony cũng cài đặt khá nhiều phần mềm độc quyền trên chiếc Xperia C3 như: Sony Explore, Xperia Care, SonyLIV, Play Station, Socialife, Sony SmartConnect, TrackID, Walkman, Xperia Lounge, Sony What's News… Tuy nhiên, chỉ có các phần mềm như ứng dụng nghe nhạc Walkman, ứng dụng Album ảnh, ứng dụng tổng hợp các phần mềm hay Sony What's News giúp tổng hợp phim ảnh, nhạc, game, phần mềm thú vị là tỏ ra hữu dụng, còn các ứng dụng khác không thật sự hữu ích cho lắm.

Ứng dụng Sony What's News giúp tổng hợp phim ảnh, nhạc, game, phần mềm hữu ích

Tuy nhiên, bộ font mặc định của Xperia C3 còn đôi chỗ bị lỗi khi hiển thị tiếng Việt

Các ứng dụng nghe nhạc Walkman, ứng dụng Album ảnh, kết nối với tài khoản Play Station đều có giao diện trực quan, đẹp mắt

Do có kích thước lớn nên Sony cũng trang bị cho Xperia C3 tính năng hỗ trợ sử dụng máy bằng một tay. Khi bật tính năng này người dùng có thể nhấp đúp vào phím Home để truy cập thanh thông báo và cài đặt nhanh thay vì phải trượt tay từ trên xuống dưới, cùng việc thu nhỏ lại màn hình để mở khóa bằng hình vẽ dễ hơn. Bàn phím trong mục gọi điện cũng được thu nhỏ lại để dễ thao tác. Bàn phím chính của máy cũng có thể chuyển sang chế độ dùng một tay với việc thu nhỏ lại kích cỡ và dịch sang trái hoặc phải để thuận tiện với cả người thuận tay phải hoặc trái.

Chế độ "Thao tác bằng một tay" giúp dễ dàng sử dụng máy hơn

Bàn phím khi nhắn tin và quay số cũng được tối ưu để có thể sử dụng bằng một tay dễ dàng

Sony cũng đưa vào tính năng Small App cho phép cho phép sử dụng nhiều ứng dụng cùng lúc với các cửa sổ khác nhau tương tự như khi chạy ứng dụng trên Windows hay các máy LG. Tuy nhiên, tính năng này hoạt động chưa hiệu quả. Nó còn nhiều hạn chế khi mới chỉ hỗ trợ một số ứng dụng nhất định và các widget, chứ không phải mọi ứng dụng trong máy. Thêm vào đó, việc sắp xếp các cửa sổ ứng dụng cũng chưa thật trực quan. Các cửa sổ không được tự động điều chỉnh lại kích thước cho khớp với màn hình và người dùng phải tự chỉnh thủ công. Nếu so với tính năng đa cửa sổ trên các máy Samsung hay LG thì Xperia C3 kém hiệu quả hơn.

Tính năng Small App giúp người dùng tận dụng màn hình lớn của C3 để làm việc đa nhiệm nhưng thực tế lại chưa hiệu quả như mong đợi

Một tinh chỉnh nhỏ những cũng rất hữu ích của Sony trên Xperia C3 là việc tự động ẩn 3 phím cảm ứng Home, Back, Recent Apps trong khi chơi game và nếu muốn hiển thị lại các phím này bạn chỉ vuốt tay từ trên xuống.

Hiệu năng hoạt động

Với mức giá chính hãng xấp xỉ 7 triệu đồng, Xperia C3 được xếp vào dạng smartphone tầm trung, chính vì thế cấu hình của máy cũng khá khiêm tốn với chip xử lý lõi tứ Qualcomm MSM8926 Snapdragon 400 chạy ở xung nhịp 1.2GHz, nhân đồ họa Adreno 305, RAM 1GB, bộ nhớ trong 8GB hỗ trợ thẻ nhớ dung lượng tối đa 32GB, pin 2500mAh, cài sẵn Android 4.4.2 và hỗ trợ 2 SIM.

Trong thực tế, máy còn lại khoảng 4,6GB bộ nhớ trong để người dùng sử dụng. Như vậy, các phần mềm hệ thống và hệ điều hành ngốn khoảng 3,4GB bộ nhớ trong của máy. Chính vì vậy, việc trang bị thêm một thẻ nhớ ngoài cho Xperia C3 là cần thiết, nhất là khi bạn cần cài đặt thêm các ứng dụng nặng như game 3D hoặc thường xuyên chụp ảnh, quay phim với chiếc phablet này.

Dung lượng bố nhớ trong thực sự mà người dùng có thể sử dụng trên C3 là khá ít ỏi

Về hiệu năng sử dụng, Xperia C3 cho hiệu năng mượt mà. Máy chạy ổn định, trơn tru, không hề có hiện tượng giật lag. Một phần lớn là nhờ Sony đã trang bị cho chiếc phablet này phiên bản Android mới 4.4.2 đã được tối ưu tốt, đồng thời giao diện Xperia UI cũng rất nhẹ nhàng mà vẫn đẹp mắt. Các thao tác quen thuộc hàng ngày như duyệt web, lướt facebook, check mail, sử dụng viber, chuyển đổi qua lại giữa các ứng dụng này đều diễn ra nhanh nhẹn.

Việc chơi các tựa game nặng ký như Asphalt 8 trên Xperia C3 cũng không phải là vấn đề lớn. Máy có thể xử lý trơn tru, mượt mà trong mọi khung hình. Các hiệu ứng ánh sáng, đổ bóng, cháy nổ được thể hiện đầy đủ. Màn kích thước hình lớn cũng giúp việc chơi game trên C3 rất thuận tiện và thoải mái.

Tuy nhiên, có một lưu ý ở tựa game Asphalt 8, đó là bạn chỉ nên chơi ở mức thiết lập đồ họa trung bình (medium) để đạt được tốc độ khung hình mượt mà mà và ổn định nhất. Nếu cố đẩy lên mức thiết lập đồ họa cao nhất (high), game sẽ khá giật và lag, đặc biệt là ở những cảnh đụng xe.

Asphalt 8 chạy ở mức High sẽ là một thử thách lớn với Xperia C3

Các hiệu ứng cháy nổ, đổ bóng, ánh sáng trong Asphalt 8 thể hiện xuất sắc trên Xperia C3

Nhưng các cảnh vỡ màn hình khi đụng xe sẽ cực kỳ giật, lag nếu bạn chơi ở mức High

Điểm hiệu năng đo được của Xperia C3 bằng các phần mềm benchmark chuyên dụng cũng là khá tốt. Máy đạt 18.034 điểm khi đo bằng AnTuTu và 8.519 điểm khi đo bằng Quadrant. Đây là mức điểm gần như tương với chiếc phablet đàn anh Xperia T2 Ultra (19.655 điểm AnTuTu và 9.633 điểm Quadrant). Điểm của T2 Ultra nhỉnh hơn là do chiếc máy này sử dụng phiên bản chip Qualcomm MSM8928 Snapdragon 400 chạy ở xung nhịp 1.4 Ghz so với Qualcomm MSM8926 Snapdragon 400 chạy ở xung nhịp 1.2 Ghz của Xperia C3.

Nhiệt độ hoạt động của chiếc phablet đến từ Sony cũng rất đáng khen. Máy vẫn mát mẻ trong suốt thời gian chúng tôi sử dụng. Ngay cả khi vừa sạc pin vừa chơi game liên tục trong gần 30 phút, C3 cũng chỉ hơi ấm lên một chút và không hề gây khó chịu như các máy cao cấp. Có lẽ, vi xử lý tầm trung Qualcomm MSM8926 Snapdragon 400 đã được tối ưu tốt, cùng lớp vỏ nhựa đã giúp chiếc phablet này có được nhiệt độ hoạt động tốt đến như vậy.

Thời lượng pin

Với viên pin 2500 mAh được trang bị, nhìn qua có thể thấy Xperia C3 khá đuối khi phải "gánh" màn hình kích thước lớn 5.5 inch và vi xử lý lõi tứ, nhưng thực tế sử dụng lại cho kết quả hoàn toàn ngược lại.

Qua những bài test pin của VnReview, chiếc phablet của Sony cho thời gian pin lên tới 19h48 phút nghe gọi liên tục, 9h55 phút xem phim liên tục và 6h54 phút lướt web liên tục trên mạng Wi-Fi. So sánh với một số mẫu smartphone đối thủ như chiếc HTC Desire 816 (pin 2600 mAh), Nokia Lumia 1320 (pin 3400 mAh), HTC One Mini (pin 1800 mAh), Oppo Find Way S (pin 3000 mAh), Xperia C3 đều cho thời lượng pin tốt hơn. Chiếc phablet này chỉ chịu thua "người anh" Xperia T2 Ultra (pin 3000 mAh). Chi tiết bạn đọc có thể xem ở các biểu đồ dưới đây.

Điểm đáng chú ý là Xperia C3 được trang bị khá nhiều tính năng tiết kiệm pin hữu ích. Có đến 4 tùy chọn tiết kiệm pin được Sony cài đặt sẵn để người dùng lựa chọn gồm: chế độ STAMINA, chế độ pin thấp, Wi-Fi dựa trên vị trí và Xếp hàng dữ liệu nền. Bạn có thể kết hợp tất cả các chế độ này với nhau để đạt được hiệu quả sử dụng pin cao nhất hoặc tùy chọn tắt đi bất cứ chế độ nào để phù hợp với nhu cầu sử dụng của mình.

Rất nhiều chế độ tiết kiệm pin được trang bị trên Xperia C3

Đáng chú ý nhất là chế độ STAMINA. Đây là chế độ đã được Sony trang bị cho một số mẫu Xperia trước đây như Xperia Z, Xperia ZL, Xperia Tablet Z, Xperia SP, Xperia L và đây thực sự là tính năng tiết kiệm pin rất hữu ích. Cụ thể, khi kích hoạt chế độ này, nếu màn hình tắt, Wi-Fi và kết nối 3G sẽ bị tắt tạm thời và hầu hết các ứng dụng đang chạy sẽ ngừng hoạt động nhằm tiết kiệm pin tối đa. Khi bật màn hình trở lại, các tính năng và ứng dụng sẽ hoạt động trở lại bình thường.

Khi chế độ STAMINA được kích hoạt, bạn sẽ vẫn nhận được cuộc gọi, tin nhắn SMS và MMS bình thường. Các ứng dụng Lịch (Calendar), Báo thức (Alarm), các ứng dụng nghe nhạc đang mở, đài FM vẫn hoạt động bình thường. File đang tải về hoặc đang up lên cũng sẽ được hoàn tất. Trong khi đó, các ứng dụng như Facebook, Viber, Gmail sẽ bị tắt và đèn LED sẽ chỉ nháy sáng khi thiết bị sắp hết pin mà thôi.

Tuy nhiên, nếu như bạn muốn các ứng dụng Gmail, Viber và Facebook vẫn tiếp tục chạy để nhận email mới, tin nhắn chat, các cuộc gọi, thông báo từ bạn bè ngay cả khi mở STAMINA Mode, bạn chỉ cần thêm ứng dụng này vào danh sách "các ứng dụng hoạt động ở chế độ chờ".

Bên cạnh đó, bạn còn có thể thiết lập để chế độ STAMINA tự động kích hoạt khi dung lượng pin tụt xuống một mức độ nào đó mà bạn muốn để tối ưu hơn nữa thời lượng pin.

Chế độ tiết kiệm pin STAMINA trên Xperia C3

Qua trải nghiệm của VnReview, khi kích hoạt chế độ STAMINA, Xperia C3 cho thời lượng pin tốt hơn hẳn. Cụ thể, máy có thể trụ được lâu hơn tới 4 đến 5 tiếng so với khi không sử dụng chế độ này. Việc phải tự mình tắt các kết nối như Wi-Fi, 3G để tiết kiệm pin cũng không cần thiết nữa vì STAMINA đã tự động làm điều này cho bạn. Ấn tượng hơn nữa khi để máy qua đêm và phát hiện ra máy không hề tụt đi dù chỉ là 1% pin. 

Một điểm thú vị là khi sử dụng chế độ STAMINA, tại thời điểm bạn bắt đầu sạc điện thoại, chế độ này sẽ tự động được tắt (nhằm duy trì tối đa các hoạt động chạy nền vì lúc này điện thoại đang được cung cấp điện đầy đủ) và khi bạn rút sạc, chế độ STAMINA sẽ tự động được kích hoạt.

Chế độ tiết kiệm pin STAMINA trên Xperia C3 mang lại hiệu quả ấn tượng khi dùng máy với cường độ cao trong hơn 1 ngày mà máy vẫn còn tới 38% pin

Với những lợi ích mang lại, chế độ STAMINA thực sự là một tính năng đáng giá trên Xperia C3.

Chế độ Wi-Fi dựa trên vị trí cũng là một tính năng khá thú vị trên chiếc phablet của Sony. Tính năng này sẽ giúp quản lý kết nối Wi-Fi một cách thông minh hơn. Cụ thể, "chế độ Wi-Fi dựa trên vị trí" sẽ tự động bật Wi-Fi chỉ khi bạn gần một mạng Wi-Fi đã được lưu để tiết kiệm pin hơn. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, khi bạn ra ngoài tầm phủ sóng của một mạng Wi-Fi đã được lưu, kết nối Wi-Fi sẽ được tạm tắt để tránh lãng phí pin vô ích. Điều này giúp cho người dùng không phải bật, tắt Wi-Fi một cách thủ công và nhanh chóng kết nối hoặc ngắt kết nối với một mạng Wi-Fi được lưu.

Tính năng này hoạt động nhờ việc nhận dạng và lưu vùng nơi bạn đã kết nối mạng Wi-Fi bằng cách thu thập thông tin vị trí từ sóng di động. Thực chất, phương thức hoạt động của nó gần giống với các ứng dụng bản đồ, khi có thể định vị khá chính xác vị trí của bạn dựa trên sóng di động mà không cần bật GPS. Chính vì thế, khi điện thoại vào vùng sóng yếu, bị mất sóng hay đang ở chế độ máy bay tính năng này sẽ không hoạt động.

Chế độ Wi-Fi dựa trên vị trí mang tới khả năng bật tắt Wi-Fi thông minh hơn

Bạn cũng có thể lựa chọn giữa việc: "bật Wi-Fi khi vào khu vực đã lưu" hoặc "tắt Wi-Fi nếu không có mạng Wi-Fi nào trong khu vực đã lưu". "Bật Wi-Fi khi vào khu vực đã lưu" có nghĩa là máy sẽ tự động bật kết nối Wi-Fi khi bạn vào một khu vực đã được lưu từ trước (như quán café, công ty hay về nhà) kể cả khi không hề có bất cứ sóng Wi-Fi nào. Trong khi đó, "tắt Wi-Fi nếu không có mạng Wi-Fi nào trong khu vực đã lưu" sẽ "thông minh" hơn khi tự động tắt kết nối Wi-Fi đi khi bạn vào một khu vực đã lưu từ trước nhưng lại không hề có sóng Wi-Fi.

Chế độ "Xếp hàng dữ liệu nền" thì phức tạp hơn một chút khi tiết kiệm pin bằng cách gửi dữ liệu nền theo khoảng thời gian đặt trước khi màn hình được tắt. Nghĩa là khi màn hình tắt đi, hệ thống sẽ giảm thiểu tối đa số lượng kết nối mạng được tạo mới. Bằng cách xếp hàng và giải phóng tất tất cả các yêu cầu kết nối mạng trong khoảng thời gian 15 phút, tổng thời gian mà một kết nối tiêu tốn sẽ được giảm thiểu, từ đó giúp tăng thời lượng pin. Kết hợp cùng chế độ STAMINA, chế độ "Xếp hàng dữ liệu nền" sẽ giúp giảm thiểu số lượng kết nối mạng của các ứng dụng được phép chạy ngầm.

Trong khi đó, Chế độ pin thấp thì tương tự như hầu hết các dòng điện thoại Android khác, sẽ tự động giảm độ sáng màn hình, thời gian chờ màn hình, tắt các kết nối không cần thiết như bluetooth, GPS, tính năng rung,… theo một mức pin được định sẵn.

Xét một cách tổng thể, có thể thấy Sony cực kỳ chú trọng vấn đề pin trên các smartphone mới của mình và cụ thể trên Xperia C3, thời lượng pin mang lại thực sự ấn tượng.

Kết luận

Chiếc Xperia C3 được bán chính thức tại Việt Nam với giá công bố là 6,99 triệu đồng. Tuy vậy, nhiều cửa hàng đang bán sản phẩm này với giá rẻ hơn nhiều, chẳng hạn chiếc Xperia C3 chúng tôi sử dụng trong bài trên tay này lấy tại hệ thống Hoàng Hà Mobile với giá 6,15 triệu đồng và người mua vẫn được tặng bao da cùng chiếc gậy tự sướng chính hãng.

 

Với mức giá hấp dẫn như vậy, Xperia C3 sở hữu nhiều ưu điểm từ màn hình lớn, hiệu năng nhanh nhẹn, camera trước và sau đều chụp ảnh đẹp, thời lượng pin tốt, hoạt động mát mẻ.

Chỉ có một điểm trừ là dung lượng bộ nhớ trong còn trống để người dùng sử dụng của máy khá thấp (khoảng 4,6GB) nên sẽ khá hạn chế khi người dùng muốn cài đặt thêm các ứng dụng năng như Game 3D. Dù sao, bạn vẫn có thể lắp thêm thẻ nhớ dung lượng tối đa 32GB cho Xperia C3 để chứa ảnh, video.

Xperia C3 sẽ là đối thủ đáng gờm của Sony trong phân khúc phablet tầm trung, cạnh tranh trực tiếp với chiếc HTC Desire 816 (7,99 triệu), Lumia 1320 (5,99 triệu), Asus Zenfone 6 - A600 (5,99 triệu), Samsung Galaxy Note 3 Neo (7,99 triệu), OPPO Find Way S (6,59 triệu).

Thành Đạt

Chủ đề khác