VnReview
Hà Nội

Đánh giá âm thanh của LG V10: chất âm có như lời đồn?

LG V10 đang là một trong những cái tên hot nhất hiện nay trong giới điện thoại cũng như âm thanh di động hiện nay. Chiếc điện thoại này nổi tiếng về khả năng hỗ trợ giải mã 24/192kHz và DSD256 nhờ con chip xử lý đến từ hãng âm thanh ESS đình đám. Bên cạnh đó, âm thanh trên LG V10 cũng có bàn tay của hãng âm thanh nổi tiếng AKG của Áo.

Nhiều trang đánh giá LG V10 có chất âm ngang bằng những máy nghe nhạc chuyên dụng có mức giá 10 triệu đồng hay lên tới 20 triệu đồng như Sony ZX2??? Liệu chất âm của V10 có được như lời đồn đại hay đây chỉ là chiêu bài quảng cáo quá mức?

LG V10 hiện đã bán trên thị trường Việt Nam với giá công bố là 16 triệu đồng. Sản phẩm chúng tôi sử dụng lấy từ hệ thống Hoàng Hà Mobile với giá rẻ hơn khá nhiều, 14 triệu đồng.

Cái nhìn ban đầu

Trên thị trường smartphone, LG V10 là cái tên nổi bật phần nào nhờ con chip DAC ESS 9018C2M 32-bit xử lý âm thanh riêng biệt trong phần cứng. ESS Technology là hãng sản xuất chip âm thanh đã quá nổi tiếng. Các sản phẩm âm thanh cao cấp được ưa chuộng sử dụng chip của hãng này rất nhiều. Trước đây cũng đã có một vài chiếc điện thoại từ Trung Quốc sử dụng chip âm thanh ESS 9018K2M (khác với chip âm thanh trên LG V10) như MX4 Pro và Vivo X5 nhưng lại không được nổi tiếng như điện thoại của LG.

Phần amply, LG V10 tiếp tục sử dụng chip amp ESS9602C. Một tính năng rất thông minh trên điện thoại này là máy sẽ tự nhận diện trở kháng của tai nghe sử dụng và điều chỉnh gain sao cho phù hợp (giống với Aune M2). Với những tai nghe 8-50 ohm, máy sẽ ở chế độ low gain. Với tai nghe có trở kháng từ 50-600 ohm, máy ở chế độ high gain để kéo tai nghe tốt hơn. Còn với ngõ vào có trở kháng từ 700 ohm trở lên thì máy sẽ xuất tín hiệu cho những thiết bị như loa hay amply.

LG V10 cho phép tinh chỉnh âm lượng cân bằng giữa 2 kênh của tai nghe

Do con chip DAC ESS 9018C2M không thể hoạt động liên tục do tiêu thụ nhiều điện năng nên V10 cung cấp lựa chọn cài đặt "32bit Hifi DAC", có thể bật lên khi kết nối qua thiết bị âm thanh, tự động tắt/mở mỗi lần gắn/ngắt thiết bị âm thanh. Khi tính năng này không được bật thì máy sẽ sử dụng chip DAC của Qualcomm tích hợp trên vi xử lý Snapdragon 808, cho thời lượng pin tốt hơn. Có một điểm cần lưu ý là LG V10 sẽ đạt chất lượng âm thanh tốt nhất duy chỉ với trình nghe nhạc mặc định, do con chip DAC ESS chỉ được kích hoạt khi đó mà thôi. Hiện tại trên diễn đàn XDA đã có một ứng dụng tên là "DAC Fix for LG V10" để giải quyết vấn đề này. Con chip DAC sẽ được kích hoạt ở mọi ứng dụng, bạn có thể tải về từ Play Store và sử dụng nhưng cần cân nhắc về các rủi ro.

Là một chiếc smartphone, V10 có màn hình lớn và đẹp nên hiển thị ảnh bìa của bản nhạc rất đã, giao diện phẳng, trực quan và có hỗ trợ hiển thị lời bài hát. Máy cũng cung cấp một vài lựa chọn khá thú vị như chỉnh âm độ (trầm – bổng) và tinh chỉnh tốc độ của bản nhạc. Bên cạnh đó, LG V10 có thể phát nhạc từ các thiết bị DLNA và đám mây. Bạn có thể chơi nhạc được lưu trong máy tính, ổ cứng, trong các dịch vụ đám mây (Google Drive, OneDrive,...) của mình thông qua kết nối mạng một cách dễ dàng.

LG V10 có thể giải mã đa số các định dạng nhạc phổ biến hiện nay như MP3, M4A, FLAC, ALAC,... hay DSD. Tóm lại là bạn không cần phải lo lắng quá nhiều về vấn đề này.

Tai nghe đi kèm củaLG V10 có chất lượng rất ổn

Máy được đi kèm một chiếc tai nghe được hãng AKG hiệu chỉnh và khá bất ngờ là chất lượng chiếc tai nghe này lại rất ổn. Trong những chiếc tai nghe đi kèm smartphone thì đây có thể nói là một trong những chiếc hay nhất. Chiếc tai nghe này có âm thanh trong trẻo, sáng nhẹ, giàu chi tiết và dễ nghe tuy âm thanh hơi mỏng.

Một điểm cộng của V10 là khe cắm thẻ nhớ microSD của máy hỗ trợ lên tới 2TB, thoải mái lưu trữ các định dạng nhạc số chất lượng cao.

Chất lượng âm thanh

Trong bài đánh giá này, chúng tôi sẽ sử dụng LG V10 so sánh trực tiếp với iPhone 6s cũng như một vài mẫu máy nghe nhạc chuyên dụng. Các tai nghe được sử dụng để đánh giá chất âm gồm tai nghe Aurisonics ASG-2.5 (16 triệu đồng), Sennheiser IE800 (21,5 triệu đồng) và Etymotic ER4s (6,8 triệu đồng. LG V10 và iPhone 6s đều sử dụng trình nghe nhạc mặc định. Nếu các bạn có nghe nhạc bằng những chiếc điện thoại tốt như LG V10 và iPhone 6s thì chúng tôi cũng khuyên các bạn là nên sử dụng trình nghe nhạc mặc định do các tinh chỉnh và tối ưu phần mềm nhà sản xuất dành cho những chiếc điện thoại này sẽ có chất lượng tốt hơn so với ứng dụng từ bên thứ ba. Nguồn nhạc là những bản nhạc M4A Itunes FLAC và ALAC.

Đừng nhìn vào những con số "32 bit", kéo tai nghe tới "600 ohm" mà nhà sản xuất quảng cáo để đánh giá. Những con số này gần như có thể nói là không quyết định gì tới chất âm của LG V10, tất cả cũng chỉ là quảng cáo mà thôi. Nguồn nhạc 32 bit hiện nay cũng rất hiếm, thậm chí là 24 bit còn khó tiếp cận. Hơn nữa, đơn giản chỉ cắm chiếc AK701 (62 ohm) hay HD800 (300 ohm) vào là LG V10 đã "kéo hụt hơi không xong". Điều này cũng dễ hiểu bởi cả những chiếc máy nghe nhạc chuyên nghiệp cũng khó có thể cân nổi những chiếc tai nghe này. Sức kéo của LG V10 ở mức tốt, tuy nhiên để phối cùng những chiếc tai nghe khó kéo vẫn chưa thực sự "ăn thua", chẳng hạn khi V10 kéo Etymoctic ER4S (150 ohm) chỉ ở mức trung bình.

Điểm dễ nhận thấy đầu tiên khi so sánh iPhone 6s và V10 là âm trường và độ chi tiết. Với bản Feeling Good (Micheal Bubble), âm trường trên LG V10 rộng rãi và thoáng hơn hẳn so với iPhone 6s, cùng theo đó là tách lớp nhạc cụ của V10 cũng ở một đẳng cấp hoàn toàn khác. Nhưng có điều V10 lại cho cảm giác âm thanh khá bẹt, không được 3D và sống động cho lắm khi so với iPhone 6s. Đặc điểm này có lẽ là do âm trường của LG V10 rộng hơn nhưng âm hình không tốt khiến không gian âm thanh bị kém sống động. Khi so sánh cùng một vài mẫu máy nghe nhạc đã từng được đem ra so cùng như Sony ZX2 hay ZX100 thì LG V10 vẫn thể hiện kém hơn rất nhiều, từ chiều sâu, chiều cao hay chiều ngang của âm trường.

V10 thể độ chi tiết âm thanh rất tốt, hơn nhiều so với iPhone 6s

Như đã nói, chi tiết âm thanh của V10 là điểm tạo nên khác biệt rõ ràng. Âm thanh từ con chip ESS 9018K2M có lẽ bộc lộ rõ nhất ở đây. Cũng giống như nhiều mẫu DAC khác có sử dụng chip ESS 9018C2M này, V10 thể độ chi tiết rất tốt. Âm thanh sắc nét, dễ dàng để nhận ra những âm thanh nhỏ trong bản thu The Storm (Yanni), những âm thanh mà khó có thể nghe thấy được trên iPhone 6s.

Dải bass của V10 có lượng không nhiều, tương đối cân bằng tương tự như iPhone 6s. Dải âm chi tiết, thiên nhiều về sự chính xác, không quá nhấn nhá hay cá tính một cách đặc biệt với tốc độ ở mức trung bình. Âm bass của V10 khá nhẹ nhàng và dễ chịu, dễ thường thức với những bản nhạc nhẹ như Quando, Quando, Quando (Michael Buble) và không được tối ưu ở những loại nhạc như Dance, Trance hay EMD. Cũng hơi lạ là V10 lại có dải bass hơi hụt một chút, thậm chí khi so với iphone 6s. Nghe qua các bản EMD có thể nhận thấy đặc điểm này hay kể cả với những âm bass từ tiếng đàn guitar trong Knocking on heaven door (Guns and Roses) cũng thấy tiếng đàn gảy thiếu đi độ rung và độ tan cần thiết. Tiến sâu hơn, có thể thấy âm bass của V10 không xuống sâu lắm, thiếu chút ở sub bass. Âm bass chính xác, chi tiết, gọn gàng không lấn dải, đặc tính kỹ thuật tốt, thắng iPhone 6s ở đa số nhưng rất tiếc do nhược điểm này trải nghiệm thường thức âm nhạc nhiều khi lại không được tốt như 6S.

Âm bass của V10 khá nhẹ nhàng và dễ chịu, dễ thường thức với những bản nhạc nhẹ.

Dải âm mid là một trong những điểm người viết thích nhất ở V10. Dải âm này khá mượt mà, hơi ngọt nhẹ. Dễ kết hợp với nhiều loại tai nghe, đến chiếc Etymotic ER4s có dải âm mid cực kỳ trung tính, có phần khô mà nghe chung V10 lại mượt và khá dễ chịu. Dải âm mid V10 dày hơn so với iPhone 6S, đem lại trải nghiệm tốt hơn khi nghe những bản Vocal của Quang Dũng. Với dải âm mid, phần high-mid là cực kỳ quan trọng, quyết định đến nhiều đặc điểm của âm thanh. V10 đã là tốt điểm này hơn iPhone 6s, chiếc điện thoại có chất lượng âm thanh rất tốt. Tiếng hát của Whitney Houston trong bản nhạc I Have Nothing có nội lực một các rõ ràng hơn, các nốt cao lên dứt khoát và khoáng đạt hơn.

V10 có 1 dải treb chi tiết, sắc và sáng. Tuy nhiên lại tập trung nhiều vào low treb, mới nghe thì có thể sẽ thích nhưng càng nghe lại có thể sẽ thấy chưa được hài lòng. Âm treb này do không làm đủ ở phần upper nên với những người nghe khó tính sẽ thấy rõ ràng V10 thiếu đi sự thoáng đãng thanh thoát, cùng với đó là tiếng treb tan ra hơi nhanh. Nếu xét về chất lượng âm thanh trên smartphone hiện tại, LG V10 cũng có dải treb vẫn có thể đánh giá tốt, giàu chi tiết và đem lại cảm giác trung thực hơn iPhone 6s. Tuy thua iPhone 6s một chút ở upper treb nhưng về tổng thể dải âm mid thì V10; vẫn có chất lượng hơn điện thoại của Apple.

Tổng kết, LG V10 là một chiếc smartphone có chất lượng nghe nhạc tốt và cao hơn so với mặt bằng chung hiện tại. Điện thoại này trội hơn iPhone 6s ở nhiều yếu tố về chất lượng âm thanh, đặc biệt là có chất âm thiên sáng và độ chi tiết hơn hẳn điện thoại của Apple. Nhưng khi so sánh V10 với những chiếc máy nghe nhạc chuyên nghiệp trong tầm giá 10 triệu hay 20 triệu như ZX100 và ZX2 thực sự là khập khiễng. Ngay từ âm hình cực yếu kém hay upper treb bị hụt đã là điều không thể so sánh nổi với máy nghe nhạc chuyên dụng. LG V10 sẽ phù hợp hơn để thay thế những chiếc máy nghe nhạc trong tầm giá như Fiio X1 (2,5 triệu đồng) hay có thể là Sony A15 (4,5 triệu đồng) nếu bạn thích âm thanh ít bass một chút.

Ưu điểm:

+ Âm thanh thuộc vào một trong những chiếc smartphone nghe nhạc tốt nhất hiện tại

+ Tai nghe đi kèm có chất lượng âm thanh tốt

+ Đầu tư nghiêm túc vào phần cứng cũng như phần mềm âm thanh

+ Trình nghe nhạc trực quan, thân thiện và nhiều tính năng

Nhược điểm:

- Chế độ chỉnh gain tự động đôi khi bất tiện.

- Âm thanh nhiều điểm cần hoàn thiện nếu muốn hướng tới âm thanh chuyên nghiệp

NHM

Chủ đề khác