VnReview
Hà Nội

Đánh giá nhanh Microsoft Lumia 550: có điểm gì đáng mua?

Lumia 550 là smartphone giá rẻ đầu tiên chạy Windows 10 Mobile, nền tảng đánh dấu việc tích hợp chung cả ba nền tảng di động, máy tính bảng và máy tính của Microsoft.

Điện thoại này vừa được bán ra thị trường Việt Nam với giá 3 triệu đồng. Sản phẩm chúng tôi sử dụng trong bài đánh giá lấy từ hệ thống Hoàng Hà Mobile với giá rẻ hơn, còn 2,65 triệu đồng.

Với mức giá này, Lumia 550 cung cấp cho người dùng một màn hình LCD 4.7 inch độ phân giải HD (315 PPI), camera sau và trước 5MP/2MP, hỗ trợ LTE Cat.4 (tốc độ tải xuống và tải lên 150/50Mbps), vi xử lý Snapdragon 210 lõi tứ 1.1 GHz, RAM 1GB, bộ nhớ trong 8GB cùng khe cắm thẻ và viên pin 2100 mAh. Nhìn chung, cấu hình không có điểm nào thật nổi bật nhưng cũng không phải là quá thấp so với các điện thoại cùng tầm giá hiện nay.

Cách đây vài năm, các điện thoại Windows Phone giá rẻ như Lumia 520 và Lumia 620 khi đó vẫn thuộc sở hữu của Nokia đều là những sản phẩm bán chạy nhờ mang lại trải nghiệm mượt mà hơn những đối thủ Android cùng tầm giá. Tuy nhiên, ưu thế này của các điện thoại Windows Phone bây giờ đã không còn nữa. Ở tầm giá 3-4 triệu đồng, nhiều điện thoại Android hiện nay đã có những trải nghiệm dễ chịu, mượt mà không kém Windows Phone và có thể chạy hầu hết ứng dụng đang có trên kho ứng dụng của Google.

Liệu với bối cảnh thay đổi như vậy, Lumia 550 có điểm gì đáng giá để thu hút được người mua?

Thiết kế

Lumia 550 có kích cỡ 136,1 x 67,8 x 9,9 mm và nặng 142g, khá cồng kềnh so với chiếc smartphone 4.7 inch sở hữu viên pin không lớn (2.100 mAh). Phần viền trên và dưới hơi dày dù không có loa ngoài hay phím điều khiển vật lý nào trên đó. Các phím Back, Windows và Tìm kiếm trên điện thoại này được đặt vào trong màn hình, càng khiến cho phần viền trông dày hơn.

Trên bản màu đen, lưng máy dễ thấy dấu vân tay bám trong quá trình sử dụng

Máy vẫn sở hữu thiết kế thân nhựa polycarbonate và kiểu dáng vuông vắn quen thuộc của điện thoại Lumia. Do là máy giá rẻ, chất liệu nhựa polycarbonate trên điện thoại này không được đẹp như các máy Lumia cao cấp hơn và dễ bám vân tay, nhất là trên bản màu đen chúng tôi sử dụng trong bài đánh giá. Có lẽ phiên bản màu trắng thì vấn đề bám vân tay sẽ đỡ lộ hơn. Lumia 550 hiện có hai lựa chọn màu là trắng và đen.

Phím nguồn nằm ở vị trí hơi thấp trên cạnh phải

Tuy thiết kế dày và hình thức hơi thô song đổi lại máy có cảm nhận chắc chắn khi cầm. Vỏ máy tháo rời được thay pin, lắp thẻ nhớ ngoài và SIM. Tấm vỏ này khá dày dặn, ốp khít với thân máy nên không bị ọp ẹp cả khi ấn ngón tay vào. Về các chi tiết trên các cạnh và mặt lưng, chỉ có một điểm đáng lưu ý là phím nguồn nằm hơi thấp trên cạnh phải, nếu phím này được đặt lên cao hơn chút nữa thì bấm sẽ tiện hơn. Còn lại thì không có gì đáng phàn nàn.

Tấm vỏ của máy khá dày và ốp khít với thân máy

Nhìn chung, thiết kế của Lumia 550 không có điểm gì mới mẻ, vẫn giống với các Lumia giá rẻ từ thời còn thuộc về Nokia. Tuy nhiên, việc sử dụng phom thiết kế cũ sẽ giúp Microsoft giảm được chi phí cho khâu thiết kế và sản xuất để đầu tư nhiều hơn các thành phần khác như màn hình và camera.

Lumia 550 có thiết kế pin rời, vỏ tháo được để lắp 1 SIM chuẩn Nano và 1 thẻ nhớ

Máy được sản xuất tại Việt Nam

Giắc âm thanh trên đỉnh máy

Cổng Micro-USB dưới đáy máy

Camera sau hơi lồi, có thể sẽ dễ xước

Lỗ loa ngoài khá nhỏ nhưng âm lượng vẫn tương đối lớn, chất âm chắc chắn và không bị rè

Màn hình cho phép điều chỉnh nhiệt độ màu và độ bão hoà của màu sắc

Màn hình

Lumia 550 sử dụng màn hình IPS LCD 4.7 inch độ phân giải HD (1280 x 720 pixel) với mật độ điểm ảnh 315 PPI. Ở tầm giá 3 triệu thì đây là mật độ điểm ảnh cao gần ngang với mật độ điểm ảnh Retina trên nhiều đời iPhone (326 PPI) nên chữ và hình ảnh hiển thị mịn màng.

Không chỉ có độ sắc nét tốt, bất ngờ là màn hình của điện thoại giá rẻ này lại thể hiện chất lượng màu sắc chuẩn, độ tương phản khá và độ sáng tối đa cao. Với độ sáng tối đa tới 543 nit, máy có thể thể dễ dàng sử dụng ngoài trời ở mức dễ nhìn. Nhiệt màu của màn hình cũng rất sát với mức tốt và góc nhìn khá rộng.

Bảng kết quả đo màn hình của Lumia 550 so với một số máy cùng tầm giá

Các màu sắc cơ bản của Lumia 550 thể hiện rất chuẩn

Phần mềm và hiệu năng

Lumia 550 là một trong số ít điện thoại được cài sẵn phiên bản Windows 10 Mobile, nền tảng đánh dấu bước ngoặt lớn trong chiến lược của Microsoft: thống nhất các nền tảng thiết bị trên cùng một hệ điều hành. Mặc dù phần mềm Windows 10 trên Lumia 550 cũng giống với Windows 10 trên laptop và máy tính nhưng giao diện người dùng lại được thiết kế cho di động, không khác nhiều so với Windows Phone 8.1.

Màn hình chính thứ hai hiển thị danh sách ứng dụng theo tự ABC

Nếu đã dùng Windows Phone thì bạn sẽ thấy Windows 10 Mobile quen thuộc. Hai màn hình chính là màn Live Tille và danh sách ứng dụng không thay đổi gì đáng kể, giao diện cài đặt được sắp xếp lại và thanh thông báo/truy cập nhanh thay đổi theo hướng giống với Android cung cấp nhiều tuỳ chọn hơn. Màn hình Glance Screen hiển thị thông tin (ngày giờ) và thông báo trên màn hình khoá cũng có mặt trên điện thoại này.

Giao diện màn hình Live Tile, danh sách ứng dụng, cài đặt và truy cập nhanh/thông báo trên Lumia 550

Một số thứ của Windows 10 trên máy tính có thể dùng trên Lumia 550 như trình duyệt Edge mới, ứng dụng thư và lịch Outlook, Office, Skype, bản đồ... Tuy vậy do là thiết bị giá rẻ và cấu hình yếu, Lumia 550 không được trang bị tính năng biến điện thoại trở thành máy tính Continuum và mở khoá điện thoại bằng mắt Hello.

Về ứng dụng, mục tiêu thống nhất nền tảng Windows 10 cho các thiết bị của Microsoft là để xoá đi khoảng cách ứng dụng với các nền tảng cạnh tranh, tạo điều kiện cho các nhà phát triển có thể tạo ra ứng dụng dùng chung trên cả máy tính, máy tính bảng và điện thoại. Tuy nhiên, hiện tại Microsoft mới đang ở điểm khởi đầu của mục tiêu nay nên số lượng ứng dụng vẫn còn thua xa Android và iOS.

Về hiệu năng, Lumia 550 sở hữu cấu hình khá thấp: Snapdragon 210 lõi tứ 1.1GHz và RAM 1GB. Với cấu hình này, máy vẫn xử lý ổn các tác vụ cơ bản. Tuy nhiên, vấn đề đáng chú ý hơn là bản thân Windows 10 Mobile hiện chưa được hoàn thiện, tồn tại những lỗi nhỏ trong quá trình sử dụng. Máy thỉnh thoảng gặp phải tình trạng giật, đơ nhẹ hoặc thậm chí có tính năng không hoạt động (chẳng hạn như đóng mở khoá xoay màn hình) cần khởi động lại thiết bị mới ổn định.

Bộ nhớ trong của máy cũng chỉ có 8GB, trong đó riêng Windows 10 và ứng dụng hệ thống đã chiếm mất hơn 5GB, còn lại khoảng 3GB trống dành cho người dùng.

Về pin, chúng tôi mới thử đo pin của máy ở khả năng xem phim. Kết quả cho thấy viên pin 2100 mAh của Lumia 550 giúp máy trụ được 4 giờ 55 phút. Đây là kết quả ở mức trung bình khi so với các máy Android cùng tầm giá, có thể đủ giúp máy sử dụng được một ngày ở cường độ không cao.

Camera

Camera của Lumia 550 được trang bị độ phân giải khiêm tốn, 5MP cho camera chính và 2MP cho camera phụ. Tuy vậy, ứng dụng camera mặc định hỗ trợ khá nhiều tuỳ chỉnh: ISO, cân bằng trắng, bù trừ sáng, khoảng lấy nét và tốc độ chụp. Ngoài ra, máy cũng có tính năng chụp ảnh video 3 giây (Living Image) giống như iPhone và ảnh HDR (Rich Capture).

Phần mềm camera mặc định hỗ trợ nhiều tuỳ chỉnh

Khi chụp ở ngoài trời, tốc độ chụp tương đối nhanh và chất lượng ảnh của Lumia 550 cũng không đến nỗi tệ, màu sắc và độ chi tiết đủ dùng cho nhu cầu chia sẻ hình ảnh lên mạng xã hội. Tuy nhiên, ảnh thiếu sáng có chất lượng kém, màu sắc nhợt nhạt, độ sáng kém, nhiễu thấy rõ và chi tiết bị bệt lại.

Khả năng quay video của Lumia 550 cũng khá ổn khi quay ở môi trường đủ sáng. Máy có thể quay ở độ phân giải tối đa là 720p.

Kết luận

Nhìn chung, điểm sáng nhất ở Lumia 550 là màn hình độ sáng cao, cho màu sắc đẹp, góc nhìn tốt cùng với camera chụp ngoài trời ổn. Còn lại thì máy không có điểm gì hấp dẫn: thiết kế cũ, trải nghiệm phần mềm và hiệu năng còn chưa hoàn thiện, thời lượng pin ở mức trung bình. Với những gì hiện có, sẽ rất khó để Lumia 550 thu hút được người mua và cạnh tranh với các điện thoại Android ở cùng tầm giá nếu như Microsoft không sớm hoàn thiện hệ điều hành Windows 10 Mobile của họ.

TP

Chủ đề khác