VnReview
Hà Nội

Đánh giá nhanh Oppo A37: thiết kế khá đẹp, camera ổn, pin khéo dùng mới đủ ngày

Oppo A37 là phiên bản kế nhiệm của mẫu Oppo Neo 7 khá thành công của hãng điện thoại Trung Quốc tại thị trường Việt Nam. Sản phẩm vừa bán ra với giá 4,49 triệu đồng. Cũng giống với mẫu tiền nhiệm, điện thoại cũng có cấu hình trung bình so với mức giá, chủ yếu gây ấn tượng ở yếu tố thiết kế.

Với mức giá 4,49 triệu đồng, Oppo A37 cung cấp cho người dùng màn hình IPS LCD 5 inch độ phân giải HD, vi xử lý Qualcomm Snapdragon 410 lõi tứ xung nhịp 1.2GHz, bộ nhớ RAM 2GB, bộ nhớ trong 16GB kết hợp với thẻ cắm thẻ nhớ ngoài, camera sau 8MP, camera trước 5MP, phần mềm Color OS 3.0 tuỳ biến dựa trên Android 5.1 Lollipop, pin dung lượng 2630 mAh và hỗ trợ 2 SIM với kết nối LTE. Nói chung, cấu hình của máy rất bình thường so với tầm giá hiện nay.

Thiết kế

Nếu coi A37 là phiên bản kế nhiệm của mẫu Oppo Neo 7 thì thiết kế của sản phẩm này đã thay đổi hoàn toàn cả kiểu dáng lẫn chất lượng vật liệu. Về chất liệu, Oppo A37 có khung bằng kim loại và mặt lưng nhựa, cải thiện nhiều so với thân nhựa và mặt lưng nhựa giả kính trên mẫu tiền nhiệm. Mặt lưng trên A37 có thiết kế đồng nhất và gắn kết liền mạch, không có kẽ hở nào với khung kim loại nên trông như sản phẩm kim loại nguyên khối.

Về kiểu dáng, A37 có ngôn ngữ giống với các máy Oppo gần đây, đặc biệt là hai mẫu tầm trung Oppo F1 và R7 Lite. Ở phía mặt trước, mép màn hình cong nhẹ 2.5D và các phím điều hướng cơ bản (đa nhiệm, home và back) được đặt trên viền. Ở phía sau, cụm camera hơi lồi nhẹ và được đặt ở vị trí quen thuộc ở góc trên bên trái. Mặt lưng và các góc được bo vát nhẹ, tạo cảm giác mềm mại.

Chất lượng hoàn thiện của A37 có thể nói là khá tốt, nhất là khung máy và mặt lưng. Phần lưng nhựa ăn khớp và gắn kết với khung máy khít. Các chi tiết trên khung máy được cắt gọn cẩn thận, phím nguồn và âm lượng có độ nổi và độ nảy hợp lý. Thân máy có độ dày vừa phải (7,68mm) và trọng lượng khá nhẹ (136g).

Máy hỗ trợ 2 SIM chuẩn Nano và một khe cắm thẻ nhớ độc lập

Oppo A37 hỗ trợ hai SIM chuẩn Nano và khe cắm thẻ nhớ độc lập, không phải dùng chung SIM/thẻ trên một khay như nhiều sản phẩm khác. Nhìn chung, thiết kế là điểm cộng của A37 khi so sánh với sản phẩm tiền nhiệm và những máy cùng tầm giá. Tuy vậy, nếu Oppo mạnh dạn thay đổi kiểu dáng thì sẽ tạo được sự mới mẻ hơn là bê nguyên thiết kế của các máy tầm trung xuống.

Màn hình

Oppo A37 dùng màn hình IPS LCD 5 inch độ phân giải HD với mật độ điểm ảnh 294 PPI, mức phổ thông hiện nay ở các smartphone giá rẻ và tầm cận trung. Khi sử dụng thực tế, điểm gây ấn tượng ở màn hình của điện thoại này là độ sáng cao, góc nhìn khá, nhiệt màu ấm áp, dễ chịu nhưng màu sắc hơi nhạt, không thật rực rỡ.

Khi đo trên thiết bị đo màn hình, Oppo A37 có độ sáng tối đa rất cao tới 541 nit. Với độ sáng này, máy có thể nhìn được ngoài trời nắng nếu tăng độ sáng lên mức cao. Song các yếu tố còn lại đều ở mức trung bình hoặc thấp hơn: khả năng hiển thị màu đen không sâu, độ tương phản thấp, màu sắc lệch nhiều so với màu tiêu chuẩn.;

Các smartphone giá rẻ và cận trung gần đây đều cải thiện đáng kể về chất lượng màn hình, nên có thể nói màn hình không phải là thế mạnh của A37 so với những máy cùng tầm giá giống như thiết kế. Ở điểm này, bộ đôi Pantech V950 và V955 vừa được giảm gần nửa giá từ gần 6 triệu đồng xuống còn hơn 3 triệu đồng đều có màn hình chất lượng hơn nhiều Oppo A37, đặc biệt là khả năng hiển thị màu sắc và độ tương phản.

Bảng đo kết quả màn hình của Oppo A37 và các máy cùng tầm giá

Biểu đồ khả năng hiển thị các màu cơ bản: chấm tròn là màu máy hiển thị lệch xa so với màu tiêu chuẩn (ô vuông)

Phần mềm và hiệu năng

Oppo A37 hiện được cài sẵn phiên bản Color OS V3.0 dựa trên Android 5.1 Lollipop tương tự chiếc Oppo Neo 7 và Oppo F1 gần đây. Giao diện phần mềm khá đơn giản, mọi thứ được đưa lên màn hình chính, không có khay ứng dụng. Những thứ quen thuộc trên phần mềm của Oppo đều có mặt trên A37: kho chủ đề để thay đổi giao diện, các tính năng điều khiển bằng cử chỉ khi màn hình tắt và bật, bộ ứng dụng Trung tâm bảo mật với nhiều chức năng giúp quản lý dữ liệu cũng như ứng dụng cài trên máy và chế độ màn hình lọc bớt ánh sáng xanh để sử dụng ban đêm đỡ chói mắt.

Các thao tác cử chỉ khi màn hình tắt, bật và khi có cuộc gọi đến

Về hiệu năng, Oppo A37 được trang bị vi xử lý Qualcomm Snapdragon 410 lõi tứ xung nhịp 1.2GHz, bộ nhớ RAM 2GB, bộ nhớ trong 16GB (còn khoảng 10GB trống dành cho người dùng) và có khe cắm thẻ nhớ ngoài độc lập. Ở tầm giá 4,5 triệu đồng, cấu hình của điện thoại này chỉ ở mức trung bình, thấp hơn nhiều máy ở cùng tầm giá và thậm chí thua cả những máy tầm giá trên 3 triệu đồng của Xiaomi như Mi4 và Redmi Note 3. Tuy vậy với độ phân giải HD, Oppo A37 vẫn xử lý ổn các nhu cầu cơ bản hàng ngày trên điện thoại. Các game đồ hoạ khá và nặng như Suicide Squad, Dead Trigger 2 và Nova 3 vẫn có thể chơi được song không mượt dù game mặc định chạy ở mức đồ hoạ thấp. Ở tầm giá 4,5 triệu đồng, những người thích chơi game ở mức ổn hơn A37 nhiều có thể cân nhắc những lựa chọn khác như Xiaomi Mi4, Redmi Note 3 Pro và Sony Xperia Aqua.

Game mới Suicide Squad chơi được trên A37 song không thật mượt

Thời gian pin

Pin cũng là điểm không ấn tượng của Oppo A37. Trong các thử nghiệm quen thuộc của VnReview với hoạt động lướt web, xem phim offline và chơi game giả lập trên ứng dụng GFX Bench, viên pin 2630 mAh của A37 cung cấp thời lượng sử dụng ở mức trung bình. Với kết quả thể hiện trong các bảng dưới đây, người dùng thông thường sẽ phải quản lý khéo mới đủ dùng trong ngày, nhất là với những ngày có nhu cầu sử dụng tăng lên. Trong khi đó, thời gian sạc bằng củ sạc 5V/1A đi kèm cũng khá lâu, mất khoảng hơn 3 giờ mới sạc đầy.

Lướt web trên mạng Wi-Fi ở điều kiện độ sáng màn hình mức 70%, tính từ lúc pin đầy đến khi còn 10%.

Xem phim HD offline ở điều kiện độ sáng thiết lập ở mức 70%, tính từ lúc pin đầy đến khi còn 10%.

Chơi game giả lập trên GFX Bench liên tục ở điều kiện độ sáng 70%, tính từ lúc pin đầy đến khi còn 10%.

Camera

Oppo A37 được nhà sản xuất quảng bá là điện thoại selfie, nhấn mạnh vào khả năng chụp tự sướng từ camera 5MP phía trước. Camera phía trước này có chế độ dùng ánh sáng màn hình thay đèn flash khi chụp thiếu sáng cùng chế độ làm đẹp da, hẹn giờ chụp, chụp bằng cử chỉ tay hoặc giọng nói, nhìn chung là đủ các yếu tố cơ bản để chụp tự sướng được tiện lợi. Trong khi đó, mẫu camera chính phía sau có độ phân giải 8MP khẩu f/2.2 với nhiều chế độ chụp: chụp phơi sáng kép, chế độ chụp chuyên gia cho phép tuỳ chỉnh nhiều thông số, chụp ảnh GIF và chụp độ phân giải cao 24MP (ghép nhiều ảnh cùng lúc).

Giao diện ứng dụng camera của điện thoại Oppo trông khá giống với iPhone, cho phép người dùng chuyển đổi giữa các chức năng chụp/quay ngay trên giao diện camera chính.

Về chất lượng, điểm ấn tượng đầu tiên là Oppo A37 có tốc độ lấy nét và chụp khá nhanh khi chụp ở độ sáng thông thường. Nhưng khi chụp HDR thì máy mất một lúc mới xử lý xong và ở điều kiện thiếu sáng thì tốc độ bắt nét chậm, khiến ảnh dễ bị rung nhoè nếu đối tượng chụp chuyển động. Ở môi trường đủ sáng, ảnh chụp thể hiện màu sắc, khả năng cân bằng trắng và độ chi tiết khá tốt.

Ảnh chụp ngược sáng ở chế độ tự động, tắt HDR

Ảnh chụp ở chế độ HDR cải thiện đáng kể độ tương phản với ảnh chênh và ngược sáng

Ảnh tắt HDR (trái) và bật HDR (phải)

Ảnh chọn ra khi bấm chụp liên tục ở điều kiện ngược sáng nhẹ

Ảnh này xuôi sáng, chọn từ ảnh chụp bấm chụp liên tục

Khi chụp thiếu sáng, do tốc độ lấy nét chậm nên để có được tấm ảnh tốt tương đối vất vả, đòi hỏi phải chụp đúng thời điểm và máy đủ thời gian lấy nét. Các đối tượng chụp chuyển động như chụp trẻ em sẽ rất khó khăn khi chụp thiếu sáng.

Với camera trước, Oppo A37 cung cấp hai tùy chọn là làm đẹp, mịn da (với 7 mức độ) và điều chỉnh tông màu của ảnh (từ mức trắng, tự nhiên đến mức làm hồng hào hơn). Các chế độ làm đẹp này đều khá hiệu quả, tuy nhiên cũng không nên lạm dụng vì ở mức cao thì gương mặt sẽ trở nên thiếu tự nhiên. 

Tính năng làm sáng màn hình khi chụp tự sướng đã có trên các điện thoại của Oppo từ lâu và tiếp tục được đưa lên A37. Màn hình sáng lên giúp gương mặt người chụp sáng đều mà không bị quá rực như đèn flash, nhưng tính năng này hoạt động hiệu quả nhất khi bạn giơ máy lên cách khuôn mặt khoảng 40 cm, tức là chỉ đủ chụp một hoặc hai người. Nếu muốn chụp một nhóm người, đưa máy ra xa thì ánh sáng từ màn hình không đủ làm sáng mặt của người trong ảnh.

Ảnh chụp khi tắt (trái) và bật chế độ làm đẹp (phải)

Kết luận

Tương tự mẫu tiền nhiệm Neo 7, chiếc Oppo A37 (còn gọi là Neo 9) có ưu thế về thiết kế bóng bẩy và khá đẹp mắt so với những điện thoại cùng tầm giá của hãng khác. Các yếu tố còn lại không có gì quá nổi trội song không quá yếu đuối so với mặt bằng chung: hiệu năng đủ dùng ở mức cơ bản; camera cũng có tốc độ chụp nhanh và chất lượng khá ở cả camera sau và camera tự sướng phía trước; màn hình có chất lượng vừa phải, sáng và góc nhìn tốt song màu sắc hơi nhạt; pin có thời lượng trung bình, khéo co kéo có thể đủ dùng trong ngày với hầu hết người dùng. Máy cũng hỗ trợ LTE 4G, hai SIM, khe cắm thẻ nhớ độc lập không phải chia sẻ với khay SIM.

Với những người sành công nghệ hoặc những người thích điện thoại hiệu năng tốt, rõ ràng Oppo A37 không phải là lựa chọn bởi tầm giá này có nhiều lựa chọn hấp dẫn hơn, nhất là những điện thoại của Xiaomi như Mi4 hay Redmi Note 3 Pro hay các máy tầm trung đời cũ giảm giá như Sony Xperia M4 Aqua, HTC One E9 hay Asus Zenfone 2. Tuy nhiên, có thể Oppo A37 sẽ tiếp tục là smartphone bán chạy của Oppo giống như Neo 7 nhờ chiến lược tiếp thị tốt cùng hệ thống phân phối hiệu quả, phủ rộng đến các địa phương trên cả nước.

TP

Chủ đề khác