VnReview
Hà Nội

Đánh giá âm thanh iPhone 7 Plus: không 3.5mm, lần đầu có chip âm thanh không dây

iPhone 7 và iPhone 7 Plus là 2 chiếc điện thoại đầu tiên của Apple táo bạo bỏ đi cổng xuất âm thanh 3.5mm. Hãng đưa ra những lý do và những quảng cáo hoa mỹ để giải thích cho việc này. Vậy thực hư chất lượng và hệ quả của việc lược bỏ cổng âm thanh này mang lại như nào? Hôm nay VnReview sẽ cùng độc giả tìm hiểu.

Phụ kiện đi kèm chiếc iPhone 7 Plus có sự thay đổi với một chiếc tai nghe earpod có chân cắm Lightning và 1 chiếc adapter chuyển đổi Lightning – 3.5mm. Nếu bạn không quá cầu kỳ thì có thể sử dụng ngay chiếc earpod này để nghe nhạc, âm thanh tương đồng với mẫu earpod cũ của Apple và có thể nói là khá ổn với một chiếc tai nghe đi kèm điện thoại. Còn nếu bạn cần sử dụng một chiếc tai nghe có giắc 3.5mm thì sẽ cần sử dụng chiếc adapter kia. Có một điểm đáng lưu ý là những phụ kiện này chỉ sử dụng được khi thiết bị của bạn ở iOS 10.

Adaptor chuyển cổng Lightning - 3.5mm đi kèm iPhone 7 Plus

Thực tế, việc dùng chung giắc tai nghe và cổng sạc/usb đã có từ nhiều năm trước với những chiếc điện thoại của Nokia hay Sony Ericsion,… Việc làm này của Apple thực sự là một bước "cải lùi" vĩ đại khi đưa người sử dụng về thời kỳ phải dùng adapter mỗi khi mượn tai nghe của người khác. Hơn thế, cổng Lightning cũng không mấy thân thiện khi quá mỏng và nông, việc cắm tai nghe và đút túi nghe nhạc trong lúc làm việc khác hay di chuyển không thể chắc chắn như một cổng 3.5mm thông thường, rất có thể bạn sẽ làm gãy chân Lightning lúc nào không hay.

iPhone 7 Plus và tai nghe earpod đi kèm dùng cổng Lightning

Chiếc iPhone mà chúng tôi có ở đây là chiếc iPhone 7 Plus lấy từ hệ thống Hoàng Hà Mobile (hoanghamobile.com) với giá 22,5 triệu đồng. Cấu hình âm thanh của iPhone 7 và 7 Plus là như nhau. Theo thông tin từ hãng phân tích bán dẫn Chipworks, con chip DAC bên trong iPhone 7 vẫn là con chip DAC Apple/Cirrus Logic 338S00105 giống với iPhone 6S. Nhưng điểm đặc biệt là bên trong iPhone 7 không những có 2 ampli mà có những 3 ampli, 2 amply cho 2 loa và 1 amply cho cổng Lightning. Ngoài ra bên trong chiếc adapter chuyển đổi cổng Lightning to 3.5mm đi kèm máy còn có một con chip khá lạ với mã hiệu "338S00140 A0SM1624 TW".

Hình ảnh chụp x quang adaptor chuyển cổng Lightning - 3.5mm

Trước khi nói về phần tiếp theo thì mình sẽ giải thích qua về các dạng tính hiệu âm thanh. Trong các thiết bị hiện nay, có 2 loại tín hiệu đó là digital và analog. Với các loại tai nghe hiện nay thì tín hiệu đi vào luôn luôn là analog mới hoạt động. Tức là từ các tín hiệu số (0,1) luôn luôn phải đi qua bộ phận giải mã tín hiệu sang dạng tín hiệu sóng hình sin – analog rồi mới tới được tai nghe hoặc loa. Cổng Lightning vốn từ khi ra mắt tới nay đều được cho rằng là 1 cổng tín hiệu hoàn toàn digital. Nhưng thực sự thì liệu có phải vậy?

iFixit cho rằng cổng tín hiệu này xuất tín hiệu digital qua DAC đặt trên chiếc adapter. Nhưng bài phân tích trên tạp chí công nghệ Đức C'T lại cho rằng từ các con số đo đạc, cổng Lightning rất có thể xuất analog, dựa trên những sự chênh lệch không đáng kể về gain và trở kháng nguồn ra của giắc 3.5mm và cổng Lightning. Việc loại cổng này xuất tín hiệu dạng nào với nhiều người có thể không đáng quan tâm nhưng với giới audiophile lại rất quan trọng, chả ai lại muốn nghe nhạc bằng con DAC có giá 9 USD cả (adaptor cổng Lightning và 3.5mm có giá 9 USD), những sản phẩm trước đó của Apple đều có âm thanh khá tốt và luôn được kỳ vọng mỗi khi ra mắt thế hệ mới.

Nghi ngờ vậy nhưng thật sự chất lượng của âm thanh đi từ chiếc adapter này tới đâu? LH Lab – một nhà sản xuất âm thanh chuyên nghiệp đã đem máy móc chuyên dụng ra đo đạc kỹ càng chiếc adapter này. Kết quả iPhone và chiếc adapter gặp hiện tượng jitter nặng nề, méo và nhiễu hơn nhiều so với âm thanh từ ngõ 3.5mm của iPhone 6s. Đây là những điều tối kỵ với một thiết bị âm thanh.

Dưới đây, chúng ta cùng quay trở lại với cảm nhận và đánh giá từ trải nghiệm thực tế của VnReview về âm thanh của iPhone 7 Plus.

Nghe thử chất lượng âm thanh qua adapter trong thực tế

Mình so sánh âm thanh từ ngõ ra của adapter khi gắn với iPhone 7 Plus với âm thanh từ cổng 3.5mm của iPhone 6s. Tai nghe tham chiếu là chiếc 64 Audio A12 (giá tham khảo: 47,99 triệu) cùng sợi dây bạc pha vàng plusSound Exo (giá tham khảo 7,3 triệu).

Nghe thử với bản nhạc đơn giản và quen thuộc, Hotel California (The Eagles) cho thấy âm thanh từ chiếc iPhone 7 Plus có âm trường khá là hẹp, chỉ tương đương với chiếc HTC Desire 300 mà chúng tôi từng đánh giá. Không gian âm nhạc hẹp hơn iPhone 6s một cách rõ rệt và đáng kể. Có thể nói là bí bách so với những chiếc iPhone tiền nhiệm, âm thanh nhạc cụ bị dồn về sát ở chính giữa, nghe lâu cảm giác khá khó chịu.

Điểm thứ 2 đáng chú ý là chiếc iPhone 7 Plus có âm treb được boost (gia tăng) đáng kể ở phần low-treb, phần này tạo hiệu ứng chi tiết khá hiệu quả. Âm thanh thoạt nghe sẽ thấy có cảm giác nhiều chi tiết và sắc nét. Nhưng nếu nghe kỹ sẽ thấy phần treb này làm không được tự nhiên cho lắm, thiếu liền mạch khi ghép nối với những dải tần cao hơn. Dải âm này của iPhone 6s hiền hơn, bớt sắc và cho cảm giác tự nhiên liền mạch hơn chiếc iPhone 7 Plus.

Bass iPhone 7 Plus cũng có lượng nhiều hơn chút so với iPhone 6s. Tiếng bass nhấn nhiều ở mid-bass. Nếu bạn nào thích nghe nhiều bass thì có thể sẽ thích đặc điểm này nhưng mình thì thấy lượng bass có phần hơi thừa thãi. Những người nghe kỹ tính sẽ thấy với nhiều bản nhạc như Breath Of Life (Florence + The Machine) cần tiếng bass sâu mà gọn gàng thì gây ra hiện tượng ù nên. Nhưng cũng không ảnh hưởng quá nhiều nên đặc điểm này có thể tạm chấp nhận.

Dải trung của iPhone 7 Plus không khác biệt quá nhiều với iPhone 6s, vẫn khá trung tính. Chỉ khác là có phần kém tự nhiên truyền cảm hơn chút và tiến về trước, đặt trên 2 dải âm còn lại một khoảng.

Nhìn về tổng thể, không khó để nhận ra iPhone 7 Plus mang âm hưởng của những chất âm khá giống với những thiết bị tầm thấp, bass treb nhấn. Và đặc biệt là âm thanh nặng màu sắc digital rõ rệt, thiếu tự nhiên và hài hòa.

Thử âm thanh không dây với con chip W1 mới

Cùng với chiếc iPhone 7, Apple công bố về con chip W1 mới cho phép có những cải tiến về chất lượng âm thanh cũng như giúp việc kết nối và hoạt động của chiếc tai nghe không dây trở nên hiệu quả hơn.

Chúng tôi có ở đây một chiếc Beats Solo 3 Wireless, mượn từ cửa hàng Xuân Vũ Audio (tainghe.com.vn). Đây là chiếc tai nghe đầu tiên và duy nhất trên thị trường hiện nay hỗ trợ con chip W1 của Apple bởi chiếc tai nghe Airpod chưa được bán ra. Chiếc tai nghe này khi bạn bật Bluetooth trên cả 2 thiết bị màn hình iPhone sẽ hiện ngay lên đề xuất kết nối như hình bên dưới mà không cần thao tác nhiều bước nên rất đơn giản và tiện lợi.

Bật Bluetooth trên iPhone 7 Plus và tai nghe Beats Solo 3 Wireless sẽ hiện ra ngay kết nối, tiện hơn nhiều so với chuẩn Bluetooth thông thường.

Ngoài ra con chip W1 đem lại thời lượng pin vượt trợi cho Beats Solo 3 với 40 giờ chơi nhạc, quả là con số ấn tượng trong khi Solo 2 Wireless chỉ chơi được 12 giờ liên tục. Apple cũng quảng cáo rằng âm thanh không dây Bluetooth theo chuẩn mới này của mình sẽ đem lại chất lượng tốt hơn. Trải nghiệm thực tế, kết quả có thể nói là rất bất ngờ dù chất âm cũng có sự khác biệt giữa lúc cắm dây và không dây. Âm thanh khi cắm dây sẽ có độ chi tiết cao hơn chút. Nhưng về tổng thể Solo 3 và iPhone 7 Plus vẫn cho chất âm đạt mức tốt khi chơi không dây. Khác biệt hoàn với dạng Bluetooth thông thường và tốt hơn so với AptX. Dù thế thì Beats Solo 3 cũng không phải là một tai nghe tham chiếu tốt, chúng ta sẽ cần chờ thêm những thiết bị có tính tham chiếu cao hơn để so sánh được chính xác chất lượng của chuẩn Bluetooth này.

Nếu bạn là người mê âm nhạc, sẽ cần những chiếc DAC chuyên dụng cho iPhone 7 như thế này

Apple quảng cáo rằng việc loại bỏ ngõ âm thanh 3.5mm này sẽ đem lại trải nghiệm âm thanh tốt hơn. Thực tế thì nếu bạn sử dụng adapter đi kèm sẽ cho chất lượng rõ ràng là kém hơn. Dù thế nhiều người đam mê âm thanh lại cho rằng việc này sẽ giúp thúc đẩy các hãng phát triển dạng tai nghe có đi sẵn DAC rồi gắn trực tiếp cổng Lightning để nghe nhạc hay hơn. Nghe có vẻ đúng nhưng một chiếc tai nghe fullsize có thể làm điều này còn những chiếc in-ear hay earbud đề cao tính cơ động nhỏ gọn thì gắn thêm một mạch DAC sẽ khiến tai nghe trở nên cồng kềnh hơn.

Hơn nữa khi ghép 2 thiết bị vào 1 sẽ khiến cho việc nâng cấp khó khăn hơn. Bình thường bạn mua 1 chiếc tai nghe tốt sử dụng với chiếc iPhone có chất âm khá, đem lại 1 combo hiệu quả nhưng khi bạn mua 1 chiếc tai nghe có chất lượng tương tự, giá thành sẽ cao hơn do bạn phải mua thêm 1 con DAC bên trong cái tai nghe. Bạn sẽ phải bỏ thêm bao nhiêu tiền đề chiếc DAC đi kèm tai sẽ hay hơn phần DAC vốn có của iPhone? Tại sao cùng mua 2 đời iPhone với cùng 1 giá mà năm nay lại phải mua thêm 1 bộ phận ở ngoài?

NHM

Chủ đề khác