VnReview
Hà Nội

Trải nghiệm nhanh smartphone "vỏ sò" 2 màn hình Freetel Musashi

Đây là sản phẩm thú vị dành cho người thích hoài cổ với thiết kế nắp gập song vẫn có màn hình cảm ứng đủ lớn để trải nghiệm nhu cầu lướt web, giải trí ở mức cơ bản.

Freetel Musashi là một trong 5 sản phẩm của công ty Nhật Bản Freetel vừa ra mắt thị trường Việt Nam. Sản phẩm gây chú ý bởi kiểu dáng thiết kế nắp gập trong khi lại chạy hệ điều hành Android và có không chỉ một mà tới 2 màn hình cảm ứng.

Điện thoại này hiện có giá bán chính hãng là 4,19 triệu đồng với 3 lựa chọn màu sắc: trắng, đen và vàng đồng. Sản phẩm chúng tôi sử dụng trong bài trải nghiệm có màu trắng.

Thiết kế

Freetel Musashi có kiểu dáng nắp gập, thiết kế hiện vẫn khá được ưa chuộng ở thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc. Cùng với thiết kế nắp gập, điểm đặc biệt ở sản phẩm này là có tới 2 màn hình cảm ứng kích cỡ và độ phân giải giống nhau: 4 inch, độ phân giải 800 x 480 pixel, đạt mật độ điểm ảnh 233 PPI, hơi thấp so với mức tối thiểu là HD của đa số các smartphone hiện nay. Hai màn hình có chung một cơ chế điều khiển, nghĩa là các thay đổi với màn hình bên ngoài thì màn hình bên trong cũng sẽ thay đổi y hệt và ngược lại. Đồng thời, cùng lúc chỉ có một màn hình hiển thị.

Hai màn hình này cũng đại diện cho hai thế giới khác nhau của Freetel Musashi: màn hình bên ngoài được thiết kế để dùng như smartphone thông thường hiện nay và màn hình bên trong dùng cho bàn phím vật lý.

Màn hình mặt trước trông khá bình thường: có 3 phím điều hướng trên viền với 3 chức năng menu, home và back. Hơi lạ là phím menu dù có biểu tượng đa nhiệm nhưng kể cả khi ấn giữ vào đây hay ấn giữ 2 phím còn lại, giao diện đa nhiệm cũng không xuất hiện. Trong phần cài đặt của máy cũng không có mục nào cho phép tùy chỉnh chức năng của các phím bấm này. Nếu muốn bật chế độ đa nhiệm, bạn phải cài thêm phần mềm ngoài như Button Savior.;

Màn hình bên trong có kích cỡ và độ phân giải tương tự nhưng không có các phím điều hướng cơ bản mà điều khiển bằng bàn phím vật lý phía dưới. Lưu ý là camera trước của máy nằm ở màn hình bên trong, vì vậy cần phải mở máy mới chụp ảnh tự sướng được.

Bàn phím vật lý của Freetel Musashi là bàn phím dạng T9 giống như bàn phím trên các điện thoại cơ bản. Có lẽ đây là máy dành cho thị trường nội địa Nhật nên giao diện bàn phím vẫn là tiếng Nhật. Điều này gây chút khó khăn lúc mới đầu sử dụng nhưng không phải là vấn đề đáng kể bởi các phím đều có biểu tượng rõ ràng, có thể dễ dàng đoán ra được chức năng của chúng. Bề mặt bàn phím có chất liệu nhựa mềm, mới nhìn qua rất dễ lầm tưởng là các phím bấm được làm phẳng và dẹt nhưng thực tế thì mỗi phím đều được làm lồi nhẹ nhưng phải miết tay vào mới có thể cảm nhận được. Nhờ việc được làm lồi nhẹ nên việc thao tác, gõ phím khá dễ dàng. Diện tích của các phím rộng, chữ to và lực bấm khá nhẹ. Song diện tích bàn phím lớn cũng có điểm hạn chế là khó sử dụng máy bằng một tay.

Dù vậy, bàn phím của Freetel Musashi chỉ có vai trò nhập liệu và thực hiện một vài chức năng cơ bản như mở nhanh các ứng dụng máy ảnh, trình duyệt web, email hay tin nhắn hoặc thực hiện các thao tác thay cho nút Home, Back, Menu, lên xuống chứ không cho phép cuộn trang hay điều hướng theo kiểu cảm ứng như bàn phím của những chiếc BlackBerry Passport hay BlackBerry Priv. Điều này làm cho việc sử dụng máy với bàn phím trở nên kém thuận tiện, nhất là khi duyệt web hay lướt Facebook, dù phần màn phía trong vẫn hỗ trợ các thao tác cảm ứng thông thường.

Thiết kế 2 màn hình độc đáo nhưng cũng khiến cho thân máy của Freetel Musashi rất dày, khoảng 18mm và nặng 196g. Tuy vậy, việc đút túi quần không quá khó chịu do các cạnh máy được bo tròn, trừ khi bạn mặc quần quá bó.

Các phím nguồn, âm lượng và cổng sạc nằm ở phần thân dưới, nơi chứa bàn phím vật lý. Máy không có cổng âm thanh riêng nên được nhà sản xuất tặng kèm một dây chuyển đổi cổng Micro-USB sang cổng 3.5mm. Mặt lưng có thể tháo rời được để thay thế pin và lắp hai SIM chuẩn micro cùng với một khe cắm thẻ nhớ.

Ngoài củ sạc và cáp sạc, máy có thêm cáp âm thanh chuyển đổi từ cổng Micro-USB sang cổng 3.5mm

Về độ hoàn thiện, Freetel Musashi có chất liệu thân nhựa song vẫn cho cảm nhận chắc chắn. Các chi tiết, phần bản lề và những đường ghép nối được hoàn thiện cẩn thận, liền mạch, trông đẹp và chất lượng.

Màn hình

Hai màn hình của Freetel Musashi có kích cỡ (4 inch) và độ phân giải giống nhau (800 x 480 pixel) với mật độ điểm ảnh 233 PPI. Độ phân giải của màn hình khá thấp và điểm yếu này thấy rõ rệt khi xem nội dung đồ hoạ như phim hay game. Với việc lướt web để đọc báo hay dùng Facebook thì vấn đề của độ phân giải thấp đỡ khó chịu hơn.

Chất lượng hiển thị của hai màn hình cũng tương đồng. Điểm cộng ở hai màn hình này là có độ sáng tối đa cao, góc nhìn khá rộng và có thể nhìn ổn ngoài trời khi tăng độ sáng lên mức cao nhất. Tuy vậy, màn hình bị ám xanh thấy rõ và độ tương phản không cao. Về màu sắc, màn hình thể hiện hơi đậm song có chế độ MiraVision quen thuộc trên các máy sử dụng chip MediaTek để người dùng tuỳ chỉnh màu sắc phù hợp. Máy có 3 chế độ hiển thị màu: chuẩn, sinh động và chế độ người dùng. Trong đó, chế độ người dùng cho phép tuỳ chỉnh độ tương phản, bão hoà, nhiệt độ màu cho màn hình.

Bảng đo màn hình ở chế độ tiêu chuẩn, là chế độ mặc định so với số mẫu máy cùng tầm giá

Các màu cơ bản hiển thị đậm, lệch nhiều so với màu tiêu chuẩn

Phần mềm và hiệu năng

Freetel Musashi hiện được cài sẵn phiên bản Android 5.1 với giao diện thuần của Google, không có tính năng nào đặc trưng và đáng chú ý riêng từ nhà sản xuất.

Cấu hình bên trong của Freetel Musashi cũng không có gì đặc biệt: vi xử lý Mediatek MT6735M lõi tứ 1GHz, RAM 1GB, bộ nhớ trong 8GB (còn trống khoảng 4GB) và có khe cắm thẻ nhớ ngoài để tăng thêm dung lượng lưu trữ khi cần. Có thể thấy với cấu hình này, khó lòng kỳ vọng nhiều vào hiệu năng tốt của sản phẩm. Thực tế, ngay ở các thao tác cơ bản như đóng mở các ứng dụng gọi điện, nhắn tin, chụp ảnh hay mở trình duyệt để lướt web, Facebook cũng như các thao tác chuyển đổi giữa các màn hình trên giao diện thì máy cũng xử lý khá chậm.

Máy có đầy đủ hai camera trước (độ phân giải 2MP) và sau (độ phân giải 8MP). Như đã đề cập ở phần thiết kế, camera trước phải mở điện thoại ra mới chụp được bởi nó nằm trên màn hình phụ bên trong, còn camera sau 8MP nằm ở phần mặt lưng nên có thể sử dụng thoải mái cả khi đóng hay mở bàn phím. Camera chính có thêm một đèn flash trợ sáng để sử dụng trong điều kiện thiếu sáng. Ảnh chụp từ Freetel Musashi có tốc độ trung bình và chất lượng ở mức tạm chấp nhận được. Ngay cả khi chụp đủ sáng, màu sắc tái tạo tương đối nhạt nhòa cùng độ nét và chi tiết khá thấp.

Ảnh chụp tự động, tắt HDR

Ảnh chụp tự động, bật HDR

Về thời lượng pin, viên pin 2.000 mAh của Freetel Musashi có thể đủ dùng trong ngày ở mức thông thường nhờ màn hình độ phân giải thấp và cấu hình không mạnh. Với hoạt động lướt web, máy trụ được gần 4,5 giờ liên tục trên mạng Wi-Fi, không cao nhưng không phải quá thấp với một smartphone thiên về đáp ứng nhu cầu nghe gọi là chính. Lưu ý là khi để ở chế độ chờ, bạn nên tắt kết nối 3G hoặc Wi-Fi đi để tiết kiệm pin. Freetel Musashi có thể sử dụng tốt cả 2 sim để nghe gọi, kết nối 3G tại Việt Nam. Chúng tôi thử để qua đêm thì máy hao khoảng 5% sau 7 tiếng ở chế độ chờ nếu tắt Wi-Fi/3G, còn nếu bật thì hao gấp đôi tới 10%.

Tổng kết

Điểm hấp dẫn nhất của Freetel Musashi nằm ở kiểu dáng thiết kế nắp gập dạng "vỏ sò" với bàn phím vật lý và tích hợp tới 2 màn hình cảm ứng. Đây là yếu tố thu hút những người dùng thích các sản phẩm độc đáo và có chút hoài cổ. Bàn phím của máy cũng cho cảm giác bấm khá tốt dù thiếu đi các tính năng cảm ứng nâng cao. Trong khi đó, hai màn hình cảm ứng tuy chất lượng chưa xuất sắc song cũng đủ đáp ứng nhu cầu lướt web và Facebook ở mức cơ bản.

Ngoài những điểm trên thì các yếu tố còn lại như hiệu năng, chất lượng chụp ảnh và thời lượng pin của điện thoại này đều ở mức trung bình. Hơn nữa, mức giá hiện tại cũng còn hơi cao.

TP

Chủ đề khác