VnReview
Hà Nội

Đánh giá Nokia Lumia 900

Thế là trọn bộ 4 sản phẩm dòng Lumia đã được bán ra thị trường Việt Nam. Trong vài tháng vừa qua, tôi đã có cơ hội trải nghiệm 3 chiếc Lumia lần lượt là 710, 800, 610 và bây giờ là chiếc Lumia 900, sản phẩm cuối cùng cũng là sản phẩm "đinh" của Nokia hiện nay, chiếc to nhất, đắt nhất.

Chiếc Lumia 900 được bán ra thị trường Việt Nam vào cuối tháng Sáu với giá 12,5 triệu đồng kèm gói cước ưu đãi hấp dẫn của nhà mạng MobiFone trong vòng 2 năm (mỗi tháng tặng 2 GB dữ liệu và 200.000 đồng cước gọi cho thuê bao trả trước; 2 GB dữ liệu và 1.000 phút gọi nội mạng miễn phí với thuê bao trả sau).

Đây là điện thoại Lumia có màn hình lớn nhất hiện nay, 4.3 inch so với Lumia 800 chỉ có 3.7 inch. Ngoài kích cỡ màn hình và có thêm camera mặt trước, điện thoại này không hơn Lumia 800 điểm gì cả về phần mềm và phần cứng.

Giống Lumia 800 nghĩa là nó kế thừa trọn vẹn cả những ưu điểm và nhược điểm của chiếc điện thoại này. Không chỉ có thiết kế khác lạ và màu sắc trẻ trung, Lumia 900 có giao diện người dùng đơn giản, tốc độ xử lý mượt, tích hợp sâu các mạng xã hội như Facebook vào hệ điều hành, màn hình độ tương phản cao, dễ nhìn ngoài trời và camera chất lượng khá tốt.

Nhưng điện thoại này cũng có một vài vấn đề có thể khiến người mua đôi chút băn khoăn như hệ điều hành không hỗ trợ tiếng Việt, camera không có khả năng quay phim full-HD giống như các đối thủ cạnh tranh, thiếu khe cắm thẻ nhớ ngoài và đặc biệt là sẽ không được nâng cấp lên hệ điều hành Windows Phone 8 Apollo mới dự kiến ra mắt cuối năm nay.

Liệu những ưu thế của Lumia 900 có khiến người mua smartphone ngoảnh mặt với Android và iOS để đến với Windows Phone, giúp Nokia lấy lại vị thế trên thị trường smartphone?

Thiết kế phần cứng

Hình thức của Lumia 900 trông tương tự Lumia 800 và Nokia N9 ngoại trừ kích cỡ màn hình 4.3 inch lớn hơn. Nếu không tính đến kích cỡ chiều dài, chiều rộng và trọng lượng của máy lớn hơn thì khác biệt đáng kể nhất của Lumia 900 là có thêm camera mặt trước và dung lượng pin lớn hơn.

Lumia 900 là một điện thoại đẹp và trông khác lạ nhất trên thị trường hiện nay. Thân máy được đúc nguyên khối bằng nhựa polycarbonate, chất liệu bền và nhẹ được sử dụng trong Lumia 800, Nokia N9 và chiếc smartphone lõi tứ HTC One X. Điện thoại này có cảm giác chắc chắn và khá nặng (160 g) khi cầm trên tay bởi nó không phải là smartphone mỏng. Thân máy có độ dày 11,5 mm, dày hơn iPhone 4S (9,3 mm). Tuy vậy, Lumia 900 không phải là smartphone quá to, tôi thấy sử dụng một tay không gặp khó khăn gì. Nhờ thiết kế các cạnh cong và thân máy bằng nhựa, máy tạo cho người dùng cảm giác cầm vừa tay và không trơn trượt.

Không chỉ giống về thiết kế, màu sắc của Lumia 800 và Lumia 900 cũng giống nhau. Người mua hiện có 4 lựa chọn màu: đen, trắng, xanh lá mạ và hồng xậm. Ngoài trừ màu đen, các màu còn lại đều rất trẻ trung, dấu hiệu cho thấy Nokia muốn nhắm đến các khách hàng trẻ tuổi.

Cách bố trí các cổng và nút kết nối cơ bản không khác so với sản phẩm tiền nhiệm Lumia 800. Có một khe loa nằm phía dưới cạnh đáy máy, còn giắc cắm tai nghe 3.5 mm, cổng microUSB và khay microSIM nằm trên đỉnh máy. Tôi thấy Nokia để cổng microUSB trên Lumia 900 mở, không dùng nắp đậy như Lumia 800 thuận tiện hơn trong quá trình sử dụng. Nằm dọc cạnh phải là nút điều chỉnh âm lượng, nút nguồn và nút chụp/quay chuyên dụng.

Mặt trước của Lumia 900 có vài thay đổi so với Lumia 800. Đầu tiên là sự xuất hiện của camera mặt trước để hỗ trợ đàm thoại video. Tiếp đến là bề mặt màn hình của máy phẳng, không cong ở các đường viền như Lumia 800 và N9. Nhưng về cơ bản, hình thức vẫn tương tự. Phía dưới màn hình vẫn là ba phím cảm ứng quen thuộc: Back, Windows và Tìm kiếm (mặc định mở ra web tìm kiếm Bing). Ở phía mặt sau của máy, bạn sẽ thấy camera 8 megapixel gắn ống kính quang Carl Zeiss và hai đèn LED flash trợ sáng.

Phần cứng bên trong Lumia 900 được trang bị chip xử lý lõi đơn tốc độ 1.4 GHz của Qualcomm, RAM 512 MB, bộ nhớ trong 16 GB (không có khe cắm thẻ nhớ nhưng có 25 GB dung lượng lưu trữ miễn phí trên dịch vụ SkyDrive của Microsoft) và pin liền dung lượng 1830 mAh. Máy hỗ trợ các kết nối cơ bản 3G, Wi-Fi các chuẩn 802.11 b/g/n và Bluetooth 2.1+EDR.

Các phụ kiện trong hộp máy

Màn hình

Lumia 900 sử dụng màn hình cảm ứng AMOLED "ClearBlack" 4.3 inch độ phân giải 800 x 480 pixel (Windows Phone 7.5 chỉ hỗ trợ độ phân giải tối đa là 800 x 480 pixel), được trang bị kính chống xước Gorilla Glass và có các cảm biến gần, cảm biến ánh sáng và cảm biến gia tốc để hỗ trợ xoay ngang và dọc màn hình. Xét về thông số, màn hình của Lumia 900 không có gì ấn tượng. Mật độ điểm ảnh của màn hình chỉ có 217 ppi, thấp hơn Lumia 800 (252 ppi) và hầu hết các smartphone cạnh tranh với nó hiện nay như HTC One S (256 ppi), One X (312 ppi) và iPhone 4S (326 ppi).

Thế nhưng màn hình của Lumia 900 - giống như các điện thoại Lumia tôi đã trải nghiệm – hoạt động rất mượt và nhạy. Chất lượng màn hình của điện thoại này cũng không hề tồi. Màn hình có độ sáng tốt, màu sắc hiển thị tươi tắn, sống động trên nền màu đen rất đậm. Công nghệ "ClearBlack" của Nokia tỏ ra rất hiệu quả trong việc chống chói. Trong thời gian test máy, tôi thấy màn hình vẫn hiển thị dễ nhìn khi sử dụng ngoài trời nắng 35-36 độ ở Hà Nội.

Tuy nhiên, có một điểm tôi không thích ở màn hình của Lumia 900 là màu sắc có độ bão hòa thái quá nên trông giả tạo, không tự nhiên. Vì vậy, hình ảnh hay clip quay từ camera xem trên máy nhiều khi rất đẹp nhưng khi xuất ra máy tính thì màu sắc khác hẳn, nhợt nhạt hơn và lộ rõ những hạn chế về chất lượng phân giải. Đây là vấn đề chung của các điện thoại dùng màn hình AMOLED.

Nói chung, các ưu và nhược điểm cơ bản của Lumia 800 đều xuất hiện trên Lumia 900. Nhưng so với Lumia 800, màn hình to của điện thoại này có hai lợi thế rõ rệt: lướt web và chơi game dễ nhìn hơn; bàn phím ảo dễ bấm hơn do các phím lớn hơn.

Windows Phone 7.5

Khoảng hai tuần sau khi bán ra thị trường Việt Nam, các điện thoại Windows Phone 7.5 hiện tại gồm cả Lumia 900 đón nhận một tin sốc: không được cập nhật lên phiên bản hệ điều hành Windows Phone 8 mới dự kiến ra mắt cuối năm nay.

Lý do theo giải thích của Microsoft đơn giản là vì hệ điều hành Windows Phone 8 dựa trên mã nguồn của hệ điều hành Windows 8 dành cho máy tính, còn Windows Phone 7.5 được phát triển dựa trên hệ điều hành dành cho các thiết bị di động Windows CE. Nâng cấp đáng kể nhất mà người mua Lumia có thể nhận được là phiên bản cập nhật Windows Phone 7.8, bổ sung khả năng tùy biến màn hình chủ tương tự như trên Windows Phone 8. Điều này có nghĩa là những người dùng điện thoại Lumia sẽ bị lạc hậu về hệ điều hành sau khi các điện thoại chạy Windows Phone 8 xuất hiện, dự kiến vào cuối năm nay. Đó là vấn đề có thể sẽ khiến những người mua Lumia phải băn khoăn, cân nhắc. ;

Ngoài vấn đề trên, trải nghiệm phần mềm trên Lumia 900 không khác gì Lumia 800, Lumia 710 và Lumia 610, ba sản phẩm tôi đã có bài đánh giá cách đây không lâu. Mời bạn đọc truy cập vào link bài đánh giá các sản phẩm đó để tìm hiểm thêm về Windows Phone 7.5.

Có vài điểm tôi thấy thích ở Windows Phone là giao diện đơn giản, trải nghiệm rất mượt dù cấu hình phần cứng không mạnh, các mạng xã hội như Facebook được tích hợp sâu trong hệ điều hành và nội dung được tổ chức thành các khu riêng biệt.

Menu ứng dụng cũng được sắp xếp đơn giản theo thứ tự ABC

Về giao diện, Windows Phone là một trải nghiệm hoàn toàn khác biệt so với iOS và Android. Giao diện người dùng dựa trên các khối vuông (Live Tile) đơn giản, mỗi khối vuông đại diện cho một ứng dụng của máy. Nhìn vào các khối vuông trên màn hình chủ, bạn có thể theo dõi các thông tin cập nhật mới của nó ví như tin nhắn, cuộc gọi nhỡ, email, cập nhật từ Facebook và các mạng xã hội. Menu ứng dụng cũng được sắp xếp đơn giản theo thứ tự ABC, không như cách sắp xếp theo hàng của iOS và Android.

Cách tổ chức nội dung trên điện thoại thông qua các khu tập trung gọi là các "hub" giúp người dùng thuận tiện cho việc theo dõi. Lumia 900 có các hub "People" quy tụ thông tin cập nhật từ các mạng xã hội, "Pictures" chứa hình ảnh, "Music + Video" chứa nhạc và phim, "Office" tập hợp các ứng dụng văn phòng của Microsoft và "Messaging" về tin nhắn.

Những người hay dùng Facebook, Twitter sẽ thích cách Windows Phone tích hợp sâu các mạng xã hội vào nhiều ứng dụng của điện thoại. Windows Phone 7.5 hiện hỗ trợ một số mạng xã hội phổ biến như Facebook, Twitter, LinkedIn nhưng không hỗ trợ những mạng xã hội của Việt Nam như Zing Me hay Tầm Tay. Sau khi bạn đăng ký các tài khoản Facebook và Twitter, thông tin cập nhật từ các mạng xã hội này sẽ xuất hiện trong các hub "People", "Me", "Pictures" , "Messaging" và thậm chí cả "Calender" (lịch).

Muốn gõ tiếng Việt trên Lumia 900, bạn phải dùng phần mềm Viet Keyboard

Ở khía cạnh tiêu cực, hạn chế lớn nữa của Windows Phone ngoài việc không được nâng cấp lên Windows Phone 8 là không hỗ trợ tiếng Việt. Trên các điện thoại Lumia, Nokia đã cài sẵn ứng dụng Viet Keyboard cho người dùng gõ tiếng Việt. Tuy nhiên, ứng dụng này có nhiều hạn chế. Bạn có thể gửi đoạn text vừa gõ trên Viet Keyboard vào tin nhắn, các mạng xã hội (như Facebook, Windows Live) và email. Nhưng với các email và tin nhắn trả lời hay cần viết bình luận trên Facebook… thì bạn phải thêm thao tác là copy phần nội dung tiếng Việt vừa nhập trên ứng dụng để dán vào, chứ không thể nhập trực tiếp như với các hệ điều hành đã hỗ trợ tiếng như iOS và Android. Nokia cho biết hãng này đang phối hợp với Microsoft để đưa tiếng Việt vào Windows Phone. Hy vọng vấn đề này sẽ sớm được giải quyết.

Windows Phone 7.5 có thể khiến những người thích mày mò và tùy biến không thoải mái. Trên Lumia 900, bạn chỉ có thể thực hiện một số tùy biến sau: đưa bất kỳ ứng dụng nào ra màn hình chủ và thay đổi trật tự sắp xếp của chúng; thay đổi màu mặc định của các ô Live Tile trên màn hình và chọn màu nền đen hoặc trắng; gỡ bỏ các ứng dụng đã cài hoặc gỡ bỏ bất kỳ ô Live Tile nào khỏi màn hình chủ. Nói chung, các lựa chọn cá nhân hóa giao diện bị hạn chế hơn nhiều so với Android. Nhưng đây chỉ là vấn đề với số ít những người dùng thích táy máy.

Nokia Lumia 900

Trao đổi dữ liệu như hình ảnh và video giữa điện thoại với máy tính phải thực hiện qua phần mềm Zune

Một vài vấn đề nhỏ nữa của Windows Phone là không hỗ trợ Flash tương tự như iOS; phải cài ứng dụng Zune để trao đổi dữ liệu qua lại giữa điện thoại Lumia 900 và máy tính, chứ không đơn giản thông qua cáp USB giống như các điện thoại Android.

Ứng dụng

Số lượng ứng dụng rõ ràng là một hạn chế của Windows Phone khi so sánh với hai nền tảng hệ điều hành hàng đầu iOS và Android hiện nay. Kho ứng dụng Marketplace của Windows Phone hiện có hơn 100.000 ứng dụng và game, ít hơn rất nhiều so với con số trên 600.000 của iOS (App Store) và Android (Google Play).

Nếu sử dụng Lumia 900, bạn sẽ phải chấp nhận một vài thực tế: một số ứng dụng phổ biến nhất không có phiên bản cho Windows Phone, chẳng hạn như ứng dụng ảnh Instagram; không được tiếp cận sớm các phiên bản mới hoặc phần mềm mới. Các nhà phát triển hiện nay thường ưu tiên tạo viết dụng cho iOS và Android trước, sau đó mới đến Windows Phone.

Nhiều ứng dụng Việt đã xuất hiện trên kho Marketplace của Windows Phone

Tuy nhiên, số lượng ứng dụng trên Windows Phone đang tăng khá nhanh. Vào thời điểm tôi đánh giá chiếc Lumia 710 cách đây 2 tháng, kho ứng dụng này mới có 80.000 ứng dụng nhưng hiện tại đã có hơn 100.000 ứng dụng. Một số ứng dụng của Việt Nam được nhiều người dùng quan tâm như Nhaccuatui, Zing MP3 (nhạc), Baomoi (tin tức)… đã xuất hiện trên kho của Windows Phone. Ngoài ra, Nokia cũng cài sẵn một số ứng dụng của hãng dành riêng cho người dùng Lumia, ví dụ như ứng dụng dẫn đường Nokia Drive, bản đồ Nokia Maps, ứng dụng tin tức CNN và ứng dụng gọi điện video Tango (Skype hiện cũng có phiên bản cho Windows Phone).

Camera

Lumia 900 có camera 8 megapixel với ống kính quang Carl Zeiss khẩu f2.2. Phần mềm camera có giao diện đơn giản, cung cấp nhiều thiết lập từ chế độ chụp, các hiệu ứng, cân bằng trắng, tương phản, độ nét, ISO, độ bão hòa. Đèn flash có thể để tự động, tắt hoặc mở.

Mới đây, Nokia đã ra mắt ứng dụng mới gọi là Camera Extras. Sau khi cài đặt, nó sẽ bổ sung thêm bốn chế độ chụp (chụp nhóm, hành động, toàn cảnh panorama và hẹn giờ chụp) vào ứng dụng camera của các điện thoại Lumia. Tuy nhiên, ứng dụng này hiện mới được cung cấp cho người dùng Lumia ở Trung Quốc và Mỹ, dự kiến trong tháng Bảy sẽ sẵn có cho người dùng Việt Nam và các thị trường khác.

Tương tự như các mẫu Lumia khác, Lumia 900 cũng có nút chụp chuyên dụng mang lại cảm giác như sử dụng máy ảnh thực sự. Bạn có thể bấm nhẹ (half press) để lấy nét trước khi chụp. Bạn có thể mở camera ngay cả khi điện thoại đang ở chế độ khóa màn hình bằng cách bấm và giữ nút này vài giây. Ngoài cách dùng nút bấm chuyên dụng, bạn có thể chụp ảnh ngay trên màn hình cảm ứng, chỉ cần chạm vào màn hình ở vùng cần lấy nét và camera sẽ tự động chụp hình ảnh.

Lumia 900 có tốc độ khá nhanh nhưng chậm hơn so với các smartphone có tốc độ chụp vài ảnh mỗi giây như HTC One X, HTC One S, iPhone 4S và Galaxy S III. Các tấm ảnh tôi chụp thử nghiệm có chất lượng tốt, hình ảnh ngoài trời thể nhiều chi tiết và màu sắc trung thực. Nói chung, càng nhiều sáng thì chất lượng ảnh càng tốt. Ảnh chụp trong nhà có ánh sáng tốt cũng khá nét.

Về quay phim, hệ điều hành Windows Phone 7.5 không hỗ trợ độ phân giải 1080p và đó là rào cản với Lumia 900. Điện thoại này chỉ quay được phim 720p, độ phân giải mà hầu hết smartphone tầm trung như HTC One V, Lumia 710 có khả năng thực hiện. Tuy nhiên, chất lượng video thể hiện được nhiều chi tiết so với camera 720p và hình ảnh trông sinh động. Lấy nét liên tục cũng hoạt động ở chế độ quay nhưng tốc độ đáp ứng của tính năng này khá chậm nên hình ảnh bị mất nét khi tôi lia camera nhanh hơn. Video của Lumia 900 có bitrate 14 Mbps, cao hơn nhiều so với cả camera quay ở độ phân giải 1080p như chiếc HTC One X có bitrate gần 10 Mbps (trên lý thuyết, bitrate càng càng thì video càng đẹp và chất lượng âm thanh tăng lên tương ứng). Bitrate âm thanh lại thấp, chỉ có 90 kbps, thấp hơn so với HTC One X (128 kbps).

Camera mặt trước độ phân giải 1 megapixel đủ dùng để thực hiện đàm thoại video trên ứng dụng Tango hoặc Skype.

Một số ảnh chụp và clip quay ở độ phân giải cao nhất của máy:

Nokia Lumia 900

Nokia Lumia 900

Clip quay từ Lumia 900

Hiệu năng hoạt động

Trong tầm giá 12,5 triệu đồng, chúng ta có thể chọn nhiều smartphone 2 lõi, thậm chí 4 lõi và RAM 1 GB nhưng Lumia 900 vẫn dùng chip lõi đơn và RAM 512 MB. Xét về cấu hình, Lumia 900 lép vế hơn nhiều so với các đối thủ Android. Nhưng nếu trải nghiệm thực tế, tôi tin bạn sẽ thấy điện thoại này không cần đến vi xử lý lõi kép.

Tương tự các máy Lumia khác, Lumia 900 chạy rất mượt. Các tác vụ cơ bản trên điện thoại như di chuyển giữa các menu, đa tác vụ (bấm và giữ nút cảm ứng Back để chuyển đổi giữa các ứng dụng đang mở), tải ứng dụng hay mở thư viện ảnh diễn ra rất trơn tru, nhanh. Tôi đã mở thử một vài video định dạng Mp4 và video trực tuyến trên YouTube thấy rất mượt. Nhưng tốc độ lướt web chậm hơn một chút so với chiếc HTC One S tôi vừa đánh giá, nó mất khoảng 7-8 giây để mở trang VnReview (HTC One S chỉ mất 5 giây).

Nokia lâu nay vẫn có tiếng ở chất lượng thoại và khả năng bắt sóng. Lumia 900 có chất lượng cuộc gọi trong, rõ và không thấy có hiện tượng rớt cuộc gọi. Loa ngoài của máy lớn nhưng tôi thấy nó có chút vấn đề khi điều chỉnh âm lượng xuống mức nhỏ nhất. Khi tôi đặt loa ngoài ở mức âm lượng nhỏ thấp, mức 1/30 mà tiếng vẫn khá to, chỉnh tăng lên mức 7 mà âm lượng hầu như không thay đổi gì.

Pin dung lượng 1830 mAh của Lumia 900 có khả năng đàm thoại 7 giờ liên tục trên mạng 3G và 8 giờ xem phim liên tục chuẩn HD. Trong trải nghiệm thực tế, tôi mới sử dụng máy khoảng một tuần với cường độ vừa phải, hàng ngày chủ yếu dùng để lướt web, vào Facebook và Twitter, thỉnh thoảng chơi vài game, chụp một số hình ảnh đăng lên Facebook, kiểm tra email và ít sử dụng tính năng thoại. Ở cường độ như vậy, máy sử dụng được khoảng 14-15 tiếng mới phải sạc pin, một kết quả không phải là tồi so với các smartphone Android. Trong thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục cập nhật đánh giá liên quan đến thời gian pin của Lumia 900.

Kết luận

Nếu bạn thích smartphone màn hình lớn và chạy hệ điều hành Windows Phone, Lumia 900 là một trong số ít sản phẩm bạn có thể chọn hiện nay. Đây là điện thoại có phần cứng thiết kế đẹp và lạ mắt, phần mềm đơn giản và mượt, màn hình tương phản cao và dễ nhìn ngoài trời, giá hợp lý đặc biệt là có thêm gói cước ưu đãi của nhà mạng MobiFone, camera chất lượng khá tốt và mạng xã hội Facebook được tích hợp sâu. Tuy nhiên, hai vấn đề đáng lưu ý nhất với người mua Lumia 900 cũng như các điện thoại Windows Phone 7.5 nói chung là không được nâng cấp lên hệ điều hành Windows Phone 8 mới và không hỗ trợ tiếng Việt.

Nếu bạn không thích Windows Phone, ở tầm giá của Lumia 900, bạn có thể chọn nhiều sản phẩm Android có cấu hình mạnh mẽ hơn nhiều như HTC One S, HTC One X, Sony Xperia Ion, Sony Xperia S và Galaxy S II.

Đánh giá: Thanh Phong

Ảnh: Chí Thành

Chủ đề khác