VnReview
Hà Nội

Đánh giá Oppo F3: thay đổi cuộc chơi "tự sướng" trên smartphone

Sau chiếc Oppo F3 Plus, nhà sản xuất điện thoại Trung Quốc Oppo vừa ra mắt chiếc smartphone thứ hai có camera kép tự sướng và lần này là một sản phẩm tầm trung: Oppo F3.

Oppo F3 vừa bán ra thị trường vào ngày 13/5 với giá 7,49 triệu đồng. Đây là sản phẩm được nhà sản xuất giới thiệu là bản thu gọn của F3 Plus ở cả kích cỡ và cấu hình. Nhưng thực tế thì cấu hình và thiết kế của F3 giống chiếc Oppo F1s 2017 hơn, khác biệt đáng kể nhất là việc có thêm camera kép tự sướng từ đàn anh F3 Plus và độ phân giải màn hình được nâng lên Full-HD, chứ không phải chỉ là HD như bản F1s 2017.

Về cấu hình, chiếc Oppo F3 kế thừa gần như nguyên vẹn thông số của chiếc F1s phiên bản mới 2017 gồm bộ vi xử lý MediaTek MT6750T tám lõi tốc độ 1.51GHz, nhân đồ họa Mali-T860, 4GB RAM, bộ nhớ trong 64GB (còn trống khoảng 55GB cho người dùng) có khe cắm thẻ nhớ và hai khay SIM chuẩn Nano riêng biệt, không phải dùng chung. Máy được trang bị viên pin dung lượng 3.200 mAh.

Bộ camera kép tự sướng là điểm nhấn của F3 gồm một chiếc có độ phân giải 16MP khẩu f/2.0, góc chụp thông thường và chiếc còn lại là camera góc rộng 120 độ khẩu f/2.4 độ phân giải chỉ 8MP. Camera sau của máy có độ phân giải 13MP giống như chiếc F1s 2017.

Thiết kế

Nếu nhìn sơ qua thì Oppo F3 có vẻ giống với đàn anh Oppo F1s: thân kim loại, phía trên dưới mặt lưng có hai dải nhựa, phím Home chứa cảm biến vân tay và kích cỡ màn hình 5.5 inch tương tự. Tuy nhiên khi để ý kỹ và so sánh trực diện giữa hai máy thì Oppo F3 đã có những tinh chỉnh về thiết kế khiến cho sản phẩm trở nên hoàn thiện và đặc biệt là gọn tay hơn.

Mép mặt lưng bo vát giống với F3 Plus

Cụ thể, máy đã mỏng nhẹ hơn chút. Oppo F3 nặng 153g, thân máy dày 7,3mm so với F1s nặng 160g, dày 7,4mm. Tỷ lệ màn hình/khung máy của F3 cũng được tối ưu tốt hơn, đạt khoảng 72,3% so với 71% của F1s. Điều này giúp máy gọn gàng hơn đáng kể dù vẫn có kích cỡ màn hình như nhau. Cạnh máy và các đường mép trên mặt lưng của chiếc F3 bo vát hơn F1s, giúp cầm ôm tay hơn. Về điểm này thì F3 có nét giống với chiếc F3 Plus.

Hai camera tự sướng góc chụp thông thường và góc rộng

Phím Home tích hợp cảm biến vân tay một chạm

Ở phía mặt trước, điểm nhấn ở sản phẩm là cặp camera tự sướng độ phân giải 16MP và 8MP. Máy cũng có cảm biến vân tay một chạm tích hợp trên phím Home cứng có tốc độ nhận diện vân tay nhanh. Phím này chỉ cần chạm vào để mở khoá điện thoại, ứng dụng hoặc tập tin bảo mật chứ không cần bấm nữa. Bên cạnh phím Home là hai phím điều hướng Back và đa nhiệm có đèn nền để dễ định vị phím khi sử dụng.

Máy hỗ trợ 2 SIM chuẩn Nano và khe cắm thẻ nhớ riêng biệt

Trên các cạnh máy, các phím nguồn và âm lượng có độ nảy và được bố trí ở vị trí dễ với ngón tay. Máy có hai khe cắm SIM chuẩn Nano và khe cắm thẻ nhớ riêng, không phải chia sẻ như một số sản phẩm khác. Hai SIM hỗ trợ kết nối LTE 4G cat 4 với tốc độ tải xuống và tải lên là 150/50 Mbps.

Cạnh dưới có giắc âm thanh, mic thoại, cổng micro-USB và loa ngoài

Nhìn chung, F3 đã được cải thiện về thiết kế so với đàn anh F1s, giúp máy trở nên thon gọn và mỏng nhẹ hơn trong khi độ hoàn thiện vẫn khá tốt. Hơi đáng tiếc là máy đã bị cắt giảm công nghệ sạc nhanh VOOC, chỉ còn sạc thường ở mức 5V/2A và cũng thiếu cổng USB Type C, chuẩn cắm hiện đã được một số hãng như Sony và Samsung đưa lên các máy tầm trung.

Các phụ kiện đi kèm gồm vỏ ốp trong suốt, củ và cáp sạc, tai nghe và que chọc SIM. Oppo cũng dán sẵn miếng dán màn hình cho máy.

Củ sạc thường 5V/2A, không có sạc nhanh VOOC như trên các dòng giá cao của Oppo

Màn hình

F3 đã được nâng độ phân giải lên Full-HD với tấm nền IPS LCD 5.5 inch, cho mật độ điểm ảnh 401 PPI, đủ để hiển thị chi tiết nội dung cả hình ảnh và văn bản. Oppo cho biết tấm kính bảo vệ màn hình của F3 là kính Gorilla Glass 5, thế hệ kính bảo vệ mới nhất của hãng Corning hiện nay được cho là có khả năng chống chầy xước tốt hơn. Tuy nhiên, nhà sản xuất này vẫn dán sẵn tấm dán bảo vệ màn hình từ khi xuất xưởng nên người dùng không cần dán thêm miếng dán ngoài nữa.

Màn hình của F3 có nhiệt màu cân bằng, hơi ấm nhẹ và màu sắc hiển thị tự nhiên, không rực lên nhiều như đàn anh F3 Plus. Góc nhìn màn hình khá rộng nhưng khả năng nhìn ngoài trời chỉ ở mức trung bình do độ sáng tối đa không cao. Ngoài ra, độ tương phản trên màn hình của F3 cũng ở mức vừa phải, nhỉnh hơn chút so với Oppo F1s nhưng không được sống động như đàn anh F3 Plus. Nhìn chung, màn hình là điểm mà F3 thể hiện tròn vai, không gây được nhiều ấn tượng.

Phần mềm

Giống như đàn anh F3 Plus, chiếc Oppo F3 cũng được cài sẵn phiên bản Color OS tuỳ biến dựa trên nền tảng Android 6. Mức độ tuỳ biến phần mềm của Oppo rất sâu nên tạo ra trải nghiệm khác hẳn so với Android thuần của Google. Nếu so với một số nhà sản xuất khác như Samsung hay Sony thì Oppo là hãng không tham cài đặt quá nhiều tính năng riêng lên các sản phẩm của họ.

Các ứng dụng riêng của nhà sản xuất cài sẵn tương đối ít nhưng vẫn có một vài ứng dụng bị trùng lắp với các ứng dụng mặc định của Google trên các máy Android như trình duyệt, trình xem ảnh và nghe nhạc. Điểm hạn chế ở khía cạnh phần mềm của Oppo là việc cập nhật tương đối chậm, đến nay vẫn ở bản Android 6 trong khi nhiều máy tầm trung của các hãng khác hiện nay đã được cài sẵn bản Android 7.

So với phiên bản ColorOS cũ dựa trên Android 5.1, phiên bản Color OS mới trên OPPO F3 có giao diện được trau truốt hơn và vẫn duy trì những nét giống với giao diện iOS trên iPhone từ các icon ứng dụng đến giao diện của một số ứng dụng như máy ảnh, tin nhắn và giao diện cài đặt. Bản Color OS mới cũng chưa thấy có thêm tính năng mới đáng chú ý nào.

Tuy nhiên, các máy Oppo trước đó đã có khá nhiều tính năng riêng như các thao tác điều khiển bằng cử chỉ khi màn hình tắt/bật; bộ ứng dụng Trung tâm bảo mật với nhiều chức năng giúp quản lý dữ liệu cũng như các phần mềm cài trên máy; chế độ sử dụng một tay (lướt nhẹ tay từ góc trái hoặc phải đến giữa màn hình để kích hoạt) và chế độ màn hình lọc bớt ánh sáng xanh để sử dụng ban đêm đỡ chói mắt...

Hiệu năng

Chiếc F3 có RAM 4GB và bộ nhớ trong 64GB giống chiếc F1s 2017. Vi xử lý của F3 là bản Mediatek MT6750T, chỉ khác vi xử lý MT6750 trên chiếc F1s ở khả năng hỗ trợ màn hình độ phân giải Full-HD. Trước đây, chiếc Oppo F1s xử lý hiệu năng mượt mà ở màn hình độ phân giải HD. Trên chiếc F3, các thao tác sử dụng cơ bản vẫn khá nhanh nhẹn nhưng với các ứng dụng phức tạp như chỉnh sửa ảnh, biên tập video hoặc game nặng đồ hoạ thì điện thoại này không thể xử lý khung hình mượt mà và ổn định như F1s.

Với nhu cầu chơi game, máy gánh game nặng ổn thỏa nhưng tốc độ khung hình (FPS) chỉ đạt ở mức trung bình, chưa thể mang lại trải nghiệm mượt mà.

Cụ thể khi thử chơi một trong những tựa game nặng nhất trên Android hiện này là Dead Trigger 2, khá bất ngờ khi game tự động thiết lập Oppo F3 ở mức đồ họa cao nhất (High). Số khung hình trung bình đạt mức 32FPS nhưng khung hình không ổn định, đặc biệt khi xuất hiện các hiệu ứng cháy nổ hay khi có đông quái xuất hiện.

Số khung hình trung bình của Oppo F3 khi chơi Dead Trigger 2 ở mức thiết lập đồ họa cao nhất (High), phần mũi tên màu đỏ là đồ thị hiển thị sự thay đổi của khung hình khi chơi game

Giảm thiết lập đồ họa xuống mức thấp (Low), số khung hình trung bình tuy giảm xuống mức 30FPS nhưng game chạy ổn định hơn hẳn, khung hình không bị trồi sụt như trước, ngay cả ở những cảnh đông quái. Sở dĩ số khung hình không vượt qua mức 30 là do ở mức đồ hoạ thấp, Dead Trigger 2 tự động giới hạn khung hình lại để phù hợp hơn với các thiết bị có hiệu năng vừa phải.

Số khung hình trung bình của Oppo F3 khi chơi Dead Trigger 2 ở mức thiết lập đồ họa thấp, phần đồ thị hiển thị sự thay đổi của khung hình khi chơi game đã đều hơn, do khung hình ổn định hơn

Với tựa game Warhammer 40,000: Freeblade, nếu để ở mức thiết lập đồ họa cao nhất, Oppo F3 cũng đạt khung hình trung bình thấp, không thể chơi thoải mái.

Số khung hình trung bình của Oppo F3 khi chơi Warhammer 40,000: Freeblade ở mức thiết lập đồ họa cao nhất (High)

Khi để game tự động thiết lập mức đồ họa phù hợp với cấu hình của máy, Oppo F3 cho số khung hình ổn định hơn, đạt mức trung bình 30 FPS. Hiện tượng sụt giảm khung hình nặng ở những cảnh có hiệu ứng đồ họa phức tạp không còn xảy ra, game chạy mượt mà hơn hẳn.

Nhìn chung, nếu muốn chơi game nặng trên chiếc smartphone này của Oppo, người dùng nên thiết lập mức đồ họa ở mức trung bình đến thấp, hoặc để game tự động tối ưu, dù đồng nghĩa với việc hình ảnh sẽ kém đẹp mắt hơn.

Số khung hình trung bình của Oppo F3 khi chơi Warhammer 40,000: Freeblade ở mức thiết lập đồ họa tự động, không khóa khung hình

Thời gian pin

F3 được trang bị viên pin 3.200 mAh. Kết quả đánh giá của VnReview cho máy cho kết quả khá với các hoạt động xem phim, lướt web và chơi game. Với kết quả như vậy, máy đủ dùng trong ngày với đa số người dùng ở cường độ vừa phải. Ở chế độ chờ, F3 cũng chứng tỏ khả năng quản lý năng lượng tương đốt tốt. Máy hao khoảng 3% pin sau 7 tiếng để qua đêm vẫn bật Wi-Fi để nhận thông báo. Thời sạc vào mất khoảng gần 2 giờ do thiếu công nghệ sạc nhanh VOOC.

Lướt web trên mạng Wi-Fi ở điều kiện độ sáng màn hình mức 70%, tính từ lúc pin đầy đến khi còn 10%.

Xem phim HD offline lưu trực tiếp vào máy ở điều kiện độ sáng thiết lập ở mức 70%, tính từ lúc pin đầy đến khi còn 10%.

Chơi game giả lập trên GFX Bench liên tục ở điều kiện độ sáng 70%, tính từ lúc pin đầy đến khi còn 10%.

Camera tự sướng

Oppo lâu nay vẫn định vị là nhà sản xuất điện thoại tập trung vào camera, đặc biệt là camera tự sướng. Ở phân khúc tầm trung, các bài đánh giá của VnReview cho thấy chiếc Oppo F1s và bản cập nhật F1s 2017 là smartphone có chất lượng chụp ảnh tự sướng tốt hơn nhiều các sản phẩm cạnh tranh cùng tầm giá. Ưu thế về khả năng chụp ảnh tự sướng lại được Oppo đẩy lên một bước mới khi trang bị thêm một camera góc rộng để chụp nhóm người hoặc chụp lấy được phong cảnh rộng phía sau.

Oppo F3 có camera tự sướng góc rộng

Oppo F3 được kế thừa nguyên vẹn cặp camera tự sướng phía trước của F3 Plus. Hai camera ở phía trước không giống nhau ở cả độ phân giải và góc chụp: một chiếc có độ phân giải 16MP khẩu f/2.0, góc chụp thông thường và một chiếc còn lại có độ phân giải 8MP độ khẩu f/2.4, góc rộng 120 độ để chụp ảnh tự sướng nhóm hoặc chụp tự sướng thu được nhiều khung cảnh phía sau hơn. Mô hình này giống với camera kép phía sau của LG G5 và G6. Việc chuyển đổi giữa hai camera trước dễ dàng, chỉ một nút bấm vào biểu tượng trên góc phải màn hình giao diện camera.

Ảnh từ camera góc thường (trên) và góc rộng (dưới)

Ảnh từ camera góc thường (trên) và góc rộng (dưới)

Ảnh từ camera góc thường (trên) và góc rộng (dưới)

Chiếc camera tự sướng 16MP của F3 giống với camera tự sướng trên chiếc F1s và bản F1s 2017. Ảnh chụp ở trong các điều kiện ánh sáng đủ và hơi tối chút đều có độ chi tiết tốt, nước ảnh "nịnh mắt" và các mức độ làm đẹp cũng hoạt động hiệu quả tốt, giữ được nét tự nhiên cho các chi tiết trên khuôn mặt như lông mày, mắt hay cặp môi.

Ảnh ở chế độ tự động, không bật làm đẹp

Ảnh chụp môi trường ánh sáng đèn trong nhà, bật chế độ làm đẹp ở mức 50%

Ảnh chụp trong nhà, hơi bị ngược sáng nhẹ và bật chế độ làm đẹp ở mức cao

Ảnh chụp thiếu sáng, bật chế độ làm đẹp ở mức 50%

Chiếc camera 8MP có chất lượng ảnh kém hơn so với camera 16MP, nhất là ở môi trường thiếu sáng nhưng góc rộng của nó tạo điều kiện để người dùng có được những tấm ảnh tự sướng thú vị, gần gũi với cuộc sống. Bạn có thể chụp ảnh nhóm người dễ dàng không cần đến gậy tự sướng. Máy sẽ tự động chuyển sang camera góc rộng khi nhận được trong ảnh có trên 3 khuôn mặt. Bạn cũng có thể tự chụp được những bức ảnh tự sướng thu được nhiều phong cảnh phía sau gần giống như nhờ người khác chụp vậy, mà cũng không cần đến gậy tự sướng.

Ảnh từ camera góc rộng cho phép thu được nhiều phong cảnh phố phường phía sau

Camera góc rộng cho phép chụp ảnh nhóm người dễ dàng mà không cần đến gậy tự sướng

Ngoài ra, sự xuất hiện của camera thứ hai cũng cho phép F3 tạo ra các các ảnh tự sướng xoá phông. Nhưng lưu ý là chế độ xoá phông chỉ hoạt động với camera góc hẹp (camera 16MP), kích hoạt bằng cách bấm biểu tượng giọt nước ở góc cao bên phải. Khả năng xóa phông chưa ấn tượng, đôi lúc xóa nhầm vào tóc hoặc thân người. Nếu không quá quan trọng về việc này thì chế độ xóa phông cũng tạo ra được những bức ảnh "tự sướng" khá lạ mắt.

Ảnh chụp ở chế độ xoá phông

Lưu ý là hiện tại, các ứng dụng của bên thứ ba như Instagram hay Snapchat không nhận diện được camera tự sướng góc rộng của Oppo F3, do đó nếu bạn muốn chụp tự sướng góc rộng (selfie nhóm hoặc chụp lấy nhiều phong cảnh) sẽ phải dùng ứng dụng camera mặc định của Oppo.

Camera phía sau

Camera sau của Oppo F3 có độ phân giải 13MP, khẩu f/2.2, cảm biến Samsung; kích cỡ 1/3 inch, hỗ trợ lấy nét pha và có một đèn flash trợ sáng. Giao diện ứng dụng camera của F3 lâu nay vẫn học hỏi từ iOS ở sự đơn giản, thay đổi giữa các chế độ chụp và điều chỉnh bù trừ sáng thuận tiện.

Chế độ chuyên gia cho phép tuỳ chỉnh ISO, tốc độ màn chập, bù trừ sáng...

Tuy nhiên không như ứng dụng trên iPhone, ứng dụng camera của Oppo có chế độ chỉnh tay được hãng gọi là "chế độ chuyên gia" cho phép điều chỉnh ISO, bù trừ sáng và tốc độ màn chập tối đa tới 16 giây. Ngoài ra, người dùng có thể chọn chế độ chụp ảnh "siêu HD" để tạo ra tấm ảnh độ phân giải 36MP bằng cách ghép từ nhiều ảnh, chế độ chụp phơi sáng kép, chụp ảnh RAW hoặc chế độ làm đẹp cho phép điều chỉnh độ mịn da và màu da từ trắng đến hồng giống như camera tự sướng.

Camera sau của Oppo F3 cho tốc độ lấy nét và chụp khá nhanh ở chế độ tự động, đủ sáng. Khi chụp ở chế độ HDR hoặc "siêu HD" thì máy mất khoảng 2 giây mới xử lý xong quá trình ghép ảnh. Về chất lượng, máy cho ảnh chụp ở mức trung bình khá so với tầm giá. Màu sắc tái tạo tự nhiên nhưng hơi nhạt và dải sáng chưa sâu. Máy có chế độ HDR và HDR Auto cải thiện độ cân bằng ánh sáng giữa các vùng tối và sáng trong ảnh.

Các ảnh trên chụp ở chế độ tự động

Ảnh chụp ở chế độ tự động

Ảnh bật chế độ HDR có cải thiện độ tương phản

Kết luận

Oppo F3 có thể coi nỗ lực đưa camera kép tự sướng lên smartphone tầm trung của Oppo, ở mức giá nhỉnh hơn chút so với giá với sản rất thành công của hãng này là mẫu F1s và F1s 2017. Ở khía cạnh tự sướng, điện thoại này thực sự gây được ấn tượng tốt: chiếc camera 16MP góc chụp thông thường mang lại hình ảnh đẹp, còn camera 8MP góc rộng tạo ra những hình ảnh tự sướng thú vị, chụp được cả nhóm người hoặc thu được nhiều phong cảnh phía sau tấm ảnh tự sướng.

Ngoài yếu tố tự sướng, điện thoại này có thiết kế gọn gàng, dễ cầm với kích cỡ 5.5 inch phù hợp với số đông người dùng; dung lượng bộ nhớ thoải mái (64GB); thời lượng pin khá tốt và hiệu năng đủ đáp ứng nhu cầu phổ thông. Tuy nhiên, khả năng chơi game không còn được thoải mái như đàn anh Oppo F1s/F1s 2017 do phải gánh màn hình độ phân giải Full-HD.

Thanh Phong

Chủ đề khác