VnReview
Hà Nội

Đánh giá Nokia 8: gì cũng hay, liệu có đáng mua?

Sau khi thử thị trường với những smartphone tầm trung và giá rẻ, thương hiệu Nokia "mới" đã chính thức giới thiệu chiếc Nokia 8, smartphone Android cao cấp đầu tiên vào cuối năm 2017 với tham vọng cạnh tranh cùng các siêu phẩm smartphone khác.

Phân khúc smartphone cao cấp tuy không có nhiều đại diện nhưng gần như bị thống trị bởi các máy của Apple và Samsung. Nokia "mới", liên doanh giữa công ty Phần Lan HMD Global và Foxconn biết rõ điều đó, và họ thể hiện tham vọng bằng một chiếc máy xét trên thông số thì rất ấn tượng: cấu hình mạnh nhất, camera kép với nhiều chế độ chụp hình, phần mềm Android nguyên bản. Đi kèm với đó là giá bán 13 triệu, thấp hơn hầu hết các máy cạnh tranh.

Với nhiều ưu điểm như vậy và thương hiệu Nokia lâu đời, liệu Nokia 8 có phải là lựa chọn tốt trong tầm giá trên 10 triệu đồng, mời bạn đọc theo dõi bài đánh giá.

Thiết kế

Nokia 8 không mang những nét thiết kế giống như trào lưu điện thoại 2017: viền mỏng, màn hình dài với tỉ lệ 18:9. Thay vào đó, chiếc smartphone này mang thiết kế khá truyền thống và gợi nhiều liên tưởng tới chiếc HTC U11: các chi tiết như mặt lưng kim loại cong và ôm tay, được xử lý bóng (ở phiên bản màu xanh đen và màu đồng), phím điều hướng đặt ngoài màn hình và nút home kiêm cảm biến vân tay hình chữ nhật đều gợi nhớ đến chiếc điện thoại của HTC.

Thiết kế của máy gợi nhiều nét liên tưởng đến chiếc HTC U11

Phần viền màn hình phía trên và dưới của Nokia 8 khá dày, tỉ lệ màn hình/diện tích mặt trước gần 70%, nên không tạo được ấn tượng như những smartphone theo hướng viền mỏng, vô cực. Bù lại độ hoàn thiện của máy tốt: các phần tiếp giáp được bo khít, logo Nokia mặt sau khắc sắc sảo, dải ăng ten đồng màu với lưng nên gần như rất khó nhận ra.

Dải ăng ten trên Nokia 8 đồng màu với lưng, chỉ khi có ánh sáng trực tiếp đánh vào mới nhận ra

Nút nguồn và âm lượng lớn, dễ bấm

So với những máy cao cấp như iPhone X hay Galaxy Note8, Nokia 8 nhẹ hơn với trọng lượng chỉ 160g. Do thân máy mỏng, hai viền vát nên cảm giác cầm có chút không chắc chắn, nếu dùng thêm ốp lưng thì sẽ yên tâm hơn. Máy cũng có khả năng chống bụi và nước ở mức cơ bản, đáp ứng chuẩn IP54.

Cảm biến vân tay kiêm nút Home đặt ở mặt trước

Máy có thể dùng 2 Nano SIM hoặc 1 SIM, 1 thẻ nhớ MicroSD

Vị trí của cảm biến vân tay tiện sử dụng với hầu hết mọi trường hợp, tuy nhiên kích thước của nó hơi nhỏ có thể gây khó khăn khi đăng ký và sử dụng với những người có ngón tay to. Một điểm cộng với những người thích nghe nhạc là Nokia vẫn trang bị giắc âm thanh 3,5mm trên chiếc điện thoại này, chứ không chạy theo trào lưu cắt bỏ giắc như nhiều hãng khác.

Thiết kế của Nokia 8 đã khác nhiều so với thời Lumia, không chạy theo trào lưu nhưng vẫn có ngoại hình đẹp, hoàn thiện sắc sảo. Nếu muốn thiết bị cá tính thì bạn có thể chọn hai phiên bản màu xanh đen và đồng, đều bóng bẩy nhưng sẽ cần sử dụng cẩn thận, chăm chút hơn.

Màn hình

Kích cỡ màn hình của Nokia 8 là 5.3 inch, nhỏ hơn một chút so với kích cỡ phổ biến hiện nay (5.5 – 5.7 inch), nhưng điều này không làm ảnh hưởng nhiều đến trải nghiệm sử dụng. Điểm nổi bật là độ sáng màn hình cao, đạt mức 677 nits khi đo bằng máy, nhờ đó hiển thị tốt ngoài trời.

Độ phân giải màn hình là Quad HD (2560 x 1440), mật độ điểm ảnh 554 ppi đảm bảo hiển thị hình ảnh sắc nét. Màn hình IPS có góc nhìn rộng, màu sắc thể hiện theo hướng trung thực nhưng với một số người dùng đã quen với màn AMOLED trên máy Samsung, iPhone X thì có thể thấy hơi nhạt.

Tính năng hiển thị Glance khá tiện, không tốn pin nhưng kích thước hơi nhỏ

Nokia 8 cũng được trang bị một tính năng từng xuất hiện trên các máy Lumia: hiển thị trên màn hình khóa Glance. Khi màn hình khóa, máy sẽ hiển thị giờ và các thông tin về cuộc gọi nhỡ, tin nhắn… Tuy nhiên kích thước của phần hiển thị thông tin hơi nhỏ, không dễ nhìn như máy Lumia trước đây. Bạn cũng không phải lo về việc tốn pin vì màn hình này sẽ tự tắt sau khoảng thời gian nhất định không dùng, và tự hiện lại khi người dùng cầm đến máy.

Camera

Camera kép ở mặt sau của Nokia 8 gồm một camera thường và một camera đơn sắc

Nokia 8 được trang bị tới 3 camera 13MP: một camera thường, một camera đơn sắc (đen trắng) ở mặt sau, cùng hỗ trợ lấy nét pha và ổn định hình ảnh quang học. Bên cạnh việc chụp bằng từng camera riêng lẻ, Nokia đem lại 3 phương án để kết hợp các camera này: kết hợp 2 camera sau để cho ảnh rõ nét hơn, ảnh xóa phông hoặc kết hợp camera trước/sau để chụp ảnh, quay phim livestream đồng thời.

Ứng dụng chụp ảnh có giao diện khó làm quen và đôi lúc bị giật

Máy có nhiều tùy chọn chụp: chụp thường, đen trắng, kết hợp hai camera sau hoặc camera trước/sau

Ứng dụng camera của Nokia 8 là một điểm trừ đối với trải nghiệm chụp: giao diện không thoáng, biểu tượng khó hình dung và chuyển đổi giữa các chế độ đôi lúc còn bị giật. Bù lại bạn có thể livestream trực tiếp lên YouTube, Facebook ngay từ ứng dụng, tiện để live với chế độ camera trước/sau đồng thời.

Tốc độ lấy nét, lưu ảnh thông thường lẫn HDR của Nokia 8 đều nhanh. Tuy nhiên khi bật chế độ Live Bokeh (xóa phông trực tiếp), đôi khi máy phải mất một lúc mới nhận diện được gương mặt và làm mờ các chi tiết xung quanh. Khi xem lại ảnh thì máy cũng không hiện ngay hiệu ứng xóa mờ, phải sau một lúc mới hiển thị hết.

Ảnh chụp khi thời tiết đẹp, trời trong

Nokia 8 thực sự hợp để chụp những cảnh ngoài trời, vì máy tái tạo màu xanh của trời đẹp mắt nhưng không quá rực. Ảnh có độ nét khá, tuy nhiên khi chụp buổi tối máy lấy nét khá "vất vả", đôi lúc phải thử vài lần mới lấy nét chính xác. Máy cũng ưu tiên để mức ISO thấp kể cả khi điều kiện ánh sáng không lý tưởng, giúp cho ảnh ít bị nhiễu nhưng bù lại thì tốc độ màn trập sẽ chậm, ảnh có thể bị rung.

Ảnh chụp trong nhà, điều kiện sáng vẫn khá tốt

Khi ánh sáng kém hẳn thì độ chi tiết cũng giảm nhưng vẫn ở mức ổn, ảnh không bị nhiễu

Trên các máy trang bị 2 camera, chế độ chụp ảnh kết hợp cả hai thường đem lại ảnh có độ chi tiết cao, nhất là trong điều kiện chụp không tối ưu. Tuy nhiên ảnh chụp với chế độ Twin mode trên Nokia 8 không cải thiện mấy so với chụp thường, đôi lúc còn kém hơn.

Ảnh chụp chế độ Twin mode, kết hợp hình ảnh từ cả 2 camera không có nhiều khác biệt so với ảnh chụp camera thường

Camera đen trắng đem lại những bức ảnh lạ, đôi khi còn là lựa chọn tối ưu nếu cảnh có quá nhiều màu sắc phức tạp. Ảnh chụp từ camera đơn sắc cũng có độ tương phản, dải sáng động cao hơn và độ nét tốt hơn nếu chụp buổi tối.

Ảnh từ camera đơn sắc

Chất lượng xóa phông của Nokia 8 khá tốt: ảnh ít bị xóa nhầm vào tóc hoặc các chi tiết không liên quan, độ chuyển giữa chủ thể và phần bị xóa mượt chứ không "gắt", thiếu tự nhiên như trên một số điện thoại khác. Bạn cũng có thể điều chỉnh độ xóa mờ trước khi chụp để ảnh đẹp nhất.

Ảnh chụp với chế độ Live Bokeh

Máy dùng ống kính thông thường, nên góc chụp rộng và có thể áp dụng vào nhiều cảnh chụp chứ không "gò bó" như các máy dùng tiêu cự tương đương 50 – 56mm như Note8 hay iPhone 8/X. Ngoài ra Nokia 8 cũng có thể cài đặt ứng dụng Camera NX để có hiệu ứng xóa phông hoặc HDR+ như trên Google Pixel 2.

Tính năng chụp trước/sau cùng lúc chỉ mang tính vui vẻ, nhưng nếu bạn thường xuyên livestream thì cũng khá hữu ích

Ảnh selfie của Nokia 8

Nokia không phải hãng đầu tiên mang tính năng chụp, quay phim với camera trước/sau cùng lúc. Hãng nhấn mạnh vào khả năng này, nhưng trong thực tế thì có lẽ ứng dụng nhiều nhất sẽ là khi livestream: bạn có thể vừa quay gương mặt và phản ứng của mình với camera trước, vừa quay những gì đang xảy ra trước mặt với camera sau. Việc tinh chỉnh tỉ lệ và chất lượng hình ảnh có thể không bằng phần mềm chuyên dụng (chỉ có thể chia hình ở mức 50:50) nhưng lại tiện hơn nhiều.

Nokia quảng bá công nghệ âm thanh OZO Audio với khả năng thu âm 3 chiều chính xác và chân thực. Trong trải nghiệm thực tế, tôi nhận thấy Nokia 8 ghi lại âm thanh rất rõ ràng, phát huy tốt khi quay phim những bài hát: âm nhạc nổi bật, loại bỏ tạp âm hiệu quả. Ngoài ra bạn còn có thể quay phim bằng camera đơn sắc (Huawei P10/Mate 10 thì không có lựa chọn này), một tính năng thú vị nếu đã chán quay phim màu.

Hiệu năng và phần mềm

Cấu hình của Nokia 8 thuộc hàng "đỉnh" của năm 2017, với chip Qualcomm Snapdragon 835 (8 lõi Kryo tốc độ 1.8GHz và 2.5GHz), 4GB RAM và 64GB bộ nhớ trong. Phần cứng mạnh mẽ kết hợp cùng phần mềm tối giản, gần với Android gốc đem lại hiệu năng mượt mà, ấn tượng cho chiếc điện thoại này. Các thao tác sử dụng: mở ứng dụng, chuyển đổi, gõ phím, email… đều đáp ứng nhanh.

Điểm đo hiệu năng tổng thể trên Antutu

Điểm đo hiệu năng xử lý đơn lõi và đa lõi của CPU

Điểm đo khả năng xử lý của GPU. Nhìn chung, điểm số đánh giá hiệu năng của Nokia 8 qua các phần mềm đều ở mức cao, vượt cả vài máy cao cấp với cấu hình tương đương.

Khi sử dụng với các tác vụ nặng như chạy phần mềm đánh giá hiệu năng, chơi game trong thời gian dài thì máy hơi ấm ở mặt lưng nhưng không đến mức khó chịu. Có thể đây là kết quả từ hệ thống "tản nhiệt chất lỏng" mà Nokia tích hợp trong chiếc điện thoại này.

Với đa số game nặng thì Nokia 8 đều đáp ứng tốt, chạy mượt mà

Với hai game nặng mà chúng tôi thường dùng để đánh giá: Warhammer 40K: Freeblade và Dead Trigger 2, Nokia 8 đều đáp ứng tốt với mức khung hình ổn định từ 55 – 59 hình/giây, mức gần tối đa. Trải nghiệm game mượt, máy mát là ưu điểm cho những người dùng thích chơi game trên điện thoại.

Máy đã được cập nhật Android 8.0, với một số tính năng mới như điền mật khẩu tự động hoặc xem video ở khung nhỏ (PiP, hiện chỉ hỗ trợ Chrome). Giao diện phần mềm tối giản, các ứng dụng gốc và dịch vụ đều sử dụng của Google, ngoại trừ ứng dụng Hỗ trợ thì Nokia cũng không cài thêm phần mềm nào. Một đặc điểm nhận biết khác là các nhạc chuông, chuông báo quen thuộc ở điện thoại Nokia trước kia vẫn được giữ nguyên trên chiếc điện thoại này.

Việc sử dụng Android gốc có ưu điểm là giao diện đơn giản, cập nhật rất nhanh, còn việc tùy biến giao diện có thể dùng tới các launcher thứ ba. Tuy nhiên một số ứng dụng thực sự cần "bàn tay can thiệp" của Nokia để tùy biến tốt hơn, ví dụ như ứng dụng chụp ảnh.

Pin

Pin của Nokia 8 đủ để sử dụng một ngày với cường độ trung bình khá

Nếu chỉ nhìn vào dung lượng pin của Nokia 8 – 3090mAh bạn có thể sẽ thấy nó hơi đuối so với cấu hình mạnh và màn Quad HD. Tuy nhiên trong sử dụng thực tế, tôi nhận thấy Nokia 8 có thể dùng được cả ngày với cường độ sử dụng khá: dùng máy để lướt web, Facebook, kiểm tra email, chơi game với cả mạng WiFi và 4G, thậm chí còn làm thiết bị phát 4G một lúc. Mỗi lần sạc pin máy dùng được với thời gian sáng màn hình 5 giờ, và nếu dùng ít thì có thể trụ được khoảng 1,5 ngày.

Thông tin từ ứng dụng theo dõi cho thấy máy có thể dùng tới hơn 1 ngày, thời gian sáng màn hình gần 5 giờ và ở trạng thái "deep sleep" trong 86% thời gian, là mức tốt giúp máy ít bị mất pin khi không hoạt động

Kết quả ấn tượng trên có lẽ là nhờ chip Snapdragon 835 có khả năng quản lý năng lượng tốt, cũng như phần mềm chạy ngầm ít. Một trong những hoạt động "ngốn" pin nhất trên Nokia 8 lại là chụp ảnh: khi cầm máy đi chụp hình khoảng 4 giờ thì máy tụt tới gần 70% pin, trong đó ứng dụng chụp ảnh dùng tới 60%. Bên cạnh giao diện thì rõ ràng Nokia cần phải cải thiện hiệu suất của ứng dụng máy ảnh.

7

Bài đánh giá pin: cho máy chạy phim offline liên tục, cắm tai nghe, độ sáng 70%, âm thanh ở mức 70%, bật kết nối WiFi từ khi pin đầy đến lúc còn 10%

Bài đánh giá chơi game: cho máy chạy giả lập game liên tục, độ sáng 70%, bật kết nối WiFi từ khi pin đầy đến lúc còn 10%

Bài đánh giá lướt web: cho máy lướt web liên tục, độ sáng 70%, bật kết nối WiFi từ khi pin đầy đến lúc còn 10%

Trong các bài đánh giá pin tiêu chuẩn của VnReview, kết quả của Nokia 8 cũng khá cao. Cụ thể, máy đạt hơn 11 giờ xem phim, 10 giờ lướt web nhưng chỉ hơn 3 giờ xem phim.
 

Kết luận

Nokia 8 là chiếc smartphone tròn vai, các khía cạnh sử dụng đều ở mức khá đến tốt: thiết kế trau chuốt, màn hình sáng, camera chụp ảnh tốt, hiệu năng ấn tượng và pin ổn. Tuy nhiên để cạnh tranh với các điện thoại cao cấp, máy vẫn thiếu những công nghệ hoặc thiết kế thực sự khác biệt làm điểm nhấn.

Chụp ảnh kép trước/sau chỉ là một tính năng vui vẻ, khó mà khiến người dùng gắn bó lâu dài. Máy quay phim với chất lượng âm thanh rất tốt, nhưng đây không phải là tính năng đủ để thuyết phục người dùng đầu tư. Thiết kế là một khía cạnh mang tính cá nhân, nhưng khó có thể nói Nokia 8 đẹp vượt trội hay độc đáo hơn so với dòng Galaxy S8, Note8 hay iPhone X.

Bù cho sự thiếu cá tính đó là một mức giá hấp dẫn. Khi trừ các khuyến mãi thì bạn chỉ cần bỏ ra khoảng trên 10 triệu đồng để sở hữu Nokia 8, là một mức giá tốt cho các trải nghiệm mà máy mang lại. Những người thực dụng với nhu cầu cao về trải nghiệm/giá tiền, hoặc yêu thích thương hiệu Nokia có thể yên tâm với lựa chọn này.

Tuấn Anh

Chủ đề khác