VnReview
Hà Nội

Đánh giá Samsung Galaxy A8+ (2018): tiến gần hơn đến phân khúc cao cấp

Dòng Galaxy A được Samsung giới thiệu lần đầu vào năm 2015, là dòng sản phẩm cận cao cấp với nhiều nét thiết kế và tính năng thừa hưởng từ dòng S/Note của năm trước. Qua 3 thế hệ, Galaxy A bây giờ ngày càng mang nhiều nét giống một dòng máy cao cấp.

Dòng Galaxy A đầu tiên chỉ thu hút nhờ thiết kế, nhưng với mỗi phiên bản mới Samsung lại tích hợp thêm những tính năng: cảm biến vân tay, chống nước, sạc nhanh và Always-on Display. Galaxy A8 và A8+ (2018) cũng không phải ngoại lệ, khi được bổ sung tính năng selfie xóa phông với camera kép, mở khóa khuôn mặt và kiểu dáng gần giống của dòng S8. Tuy nhiên không chỉ có vậy, đây còn là chiếc Galaxy A đầu tiên được Samsung trang bị một cấu hình dạng khá với lõi hiệu năng cao.

Thay vì bán hai dòng A5 và A7 như năm ngoái, Samsung chỉ giới thiệu A8 và A8+, với mức giá cho A8 là 10,99 triệu, tương đương A7 2017. Galaxy A8+ có giá 13,49 triệu, chỉ thấp hơn một chút so với các máy cao cấp của hãng khác. Vẫn biết xu hướng của các hãng hiện nay là tăng giá và nâng tầm sản phẩm, nhưng liệu Galaxy A8+ đã thực sự vượt ra khỏi hình ảnh "máy tầm trung, giá cao cấp" của dòng A các năm trước?

Thiết kế

Nói một cách đơn giản thì Galaxy A8+ mang thiết kế "giống" S8+ của năm ngoái, nhưng nhìn kỹ hơn thì hai máy vẫn có sự khác biệt, thể hiện rõ sự chênh lệch về phân khúc sản phẩm. Cụ thể, A8+ mang kiểu dáng dài, màn hình tỉ lệ 18,5:9 với hai viền trên/dưới khá mỏng so với thân máy. Kiểu dáng thanh thoát này giúp hạn chế chiều ngang, kết hợp cùng mặt lưng vát đem lại cảm giác dễ cầm so với kích thước màn hình 6 inch.

Tuy giống kiểu dáng nhưng Galaxy A8+ nhưng nhìn kỹ thì viền màn hình hai bên vẫn khá dày, không bằng Note8

Tuy kiểu dáng giống nhưng màn hình của A8+ chưa đạt mức "vô cực" giống như dòng S hay Note, vì hai viền dọc màn hình dày hơn và có thể thấy rõ khi cầm máy. Phần viền giữa màn hình và khung máy cũng có độ chênh nhỏ, độ hoàn thiện chưa so được với dòng cao cấp của Samsung.

Cảm biến vân tay trên A8+ dễ bấm hơn nhiều so với Note8

Cụm camera mặt sau nhìn cân đối hơn so với A7 2017

Không còn nút Home cứng, cảm biến vân tay đã được rời ra sau lưng, nhưng vị trí đặt thì hợp lý, dễ bấm hơn nhiều so với S8+ hay Note8. Cụm camera sau cũng cân đối hơn, không còn "lọt thỏm" như bản A7 2017. Loa ngoài được đặt ở cạnh phải gần nút nguồn, giống với thế hệ trước trong khi không gian ở cạnh dưới vẫn còn.

Loa ngoài đặt ở cạnh phải, gần nút nguồn giống bản A7 2017

Về mặt thiết kế, A8+ mang kiểu dáng hiện đại và giống với dòng cao cấp năm ngoái của Samsung, tất nhiên vẫn kém một chút về chi tiết và độ hoàn thiện. Nét mới của thiết kế là một thay đổi đáng quan tâm, nhất là sau hai thế hệ A gần nhất không có nhiều sự khác biệt.

Màn hình

Một điểm có thể nhận ra ngay khi sử dụng màn hình dài là nó hiển thị được nhiều nội dung hơn trong trình duyệt web hoặc mạng xã hội. Các nút điều hướng đều đã được tích hợp vào màn hình, nhưng Samsung cho phép ẩn nút trong phần lớn các ứng dụng. Tỉ lệ này chỉ hơi bất tiện khi xem phim, clip trên YouTube, vì lúc đó sẽ có hai dải đen ở viền phim hoặc phải phóng to ra cho vừa màn hình.

Sử dụng công nghệ Super AMOLED, màn hình của Galaxy A8+ hiển thị màu đen rất sâu, khả năng tăng độ sáng lên mức cao để nhìn rõ khi sử dụng ngoài trời. Màu sắc hiển thị ở chế độ mặc định vẫn theo hướng rực, nhưng có thể cải thiện để hiển thị chính xác hơn nếu chọn chế độ màu cơ bản. Góc nhìn màn hình rộng, nhưng giống như các máy dùng công nghệ OLED khác, nếu bật hình ảnh nền trắng thì khi nhìn nghiêng màn hình có thể ánh xanh hoặc hồng.

Always-on Display là tính năng đã được trang bị từ thế hệ trước. Tính năng giúp người dùng nắm bắt được thông báo cũng như các thông tin cơ bản mà không cần phải mở màn hình, có thể tăng thời gian sử dụng pin. Bạn có thể chỉnh mặt đồng hồ, màu sắc, thông tin hiển thị… trên màn hình này. Các thông báo từ các ứng dụng cũng có thể mở ra ngay bằng cách nhấp đúp 2 lần vào biểu tượng thông báo.

Camera

Camera kép ở mặt trước là điểm nhấn của Galaxy A8+ 2018

Galaxy A8+ 2018 là máy đầu tiên của dòng A được trang bị camera kép, nhưng là camera mặt trước. Bộ đôi camera này đem lại khả năng chụp xóa phông cho những bức hình "tự sướng", tính năng giống như trên iPhone X với hệ thống camera TrueDepth.

Máy nhận khuôn mặt rất nhanh khi cầm ở khoảng cách 40 – 50cm, tuy nhiên trong một số trường hợp ánh sáng yếu thì mất một lúc, hoặc có khi không nhận được khuôn mặt để tạo hiệu ứng. Giống như chế độ chụp chân dung trên Galaxy Note8, khi máy nhận được khuôn mặt thì sẽ có thông báo ở dưới để người dùng biết.

Ảnh chụp xóa phông từ camera trước của A8+

Máy có thể xóa phông cả khi nhận diện được nhiều khuôn mặt trong hình

Khả năng xử lý của máy ảnh khá tốt, ít bị xóa nhầm vào phần tóc hoặc rìa khuôn mặt. Khác với iPhone, ảnh chụp xóa phông từ Galaxy A8+ không đẩy độ nét ở khuôn mặt lên quá cao, và vùng chuyển giữa mặt và phông cũng không bị gắt nên nhìn tự nhiên hơn. Ngoài ra bạn cũng có thể điều chỉnh độ mờ nền trong và sau khi chụp, chỉnh làm đẹp khi chụp để có một bức ảnh ưng ý nhất.

A8+ cũng hỗ trợ nhiều sticker, hiệu ứng vui vẻ hay thiết lập làm đẹp khi chụp tự sướng

Hai camera mặt trước của Galaxy A8+ cũng có tiêu cự khác nhau, do vậy lúc cần bạn cũng có thể chuyển sang camera góc rộng hơn để chụp được nhiều người hơn. Tuy nhiên chế độ chân dung thì chỉ dùng được với camera góc hẹp hơn. Bên cạnh hiệu ứng xóa phông, Galaxy A8+ cũng có hiệu ứng sticker, làm đẹp… khi chụp bằng camera trước.

Ảnh chụp từ Galaxy A8+ trong điều kiện trời nắng có độ chi tiết tốt, màu hơi rực

Camera trước được nâng cấp nhiều so với thế hệ trước, vậy camera sau của A8+ thì sao? Chất lượng camera chính trên A8+ ở mức khá, chưa thể so được với dòng Galaxy cao cấp. Máy thể hiện tốt khi chụp sáng: tốc độ lấy nét nhanh, ảnh chi tiết, màu hơi rực.

Ảnh chụp với điều kiện ánh sáng kém hơn, khi nhìn ở kích thước lớn thì độ nhiễu vẫn cao

Tuy nhiên trong điều kiện ánh sáng kém hơn, ảnh chụp từ A8+ cũng bị giảm độ chi tiết khá nhiều, tốc độ chụp chậm nên dễ bị nhòe, và khả năng khử nhiễu cũng không so được với ảnh từ S8 hay Note8.

Hiệu năng và phần mềm

Galaxy A8+ có CPU tốt hơn, hiệu năng sử dụng ổn nhưng với game thì vẫn hơi đuối

Những thế hệ Galaxy A trước đều được trang bị cấu hình tầm trung, cụ thể là vi xử lý 4 hoặc 8 lõi nhưng đều là lõi tiết kiệm điện Cortex A53. Galaxy A8+ 2018 thì khác. Vi xử lý trong SoC Exynos 7885 có 2 lõi hiệu năng cao Cortex A73 (xung nhịp 2.18GHz) và 6 lõi tiết kiệm Cortex A53 (xung nhịp 1.59GHz), một sự kết hợp theo mô hình big.Little được ứng dụng trên nhiều máy cao cấp, tất nhiên là với số nhân hiệu năng cao ít hơn.

Vi xử lý đồ họa trên SoC là Mali G71MP2 với tốc độ tối đa 1.3GHz. Dung lượng RAM cho bản A8 và A8+ lần lượt là 4GB/6GB, còn dung lượng bộ nhớ trong là 32GB/64GB. Nhìn từ thông số, cấu hình của A8+ hứa hẹn đem lại hiệu năng ấn tượng hơn. Có lẽ đây cũng là lý do hai chiếc máy dòng A này hỗ trợ thiết bị thực tế ảo Gear VR, vốn cần nhiều sức mạnh xử lý.

Trong thực tế sử dụng, quả thực chiếc A8+ đem lại tốc độ đúng như kỳ vọng của chúng tôi: máy xử lý nhanh, mượt khi mở ứng dụng, tốc độ chờ để tải game hay các ứng dụng xử lý ảnh cũng nhanh hơn rõ rệt nếu so với chiếc Galaxy A7 2017 mà chúng tôi đang có.

Tuy nhiên Galaxy A8+ lại không thể hiện tốt khi chơi game. Ở các game nặng mà chúng tôi thường dùng để đánh giá: Dead Trigger 2, Warhammer: 40K, máy chỉ đạt số khung hình ở mức trung bình, tương đương các máy tầm trung và không so được với Nokia 8 hoặc Xiaomi Mi Mix 2. Đây cũng là điều dễ hiểu, vì nhân đồ họa của Galaxy A8+ cũng chỉ là một sản phẩm trung bình (Mali G71 2 nhân, Galaxy S8 cũng sử dụng chip đồ họa này nhưng có tới 20 nhân).

Điều này tiếp tục được phản ánh qua các ứng dụng đánh giá hiệu năng. Ở GeekBench, ứng dụng chuyên đánh giá hiệu năng xử lý của CPU thì kết quả của Galaxy A8+ không thua kém nhiều các máy cao cấp, nhưng với AnTuTu (đánh giá hiệu năng tổng thể, trong đó có đồ họa) và GFXBench (đánh giá hiệu năng đồ họa) thì A8+ bị bỏ lại khá xa.

Do sử dụng phần mềm Samsung Experience 8.5 trên nền Android 7.1.1, Galaxy A8+ cũng mang giao diện thoáng, đơn giản giống như trên chiếc Galaxy Note 8. Các tính năng Dual Messenger (cho phép dùng hai tài khoản Facebook, Skype… cùng lúc) và Thư mục bảo mật (tạo một không gian an toàn cho tập tin và ứng dụng, chỉ truy cập được bằng mật khẩu hoặc vân tay) cũng đem lại nhiều lựa chọn cho người dùng.

Một tính năng khác được thừa hưởng từ dòng S8/Note8 là mở khóa bằng khuôn mặt. Quá trình thiết lập rất nhanh, chỉ mất khoảng 2 phút để bạn đăng ký khuôn mặt và bật tính năng mở khóa. Máy mở khóa rất nhanh, tương đương với Note8, và kể cả trong những trường hợp không nhận được thì bạn cũng có thể mở bằng vân tay, vì vị trí rất tiện.

A8+ đã được tích hợp dịch vụ thanh toán Samsung Pay, hỗ trợ thanh toán ở hầu hết mọi địa điểm chấp nhận quẹt thẻ, do đó bạn có thể yên tâm nếu có lỡ quên ví ở nhà. Ở Galaxy A8+ thì bên cạnh mã PIN, bạn có thể xác thực thanh toán bằng vân tay, còn khuôn mặt thì không đủ độ bảo mật cho thanh toán.

Pin

Pin của Galaxy A8+ 2018 đủ đáp ứng một ngày sử dụng

Thời gian sử dụng pin vốn là một thế mạnh của dòng Galaxy A, nhờ sự kết hợp của vi xử lý tầm trung, màn hình AMOLED và dung lượng pin lớn. Trên Galaxy A8+, dung lượng pin là 3500 mAh, chỉ giảm một chút so với pin 3600 mAh của A7 2017.

Thông tin từ phần mềm AccuBattery cho thấy máy có thể dùng được cả ngày, thời gian sáng màn hình khoảng 5 - 6 giờ

Trong thực tế sử dụng, pin của Galaxy A8+ 2018 đủ dùng một ngày, nhưng kém hơn một chút so với chiếc A7 năm ngoái. Tôi thường xuyên rút sạc vào sáng, dùng máy đến đêm mới phải cắm sạc, tổng thời gian sử dụng khoảng 16 giờ trong đó thời gian sáng màn hình từ 5-6 giờ. Các tác vụ tôi thường xuyên sử dụng là lướt web, Facebook, chơi một số game, nghe nhạc… trên cả mạng WiFi và 4G.

Theo ứng dụng theo dõi pin AccuBattery, trong khoảng thời gian tắt màn hình thì máy ở trạng thái "ngủ sâu" (deep sleep) khoảng 80% thời gian. Đây là mức khá, tuy nhiên với Galaxy A7 2017 thì tôi thường đạt thời gian sử dụng lâu hơn chút, khoảng 7 giờ sáng màn hình. Dù vậy nếu so sánh sự chênh lệch hiệu năng giữa hai máy thì pin của A8+ 2018 kém hơn một chút vẫn là chấp nhận được.

Đánh giá thời gian xem phim offline, với độ sáng màn hình 70%, âm thanh qua tai nghe 70% từ lúc đầy pin tới khi còn 10%

Đánh giá thời gian chơi game bằng phần mềm GFXBench, từ lúc đầy pin tới khi còn 10%

Trong các bài đánh giá pin tiêu chuẩn của VnReview, thời gian Galaxy A8+ đạt được cũng ở mức tốt nhưng kém hơn A7 2017 một chút, và thường vượt trội so với Nokia 8 hoặc HTC U11.

Kết luận

Dòng Galaxy A từ khi ra đời thường được biết đến về mặt thiết kế và pin, cũng như những tính năng của dòng cao cấp. Với Galaxy A8+ 2018, Samsung còn nâng cấp thêm cả về hiệu năng và máy ảnh, giúp cho chiếc điện thoại này có nhiều sức hấp dẫn hơn so với đời trước.

Galaxy A Samsung được định vị là dòng máy cận cao cấp, với giá bán gần tương đương các máy cao cấp năm trước. Năm nay, khi Galaxy A8+ có giá bán 13,49 triệu, người dùng còn thể phân vân với các máy cao cấp của các hãng như Nokia 8, Xiaomi Mi Mix 2 hay HTC U11. Tất nhiên về mặt hiệu năng thì chiếc điện thoại của Samsung không thể so sánh với ba máy nói trên, đặc biệt là khi chơi game, nhưng sự chênh lệch khi sử dụng thực tế không còn quá lớn như thời Galaxy A 2017.

Trong bộ đôi mà Samsung ra mắt, Galaxy A8 với giá 10,99 triệu có vẻ hợp lý hơn với những gì mà máy mang lại: thiết kế ổn, nhiều tính năng hay, camera selfie thú vị và hiệu năng không thua kém nhiều so với A8+. Còn nếu bạn muốn một chiếc máy có hiệu năng cao, đáp ứng được những game nặng nhất thì với tầm giá này đã có thể mua được một chiếc smartphone Android với cấu hình đỉnh.

Tuấn Anh

Chủ đề khác