VnReview
Hà Nội

Đánh giá camera Galaxy A8+: nhấn mạnh selfie nhưng chụp thường cũng rất ổn

Samsung Galaxy A8+ được nâng cấp khá nhiều về camera so với thế hệ trước, đem lại khả năng chụp tốt hơn cả với camera trước và sau.

Đây là smartphone đầu tiên của dòng Galaxy A được trang bị camera kép, nhưng đó lại là camera mặt trước gồm một camera 16MP và một camera 8MP đều có khẩu độ f/1.9. Mặc dù rất nhiều smartphone hiện nay đã trang bị camera kép, Galaxy A8+ chọn một hướng đi khá độc đáo với camera kép ở phía trước. Camera phụ (8MP) có góc chụp rộng hơn, và máy cũng có thể kết hợp hai camera để chụp ảnh selfie xóa phông mà Samsung gọi là Lấy nét động.

Camera sau của A8+ có độ phân giải 16MP, ống kính khẩu f/1.7 với tính năng lấy nét pha. Ngoài chụp ảnh, nó còn được tích hợp Bixby Vision để tìm kiếm nhanh hình ảnh, trích xuất và dịch văn bản, quét mã QR…

Để máy nhận khuôn mặt và xóa phông, khi selfie bạn cần cầm máy ở khoảng cách 40 – 50cm. Tốc độ nhận khuôn mặt rất nhanh nếu chụp ban ngày, nhưng khi chụp buổi tối, ánh sáng yếu thì đôi lúc phải thử vài lần mới nhận được. Giống như chế độ chụp chân dung trên Galaxy Note8, khi máy nhận được khuôn mặt thì sẽ có thông báo ở dưới để người dùng biết.

Camera selfie xóa phông hiệu quả, nhiều chế độ thú vị

Những bức ảnh xóa phông từ Galaxy A8+ nhìn khá tự nhiên, thậm chí một số ảnh còn nhỉnh hơn chiếc iPhone X. Đặc điểm chung của các máy Samsung là ảnh selfie không có độ nét quá cao, vùng chuyển giữa phần nét và mờ không gắt nên không quá chênh lệch so với phần xóa mờ phía sau.

Khả năng xử lý của A8+ cũng rất ổn, máy ít khi bị xóa nhầm vào các phần phức tạp như tóc hay rìa khuôn mặt. Khi chụp xong mà không ưng ý, người dùng vẫn có thể chọn lại phần nét và mức độ xóa mờ. Nhìn chung khi chụp ở điều kiện đủ sáng, có thể tin tưởng chế độ selfie lấy nét động trên A8+ sẽ đem lại những bức hình tự sướng "ảo diệu".

Ảnh selfie xóa phông của Galaxy A8+

Ngoài tính năng xóa phông, tôi nhận thấy ảnh chụp selfie thông thường trên A8+ cũng giống những thế hệ trước: mặt luôn được ưu tiên đẩy sáng cao, độ chi tiết bình thường chứ không quá ấn tượng. Trong những trường hợp chụp thiếu sáng, bạn sẽ phải giữ máy rất chắc tay nếu không muốn ảnh bị rung, nhòe. Để khắc phục hiện tượng này, bạn có thể bật đèn trợ sáng bằng màn hình. Camera selfie của Galaxy A8+ có cả tính năng HDR, khá hữu dụng trong các trường hợp selfie với phần nền quá sáng.

Ảnh selfie tắt (HDR) bên trái và bật HDR (bên phải)

Máy cũng có những tùy chọn làm đẹp khuôn mặt khi chụp tự sướng: chỉnh màu da, mặt thon, mắt to. Tuy nhiên khi đưa máy cho các bạn nữ chụp, tôi thấy chế độ được quan tâm hơn lại là chụp với sticker, các hình thù ngộ nghĩnh vừa giúp làm đẹp vừa đem lại những bức ảnh vui vẻ.

Một số ảnh selfie với hiệu ứng sticker của Galaxy A8+

Sticker cũng có thể sử dụng với cả camera chính phía sau

Camera selfie thứ hai trên A8+ chỉ có góc rộng hơn một chút, nhưng khi cần chụp nhiều người thì đây cũng là một lựa chọn. Camera phụ này có điểm trừ là cho ảnh hơi ám hồng/tím, độ phân giải cũng thấp hơn khiến ảnh kém nét hơn và cũng không sử dụng được hiệu ứng xóa phông.

Ảnh chụp từ camera selfie phụ góc rộng của Galaxy A8+

Ảnh chụp cùng một góc nhưng với camera selfie chính góc cận hơn có bật xóa phông

Camera chính cải thiện đáng kể so với thế hệ trước

Trở lại với camera ở mặt sau, về mặt thông số thì Galaxy A8+ có một chút nâng cấp so với A7 2017: khẩu độ ống kính lớn hơn (f/1.7), lấy nét pha cho tốc độ nhanh hơn. Xét về độ nét, ảnh chụp ở điều kiện đủ sáng cho độ nét tốt, khi phóng to thì vẫn "soi" được khá nhiều chi tiết. Với ống kính độ mở lớn thì những ảnh chụp cận cảnh cũng ấn tượng, chủ thể tách biệt. Tất nhiên nếu so với những máy cao cấp hơn thì ảnh của A8+ không sắc nét bằng, nhưng sự khác biệt sẽ chỉ thể hiện khi xem ở kích thước lớn.

Khi xem ở kích thước lớn, ảnh chụp của A8+ vẫn thể hiện chi tiết khá ổn

Một điểm cộng khác đối với tôi là dải sáng động của A8+ rộng nên khi chụp những bức ảnh có độ chênh sáng mạnh giữa các vùng thì chi tiết vẫn giữ được nhiều. Trên chiếc điện thoại này, Samsung đã "giấu" tùy chọn chụp HDR khá sâu, bật mặc định ở mức tự động. Hiệu quả khi bật HDR cũng không khác nhiều so với chụp tự động.

Khi chụp ngược sáng, bạn cũng cần chú ý đến vị trí của mặt trời hoặc nguồn sáng vì A8+ có hiện tượng flare (lóe sáng) khá rõ. Tuy nhiên nếu xét tổng thể về khả năng thu sáng thì chiếc điện thoại này vẫn thể hiện ở mức tốt.

Về màu sắc, A8+ có chút cải thiện so với A7 khi cho màu sắc tươi hơn với tông màu vàng hoặc xanh dương. Tuy nhiên máy vẫn cho màu hơi nhạt với tông màu xanh lá, do vậy những ảnh chụp cây cỏ, rừng… thiếu nắng nhìn không ấn tượng.

Khẩu độ lớn giúp khả năng chụp tối cải thiện đôi chút so với A7, ảnh ít bị rung hơn nhưng vẫn chưa thực sự "dễ chụp", đưa lên là bấm mà vẫn phải cầm chắc tay do thiếu chống rung quang học. Tuy nhiên khi chụp tối, máy thường đẩy ISO lên khá cao nên thường không giữ được chi tiết. Để có ảnh ưng mắt và chất lượng tốt hơn, giữ được nhiều chi tiết hơn, bạn có thể chuyển sang chế độ chụp Chuyên nghiệp và giảm độ sáng đi một chút.

Màu sắc khi chụp tối cũng là một vấn đề với A8+. Do máy thiên về tông màu vàng, hầu hết ảnh chụp buổi tối với ánh đèn vàng đều hơi dư về tông màu này. Da người khi chụp ở dưới ánh đèn cũng bị ảnh hưởng. Bạn vẫn có thể giảm bớt hiện tượng này khi chỉnh cân bằng trắng ở chế độ chuyên nghiệp, nhưng như vậy thì hơi mất công với đa số người dùng.

Tổng kết

Samsung đã dành sự ưu ái cho camera trước trên A8+, đem lại chế độ chụp selfie chân dung hấp dẫn với những bức ảnh "ảo diệu". Đây là điểm hút khách chính của chiếc điện thoại này, khi nhu cầu chụp tự sướng mọi lúc, mọi nơi là có thật. Bên cạnh đó, camera sau cũng cho khả năng chụp ổn với những điều kiện thuận lợi. Nếu quan tâm nhiều đến camera cả trước và sau, Galaxy A8+ sẽ là một trong những lựa chọn đáng cân nhắc ở phân khúc cận cao.

Tuấn Đạt

Chủ đề khác