VnReview
Hà Nội

Đánh giá hiệu năng, đo độ mượt game nặng của Snapdragon 660 trên Nokia 7 Plus

Mang trong mình con chip "tầm trung mạnh nhất", liệu hiệu năng của chiếc Nokia 7 Plus đã có thể sánh với các smartphone cao cấp đời cũ hay không?

Trong năm vừa qua, dòng chip tầm trung Qualcomm Snapdragon 625 của Qualcomm đã xuất hiện trên rất nhiều smartphone, tạo được ấn tượng nhờ khả năng tiết kiệm pin của nó. Thành công của Snapdragon 625 có phần làm lu mờ dòng chip tầm trung hiệu năng cao hơn Snapdragon 650 (652, 653). Ở Việt Nam không nhiều smartphone dùng Snapdragon 653 (có thể kể đến Samsung Galaxy C9 ProOppo F3 Plus) do mức giá của chúng khá cao, lên đến trên 10 triệu và tiệm cận mức giá của các smartphone cao cấp. Những chiếc điện thoại này cũng nóng và hao pin hơn do chip sản xuất ở tiến trình cũ (28nm).

Những điểm yếu trên đều có thể được khắc phục với chip tầm trung cao cấp nhất của Qualcomm hiện tại, Snapdragon 660. Tuy đã được giới thiệu từ năm 2017, đến lúc này chiếc smartphone đầu tiên sử dụng Snapdragon 660 là Nokia 7 Plus mới chính thức được giới thiệu tại Việt Nam. Liệu con chip "tầm trung mạnh nhất" này có mang lại hiệu năng như thế nào?

Chi tiết thông số của Qualcomm Snapdragon 660 với Snapdragon 653 và Helio P60

Đôi nét về Snapdragon 660

Snapdragon 660 được giới thiệu vào tháng 5/2017 cùng với Snapdragon 630, và hai con chip này cũng được chia phân khúc rất rõ ràng: Snapdragon 630 sẽ thay thế 625 cho các máy tầm trung, còn Snapdragon 660 được dùng trên các máy phân khúc cận cao cấp. Nhìn vào thông số thì Snapdragon 660 có nhiều điểm khá ấn tượng.

Vi xử lý của Snapdragon 660 bao gồm 4 lõi hiệu năng cao (Kyro 260 Performance dựa trên Cortex A73, tốc độ 2.2GHz) và 4 lõi tiết kiệm điện (Kyro 260 Efficient dựa trên Cortex A53, tốc độ 1.8GHz). Kiến trúc big.LITTLE và các nhân xử lý của Snapdragon 660 tương tự Snapdragon 835, nhưng với mức xung nhịp thấp hơn.

Sự chênh lệch đáng kể nằm ở bộ xử lý đồ họa: Snapdragon 660 dùng GPU Adreno 512, còn 835 là Adreno 540. Sự chênh lệch về mặt hiệu năng giữa hai con chip là khá lớn, nhưng chỉ thể hiện rõ ở các game với đồ họa nặng, và bạn cũng sẽ cần một ứng dụng đo mức khung hình (FPS) mới có thể nhận ra được.

Ngoài ra, Snapdragon 660 cũng có một số nâng cấp đáng chú ý ở các thông số khác. Giới hạn tốc độ tải về trên mạng LTE là 600mbps, gấp đôi Snapdragon 653 và 625. Con chip này hỗ trợ RAM tốc độ nhanh hơn, vi xử lý hình ảnh mạnh và có nhiều tính năng hơn, và cũng hỗ trợ xử lý các tác vụ máy học, AI mạnh mẽ hơn. Snapdragon 660 đã hỗ trợ chuẩn sạc nhanh Qualcomm QuickCharge 4.0, nhưng việc tích hợp chuẩn sạc nào còn tùy thuộc vào nhà sản xuất. Chiếc Nokia 7 Plus hỗ trợ chuẩn QuickCharge 3.0.

Khi so với Snapdragon 653, Snapdragon 660 hứa hẹn thời gian sử dụng pin dài hơn và máy chạy mát hơn nhờ được sản xuất ở tiến trình 14nm. Như vậy Snapdragon 660 có thể là một con chip tầm trung sáng giá, cân bằng được nhiều yếu tố: hiệu năng, pin và cả giá thành.

Thử nghiệm trên các phần mềm đánh giá hiệu năng

Để đánh giá hiệu năng bằng phần mềm, chúng tôi sử dụng 3 phần mềm quen thuộc là AnTuTu v7 (đánh giá hiệu năng tổng thể), GeekBench 4.0 (hiệu năng tính toán của CPU) và GFXBench (hiệu năng xử lý đồ họa của GPU).

Các máy được đem ra so sánh trực tiếp với chiếc Nokia 7 Plus là Oppo F7 (dùng chip Helio P60), Samsung Galaxy A8+ (Exynos 7885), Oppo F3 Plus (Snapdragon 653), Nokia 8 (Snapdragon 835) và Xiaomi Mi Mix 2 (Snapdragon 835). Trong số này thì Oppo F7 và Samsung Galaxy A8+ đều dùng chip tầm trung hiệu năng cao, Nokia 8 và Mi Mix 2 là máy cao cấp của năm ngoái và mức giá hiện tại gần với Nokia 7 Plus.

Ở bài đo khả năng xử lý của CPU trên ứng dụng đo hiệu năng Geekbench 4, Nokia 7 Plus cho điểm số cao hơn các máy khác dùng chip tầm trung, thua Oppo F7 một chút ở điểm CPU đa nhân. Kể cả khi so với chip cao cấp Snapdragon 835, Snapdragon 660 cũng chỉ thua kém dưới 20% ở cả hiệu năng đơn nhân và đa nhân.

Trong bài đánh giá hiệu năng đồ họa, Nokia 7 Plus vẫn tiếp tục dẫn đầu trong các máy tầm trung, nhưng đã bị hai máy cao cấp bỏ xa. Mức khung hình ở bài test Manhattan 3.0 Offscreen trên Nokia 7 Plus chỉ đạt gần một nửa kết quả của Mi Mix 2 và Nokia 8. Điểm số từ bài đánh giá này phần nào cho thấy sự chênh lệch giữa các dòng máy ở khả năng xử lý đồ họa.

Riêng với phần mềm AnTuTu, chúng tôi chỉ đưa kết quả của hai máy Nokia 7 Plus và Oppo F7 và tham khảo thêm chiếc Xiaomi Redmi 5 Plus dùng chip Snapdragon 625, do phần mềm này vừa có bản cập nhật v7 (tháng 2/2018). Điểm số trên bản AnTuTu v7 cao hơn khá nhiều so với bản trước (một số trường hợp tới 20%), ngoài ra mỗi lần chạy điểm số đạt được cũng dao động khá nhiều. Do vậy, điểm số trên AnTuTu bây giờ không đáng tin cậy như trước đây và giá trị tham khảo cũng kém đi.

Đo độ mượt khi chơi game

Có điểm benchmark rất ấn tượng, vậy trong thực tế sử dụng, đặc biệt là khi chơi game nặng, hiệu năng của Snapdragon 660 trên Nokia 7 Plus ra sao? VnReview tiếp tục sử dụng các tựa game thuộc hàng nặng nhất hiện nay trên Android là Dead Trigger 2, Warhammer 40,000: Freeblade, Modern Combat 5 để thử sức chiếc điện thoại của Nokia. Đây đều là các tựa game không khóa khung hình ở 30 FPS nên có thể khai thác hết hiệu suất của các smartphone hiện nay. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng thử thêm tựa game online rất phổ biến hiện tại là PUGB Mobile.

Với Dead Trigger 2, khi thiết lập ở mức đồ họa cao nhất (High), màn chơi Arena Of Death, Nokia 7 Plus cho số khung hình trung bình là 56 FPS, độ ổn định khung hình đạt tới 94%. Sau khi chơi game ngoài 10 phút, máy đã nóng lên khá nhiều nhưng game vẫn rất mượt, phản hồi nhanh nhẹn ở cả những cảnh cháy nổ hay đông zombie.

Với Warhammer 40,000: Freeblade, khi thiết lập ở mức đồ họa cao nhất (Highest Quality), độ phân giải đầy đủ (Full Resolution), Nokia 7 Plus đạt trung bình 50 FPS, độ ổn định 93%. Mức khung hình này đủ mượt mà và mức chi tiết hình ảnh cũng cao, đem lại trải nghiệm chơi game tốt. Trong khi đó chiếc Oppo F7 chỉ đạt 38 FPS ở mức đồ họa cao nhất, và phải giảm độ phân giải, độ chi tiết mới có thể đạt mức ổn định 59 FPS.

Với những game nặng, sức mạnh từ GPU Adreno 512 trên Nokia 7 Plus đủ đáp ứng mức khung hình gần tối đa, độ ổn định cao.

Với Modern Combat 5, thiết lập ở mức đồ họa cao nhất (Render Scale 100%, Better Quality), Nokia 7 Plus đạt hiệu năng mượt mà ở mức 58 FPS, độ ổn định lên tới 87%. Trong những game bắn súng như Modern Combat 5, độ mượt và ổn định là yếu tố rất quan trọng để ngắm và bắn chuẩn xác.

Trong tựa game sinh tồn PUBG Mobile, với mức đồ họa được thiết lập là HD, Frame Rate High thì Nokia 7 Plus dễ dàng đạt mức khung hình 30 FPS (mức giới hạn của game), độ ổn định 91% đem lại cảm giác chơi game và "săn gà" mượt mà, đã tay. Với khả năng đáp ứng tốt của Nokia 7 Plus, hi vọng trong những bản cập nhật tiếp theo, nhà phát hành sẽ mở giới hạn mức khung hình trong game để đồ họa còn mượt hơn nữa.

Như vậy khi so trực tiếp với Oppo F7 Plus, với các game và thiết lập đồ họa tương đương, Nokia 7 Plus vẫn vượt trội về độ ổn định khung hình. Khi chơi game trong thời gian dài, máy nóng lên một chút, mặt sau có thể tới tầm 42 độ, có thể cảm thấy hơi nóng nhưng chưa đến mức khó chịu.

Tổng kết

Với những gì thể hiện, có thể thấy Nokia 7 Plus với con chip Qualcomm Snapdragon 660 hoàn toàn đủ khả năng để đáp ứng các game di động. Kể cả với những game có đồ họa nặng, phức tạp như Warhammer 40.000 thì máy vẫn đem lại mức khung hình gần như tối đa, độ ổn định cao. Như vậy mặc dù so thuần về hiệu năng đồ họa Nokia 7 Plus chưa sánh được với các máy cao cấp, nhưng với màn hình độ phân giải Full HD+, giới hạn khung hình 60FPS thì máy vẫn đem lại trải nghệm chơi game không thua kém nhiều.

Trong sử dụng thông thường, máy cũng đáp ứng tốt các tác vụ nặng như xử lý ảnh, chỉnh sửa video đơn giản… Nhìn chung khi lựa chọn Qualcomm Snapdragon 660, người dùng có thể trông chờ hiệu năng gần bằng với các máy cao cấp. Yếu tố quan trọng khác là khả năng tiết kiệm pin sẽ được chúng tôi gửi tới bạn đọc trong bài viết tiếp theo.

Tuấn Anh

Chủ đề khác