VnReview
Hà Nội

Đánh giá camera Asus Zenfone 5: chụp cảnh ấn tượng, chụp người vừa vừa

Sở hữu mô hình camera kép góc rộng, Zenfone 5 thực sự phù hợp để ghi lại hình ảnh phong cảnh, đường phố, nhưng khi cần chụp chân dung thì cũng thể hiện khá tốt.

Kể từ thế hệ Zenfone 4, Asus đã tích hợp camera kép nhưng theo một hướng đi ít hãng làm. Thay vì dùng camera phụ với tiêu cự dài để chụp chân dung xóa phông, hãng này lại chọn camera góc rộng, phù hợp với chụp cảnh hơn. Ngoài Asus, chỉ có LG áp dụng mô hình camera kép này.

Zenfone 5 được trang bị hệ thống camera kép với camera thường và camera góc rộng

Trên chiếc Zenfone 5, Asus đã sử dụng cảm biến Sony Exmor IMX363 độ phân giải 12MP, lấy nét pha kép Dual Pixel với kích thước điểm ảnh 1.40 μm, ống kính tiêu cự tương đương 24mm và khẩu độ f/1.8. Camera phụ được trang bị ống kính tiêu cự 12mm, tương đương góc chụp rộng 120 độ, khẩu độ f/2.2 và độ phân giải 8MP.

Camera trước của chiếc điện thoại này có độ phân giải 8MP, tiêu cự 24mm và khẩu độ f/2.0. Asus cũng trang bị một số tính năng cho camera trước như làm đẹp tự động, selfie góc rộng (ghép nhiều ảnh) hay các bộ lọc màu.

Ứng dụng camera trên Zenfone 5 vẫn dùng giao diện quen thuộc, kết hợp giữa cử chỉ vuốt để chọn chế độ/chọn bộ lọc và bấm để điều chỉnh tùy chọn, chuyển camera thường/góc rộng. Giao diện này khá nhiều nút nhưng biểu tượng rõ ràng, dễ nắm bắt và cũng tiện điều chỉnh đối với những người có kinh nghiệm.

Giao diện chụp ảnh ở chế độ chuyên nghiệp trên Asus Zenfone 5

Do chiếc Zenfone 5 chúng tôi sử dụng là bản thử nghiệm, phần mềm chưa hoàn thiện như bản bán lẻ, nên máy còn một số lỗi về hiệu năng khi chụp ảnh: mở ứng dụng lâu lên, bấm chụp không được. Những nhận xét về tốc độ, trải nghiệm chụp và chất lượng ảnh dưới đây đều xét tới khi máy hoạt động bình thường. Bạn đọc có thể bấm vào hình để em ở kích cỡ lớn hơn.

Nhờ có tính năng lấy nét pha kép, tốc độ lấy nét trên Zenfone 5 nhìn chung khá nhanh, hoạt động tốt kể cả khi chụp ở môi trường thiếu sáng. Tốc độ chụp, xử lý ảnh đơn lẻ của máy nhanh, nhưng khi chuyển giữa hai camera hoặc chụp chế độ HDR liên tục thì hơi chậm hơn một chút.

Camera chính của máy cho ảnh có độ chi tiết tốt, màu sắc trung thực. Ở điều kiện ánh sáng tốt, ảnh chụp từ máy có độ nét cao, nếu chụp thường thì xử lý nhiễu ổn nhưng khi chụp HDR thì đôi lúc ảnh bị nhiễu rõ. Dải sáng của máy hơi hạn chế nên chế độ HDR sẽ giúp "cứu" được nhiều bức ảnh chụp ở điều kiện ngược sáng, chênh sáng.

Ảnh chụp trong điều kiện ánh sáng tốt, ban ngày

Với ảnh chụp buổi tối, Zenfone 5 xử lý màu sắc khá tốt khi ảnh không bị ám một màu cụ thể nào. Khi chụp đường phố với ánh đèn vàng hoặc chụp sân khấu, đèn nhiều màu sắc thì màu ảnh vẫn khá cân bằng. Dù vậy độ nét của ảnh chỉ dừng ở mức khá, nhiễu ở một số ảnh cũng khá rõ. Nhìn chung ở tầm giá dưới 10 triệu, chất lượng ảnh chụp tối của Zenfone 5 cũng ở tầm tốt.

Một trong những điểm mà Asus luôn nhấn mạnh là AI cho camera, giúp máy nhận biết được cảnh đang chụp và thay đổi tùy thuộc theo cảnh. Hãng cho biết chiếc Zenfone 5 có thể nhận biết được 16 cảnh chụp, trong đó có cả chụp đồ ăn, chó mèo... Ngoài ra, AI còn được áp dụng để tự động chỉnh sửa ảnh trong bộ sưu tập.

Trong quá trình sử dụng, chế độ được người viết áp dụng thường xuyên nhất là chụp đồ ăn. Mỗi khi đưa máy lên chụp đồ ăn, chiếc Zenfone 5 thường nhận được ngay đây là đồ ăn và chuyển sang chế độ tương ứng. Ảnh chụp có lẽ được đẩy độ nét, tương phản và độ rực màu lên cao hơn so với thông thường, tuy nhiên để đạt mức "sống ảo" thì vẫn cần chỉnh thêm trên ứng dụng. Ngoài ra để kích hoạt chế độ, phần ăn phải chiếm tỉ lệ lớn trong khung hình, do vậy có thể không hợp nếu bạn muốn chụp kiểu flat lay và sắp đặt một bức hình với nhiều đồ ăn, thức uống.

Tuy nhiên Zenfone 5 chỉ thực sự "tỏa sáng"' khi chụp phong cảnh. Camera góc rộng của máy sẽ ghi lại phong cảnh, đường phố hoặc không gian nội thất một cách hoàn chỉnh, không cần phải cắt gọt phần nào trong hình.

Đứng trước một phong cảnh ấn tượng, việc ghi lại đủ hình ảnh với góc rộng là ưu điểm lớn của Zenfone 5. Khi chụp nội thất, trong không gian nhỏ hẹp thì ưu thế này càng được thể hiện rõ. Chiếc Zenfone 5 dễ dàng ghi lại hết căn phòng, giúp người xem nắm bắt tổng thể mà không cần nhiều ảnh. Tất nhiên với ống góc rộng, các đối tượng ở rìa sẽ bị méo nên người chụp cần cân nhắc.

 

 

Hình được chụp tại một căn hộ mẫu. Bằng camera góc rộng, tôi có thể chụp toàn cảnh căn phòng ngay từ cửa. Nếu chụp bằng camera bình thường, tôi sẽ phải chụp rất nhiều góc để mô tả

Tất nhiên, với điều kiện chụp tối thì camera góc rộng dễ lộ nhược điểm, nhưng nếu nhìn ở kích cỡ bé thì góc chụp rộng vẫn ấn tượng

Những hình bên dưới cho thấy sự chênh lệch về góc nhìn giữa camera thường và góc rộng trên Zenfone 5.

Bù lại cho góc chụp ấn tượng, chất lượng ảnh từ camera góc rộng cũng chỉ ở mức khá. Khi chụp ngoài trời, điều kiện sáng tốt thì màu sắc đôi lúc vẫn bị lệch hoặc nhạt hơn so với thực tế. Với ảnh chụp buổi tối, nếu xem ở kích thước lớn có thể dễ dàng nhận ra ảnh không nét, bắt sáng kém. Ảnh góc rộng trên Zenfone 5 vốn dễ gây ấn tượng từ góc chụp, nhưng để chất lượng tốt nhất bạn cũng sẽ phải mất chút thời gian chỉnh sửa.

Vậy còn khi chụp người thì Zenfone 5 thể hiện như thế nào? Máy có chế độ chụp xóa phông, nhưng không có một ống kính tiêu cự tầm trung (khoảng trên 50mm là phổ biến) mà chỉ là tiêu cự của camera chính (24mm, cho góc chụp khá rộng). Do vậy, ảnh xóa phông sẽ có phần nền khá nhiều, không làm nổi bật người như hầu hết các máy có camera kép hiện nay.

Ảnh xóa phông chụp ở mức f/4 trên phần mềm

Máy cũng cho phép điều chỉnh độ xóa mờ khi chụp, chỉ cần chỉnh đến khoảng f/4 đã có thể xóa rất mạnh. Chất lượng xóa phông khá tốt, đôi lúc ở mức xóa quá mạnh có thể thấy những điểm lỗi nhưng nếu chỉnh ở mức trung bình thì hầu như ít thấy lỗi. Do chủ thể chỉ chiếm phần nhỏ trong khung hình nên nếu có lỗi cũng khó nhận ra hơn. ;

Khi giảm mức xóa phông xuống f/5.6 thì gần như không còn thấy lỗi xóa nhầm

Ngoài ra Asus cũng tích hợp rất nhiều chế độ chụp khác như chuyên nghiệp, siêu độ phân giải (cho ra ảnh với độ phân giải tới 49MP) hay tạo ảnh GIF. Với tôi thì chế độ siêu độ phân giải khá hữu dụng, đôi lúc cần chụp menu món ăn của cửa hàng hoặc các chi tiết từ xa thì máy giữ được chi tiết khá tốt.

Ảnh chụp với chế độ siêu độ phân giải, vẫn có thể nhìn khá rõ menu và giá từng món đồ uống ở phía sau

Về phần camera trước, tuy không có hệ thống camera kép nhưng Asus vẫn tích hợp tính năng selfie xóa phông. Ảnh chụp selfie xóa phông khá tự nhiên, tuy nhiên không điều chỉnh được mức độ làm mờ như camera sau.

Ảnh chụp selfie xóa phông từ Zenfone 5

Đối với chế độ selfie thông thường, máy cũng có tính năng làm đẹp với tác động khá mạnh. Dù chỉ để ở mức giữa (5), khuôn mặt cũng được làm trắng và mịn khá nhiều. Các mức độ làm đẹp thấp hơn sẽ cho ảnh tự nhiên hơn. Khi chụp ngược nắng, bạn cũng có thể chọn chế độ HDR để ảnh cân bằng hơn.

Ảnh selfie bật chế độ làm đẹp ở mức 5

 

 

Ảnh selfie thông thường, không làm đẹp, không HDR

Tổng kết

Đã 2 năm kể từ lần gần nhất Asus có một điện thoại ở mức giá cận cao cấp tại Việt Nam. Chiếc Zenfone 3 cũng có cấu hình tầm trung như Zenfone 5, nhưng camera không thực sự thuyết phục. Với Zenfone 5, Asus đã đem tới một chiếc điện thoại với khả năng chụp ngoài sáng tốt, chụp đêm có màu sắc chuẩn. Điểm nhấn đáng chú ý nhất là camera phụ: mặc dù vẫn còn những hạn chế về chất lượng, người dùng vẫn dễ dàng chụp được những bức ảnh phong cảnh ấn tượng với Zenfone 5.

Trong khi phần lớn smartphone hiện nay nhấn mạnh khả năng chụp chân dung xóa phông thì Asus lại đưa ra một chiếc điện thoại phù hợp với chụp phong cảnh, đường phố. Khả năng xóa phông của Zenfone 5 cũng không tệ, nhưng góc chụp rộng không phù hợp lắm với ảnh chân dung. Dù sao đây cũng là một điểm khác biệt của chiếc điện thoại Asus so với phần lớn smartphone hiện nay, đem lại một lựa chọn cho những người ham dịch chuyển.

Tuấn Anh

Chủ đề khác