VnReview
Hà Nội

Đánh giá Xiaomi Mi Mix 3: Dùng quá khứ để hướng tới tương lai?

Khi cuộc đua smartphone không viền vẫn đang nóng từng ngày với những "tai thỏ", "nốt ruồi" hay thậm chí… hai màn hình, Xiaomi đã có một cách tiếp cận khác: sử dụng thiết kế thân trượt, kiểu thiết kế đã bị khai tử trên di động từ chục năm về trước.

Dòng Mix của Xiaomi, kể từ khi chính thức ra mắt vào năm 2016, đã luôn là một dòng sản phẩm thú vị, vì chúng là cách mà thương hiệu đến từ Trung Quốc thể hiện khả năng sáng tạo của mình. Chiếc Mi Mix 3 cũng không phải là ngoại lệ. Sau hai phiên bản Mi Mix 2/Mi Mix 2s có phần an toàn với mục đích chính là khắc phục những điểm yếu của chiếc Mi Mix đời đầu, lần này Xiaomi đã mạnh dạn hơn, tự tin hơn và đưa ra một Mi Mix 3 với thiết kế "mới mẻ", được truyền cảm hứng từ… những chiếc điện thoại nắp trượt đã biến mất khỏi thị trường cả chục năm về trước.

Việc điện thoại nắp trượt bị khai tử không phải là điều ngẫu nhiên, đó là hệ quả của sự chuyển mình của thế giới công nghệ, khi Apple thay đổi cả thế giới với chiếc iPhone đầu tiên. Khi các hãng đang nỗ lực tìm cách để về đích trong cuộc đua smartphone không viền hoàn toàn, với những "tai thỏ", "nốt ruồi", "giọt nước" hay thậm chí là hai màn hình như chiếc Nubia X, liệu thiết kế thân trượt có phải là quyết định đúng đắn của Xiaomi?

Chiếc Mi Mix 3 trong bài viết này của VnReview là phiên bản có màu đen onyx, RAM 6GB/bộ nhớ trong 128GB. Bán chính hãng tại Việt Nam còn có thêm màu xanh sapphire, trong khi hai phiên bản xanh ngọc bích và xanh Tử Cấm Thành (phiên bản đặc biệt 10GB RAM) hiện chưa có thông tin. Sản phẩm hiện có giá bán chính hãng là 12,99 triệu đồng.

Thiết kế: Hoài niệm những ngày tháng "trẻ trâu"

Đã bao lâu rồi bạn chưa cầm trên tay một chiếc điện thoại trượt? Đối với nhiều người, đó là những ngày tháng còn là học sinh, sinh viên, khi Facebook chưa xâm chiếm cuộc sống của chúng ta và bất kỳ ai sở hữu một chiếc điện thoại nắp trượt đều trông thật "ngầu". Nay, cầm chiếc Mi Mix 3 trên tay, có thể cảm giác "ngầu" ấy không còn như trước nữa, nhưng điều đó không có nghĩa là flagship của Xiaomi không phải một chiếc điện thoại đặc biệt.

Thiết kế thân trượt khiến máy dày và nặng hơn đáng kể

Tổng quan thiết kế, Mi Mix 3 vẫn tiếp tục đi theo triết lý của hai thế hệ trước, với mặt lưng làm từ chất liệu gốm đã phần nào trở thành biểu tượng của dòng Mi Mix và khung nhôm. Kết hợp với trọng lượng lên tới 218g, Mi Mix 3 là một trong những chiếc smartphone nặng nhất trên thị trường, nhưng bù lại cảm giác cầm nắm lại rất "đầm tay" và chắc chắn. Cá nhân tôi, đây không phải là vấn đề, nhưng những người dùng đã quen với việc cầm nắm smartphone mỏng nhẹ có thể sẽ không thấy thoải mái.

Cơ chế trượt "chạy bằng cơm" của Mi Mix 3, với cụm camera, loa thoại, đèn flash ẩn trong thân máy

Cơ chế trượt – điểm nổi bật nhất trong thiết kế của Mi Mix 3 – hoàn toàn được "chạy bằng cơm" giống như những chiếc điện thoại nắp trượt cổ điển, không phải tự động như Oppo Find X hay Vivo Nex. Nhờ cơ chế trượt này, Xiaomi đã có thể ẩn cụm camera vào trong thân máy để thu gọn viền màn hình thay vì đặt ở cạnh dưới máy, gây khó chịu khi sử dụng như các phiên bản Mi Mix trước. Không quá thích thú với việc chụp ảnh selfie nên khả năng ẩn camera khi không cần thiết của Mi Mix 3 là tính năng hữu dụng đối với tôi.

Tuy nhiên, cơ chế trượt cũng khiến thân máy dày hơn một chút, 8,5mm so với 8,1 của Mi Mix 2s. Ngoài ra, bụi bẩn, nước cũng có thể dễ dàng chui vào bên trong thân máy hơn kiểu thiết kế truyền thống, nên người dùng sẽ phải chú ý chăm sóc, bảo vệ cho thiết bị của mình hơn.

Mi Mix 3 sử dụng nam châm vĩnh cửu để khóa điện thoại ở vị trí cố định khi trượt

Theo Xiaomi, Mi Mix 3 sử dụng nam châm vĩnh cửu để khóa điện thoại ở vị trí cố định khi trượt. Sử dụng thực tế, thao tác trượt khá nhẹ nhàng, không cần quá nhiều lực. Nếu độ bền luôn là mối quan tâm của người dùng đối với điện thoại có cơ chế trượt, Xiaomi cũng đã trấn an người dùng rằng Mi Mix 3 vẫn "sống khỏe" sau bài kiểm tra 300.000 lần trượt trong điều kiện phòng thí nghiệm, tức nếu mỗi ngày bạn trượt 100 lần thì phải mất 8 năm mới vượt qua con số này. Nhưng như đã nói ở trên, nếu bụi hay nước lọt vào bên trong máy, đó lại là một câu chuyện khác.

Nhờ thiết kế thân trượt nên Mi Mix 3 có tỷ lệ diện tích màn hình/thân máy cao, nhưng đáng tiếc là phần "cằm" vẫn hơi dày hơn một chút

Nhờ thiết kế thân trượt, nên tỷ lệ diện tích màn hình/thân máy của Mi Mix 3 (không tính phần trượt) lên tới 93,4%. Đây là chiếc smartphone có tỷ lệ màn hình lớn nhất từ trước đến nay của Xiaomi, nhưng vẫn thua một chút so với con số 93,8% của Oppo Find X. Nguyên nhân là bởi cái "cằm" của Mi Mix 3 vẫn còn khá dày so với ba cạnh viền còn lại, điều này cũng khiến máy mất cân đối đôi chút.

Mặt lưng gốm bóng bẩy, đẹp mắt nhưng trơn và bám vân tay

Không có cảm biến vân tay dưới màn hình hay nhận diện khuôn mặt 3D, Mi Mix 3 vẫn sử dụng cảm biến vân tay một chạm ở mặt lưng

Mặt sau, thiết kế của Mi Mix 3 gần như không có sự thay đổi so với đàn anh Mi Mix 2s. Máy vẫn có cụm camera kép đặt dọc và cảm biến vân tay một chạm ở vị trí phù hợp tầm với của ngón trỏ. Mặt lưng gốm rất bóng bẩy, có thể soi gương được, nhưng điểm trừ là rất trơn và bám mồ hôi. Xiaomi vẫn tặng kèm một ốp lưng nhựa cứng bên trong hộp, và chiếc ốp này đã được thiết kế để không làm cản trở khả năng vận hành của cơ chế trượt, nên tôi khuyến cáo người dùng nên sử dụng chiếc ốp này.

Chiếc ốp nhựa nhám mịn Xiaomi tặng kèm trong hộp

Thiết kế Mi Mix 3 vẫn thừa hưởng nhiều đặc điểm của các đàn anh, như dải loa, vị trí các phím bấm, khay sim,...

Còn lại, về thiết kế nói chung, Mi Mix 3 vẫn kế thừa những điểm quen thuộc của dòng Mix. Chúng ta vẫn có khay sim kép nano, dải loa đơn cùng dải lỗ cân đối thiết kế với cổng USB Type-C ở cạnh dưới. Điểm mới đáng chú ý chính là nút bấm vật lý riêng cho tính năng trợ lý ảo, giống như nút Bixby trên các máy Samsung. Phiên bản bán ở thị trường bên ngoài Trung Quốc được tích hợp Google Assistant. Xiaomi có cho phép người dùng gán một số chức năng nhất định cho phím này nhưng vẫn khá ít, hy vọng hãng sẽ cập nhật thêm trong tương lai.

Phím dành cho tính năng trợ lý ảo trên Mi Mix 3. Đối với các phiên bản ngoài thị trường Trung Quốc, máy sẽ tích hợp Google Assistant

Màn hình ấn tượng, âm thanh chưa tương xứng

Mi Mix 3 có màn hình lớn, lên tới 6,39 inch với tỷ lệ 19.5:9, độ phân giải FullHD+ (1080 x 2340px). Đặt cạnh Mi Mix 2, máy hẹp hơn nhưng dài hơn đáng kể, nên việc sử dụng bằng một tay – đặc biệt là với những người có bàn tay nhỏ - có thể sẽ gặp ít nhiều khó khăn.

Máy sử dụng tấm nền Super AMOLED, theo tìm hiểu thì chúng do Samsung sản xuất. Chất lượng hiển thị của tấm nền ở mức tốt, màu đen sâu và chân thực, độ tương phản cao và góc nhìn rộng. Độ sáng tối đa của Mi Mix 3 lên tới 600 nits, trải nghiệm thực tế cho thấy máy vẫn hiển thị tốt trong điều kiện ánh sáng mạnh, nắng gắt.

Một điểm mới của Mi Mix 3 là máy hỗ trợ chuẩn HDR10, kết hợp với màn hình Super AMOLED kích thước lớn mang lại một trải nghiệm giải trí ấn tượng. Các hình ảnh đều sống động và rực rỡ, không thua kém quá nhiều những sản phẩm cao cấp đến từ Apple hay Samsung, vốn có giá cao hơn.

Viền màn hình mỏng, không "tai thỏ" hay "nốt ruồi" giúp trải nghiệm giải trí được nâng cao đáng kể

Màn hình ấn tượng là vậy, nhưng âm thanh của Mi Mix 3 lại chưa thể khiến tôi hài lòng. Máy chỉ có một dải loa và âm lượng khá nhỏ, chất âm cũng không có gì đặc sắc. Việc chất lượng âm thanh chưa tương xứng cũng làm ảnh hưởng khá nhiều tới trải nghiệm giải trí tổng thể, một điều mà lẽ ra Xiaomi đã có thể làm tốt hơn.

MIUI 10, Android Pie "lạ mà quen"

Mi Mix 3 hiện chạy MIUI 10.0.11 Stable, dựa trên phiên bản Android Pie mới nhất

Với MIUI 10 trên Mi Mix 3, Xiaomi vẫn cho phép người dùng lựa chọn giữa điều hướng bằng cụm ba phím ảo hoặc điều hướng bằng cử chỉ. Tuy nhiên, do có kích thước màn hình lớn nên việc sử dụng cụm ba phím ảo sẽ khá khó khăn, thiết nghĩ Xiaomi nên mạnh dạn và loại bỏ lựa chọn này, nhất là khi máy sở hữu màn hình tràn cạnh và điều hướng bằng cử chỉ đang là xu hướng tất yếu của thị trường.

Các ứng dụng gần đây được xếp thành hai hàng dọc

Nhìn chung, giao diện của MIUI 10 trông sáng sủa và "sạch" hơn, đặc biệt là các biểu tượng và màu sắc của trung tâm điều khiển. Menu âm thanh cũng được đổi mới, chuyển thành ba cột giúp dễ vuốt hơn. Điểm đáng chú ý nhất là giao diện Đa Nhiệm hay Ứng dụng gần đây (Recent), khi các ứng dụng được hiển thị theo hai hàng dọc, thay vì một hàng ngang như trước. Nếu hay mở nhiều ứng dụng, bạn sẽ thấy giao diện này tỏ ra khá tiện lợi và hữu ích khi chuyển đổi qua lại giữa các app.

Bạn có thể thiết lập hành động của Mi Mix 3 khi sử dụng cơ chế trượt "bằng cơm", chẳng hạn như trượt máy để chụp ảnh selfie, mở camera. Phía dưới là các tùy chọn âm thanh phát ra khi trượt máy

Do là sản phẩm duy nhất của Xiaomi có thiết kế thân trượt nên Mi Mix 3 có thêm một menu tùy chọn nữa cho thao tác trượt. Tại đây, người dùng có thể gán một số tính năng khi trượt thân máy, chẳng hạn như mở camera, chụp ảnh selfie hoặc mở bộ công cụ (đồng hồ, thời tiết, máy tính,…). Ngoài ra, Xiaomi cũng tích hợp sẵn 5 hiệu ứng âm thanh để người dùng chọn khi trượt, khá vui tai.

Mi Mix 3 có tính năng mở khóa bằng khuôn mặt, nhưng đáng tiếc là ngay cả khi có diện tích rộng rãi cho camera nhờ thiết kế thân trượt, máy vẫn không được trang bị hệ thống nhận diện khuôn mặt 3D như Mi 8 Pro và Mi 8 Explorer Edition nên tính năng này hoàn toàn có thể bị đánh lừa bởi ảnh chụp.

Ngoài ra, mỗi lần mở khóa khuôn mặt, tôi lại phải trượt máy xuống nên khá bất tiện cùng với việc mặt lưng bằng gốm rất trơn và thao tác trượt xuống rất dễ làm máy tuột khỏi tay nếu không cẩn thận. Vì thế, cảm biến vân tay ở mặt lưng vẫn là phương pháp tôi lựa chọn thường xuyên hơn khi sử dụng Mi Mix 3.

Còn lại, về cơ bản, MIUI 10 không có quá nhiều sự khác biệt đối với những phiên bản trước đây, nên người dùng nào từng sử dụng máy Xiaomi sẽ có cảm giác thân thuộc rất rõ rệt.

Hiệu năng top đầu, pin "hơi đuối"

Sở hữu con chip di động Snapdragon 845 mạnh mẽ của Qualcomm cùng 6GB RAM, Mi Mix 3 có thể "cân" tốt mọi tác vụ, kể cả những game hay ứng dụng nặng nhất. Máy không có khe cắm thẻ nhớ, nhưng 128GB bộ nhớ trong cho phiên bản giá thấp nhất đã là quá đủ cho đa số người dùng.

Trong thực tế sử dụng, các thao tác mở, load, chuyển đổi các ứng dụng đều rất nhanh chóng, mượt mà, từ Facebook, Messenger, Youtube cho đến những tựa game nặng như Dead Trigger 2 hay PUBG Mobile. GPU Adreno 630 cũng đảm bảo trải nghiệm mượt mà trong gần như mọi tựa game dù ở mức thiết lập đồ họa cao nhất.

Dead Trigger 2 và Warhammer 40.000: Freeblade, hai tựa game nặng thuộc hàng top Android hiện nay không thể làm khó được Mi Mix 3 dù ở mức thiết lập đồ họa cao nhất. FPS trung bình luôn ở mức 60, và độ ổn định khung hình ở mức cao trên 90%.

Đối với PUBG Mobile, tựa game bị khóa ở mức 40FPS đối với những máy cao cấp để đảm bảo công bằng. Với thiết lập đồ họa cao nhất, bật khử răng cưa và HDR, Mi Mix 3 vẫn đạt FPS trung bình 39, độ ổn định khung hình 95% dù ván chơi diễn ra khá lâu.

Trên ứng dụng đo hiệu năng tổng thể AnTuTu Benchmark, Mi Mix 3 có điểm số khá cao so với những flagship sử dụng chip Snapdragon 845 khác. Tuy nhiên, flagship của Xiaomi lại tỏ ra "hụt hơi" ở hai ứng dụng còn lại là GeekBench 4.0 và GFXBench Manhattan, khi Mi Mix 3 không chỉ thua kém iPhone XR mà còn cả Zenfone 5Z của Asus hay thậm chí là iPhone 8 Plus từ năm 2017.

Điểm AnTuTu đo hiệu năng tổng thể của thiết bị

Điểm GeekBench đo hiệu năng xử lý đơn lõi và đa lõi của CPU

Bài test Manhattan trong ứng dụng GFX Bench đo hiệu năng xử lý đồ họa của GPU ở độ phân giải Full-HD tiêu chuẩn (offscreen) và độ phân giải thực của màn hình (onscreen).

Về thời lượng pin, Mi Mix 3 sở hữu viên pin 3.200 mAh, thấp hơi một chút so với hai đàn anh là Mi Mix 2 và Mi Mix 2s. Bù lại, Mi Mix 3 được tích hợp công nghệ sạc nhanh Quick Charge 4.0+, và Xiaomi cũng đã tặng kèm một cục sạc Quick Charge 3.0 ngay trong hộp.

Qua một số bài test quen thuộc của VnReview, Mi Mix 3 có thời lượng pin chỉ ở mức trung bình. Thiết lập độ sáng ở mức 70%, máy xem phim liên tục được 13h16 phút, chơi game liên tục được 4h32 phút, và lướt web liên tục được 6h22 phút.

Thời gian lướt web liên tục từ mức pin 100% đến 10% thì dừng với độ sáng 70%

Thời gian xem phim offline độ phân giải Full HD liên tục từ mức pin 100% đến 10% thì dừng với độ sáng 70%

Thời gian chơi game liên tục từ mức pin 100% đến 10% thì dừng với độ sáng 70%

Trong thời gian trải nghiệm Mi Mix 3, do nhu cầu không cao, chủ yếu lướt Facebook, chat Messenger, xem Youtube và check mail, thỉnh thoảng chơi PUBG Mobile, máy vẫn đủ đáp ứng một ngày làm việc của tôi. Dữ liệu từ ứng dụng AccuBattery Pro cho thấy, máy on-screen được khoảng 7 giờ, và mất khoảng 1% mỗi giờ khi off-screen do tôi bật 4G/Wi-Fi liên tục để nhận thông báo.

Sử dụng cục sạc tặng kèm theo máy, Mi Mix 3 sạc được 47% sau 30 phút, 91% sau một tiếng và đầy 100% sau 1 giờ 28 phút. Mi Mix 3 có hỗ trợ sạc không dây, và Xiaomi cũng rất hào phóng khi tặng kèm một đế sạc 10W trong hộp. Sử dụng đế sạc không dây, máy sạc được 65% sau 1 giờ 10 phút, và sạc đầy sau 2 giờ 16 phút.

Màn hình hiển thị khi bạn kết nối sạc không dây

Camera tốt, nếu bạn không quá khắt khe

Điểm qua về cấu hình, Mi Mix 3 được trang bị tổng cộng bốn camera, hai camera sau và hai camera trước. Cụm camera kép phía sau bao gồm camera 12MP dùng cảm biến Sony IMX363 khẩu độ F/1.8, điểm ảnh lớn 1.4 micron, hỗ trợ lấy nét pha khép Dual Pixel và chống rung quang học (OIS). Camera phụ là camera tele 12MP với điểm ảnh 1.0 micron. Cụm camera selfie của Mi Mix 3 bao gồm một camera chính 24MP, điểm ảnh 0.9 micron và một camera phụ 2MP nhằm mục đích đo chiều sâu cho ảnh bokeh. Máy có cả đèn flash trợ sáng cho cụm camera selfie.

Giao diện chụp ảnh quen thuộc của Xiaomi

Giao diện chụp ảnh của Mi Mix 3 hầu như không có sự khác biệt so với những máy Xiaomi khác, vẫn "hao hao" iPhone với phía dưới các chế độ quay chụp, còn ở trên là tùy chỉnh bật/tắt HDR, đèn flash, AI,… Điểm khác biệt duy nhất chính là nút zoom quang 2X ở ngay phía trên phần chọn chế độ chụp.

Giống như những smartphone khác của Xiaomi gần đây, Mi Mix 3 cũng hỗ trợ tính năng tự động điều chỉnh thông số máy ảnh dựa trên ngữ cảnh bằng trí tuệ nhân tạo (AI). Máy tự động nhận diện các cảnh chụp như đồ ăn, cảnh vật, chân dung rồi tối ưu màu sắc, độ nét,… Tuy nhiên, đa số trường hợp thì máy chỉ đơn giản là đẩy độ bão hòa màu lên để ảnh trông tươi tắn và nịnh mắt hơn, cá nhân tôi thường vô hiệu hóa tính năng này.

Ảnh tắt AI

Ảnh bật AI, tính năng AI về cơ bản đẩy độ bão hòa màu lên để ảnh trông tươi tắn, nịnh mắt hơn, nhưng có thể sẽ không hợp sở thích của mọi người

Trong điều kiện đủ sáng, dù bạn có bật tính năng AI hay không, Mi Mix 3 cũng mang lại những kết quả tốt. Hình ảnh có độ nét cao, giữ được nhiều chi tiết, khả năng tái tạo màu và cân bằng trắng đều sát với thực tế. Tuy nhiên, tốc độ chụp HDR chưa nhanh như tôi kỳ vọng, vật đang di chuyển thường bị nhòe và máy mất khoảng 0,5 – 1 giây để xử lý ảnh sau mỗi lần chụp.

Nhờ cảm biến có kích thước điểm ảnh lớn 1.4 micron cùng công nghệ lấy nét pha kép Dual Pixel, ảnh chụp thiếu sáng của Mi Mix 3 cũng có chất lượng khá tốt. Đáng chú ý, Xiaomi đã tích hợp chế độ chụp ban đêm hoàn toàn mới của hãng cho Mi Mix 3. Khi kích hoạt chế độ này, tôi có thể nhận thấy rõ độ chi tiết của ảnh đã được cải thiện, đặc biệt là ở những vùng gần nguồn sáng. Tuy nhiên, bạn phải giữ vững máy để ảnh không bị nhòe, và sau mỗi lần chụp đều phải đợi khoảng 2 giây để camera xử lý ảnh. Vì thế, chế độ này chỉ phù hợp để chụp phong cảnh tĩnh.

Sau đây là những ảnh chụp thông thường (trên) và ảnh chụp bằng chế độ ban đêm (dưới). Có thể thấy các nguồn sáng được cân bằng tốt, những vùng tối thể hiện nhiều chi tiết hơn mà không bị hiện tượng noise. Như đã nói, chế độ này không phù hợp để chụp những vật chuyển động.

Mi Mix 3 sở hữu camera tele với khả năng zoom quang 2x. Camera này cho ảnh chất lượng khá trong điều kiện ánh sáng tốt, nhưng thường mất chi tiết và bị noise trong điều kiện thiếu sáng do camera tele có khẩu độ nhỏ, thu sáng kém hơn.

Ảnh chụp bằng camera chính (trên) và camera tele (dưới). Các ảnh đều được chụp tại cùng một vị trí

Về khả năng chụp xóa phông, camera của Mi Mix 3 nhận diện chủ thể tốt, ít bị lẹm vào chủ thể trong điều kiện ánh sáng tốt, và phông nền được xóa một cách khá tự nhiên. Tuy nhiên, đáng tiếc là máy không hỗ trợ tính năng điều chỉnh mức độ xóa phông trước khi chụp và bạn chỉ có thể chỉnh sửa độ mờ phông nền sau khi chụp mà thôi. Ngoài ra, Mi Mix 3 chụp xóa phông bằng camera tele nên ảnh luôn bị zoom vào một chút, và do thông số kém hơn camera chính nên chất lượng ảnh không được tốt, điều này thể hiện rất rõ trong điều kiện thiếu sáng khi màu da có phần nhợt nhạt và xuất hiện nhiều noise.

Mi Mix 3 cũng được trang bị hai tính năng điều chỉnh ánh sáng phông nền là Vệt sáng (Light trails) và Đèn studio (Studio light) khá giống với Art Bokeh của Samsung và Portrait Lighting của Apple, cho phép người dùng sáng tạo và làm nổi bật chủ thể.

Tính năng Studio light trên Mi Mix 3 khá thú vị

Camera selfie của Mi Mix 3, tuy có độ phân giải cao 24MP nhưng chất lượng ảnh chỉ ở mức khá, đây là điều mà tôi đã từng gặp ở chiếc Mi 8 và Mi 8 Lite. Có thêm camera phụ 2MP để đo độ sâu trường ảnh nhưng khả năng tách bạch chủ thể với phông nền của Mi Mix 3 vẫn chưa thực sự ấn tượng, bị lẹm ở những vị trí khó như cầu vai và chân tóc. Tuy nhiên, ảnh selfie trong điều kiện thiếu sáng của Mi Mix 3 tốt hơn tôi kỳ vọng khi cho chi tiết khá, ít nhiễu.

Tổng kết

Mi Mix 3 là một cách tiếp cận thú vị của Xiaomi, khi hãng dùng quá khứ để hướng chúng ta tới tương lai. Với nhiều ưu điểm như thiết kế độc đáo, màn hình viền mỏng, cấu hình flagship nhưng giá phải chăng đã trở thành thương hiệu của "Tiểu Mễ", Mi Mix 3 chắc chắn sẽ là một đối thủ đáng gờm trong phân khúc, giống như những đàn anh trong dòng sản phẩm Mix từng làm được.

Tuy nhiên, khó có thể nói Mi Mix 3 là một chiếc smartphone hoàn hảo. Thiết kế thân trượt, tuy thú vị và độc đáo, vẫn tiềm ẩn những rủi ro về độ bền. Không có tính năng nhận diện khuôn mặt 3D, cảm biến vân tay dưới màn hình, camera trước chưa thực sự ấn tượng, loa ngoài nhỏ, thời lượng pin "hơi đuối" cũng là những điểm hạn chế của Mi Mix 3 mà người dùng nên cân nhắc kỹ lưỡng.

Hoàn Đặng

Chủ đề khác