VnReview
Hà Nội

Đánh giá chi tiết Nokia 8.1: một lựa chọn tốt ở phân khúc tầm trung

Liên tục tung ra hàng loạt sản phẩm phủ kín phân khúc từ tầm trung đến phổ thông, Nokia có vẻ như đang rất quyết tâm đánh chiếm thị phần tại Việt Nam và tìm lại phần nào ánh hào quang xưa.

Tính riêng trong năm 2018, Nokia tung ra 5 smartphone mới tại Việt Nam gồm Nokia 6.1 Plus, 5.1 Plus, 3.1, 2.1 và 7 Plus. Ngay đầu năm 2019, hãng này lại tiếp tục trình làng chiếc Nokia 8.1, phiên bản quốc tế của chiếc Nokia X7 được bán trước đó tại thị trường Trung Quốc.;

Tiếp tục lấy chiến lược giá làm trọng tâm, Nokia 8.1 được trang bị nhiều tính năng đáng chú ý như vi xử lý Snapdragon 710, màn hình HDR10, camera kép Zeiss... trong khi mức giá công bố chỉ vào khoảng 8 triệu đồng. Thậm chí, một số hệ thống đang bán model với giá chỉ hơn 7 triệu. Đây cũng là phân khúc giá cạnh tranh khốc liệt nhất hiện nay tại thị trường smartphone Việt Nam khi có sự xuất hiện của gần như tất cả các thương hiệu điện thoại cả trong và ngoài nước.

Liệu chiếc smartphone của Nokia có đủ sức thuyết phục người dùng phải móc hầu bao giữa hàng tá lựa chọn hấp dẫn khác? Hãy cùng VnReview đi tìm câu trả lời trong bài đánh giá chi tiết chiếc Nokia 8.1 ngay sau đây.

Thiết kế tuy quen mà lạ

Nhìn thoáng qua, Nokia 8.1 trông giống hệt với những người anh em 6.1 Plus hay 5.1 Plus, vẫn là kiểu thiết kế khung kim loại, 2 mặt kính, các góc bo tròn, đi kèm màn hình tai thỏ và camera lồi đặt dọc giữa mặt lưng. Tuy nhiên, để ý kỹ hơn có thể thấy phần khung máy đã có những khác biệt. Thay vì kiểu khung nhám mịn hay sơn bóng như ở các thiêt bị tiền nhiệm, 8.1 chuyển sang kiểu khung của chiếc Nokia 7 Plus.

Nhìn thoáng qua từ mặt trước...

... hay mặt sau, Nokia 8.1 không có nhiều khác biệt so với các thế hệ trước

Nokia 8.1 (ở giữa) bên cạnh 2 "người anh em" Nokia 6.1 Plus (bên trái) và 5.1 Plus (bên phải)

Nhìn từ mặt lưng, 3 máy gần như giống hệt nhau

Sự khác biệt lớn nhất đến từ phần khung

Một đường viền kim loại được đặt giữa phần khung và trên bản màu bạc, phần viền này được phối màu vàng đồng nên khiến 8.1 trông nổi bật hơn. Phần viền cũng tạo nên sự bo vát mạnh giúp cầm máy chắc tay hơn, đỡ trơn hơn dù đồng thời gây một chút cấn nhẹ. Khi có ánh sáng đánh xiên vào phần cạnh máy, phần viền còn giúp Nokia 8.1 có được hiệu ứng phản chiếu lạ mắt, tựa như máy được trang bị một hệ thống đèn LED chạy dọc phần khung.

Đường viền màu đồng nổi bật trên phiên bản màu bạc

Khi có ánh sáng chiếu xiên, phần viền sẽ tạo nên các hiệu ứng ánh sáng khá lạ mắt

Về độ hoàn thiện, từ khi về tay của HMD, các smartphone của Nokia vẫn duy trì được khả năng gia công tốt và Nokia 8.1 tiếp tục giữ vững được truyền thống đó. So nhanh với chiếc Huawei Nova 3i, có thể thấy các đường ghép nối giữa mặt lưng kính và khung kim loại trên Nokia 8.1 kín khít, liền mạch, êm mịn hơn. Điện thoại của Nokia cũng cho cảm giác cầm nắm đầm tay, chắc chắn hơn.

Nokia 8.1 vẫn giữ được truyền thống gia công với độ hoàn thiện cao

Các đường ghép nối giữa mặt lưng kím và khung kim loại kín khít, liền lạc

Dù sử dụng cổng USB Type C nhưng 8.1 vẫn được trang bị giắc cắm tai nghe 3.5mm tiện lợi. Theo kèm trong hộp là một tai nghe in ear với thiết kế khá bắt mắt nhưng chất lượng âm thanh của tai nghe này chỉ dừng lại ở mức trung bình. Bass dư thừa về lượng nhưng thiếu chất, không chắc và cũng không đủ sâu, lấn át toàn bộ dải mid và treble.

Trong 3 phiên bản màu sắc là nâu đỏ, xanh đen và xám bạc, bản màu bạc với viền vàng đồng có lẽ là lựa chọn phù hợp nhất với những ai ưa thích sự phá cách, mới lạ. Mặt lưng màu bạc cũng ít để lộ dấu vân tay và vết mồ hôi, đồng thời còn có thể sử dụng như một chiếc gương trong những trường hợp cần kíp hay nếu bạn muốn thử selfie bằng camera sau với ống kính Zeiss để có ảnh chất lượng hơn.

Dù dùng cổng USB Type C nhưng Nokia 8.1 vẫn giữ lại giắc cắm tai nghe 3.5mm trên đỉnh máy

Tai nghe đi kèm dạng in ear với thiết kế bắt mắt tuy nhiên chất lượng mới ở mức trung bình

Bản màu xám bạc gây ấn tượng mạnh nhất vì đã từ lâu ít xuất hiện trên các smartphone thế hệ mới

Máy sử dụng khay SIM lai, người buộc phải chọn giữa dùng 2 SIM hoặc 1 SIM, 1 thẻ nhớ

Phiên bản màu nâu đỏ của 8.1 cũng tạo được ấn tượng tốt với màu sắc mới lạ

Màn hình HDR ấn tượng, âm thanh trung bình

Hầu hết smartphone của Nokia năm vừa rồi đều chuyển sang màn hình tai thỏ và Nokia 8.1 cũng không phải ngoại lệ. Màn hình tai thỏ trên chiếc máy này sử dụng tấm nền IPS LCD, kích thước khá lớn 6,18 inch độ phân giải Full HD+, tỷ lệ 18.7:9.

Màn hình tai thỏ tiếp tục xuất hiện trên Nokia 8.1

Có phần viền 2 bên tương đối mỏng nhưng phần rãnh tai thỏ của 8.1 lại chiếm nhiều diện tích dù không hề có đèn flash, camera kép, cảm biến hồng ngoại hay quét gương mặt 3D. Vì thế, khoảng trống còn lại để hiển thị thông báo bị giảm đi đáng kể. Phần cằm cũng vẫn còn dày và logo Nokia vẫn xuất hiện một cách không cần thiết dù đã bớt nổi bật hơn.

Phần rãnh tai thỏ chiếm quá nhiều diện tích vô ích dù không chứa cảm biến hay tính năng đặc biệt nào

Phần cằm dưới còn dày và vẫn bị cố nhồi nhét logo Nokia

Phần rãnh tai thỏ sẽ lẹm vào nội dung khi xem YouTube nhưng may mắn là đã biết tự động ẩn đi khi chơi game. Mặc định trong phần cài đặt, sẽ không có tùy chọn nào để bạn tắt phần tai thỏ đi. Tuy nhiên, nếu chịu khó vọc vạch một chút trong phần "Tùy chọn nhà phát triển", bạn sẽ tìm được cách tắt đi tai thỏ, thậm chí có thêm một tai thỏ nữa ở cạnh dưới nếu muốn (!?). Dù rằng khi vô hiệu hóa tính năng gây tranh cãi này, phần viền trên sẽ dày lên trông thấy.

Kích hoạt tùy chọn Bezel đầy đủ trong "Tùy chọn nhà phát triển" sẽ cho phép bạn tắt tai thỏ đi

Tuy nhiên, giấu tai thỏ sẽ làm viền trên dày lên đáng kể

Ngược lại nếu 1 tai thỏ là chưa đủ, bạn có thể thêm một tai thỏ nữa vào phần cạnh dưới

Đây chỉ là tai thỏ ảo, không hề có bất kỳ tính năng nào

Điều gây phiền toái nhất là tai thỏ sẽ lẹm vào nội dung khi xem video hay phim ảnh

Điểm đáng chú ý là màn hình của Nokia 8.1 hỗ trợ cả chuẩn HDR10, một trong những tính năng hiếm khi xuất hiện trên các smartphone tầm trung và thường chỉ có trên các thiết bị cao cấp. Thực tế cho thấy màn hình của smartphone này cho chất lượng tốt bất ngờ. Độ sáng, tương phản cao, màu đen sâu, màu sắc tươi tắn, nhiệt màu cân bằng, hiển thị trong trẻo, góc nhìn rộng, độ nét, chi tiết tốt.  Máy cũng có nhiều tùy chọn chế độ màu màn hình như Năng động, Sặc sỡ, Rạp chiếu phim hay Cơ bản, khá giống với các smartphone Samsung sử dụng màn hình AMOLED.

Nokia 8.1 là smartphone tầm trung hiếm hoi hiện nay sở hữu màn hình HDR

Tính năng HDR trên máy tương thích tốt với Youtube, Netflix

Máy cho phép tùy chỉnh các chế độ màu khá giống với các smartphone Samsung có màn hình AMOLED

Màn hình HDR10 trên Nokia 8.1 tương thích tốt với cả 2 ứng dụng phổ biến hiện nay là YouTube và Netflix giúp thưởng thức các video, phim ảnh chất lượng cao chuẩn HDR đã mắt hơn hẳn nhờ việc tái tạo tốt cả chi tiết ở vùng tối và vùng sáng. Nokia 8.1 cũng hiển thị rõ khi sử dụng ngoài trời.

Dù có màn hình tốt nhưng hệ thống âm thanh của Nokia 8.1 lại chưa tương xứng. Máy chỉ có duy nhất một loa đơn ở cạnh dưới. Tuy loa ngoài này có âm lượng lớn nhưng chất lượng chỉ ở mức trung bình, thiếu vắng hoàn tiếng bass.

Hiệu năng nhanh nhẹn, nổi bật trong phân khúc

Cấu hình có lẽ là điểm gây chú ý nhiều nhất trên Nokia 8.1 khi là smartphone được trang bị chip Snapdragon 710 có giá thấp nhất hiện nay xét riêng ở thị trường chính hãng, đi kèm 4GB RAM và bộ nhớ trong 64GB chuẩn e-MMC 5.1, hỗ trợ khe cắm thẻ nhớ ngoài tối đa 400 GB.

Con chip Snapdragon 710 lần đầu xuất hiện trên một chiếc smartphone tầm giá 7-8 triệu đồng chính hãng

Theo công bố của Qualcomm, CPU trên Snapdragon 710 mạnh hơn khoảng 20% so với Snapdragon 660 và GPU mạnh hơn khoảng 35%, đồng thời con chip này cũng được sản xuất trên tiến trình 10nm hứa hẹn mang lại khả năng tiết kiệm điện năng cùng việc hoạt động mát mẻ.

Thực tế khi kiểm tra hiệu năng của Nokia 8.1 bằng các phần mềm benchmark quen thuộc như AnTuTu, Geekbench, GFX Bench, điểm số CPU của Snapdragon 710 trên chiếc máy này cao hơn khoảng 12,5% so với Snapdragon 660 trên các smartphone khác, trong khi điểm GPU cao hơn tới 50%.

Điểm AnTuTu đo hiệu năng tổng thể của hệ thống

Điểm GeekBench đo hiệu năng CPU đơn nhân và đa nhân

Điểm GFXBench đo hiệu năng GPU ở độ phân giải thực của máy (Manhattan On) và ở độ phân giải Full HD (Manhattan Off)

Trong sử dụng hàng ngày, Nokia 8.1 cho tốc độ phản hồi nhanh nhẹn. Tất cả các thao tác mở app, chuyển đổi đa nhiệm, duyệt web với nhiều tab, trở về màn hình home khi đang mở nhiều ứng dụng cùng lúc đều diễn ra mau lẹ, mượt mà. Dù vậy, hiệu ứng chuyển cảnh (animation) của Android 9 đôi khi vẫn hơi rườm rà nên nếu muốn tốc độ phản hồi nhanh hơn nữa, bạn có thể chuyển hết về mức 0,5x.

Tăng tốc độ phản hồi bằng cách chỉnh tỷ lệ hình động về mức 0,5x

Với game nặng, Nokia 8.1 cũng thể hiện tốt, từ Dead Trigger 2, Warhammer 40.000: Freeblade, những tựa game có đồ họa thuộc hàng đầu bảng trên Android hiện nay được xử lý trơn tru ở mức thiết lập đồ họa cao nhất. FPS trung bình luôn ở mức 60 với độ ổn định khung hình lên tới 97%.

Với các tựa game online phổ biến như Liên Quân Mobile, 8.1 không gặp khó khăn nào, game dễ dàng chạy mượt mà ở mức 58 FPS với độ ổn định 94% cũng ở mức thiết lập đồ họa cao nhất.

Với game tối ưu kém như PUBG Mobile, 8.1 vẫn bị khóa ở mức 30 FPS dù đã thiết lập đồ họa cao nhất, bù lại là độ ổn định tốt lên tới 99%, gần như không hề có hiện tượng giật lag. 

Hệ điều hành Android 9 nhiều điểm mới

Vẫn tiếp tục tham gia vào chương trình Android One của Google nhưng Nokia 8.1 đã được cài sẵn Android Pie 9.0 mới nhất hiện nay. Thay đổi dễ nhận thấy nhất trên Android 9 là phím Đa nhiệm quen thuộc đã bị lược bỏ đi, chỉ còn lại phím Home và phím Back.

Nokia 8.1 là một trong những smartphone chính hãng tầm trung đầu tiên tại Việt Nam được cài sẵn Android Pie 9.0 từ khi xuất xưởng

Phím Home nay đã được tích hợp thêm các thao tác cử chỉ gần giống với iPhone X như trượt ngang để chuyển nhanh giữa các app đang mở, trượt lên để mở giao diện đa nhiệm, truy cập nhanh thanh tìm kiếm cùng các app hay sử dụng cũng như mở danh sách các ứng dụng đã cài đặt trên máy.

Nhìn chung, các thao tác cử chỉ trên Android 9 khá tiện lợi và phù hợp với xu thế chung hiện nay. Tuy nhiên, việc Google vẫn cố giữ lại phím back mà không chuyển sang các thao tác vuốt vẫn gây ra nhiều bất tiện trong quá trình sử dụng. Đồng thời, màn hình bị chiếm dụng một phần đáng kể cho 2 phím điều hướng.

Một tính năng đáng chú ý khác mới xuất hiện trên Android 9 là Digital Wellbeing (tạm dịch: Sức khỏe kỹ thuật số) giúp bạn có thể "cai nghiện smartphone" phần nào và hạn chế việc suốt ngày "cắm mặt" vào màn hình điện thoại. Tính năng này sẽ thống kê chi tiết việc bạn đã dành bao nhiêu thời gian cho chiếc smartphone của mình đi kèm các thông tin chuyên sâu về số lần mở khóa máy, số thông báo đã nhận và cả thời gian sử dụng cụ thể cho từng app. Nhờ thế, bạn có thể biết chính xác mình đã tốn bao nhiêu thời gian cho việc lướt Facebook, "buôn dưa" trên Messenger hay "đắm chìm" với YouTube, Chrome, Liên Quân, PUBG...

Tính năng Digital Wellbeing giúp người dùng "cai nghiện" smartphone

Digital Wellbeing cho phép đặt giới hạn thời gian sử dụng cho từng app và khi chạm mốc đặt trước, biểu tượng app sẽ chuyển sang màu xám đồng thời app cũng bị khóa lại để bạn có thể quyết tâm "cai nghiện". Tính năng này cũng là một công cụ hữu ích để các bậc phụ huynh quản lý chi tiết thời gian sử dụng smartphone của con em mình.

Ứng dụng sẽ bị khóa lại và chuyển sang màu xám khi chạm mốc thời gian đặt trước

Việc sử dụng Android One giúp Nokia 8.1 có được giao diện và các tính năng gần nhất với Android gốc, không có bất cứ một phần mềm "rác" nào xuất hiện. Vấn đề lớn nhất của Android gốc là việc gần như có rất ít tùy biến từ nhà sản xuất tuy nhiên Google cũng đã mang tới một số thay đổi như cho phép tinh chỉnh hình dáng của các biểu tượng ứng dụng theo nhiều phong cách khác nhau, bổ sung thêm giao diện tối ở thanh thiết lập nhanh...

Ngoài ra, Nokia có một số bổ sung nhỏ như cho phép nhấp đúp để bật sáng màn hình, vuốt cảm biến vân tay để xem thông báo, nhấn nút nguồn 2 lần để mở nhanh máy ảnh, xem nhanh nội dung tin nhắn ngay cả khi màn hình tắt hay nhấc điện thoại lên để xem các thông báo dạng như Always On Display, ...

Một số tính năng được Nokia bổ sung vào 8.1

Màn hình thông báo dạng Always On Display sẽ hiện lên mỗi khi nhấc máy

Đọc tin nhắn và tương tác trực tiếp ngay cả khi màn hình đang tắt

Bên cạnh việc sử dụng cảm biến vân tay ở mặt sau để mở khóa máy với độ nhạy cao, người dùng còn có tùy chọn khác là mở khóa bằng khuôn mặt thông qua camera 2D phía mặt trước. Tính năng này thực chất là một phần của Android 9 và bị giấu khá kỹ trong mục Smart Lock. Trải nghiệm cho thấy tốc độ mở khóa khuôn mặt của 8.1 khá chậm và tính năng này cũng không hoạt động trong đêm tối do không tự kích sáng màn hình lên.

Tính năng mở khóa khuôn mặt của Nokia 8.1 hoạt động chậm, độ bảo mật thấp

Thời lượng pin thấp hơn kỳ vọng

Với viên pin 3500 mAh, đồng thời được trang bị vi xử lý Snapdragon 710 thế hệ mới 10nm, Nokia tự tin tuyên bố thời lượng pin của 8.1 có thể lên tới 2 ngày. Thực tế sử dụng cho thấy, để đạt được con số đó, bạn sẽ phải hết sức chắt chiu.

Trong gần 2 tuần trải nghiệm chiếc smartphone này, tôi thường chỉ đạt được khoảng 1 ngày sử dụng với cường độ trung bình, chủ yếu lướt web, Facebook, chụp ảnh, thi thoảng test game. Thời gian sáng màn hình (on screen) thường vào khoảng 6 – 7 tiếng ở độ sáng 50%, có bật tính năng tự động điều chỉnh độ sáng theo môi trường.

Các bài test pin tiêu chuẩn của VnReview cũng cho thấy thời lượng pin của Nokia 8.1 chưa ấn tượng, gần như tương đồng với người anh em Nokia 7 Plus (Snapdragon 660, pin 3800 mAh).

Thời gian xem liên tục một bộ phim HD ofline, độ sáng màn hình 70%, âm lượng 70% qua tai nghe, tính từ lúc 100% pin đến 10% pin

Thời gian chơi game giả lập qua phần mềm GFX Bench, độ sáng màn hình 70%, tính từ lúc 100% pin đến 10% pin

Thời gian lướt web liên tục bằng Chrome, độ sáng màn hình 70%, tính từ lúc 100% pin đến 10% pin

Điểm sáng ở Nokia 8.1 là máy có hỗ trợ sạc nhanh và có sẵn củ sạc nhanh đi kèm trong hộp. Nokia không công bố sạc nhanh trên 8.1 đạt chuẩn nào mà chỉ nói công suất tối đa đạt 18W. Củ sạc nhanh đi kèm theo máy cũng không có logo Qualcomm Quick Charge nhưng các thông số về dòng ra (5V-3A, 9V-2A, 12V-1.5A) cho thấy nó tương với chuẩn Quick Charge 2.0. Khi sạc từ 0%, trong 30 phút đầu tiên, 8.1 lên được khoảng 43% pin, trong 1 tiếng máy lên mức 70% pin và đầy pin 100% trong khoảng 2 tiếng, chưa nhanh như kỳ vọng.

Củ sạc nhanh 18W đi kèm máy cho tốc độ sạc chưa tốt như kỳ vọng

Camera cho chất lượng tốt cả khi thiếu sáng nhưng tốc độ thiếu ổn định

Hệ thống camera trên Nokia 8.1 gây nhiều chú ý với camera kép sử dụng ống kính Zeiss gồm camera chính 12 MP, khẩu độ f/1.8,  kích thước cảm biến 1/2.55'', kích thước điểm ảnh 1.4um, có chống rung quang học (OIS), lấy nét pha kép (Dual Pixel), cùng với đó là camera phụ 13 MP nhưng lại chỉ đơn thuần để thu lại độ sâu trường ảnh, không phải camera tele, siêu rộng hay đen trắng. Camera kép lồi hẳn lên so với mặt lưng và khiến máy trông kém thẩm mỹ.

Camera kép sử dụng ống kính Zeiss lồi hẳn lên khỏi mặt lưng

Camera selfie cũng có độ phân giải lớn 20 MP, khẩu độ f/2.0, kích thước điểm ảnh 0.9um nhưng chỉ lấy nét cố định. Các tính năng quen thuộc trên những thiết bị Nokia tiếp tục xuất hiện như quay chụp, live stream từ cả 2 2 camera trước sau (Bothie, Dual-Sight), ghi âm âm thanh vòm với Nokia OZO, bên cạnh việc bổ sung thêm AI để nhận diện vật thể, tự động tối ưu thông số.

Phần mềm chụp ảnh của 8.1 không có nhiều thay đổi so với các thiết bị tiền nhiệm, vẫn gây khó hiểu và khó nắm bắt với khá nhiều biểu tượng không được chú thích rõ ràng. Các lỗi về dịch thuật như Watermark thành Thủy Ấn, nhiều mục vẫn còn nguyên tiếng Anh dù hệ thống đã chuyển sang tiếng Việt vẫn chưa được khắc phục. Hiệu năng của ứng dụng camera không ấn tượng: khi chụp ở chế độ Bokeh trực tiếp hoặc bật HDR, máy vẫn có độ trễ và phải chờ đợi giữa hai lần bấm chụp. Việc bấm đúp nút nguồn để mở camera cũng cho tốc độ chậm, thường làm lỡ mất khoảnh khắc.

Giao diện chụp ảnh chưa có thay đổi nào so với thế hệ trước

Chế độ chụp ảnh Chuyên nghiệp bị viết tắt thành CN khá khó hiểu

Chế độ chân dung xóa phông (Portrait Mode) cho camera trước bị dịch thành Chế độ Dọc

Lỗi dịch thuật ngô nghê Watermark thành Thủy ấn vẫn chưa được khắc phục

Dù đã chuyển giao diện hệ thống sang tiếng Việt nhưng trong cài đặt camera vẫn có những phần chưa được dịch hết

Với điều kiện ánh sáng tốt, ảnh chụp từ Nokia 8.1 cho độ nét, chi tiết tốt, tốc độ chụp nhanh, màu sắc tươi tắn, dải sáng rộng. Tuy nhiên, khi bật tính nắng tự động nhận diện cảnh vật dựa vào AI (Scene Detection), cân bằng trắng tự động đôi lúc không ổn định, bị ám hẳn sang màu xanh.

 

Ảnh tắt AI cho cân bằng trắng chính xác, gần với thực tế

Ảnh bật AI cân bằng bị sai lệch, ám xanh nặng

Cân bằng trắng cũng bị ngả xanh nặng trong bức ảnh này khi bật AI

Kết quả cân bằng trắng sai lệch tiếp tục xảy ra ở bức ảnh này. Có vẻ như khi phát hiện bầu trời, Nokia 8.1 đã đẩy màu xanh lên hơi quá đà.

Khi chụp trong điều kiện ánh sáng kém hơn, 8.1 vẫn giữ được nhiều chi tiết, màu sắc, cân bằng trắng chính xác, nhiễu được kiểm soát rất tốt, ảnh trong trẻo. Tốc độ màn trập thường xuống mức 1/25 hoặc 1/20 giây nhưng do có chống rung quang học nên ít bị rung, nhòe.

Ảnh tắt AI

Ảnh bật AI, màu sắc, tương phản và độ nét được đẩy lên khiến đĩa thức ăn trông nịnh mắt hơn

Ảnh tắt AI

Ảnh bật AI với thức ăn cho ra kết quả rõ ràng và dễ chấp nhận nhất

Chế độ chụp xóa phông mang tên Bokeh trực tiếp trên Nokia 8.1 cho ảnh xóa phông ổn, ít bị xóa lỗi. Máy chỉ xóa nhầm những chi tiết khó như tóc hoặc những chi tiết nằm trong phần "bao" của chủ thể nếu chọn mức xóa tối đa. Dù vậy, khác với Nokia 7 Plus, sau khi chụp xóa phông với 8.1, bạn không thể chỉnh sửa lại mức độ xóa mờ phông và điểm lấy nét.

Với camera trước, Nokia 8.1 cũng có tính năng giả lập xóa phông mang tên Chế độ dọc (!) nhưng không chỉnh sửa được mức xóa phông như camera sau. Ảnh selfie xóa phông cũng khá chuẩn, tuy nhiên xóa hơi mạnh nên nhìn có phần không tự nhiên.

Khi chụp selfie, bạn cũng có thể chọn chế độ làm đẹp hoặc HDR. Chế độ làm đẹp tự nhiên, giúp làm trắng và mịn da, nhưng không có các tùy chọn như thon mặt, gọn cằm, to mắt. Ảnh selfie của 8.1 có độ nét, chi tiết tốt nhưng thường bị lốp sáng, dải sáng kém.

Ảnh selfie thông thường

Ảnh selfie xóa phông

Ảnh selfie thông thường trong điều kiện thiếu sáng

Giống như Nokia 8 hay Nokia 7 Plus, Nokia 8.1 cũng được tích hợp công nghệ thu âm OZO Audio để ghi lại âm thanh chính xác, chân thực hơn khi quay phim. Trong trải nghiệm thực tế, máy ghi lại âm thanh rất rõ ràng, phát huy tốt khi quay các show ca nhạc với âm nhạc, tiếng ca sĩ nổi bật, loại bỏ tạp âm hiệu quả. Hình ảnh thu được khi quay video 4K cũng cho chất lượng tốt, độ nét, chi tiết cao, màu sắc sống động, chống rung hiệu quả. Tiếc là máy mới chỉ cho quay video 30fps mà thôi.

Video quay từ Nokia 8.1 ở chất lượng 4K 30fps có OZO Audio

Tổng kết

Trong một thị trường cạnh tranh khốc liệt như smartphone, nếu không kịp thích ứng với những xu hướng mới, bất cứ thương hiệu nào dù lớn đến đâu cũng bị đào thải. Nokia có lẽ là hãng thấm thía quy luật này hơn ai hết bởi họ đã từng một lần "ngã ngựa" với những chiếc Windows Phone.

Ở sản phẩm mới nhất là chiếc 8.1, Nokia cho thấy hãng đang trở lại ngày một mạnh mẽ. Dù là một sản phẩm với mức giá tầm trung nhưng model này lại sở hữu những tính năng của dòng smartphone cao cấp như màn hình chất lượng cao, camera chụp thiếu sáng ấn tượng, hiệu năng nhanh nhẹn và thiết kế với độ hoàn thiện, gia công tỉ mỉ.

Tất nhiên, với những khách hàng không thích tai thỏ, 8.1 vẫn khó lòng thuyết phục được họ ngay cả khi có thể vô hiệu hóa phần khuyết đỉnh này. Chất lượng loa và tai nghe là những điểm khiến những ai quan tâm nhiều đến âm thanh phải cân nhắc. Thời lượng pin và tính năng sạc nhanh của máy không tốt như kỳ vọng và camera selfie cần cải thiện nhiều hơn nữa để bắt kịp với phong trào "sống ảo" hiện nay.

Thành Đạt 

Chủ đề khác