VnReview
Hà Nội

Đánh giá Xiaomi Mi 9 sau ba ngày “ăn ngủ”: Yêu thôi, đừng cưới!

Ra mắt tại MWC 2019, Xiaomi Mi 9 giống như một món ăn thông thường trên một bàn tiệc thịnh soạn với smartphone gập Samsung Galaxy Fold, Huawei Mate X cho đến Nokia 9 PureView với 5 camera sau. Có thể đó là một món ăn ngon, nhưng người ta sẽ chỉ quan tâm đến khi đã thưởng thức hết những "cao lương mỹ vị".

Khi Apple chưa đổi mới, các hãng Android khác đang mặc sức sáng tạo trước sự chuyển mình của thị trường với smartphone gập, 5G, camera "than tổ ong", Xiaomi lại lựa chọn cho mình một nước đi an toàn với chiếc flagship Mi 9: không thay đổi nhiều về thiết kế, nâng cấp cấu hình bên trong để giữ mức giá thấp.

Đây không phải là điều gì mới mẻ, tất cả các hãng điện thoại đều từng làm điều đó. Tuy nhiên, khi tất cả hàng xóm đều đồng loạt mua xe mới, chiếc xe mới-nhưng-không-khác-gì-cũ của bạn sẽ bỗng nhiên bị "dòm ngó" hơn cả.

Chiếc Xiaomi Mi 9 của VnReview trong bài viết này là phiên bản xách tay, hiện có giá tham khảo tại cửa hàng MobileCity là 11,45 triệu đồng.

Thiết kế không mới, nhưng có "chỉn chu" hơn

Ấn tượng đầu tiên của tôi đối với Mi 9 là nó cho cảm giác cầm nắm tốt. Tuy vẫn có độ mỏng 7,6mm như đàn anh Mi 8 nhưng mặt lưng vát cong hai cạnh và phần khung kim loại của Mi 9 đã được Xiaomi hoàn thiện tốt hơn, giúp máy nằm gọn trong tay một cách thoải mái, chắc chắn.

Một điểm nhấn nữa về thiết kế của Mi 9 là màu sắc. Phiên bản mà tôi sử dụng có màu xanh đại dương, mặt lưng kính Gorilla Glass 5 đi kèm hiệu ứng với tên gọi đầy đủ là "holographic rainbow spectrum" (tạm dịch: quang phổ cầu vồng ba chiều), cho phép phản chiếu màu sắc tùy thuộc vào ánh sáng hay góc nhìn, trông khá độc đáo và lạ mắt.

Cụm camera lồi lên ngay cả khi đã dùng ốp

Tuy nhiên, mặt lưng cũng là nơi chứa đựng những nhược điểm lớn nhất về thiết kế của Mi 9. Trước hết, đó là cụm ba camera lồi một cách "quá đáng". Ngay cả khi tôi dùng ốp lưng mà Xiaomi tặng kèm trong hộp, cụm camera này vẫn lồi ra một khoảng khá lớn. Điều này không chỉ khiến máy bị "cập kênh" khi đặt xuống nền phẳng, mà mặt kính bảo vệ cụm camera cũng dễ bị trầy xước hơn.

Ngoài ra, mặt lưng của Mi 9 rất bám mồ hôi, và rất khó lau sạch. Màu xanh và hiệu ứng holographic còn khiến những vết mồ hôi dễ nhận thấy hơn. Vì vậy, dù muốn hay không, bạn cũng nên dùng ốp lưng tặng kèm của Xiaomi, nhất là khi Mi 9 chỉ vừa mới ra mắt và chưa có nhiều tùy chọn ốp lưng khác.

Nhờ được trang bị cảm biến vân tay trong màn hình nên Mi 9 không có cảm biến vân tay ở mặt lưng như đàn anh Mi 8 nữa. Đây là loại cảm biến quang học, có giá thành rẻ hơn và trên lý thuyết sẽ kém bảo mật hơn cảm biến siêu âm trên Galaxy S10 và S10+. Thực tế sử dụng, tôi thấy cảm biến hoạt động khá nhanh và chính xác, nhưng thỉnh thoảng phải ấn đến lần hai, lần ba để nhận vân tay. VnReview đã có video so sánh tốc độ cảm biến tay dưới màn hình dạng quang học của Mi 9 với vân tay trong màn hình dạng siêu âm của Galaxy S10, bạn đọc có thể tham khảo thêm.

Ngoại trừ màn hình, thứ mà tôi sẽ đề cập thêm ở phía dưới đây, thiết kế của Mi 9 về cơ bản không có sự khác biệt so với các đàn anh của mình. Máy vẫn có khay sim nano hỗ trợ 2 sim nhưng không hỗ trợ thẻ nhớ microSD, vẫn không có jack tai nghe 3.5mm. Bên cạnh trái của Mi 9 có nút bấm vật lý dành cho trợ lý ảo Mi AI của hãng, nhưng vì đây là phiên bản xách tay Trung Quốc nên tính năng này… vô dụng đối với tôi.

Màn hình vẫn đẹp, loa vẫn "tàm tạm"

Mi 9 được trang bị màn hình Super AMOLED kích thước 6.39 inch với thiết kế "giọt nước", độ phân giải Full HD+ (2340x1080 pixel), tỷ lệ màn hình/thân máy đạt 85,2%, bảo vệ bởi kính cường lực Gorilla Glass 6. Xiaomi cho biết Mi 9 có phần "cằm" chỉ dày khoảng 3,6mm, mỏng hơn 40% so với đàn anh Mi 8, cộng với thiết kế màn hình giọt nước nên diện tích sử dụng của Mi 9 rộng rãi hơn đáng kể.

Trong quá trình sử dụng, màn hình của Mi 9 đáp ứng tốt những nhu cầu giải trí như xem Youtube hay chơi game của tôi. Hỗ trợ HDR10 và không gian màu DCI-P3, cùng với tấm nền Super AMOLED của Samsung giúp Mi 9 thể hiện màu sắc tốt, sinh động.

Thông tin về chuẩn DRM mà Xiaomi Mi 9 hỗ trợ

Tuy nhiên, tôi là một "tín đồ" của Netflix, và đáng tiếc Mi 9 chỉ đạt chuẩn Widevine L3, tức không thể xem phim độ phân giải HD cũng như HDR trên ứng dụng này. Tin tốt là điều này có thể được khắc phục qua các bản cập nhật phần mềm (nếu Xiaomi thực sự muốn) vì Widevine L1 hoàn toàn miễn phí, nhưng dù vậy thì đây vẫn là một sự thiếu sót không đáng có.

Âm thanh chưa bao giờ là điểm mà tôi đánh giá cao ở Xiaomi dù ở bất kỳ phân khúc nào, và Mi 9 cũng không phải là ngoại lệ. Máy chỉ có loa đơn, âm lượng khá nhỏ, chất âm và độ chi tiết cũng không có gì nổi bật. Giống như Mi Mix 3, sự không tương xứng giữa âm thanh và màn hình ảnh hưởng đáng kể đến trải nghiệm giải trí.

MIUI phiên bản Trung Quốc là một rào cản lớn

Nếu như là vài năm trước, smartphone Xiaomi hàng xách tay sẽ rất hot tại thị trường Việt Nam. Với mức giá rẻ hơn, (thường) có hàng sớm hơn, người dùng chỉ việc cài đặt phiên bản MIUI quốc tế là máy sẽ không khác gì chính hãng. Tuy nhiên, với những chính sách mới từ Xiaomi, người dùng phải đợi hàng tháng trời để được "unlock" máy, thói quen này đã không còn quá phổ biến nữa.

Chiếc Mi 9 của VnReview hiện đang chạy phiên bản MIUI 10.2 China Stable trên nền Android Pie. Và với trải nghiệm của tôi trong những ngày qua, sử dụng MIUI phiên bản Trung Quốc quả là một "cực hình".

Lỗi font gây khó chịu khi sử dụng

Thứ nhất, đó là MIUI phiên bản Trung Quốc không hỗ trợ tiếng Việt. Đây không phải là vấn đề lớn đối với tôi, nhưng những người dùng không thành thạo có thể sẽ gặp khó khăn trước "ma trận" cài đặt của MIUI. Những phần hiển thị tiếng Việt, chẳng hạn như trong Facebook, Messenger,… đều bị lỗi font nhìn khá khó chịu.

Thứ hai, đó là có rất nhiều ứng dụng dành cho người dùng nội địa Trung Quốc được cài đặt sẵn. Tuy bạn có thể gỡ bỏ chúng, đây vẫn là những sự phiền toái nhất định. Ngoài ra, chợ ứng dụng Google Play Store và các ứng dụng của Google như Drive, Chrome,… đều không có sẵn, và bạn phải tải và cài đặt từ bên ngoài.

Cuối cùng, đó là sự "vô dụng" của những tính năng mới vì rào cản ngôn ngữ. Phím trợ lý ảo Mi AI không có tiếng Anh (phiên bản quốc tế sẽ tích hợp trợ lý ảo Google Assistant). Còn khi kích hoạt phím tắt bằng cách nhấn và giữ cảm biến vân tay khi mở máy, ở đó chỉ có tính năng thanh toán qua các ví điện tử Trung Quốc như AliPay hay WeChat. Không rõ đối với phiên bản quốc tế, tính năng này sẽ ra sao.

Hiệu năng mạnh mẽ, pin tạm đủ dùng

Mi 9 được trang bị Snapdragon 855, con chip mới nhất, mạnh mẽ nhất của Qualcomm ở thời điểm hiện tại, sản xuất trên tiến trình 7nm. Chiếc máy của VnReview sở hữu 6GB RAM/128GB bộ nhớ trong, theo tôi như vậy là thoải mái cho mọi nhu cầu sử dụng. Nếu chưa thỏa mãn, bạn có thể lựa chọn phiên bản RAM 8GB, nhưng sự khác biệt khi sử dụng sẽ khó có thể nhận thấy được.

Các thao tác như mở, load, chuyển đổi ứng dụng đều rất nhanh chóng, mượt mà trên Mi 9, từ tác vụ hàng ngày như lướt Facebook, Youtube cho đến chơi game nặng như PUBG Mobile, ARK: Survival Evolved, ngay cả khi ở thiết lập đồ họa cao nhất. Trong các bài benchmark quen thuộc, Mi 9 cũng cho điểm số rất cao, thuộc loại nhất nhì hiện nay.

Điểm AnTuTu đo hiệu năng tổng thể

Điểm GeekBench đo hiệu năng xử lý đơn lõi và đa lõi của CPU

Bài test Manhattan trong ứng dụng GFX Bench đo hiệu năng xử lý đồ họa của GPU ở độ phân giải Full-HD tiêu chuẩn (offscreen) và độ phân giải thực của màn hình (onscreen).

Tuy nhiên, có một vấn đề lớn là Mi 9 nóng lên rất nhanh khi chơi game, dù tôi thường xuyên sử dụng máy trong phòng điều hòa, điều mà tôi không gặp phải trên chiếc Mi 8 hay Mi Mix 3 trước đây. Nhiệt độ tỏa ra chủ yếu ở phần nửa trên mặt lưng của máy, nơi chứa con chip Snapdragon 855. Chưa rõ đây là lỗi phần mềm của Xiaomi hay do khả năng tản nhiệt của Mi 9 hoặc chính bản thân Snapdragon 855 đang có nguy cơ trở "Snapdragon 810 thứ hai" do vấn đề quá nhiệt, rất khó để khẳng định bởi chưa có nhiều smartphone chạy Snapdragon 855 được bán ra.

Một điểm nữa đáng chú ý là dường như khả năng đa nhiệm của Mi 9 rất kém nếu xét dung lượng 6GB RAM của máy. Thử nghiệm với hai máy khác là Galaxy S10 sở hữu 8GB RAMHonor V20 có 6GB RAM, Mi 9 đều tỏ ra thua kém trong khả năng đa nhiệm, phần lớn các ứng dụng đều phải tải lại khi thực hiện bài test.

Về pin, Mi 9 được trang bị viên pin 3.300 mAh, thấp hơn một chút so với Mi 8, và cũng khá thấp so với mặt bằng chung của flagship hiện nay. Tuy nhiên, với nhu cầu không quá lớn, chủ yếu là Facebook, Youtube và thỉnh thoảng "quẩy" vài ván Liên Quân Mobile hoặc PUBG Mobile, Mi 9 vẫn đủ đáp ứng một ngày làm việc của tôi.

Khi theo dõi bằng phần mềm AccuBattery, thời lượng pin on-screen của Mi 9 đạt gần 7 giờ 30 phút, cao hơn con số 7 giờ của Mi Mix 3 một chút, nhưng pin off-screen và thời gian sử dụng hỗn hợp (combined use) lại thấp hơn đáng kể. Thiết lập Always-on Display chỉ bật từ 6h sáng đến 24h, 4G/Wi-Fi luôn bật để kiểm tra tin nhắn và đồng bộ, Mi 9 tiêu hao khoảng 1,4% mỗi giờ khi tắt màn hình.

Mi 9 được trang bị tính năng sạc nhanh Turbo Charge của Xiaomi với công suất tối đa 27W, tương đương QuickCharge 4.0+ của Qualcomm. Máy cũng hỗ trợ sạc nhanh không dây tới 20W, là một trong những smartphone hỗ trợ sạc không dây công suất cao nhất hiện nay. Dù vậy, Xiaomi không tặng kèm đế sạc không dây như Mi Mix 3, chỉ có củ sạc nhanh có dây 27W. Do dung lượng pin không quá cao nên thời gian sạc đầy của Mi 9 rất nhanh, chỉ trong chưa đầy một giờ.

"Chiêu trò" mang tên 48MP

Mi 9 là chiếc smartphone đầu tiên của Xiaomi được trang bị cụm ba camera chính, do đó tôi cũng đặt khá nhiều kỳ vọng vào màn thể hiện của chúng.

Điểm qua về cấu hình, cụm ba camera của Mi 9 bao gồm:

- Camera chính 48MP, khẩu độ f/1.8, cảm biến 1/2" Sony IMX586, tiêu cự 26mm, điểm ảnh 0.8µm.

- Camera 12MP tele, khẩu độ; f/2.2, tiêu cự 50mm, cảm biến 1/3.4" Samsung S5K3M5, điểm ảnh 1.0µm.

- Camera góc siêu rộng 16MP, khẩu độ f/2.2, tiệu cự 16mm, cảm biến 1/3.0" Sony IMX481, điểm ảnh 1.0µm.

Cả 3 camera đều có thể lấy nét Laser hoặc theo pha, hỗ trợ quay phim 4K 60fps và quay siêu chậm Full HD 960 fps. Tuy nhiên, không camera nào hỗ trợ chống rung quang học (OIS).

Giao diện camera của Mi 9 về cơ bản không khác biệt quá nhiều so với những máy khác của Xiaomi, ngoại trừ biểu tượng kích hoạt camera góc siêu rộng và kích hoạt chế độ ảnh 48MP. Điểm bất tiện là Xiaomi không cho phép người dùng sử dụng thao tác vuốt hai ngón tay để kích hoạt nhanh camera góc siêu rộng, và tùy chọn ảnh 48MP cũng phải được kích hoạt trong phần cài đặt thay vì ở ngay giao diện chính.

Trong điều kiện đủ sáng, cụm ba camera của Mi 9 đã đáp ứng được kỳ vọng của tôi. Ảnh có độ chi tiết tốt, màu sắc tươi tắn, dải tương phản rộng, thể hiện độ sáng tốt. Máy vẫn được trang bị tính năng AI nhận diện khung cảnh thông minh, nhưng phần lớn thời gian thì tính năng này về cơ bản chỉ đẩy độ bão hòa màu lên để ảnh trông nịnh mất hơn, nên tôi thường bỏ qua.

Ảnh chụp 12MP (trên) và 48MP (dưới), không crop, chỉ resize cho vừa khung hình. Bạn đọc click vào ảnh để xem kích thước gốc.

Ảnh sau khi crop của chế độ 12MP (trái) và 48MP (phải). Bạn đọc click vào ảnh để xem kích thước gốc.

Mặc định, Mi 9 sử dụng camera tele để chụp xóa phông, nhưng người dùng có thể kích hoạt chế độ chụp toàn thân "Body mode" để chuyển sang dùng camera chính. Tuy nhiên, không rõ vì lý do gì mà giao diện chụp ảnh khi kích hoạt Body mode trở nên rất giật, lag, và máy mất 4-5 giây để xử lý ảnh. 

Ảnh chụp xóa phông bằng camera tele có chất lượng tốt hơn tôi kỳ vọng. Nền được xóa mịn, ít bị lẹm vào chủ thể, và ánh sáng cũng như màu da - tuy có hơi nịnh mắt một chút - vẫn đáp ứng đủ nhu cầu "sống ảo" của người dùng.

Tính năng chụp ảnh 48MP của Mi 9 và trước đây là Redmi Note 7, tôi có thể khẳng định chỉ là "chiêu trò" quảng cáo, không hơn không kém. Với nhu cầu sử dụng thông thường, chẳng có lý do gì để bạn cần phải chụp ảnh độ phân giải lên tới 48MP. Sự khác biệt giữa ảnh 12MP và 48MP của Mi 9 là rất khó nhận ra trừ khi bạn phóng lớn ảnh 100% và soi kỹ từng chi tiết nhỏ.

Khi chụp ảnh 48MP, máy mất tới 4-5 giây để xử lý ảnh, trong thời gian đó bạn không thể chụp ảnh hay chuyển sang chế độ khác. Ngoài ra, khi chụp ảnh ở chế độ này, tính năng AI và HDR cũng bị vô hiệu hóa, nên sự đánh đổi là quá lớn so với những lợi ích mà nó mang lại.

Ảnh camera góc siêu rộng của Mi 9 vẫn có độ méo nhất định, tùy vào cách sử dụng mà có thể tạo ra một góc nhìn độc đáo cho ảnh hoặc đơn giản là phá hỏng nó. Ngoài ra, góc siêu rộng của Mi 9 hẹp hơn một chút so với ảnh từ những chiếc smartphone có camera góc siêu rộng khác mà tôi từng trải nghiệm như Galaxy S10 hay Galaxy A9 (2018). Màu sắc ảnh khi chụp bằng góc siêu rộng vẫn giữ được độ tươi tắn nhưng độ nét và chi tiết của ống kính này kém hơn chút so với camera thông thường.

Lần lượt từ trên xuống: Ảnh chụp góc rộng - ảnh chụp thường 12MP - ảnh chế độ Night Mode - ảnh zoom quang 2x

Trong điều kiện thiếu sáng, Mi 9 cũng đã có những sự cải thiện nhất định so với các đàn anh như Mi Mix 3 hay Mi 8. Ảnh ít bị noise, thể hiện màu sắc ánh sáng tốt, nhưng chi tiết chưa cao, độ nét trung bình, một số trường hợp bầu trời xuất hiện ánh tím. Tính năng chụp thiếu sáng Night Mode cho thấy hiệu quả rõ rệt, khi các vùng sáng tối được cân bằng tốt, tách bạch rõ ràng, cho phép thể hiện nhiều chi tiết hơn dù tốc độ vẫn còn hạn chế, mất từ 2-3 giây để chụp.

Ở phía trước, Mi 9 được trang bị camera selfie độ phân giải 20MP, khẩu độ f/2.0, kích thước điểm ảnh 0.9µm. Không có camera phụ hỗ trợ xóa phông nhưng Mi 9 vẫn nhận diện chủ thể khá tốt, ít bị lẹm, và vẫn cho phép người dùng tùy chỉnh mức độ xóa phông sau khi chụp.

Tổng kết: Yêu thôi, đừng cưới!

Qua một thời gian ngắn sử dụng, tôi cảm thấy Mi 9 giống như một cô gái rất đáng yêu, đủ khiến người khác phải "mê mẩn" từ cái nhìn đầu tiên. Tuy nhiên, càng gắn bó lâu, tôi lại càng thấy những nhược điểm lộ rõ, chẳng hạn như phiên bản MIUI Trung Quốc khiến người dùng khổ sở, những tính năng mới không thực sự hữu ích như camera 48MP, trợ lý ảo hay thời lượng pin không quá ấn tượng, khả năng đa nhiệm kém,…

Vẫn sở hữu những điểm tốt như màn hình đẹp, hiệu năng khủng và mức giá cạnh tranh, nhưng Mi 9 vẫn chưa đủ để khiến tôi "thỏa mãn" và muốn cam kết lâu dài. Nhất là khi vẫn còn rất nhiều những "cô gái" khác ngoài kia khiến tôi rung động.

Hoàn Đặng

Chủ đề khác