VnReview
Hà Nội

Đánh giá Oppo Reno3 Pro: smartphone thửa riêng cho “tín đồ” sống ảo

Reno3 Pro có nhiều điểm mạnh, cả về thiết kế lẫn tính năng nhưng camera mới là điểm nhấn dành cho những tín đồ thích "sống ảo" có chấp nhận xuống tiền hay không.

Cùng với sự tiến bộ nhanh đến chóng mặt của công nghệ, ranh giới giữa phân khúc flagship cao cấp và cận cao cấp đang trở nên mờ nhạt hơn bao giờ hết. Những tính năng "xịn xò" như cụm camera đa ống kính, thiết kế tràn viền, màn hình Super AMOLED hỗ trợ HDR hay sạc siêu nhanh, vốn từng chỉ là niềm mơ ước, nay đã trở nên dễ tiếp cận hơn bao giờ hết.

Oppo Reno3 Pro là một trong số những cái tên mà tôi muốn nói đến. Chính thức ra mắt tại thị trường Việt Nam vào ngày 8/5 vừa qua cùng với người anh em Reno3 bản tiêu chuẩn, Reno3 Pro sở hữu tất cả những tính năng kia, và còn hơn thế nữa với việc là smartphone đầu tiên sở hữu camera selfie kép 44MP.

Oppo Reno3 Pro hiện đang được phân phối với mức giá 14.990.000 đồng nhưng đi kèm với nhiều ưu đãi hấp dẫn như trừ thẳng tới 2 triệu vào giá bán, tặng kèm tai nghe true wireless và ốp lưng phiên bản giới hạn – có thể nói vui rằng đây là một hình thức "mua bia kèm lạc". Máy có hai phiên bản màu là đen và trắng với một tuỳ chọn bộ nhớ duy nhất là 8GB RAM và 256GB bộ nhớ trong, không có màu xanh như Reno3, và nhân vật chính trong bài viết này của VnReview là phiên bản màu trắng.

Thiết kế hiền hoà hơn, không còn "vây cá mập"

Trước khi Reno3 Pro bản quốc tế ra mắt, Oppo có phân phối tại thị trường nội địa Trung Quốc chiếc Reno3 Pro 5G. Về cơ bản, ngoại trừ chia sẻ tên gọi, nó là một chiếc điện thoại hoàn toàn khác: Chỉ có một camera selfie, thiết kế màn hình cong "thác đổ", cấu hình phần cứng cũng khác, và có hỗ trợ mạng di động 5G.

Oppo Reno3 Pro bản quốc tế có thiết kế hiền hoà hơn, màn hình phẳng (trong bài viết mở hộp, tôi có đề cập rằng màn hình của chiếc smartphone này được bo cong rất nhẹ, nhưng sau khi xác nhận lại thì Reno3 Pro quốc tế có màn hình phẳng). Một số người có thể cho rằng Oppo đã bỏ lỡ cơ hội để Reno3 Pro nổi bật hơn so với các đối thủ, nhưng là một người đã sử dụng qua nhiều chiếc smartphone màn hình cong, tôi vẫn giữ quan điểm màn hình phẳng vẫn tốt cho trải nghiệm hàng ngày hơn.

Sau khi loại bỏ cụm camera "vây cá mập" trên chiếc Reno2 F năm ngoái, lần này Oppo đã chính thức đặt dấu chấm hết cho thiết kế này trên dòng Reno3. Đó là một thiết kế độc đáo, nhưng nó cũng tiềm ẩn một số vấn đề như bụi, nước có thể lọt vào máy hay độ bền về lâu dài của cơ chế thò thụt.

Trên Reno3 Pro, Oppo quyết định dùng thiết kế màn hình đục lỗ, và đây cũng là chiếc điện thoại đầu tiên được trang bị cụm camera selfie kép độ phân giải 44MP (camera chính, camera phụ đo độ sâu trường ảnh 2MP). Các cạnh viền được làm mỏng, phần "cằm" đã tiệm cận flagship, và viền nhựa bao quanh màn hình không còn nhô lên gây cấn tay khi vuốt như các máy giá rẻ. Bảo vệ màn hình là tấm kính cường lực Gorilla Glass 5.

Chọn cách đi khác với Realme, Oppo Reno3 Pro trang bị cảm biến vân tay dưới màn hình dạng quang học. Trong hơn một tuần sử dụng, tôi đánh giá cảm biến này có tốc độ nhanh, mở chính xác, khi vừa nhấc máy lên thì biểu tượng dấu vân tay cũng sáng lên để người dùng biết nên đặt ngón tay như thế nào. Oppo khuyến cáo ngay trong quá trình thêm vân tay là người dùng có thể kích hoạt thêm tuỳ chọn mở khoá bằng khuôn mặt hoạt động song song để mở khoá nhanh hơn nữa.

Được Oppo gọi là màu "trắng ngọc trai", nhưng tôi thấy mặt lưng của Reno3 Pro có tông màu xanh nhiều hơn, hiệu ứng chuyển màu gradient khá giống với chiếc Oppo A91. Không như phiên bản nội địa sử dụng kính Gorilla Glass 5, mặt lưng này của Reno3 Pro bản quốc tế là nhựa giả kính, các cạnh được bo cong 2,5D cho cảm giác cầm thoải mái. Máy có bám vân tay nhưng khó nhận ra, có thể đó là một lợi thế của phiên bản màu trắng.

Cụm camera sau của Reno3 Pro có tổng cộng 4 ống kính, camera chính được nâng cấp lên 64MP thay vì 48MP như bản nội địa Trung Quốc, cùng với đó là camera góc rộng 8MP, camera tele 13MP zoom quang 2X và camera đơn sắc đo độ sâu trường ảnh 2MP. Reno3 Pro cho khả năng zoom hybrid 20X, đó cũng là tính năng được Oppo nhấn mạnh trên cụm camera này với dòng chữ "hybrid zoom" bên cạnh cụm flash LED.

Reno3 Pro có đầy đủ các cổng kết nối cơ bản, gồm jack tai nghe 3.5mm (bên trong hộp cũng được tặng kèm tai nghe), cổng USB-C và dải loa đơn. Phần khung máy làm bằng nhựa nhưng không gây cảm giác ọp ẹp, lớp vỏ ngoài được mạ giả chrome tăng vẻ bóng bẩy, cao cấp. Ngoài ra, có bộ nhớ trong 256GB nhưng Reno3 Pro vẫn có khe cắm thẻ nhớ mở rộng riêng cùng hai sim nano.

Reno3 và Reno3 Pro được tặng kèm một ốp lưng phiên bản giới hạn lấy cảm hứng từ hoa sen của nhà thiết kế danh tiếng Prof. Jimmy Choo, OBE. Chiếc ốp có chất lượng hoàn thiện rất tốt, cứng và chắc chắn, tuy nhiên thiết kế và màu sắc (của cả ba chiếc ốp) đều phù hợp với người dùng là nữ giới hơn.

Màn hình đẹp, độ sáng rất tốt, có HDR

Reno3 Pro trang bị màn hình kích thước 6.4 inch độ phân giải Full HD+, tấm nền Super AMOLED Sunlight theo công bố của Oppo sẽ giúp cải thiện khả năng hiển thị ngoài trời. Trải nghiệm thực tế, Reno3 Pro cho chất lượng hình ảnh rất tốt, độ sáng cao – Oppo cho biết máy có thể đạt độ sáng tối đa lên tới 1200 nit – trong quá trình sử dụng gần như tôi không bao giờ phải đặt độ sáng quá mức 80%.

Bên cạnh đó, tấm nền màn hình của Reno3 Pro còn có độ phủ màu lên tới 100% DCI-P3, hỗ trợ HDR nên màu sắc rất sống động và chân thực, đặc biệt là khi xem các nội dung trên Netflix và Youtube. Máy cũng không bị lỗi hiển thị HDR như Realme 6 Pro và Redmi Note 9s, phần đục lỗ không gây khó chịu khi xem toàn màn hình. Về chất lượng hiển thị, tôi có thể khẳng định Reno3 Pro sánh ngang những điện thoại flagship hiện nay, có những khía cạnh thậm chí còn vượt trội hơn.

Tuy nhiên, màn hình của Reno3 Pro lại không có tần số quét cao 90Hz như bản nội địa Trung Quốc, một trào lưu đang ngày càng phổ biến. Tần số quét cao cho các trải nghiệm vuốt, cuộn mượt mà hơn, dù phải hy sinh thêm một chút thời lượng pin.

Về âm thanh, tuy chỉ có dải loa đơn nhưng Reno3 Pro vẫn được tích hợp công nghệ Dolby Atmos cải thiện âm lượng và độ trong trẻo. Ngoài ra, máy cũng có khả năng chơi nhạc hi-res 192k/96k.

Hiệu năng đủ dùng, mượt mà các tác vụ hàng ngày

Reno3 Pro được trang bị con chip Helio P95 của Mediatek, một bản nâng cấp nhẹ của Helio P90 trên chiếc Reno3. Trong tầm giá này, tôi sẽ kỳ vọng Reno3 Pro sở hữu con chip mạnh mẽ hơn, Snapdragon 765 như phiên bản nội địa Trung Quốc là hợp lý, tuy nhiên Helio P95 cũng có lợi thế của riêng mình là thời lượng pin rất tốt, điều mà tôi sẽ đề cập sâu hơn ở phần sau bài viết.

Điểm số của Reno3 Pro qua các ứng dụng benchmark phổ biến

Thử nghiệm với các tựa game quen thuộc thông qua phần mềm GameBench, Helio P95 khiến tôi ngạc nhiên nhất ở tựa game Liên Quân Mobile. Reno3 Pro có thể chơi ở thiết lập đồ hoạ cao nhất với fps trung bình lên tới 61, độ ổn định cao, trong khi con chip Snapdragon 720G không bật được tuỳ chọn cao nhất với cảnh báo "cấu hình không đủ để đáp ứng".

Chơi PUBG Mobile, Reno3 Pro bị khoá ở mức 30fps với thiết lập HD, 40fps với thiết lập mượt. Ưu tiên số khung hình, tôi thử nghiệm ở thiết lập mượt và Reno3 Pro đạt fps trung bình 40, tức tối đa, không có hiện tượng trồi sụt ở các cảnh cháy nổ hay súng đạn.

COD Mobile là tựa game đang rất được yêu thích hiện nay, và tôi quyết định thử nghiệm với Reno3 Pro. Trò chơi tự động thiết lập mức đồ hoạ trung bình, và Reno3 Pro duy trì ở ngưỡng 60 fps trong phần lớn thời gian chơi, ngoại trừ khi ở ngoài sảnh chờ và khi tải bản đồ thì tựa game tự đẩy xuống 30 fps để tiết kiệm pin.

Trong quá trình sử dụng thực tế, tôi không có phàn nàn gì nhiều về hiệu năng của Reno3 Pro, một phần vì nhu cầu của tôi cũng không quá cao. Lướt web, xem phim, cày rank Liên Quân Mobile, Reno3 Pro đều đáp ứng tốt, và 8GB RAM cho khả năng đa nhiệm quá đỗi thoải mái.

Giao diện ColorOS 7 sáng sủa, nền Android 10

Reno3 Pro được cài đặt sẵn Android 10 mới nhất cùng giao diện ColorOS 7. Lắng nghe ý kiến người dùng, giao diện này của Oppo lấy tông màu sáng làm chủ đạo, đề cao sự đơn giản thay vì "sặc sỡ" như trước. Máy có đầy đủ những tính năng quan trọng như màn hình Always-on, điều hướng toàn màn hình, chế độ nền tối toàn hệ thống tiết kiệm pin, giảm loá mắt,…

Tuy vậy, giống như Realme UI và các phiên bản ColorOS trước đây, Reno3 Pro vẫn được cài sẵn kha khá "bloatware", có thể kể một vài cái tên như Báo Mới, Zing Mp3,… Bạn hoàn toàn có thể gỡ chúng đi, nên đây cũng không hẳn là vấn đề gì quá to tát.

Pin "trâu" hơn mong đợi ở dung lượng, sạc nhanh 30W

Trang bị viên pin 4.025 mAh, ban đầu tôi không kỳ vọng nhiều về thời lượng sử dụng của Reno3 Pro, khi 5000 mAh đang dần trở thành tiêu chuẩn mới được các hãng hướng tới. Tuy nhiên, phát huy "truyền thống" của các dòng Reno trước đây, Reno3 Pro cùng con chip Helio P95 có pin rất tốt, cả trong các bài thử nghiệm của VnReview lẫn sử dụng thực tế. So với Reno2, thời gian pin khi xem phim và lướt web của Reno3 Pro được cải thiện đáng kể.

Thời gian xem phim liên tục, tính từ lúc pin đầy đến 10%, độ sáng 70%

Thời gian lướt web liên tục, tính từ lúc pin đầy đến 10%, độ sáng 70%

Thời gian chơi game liên tục, tính từ lúc pin đầy đến 10%, độ sáng 70%

Thời lượng pin của Reno3 Pro đủ để vượt qua một ngày làm việc, với Wi-Fi và 4G luôn bật, Bluetooth luôn bật để đồng bộ thông tin với đồng hồ, đến cuối ngày tôi vẫn còn khoảng 20-25% pin. Thời gian sạc cũng không phải là vấn đề với Reno3 Pro, khi máy tích hợp tính năng sạc nhanh VOOC 4.0 công suất 30W, theo đo đạc của tôi thì máy sạc 20 phút được 50% và đầy 100% trong 52 phút.

Camera là ngôi sao sáng nhất

Chất lượng camera luôn là thứ mà smartphone của Oppo được đánh giá cao, đặc biệt là camera selfie, và Reno3 Pro không khiến tôi phải thất vọng.

Về phần cứng, Reno3 Pro trang bị tổng cộng 6 camera, 4 phía sau và 2 phía trước. Cụm camera sau gồm camera chính độ phân giải 64MP, cảm biến ISOCELL GW01 mà chúng ta từng thấy trên Realme 6 Pro hay Samsung Galaxy M31, cùng với đó là camera tele 13MP zoom quang 2X, camera góc rộng 8MP và camera đen trắng đo độ sâu trường ảnh 2MP. Trong khi đó, cụm camera trước nằm trong phần đục lỗ gồm camera chính 44MP và camera phụ 2MP hỗ trợ xoá phông.

Trong điều kiện đủ sáng, Reno3 Pro cho ảnh no màu, giàu chi tiết, dải màu và tương phản được điều hoà tốt. Mặc định, ảnh sẽ được chụp ở độ phân giải 16MP, bạn có thể chuyển sang 64MP nhưng khi đó sẽ không thể dùng tính năng zoom.

Ảnh chụp thường (trên) và ảnh chụp Night Mode (dưới), bạn có thể thấy các cửa sổ phía sau ở góc trên bên phải đã hiện ra, ánh sáng cũng được kiểm soát hơn khi bật Night Mode

Ảnh chụp tự động (trên) và Night Mode (dưới), độ sáng và chi tiết đã được cải thiện

Khi thiếu sáng, Reno3 Pro vẫn cho nước ảnh khá, màu tươi không bị bệt, xử lý ảnh theo xu hướng giảm tốc độ màn trập, giữ ISO thấp nhất có thể, điều này khiến ảnh có ít nhiễu nhưng dễ bị mờ nếu rung tay. Máy có chế độ Night Mode và Ultra Dark Mode – chế độ này sẽ tự động kích hoạt khi nhận thấy trong cảnh chụp có quá ít ánh sáng. Về tổng thể, Night Mode sẽ kiểm soát chi tiết ảnh ở các vùng gần nguồn sáng, trong một số trường hợp có thể khiến ánh đèn kém lung linh đi một chút nhưng bù lại nhiều chi tiết hơn.

Từ trên xuống: Zoom 1x, zoom 2x, 5x và 20x

Zoom 20X (trên) và crop 200% từ ảnh độ phân giải 104MP (dưới)

Từ trên xuống: Ảnh chụp 16MP, 64MP và 108MP trong điều kiện thiếu sáng, thoạt nhìn thì chúng không khác biệt gì nhiều ngoại trừ ảnh 108MP cho cảm giác sắc nét hơn ở phần đỉnh tháp Rùa, cũng là điểm mà tôi chạm lấy nét

Reno3 Pro có khá nhiều lựa chọn khi bạn chụp ảnh đối tượng ở xa. Bên cạnh chế độ 64MP, Oppo còn tích hợp khả năng "upscale" bằng phần mềm để cho ra ảnh 108MP – chỉ có trong chế độ chuyên nghiệp – sau đó bạn có thể crop lại lấy vùng mình muốn. Với đối tượng gần hơn, zoom quang 2X, zoom hybrid 5X hoặc zoom số 20X có thể sẽ là lựa chọn hợp lý hơn.

Camera góc rộng của Reno3 Pro có xu hướng xử lý màu chân thực, không đẩy bão hoà màu như phần lớn máy hiện nay. Trong điều kiện thiếu sáng thì độ chi tiết ảnh bị giảm mạnh, có thể kích hoạt Night Mode cho camera góc rộng nhưng không cải thiện được nhiều.

Camera selfie của Reno3 Pro cho ảnh nịnh mắt, màu sắc tươi tắn, giàu chi tiết, tính năng làm đẹp vẫn giữ nét tự nhiên của chủ thể

Trong khi các thương hiệu khác đang mải miết đua số chấm trên camera chính, Oppo đã khơi mào một cuộc chơi mới với việc trang bị camera selfie độ phân giải lên tới 44MP cho Reno3 Pro, tiệm cận camera chính của nhiều máy hiện nay. Trong trải nghiệm thực tế, camera này đã cho thấy mình không chỉ có mỗi số chấm để "khoe" mà chất lượng ảnh cũng ở mức cao, trong gần như đủ mọi khía cạnh từ màu sắc, độ chi tiết, cân bằng trắng.

Ảnh xóa phông camera chính

Ảnh xóa phông camera selfie, trong điều kiện đủ sáng và thiếu sáng

Cả hai camera trước và sau đều có ống kính đo độ sâu trường ảnh hỗ trợ, vì thế ảnh xoá phông của Reno3 Pro tách bạch chủ thể tốt, ít bị lem nhem, phông nền được xoá mịn, tông màu nịnh mắt và có tự động làm đẹp nhẹ khi chụp chủ thể người nhưng vẫn giữ được nét tự nhiên.

Về video, Reno3 Pro được tích hợp tính năng Siêu chống rung 2.0, về cơ bản là hệ thống chống rung điện tử (EIS) giúp giảm tình trạng rung lắc khi quay video. Tôi có làm một video ngắn so sánh khi bật và tắt tính năng này, ngoại trừ việc video bị crop một chút thì Siêu chống rung 2.0 giúp hình ảnh được ổn định hơn đáng kể.

Tổng kết

Oppo Reno3 Pro nhấn mạnh vào hiệu năng của camera, thay vì chạy đua cấu hình như những cái tên khác, và đó có thể là một điều tốt, khi người dùng có những lựa chọn mới đa dạng hơn. Gaming là một phần quan trọng, nhưng nó cũng chỉ là một trong nhiều yếu tố quyết định để bạn lựa chọn nên mua chiếc smartphone nào. ;

Đúng, trong tầm giá này bạn có thể kể ra nhiều cái tên có cấu hình tốt hơn Reno3 Pro, nhưng với camera chất lượng cao, màn hình đẹp và thời lượng pin vượt mong đợi, không có nhiều lý do để bạn bỏ qua chiếc điện thoại này, đặc biệt nếu bạn là một "tín đồ" sống ảo.

Việt Hùng

Chủ đề khác