VnReview
Hà Nội

HTC One: chỉ thiếu một chút!

HTC One là điện thoại nổi bật nhất của HTC trong năm nay, với thiết kế hấp dẫn và nhiều điểm nổi bật về công nghệ. Đây cũng là niềm hi vọng của HTC trong tình cảnh hãng đang gặp nhiều khó khăn.

Có vẻ số lượng One sản xuất ra là không đủ so với nhu cầu của người dùng. Ở Việt Nam, chiếc điện thoại này cũng liên tục "cháy hàng", đặc biệt là phiên bản màu bạc mà chúng tôi tặng bạn đọc. Điều này cũng phần nào cho thấy sự quan tâm của người tiêu dùng đối với sản phẩm mới của HTC.

Thiết kế ấn tượng

HTC One: chỉ thiếu một chút!

Mô tả cấu trúc làm từ nhôm nguyên khối của HTC One. Ảnh: Anandtech

Thiết kế là phần ghi điểm đầu tiên trên One. "Đẹp nhỉ", "cầm thích thật" là những phản ứng thường gặp nhất mà những người bạn của tôi thể hiện khi cầm trên tay chiếc HTC One. Thay vì sử dụng chất liệu polycarbonate như những điện thoại của năm ngoái, vỏ ngoài của HTC One được chế tạo (cắt CNC) từ một tấm nhôm nguyên khối và sau đó một số bộ phận bằng nhựa được "nhồi" vào lớp nhôm đã cắt CNC, đem lại một thiết kế "không khe hở" ở lưng máy. Dù vậy, vẫn có những khe hở nhỏ ở phần đỉnh máy, có thể nhìn thấy bằng mắt thường.

HTC One: chỉ thiếu một chút!

Giữa mặt trước và viền máy có những khe hở nhỏ nhìn thấy được bằng mắt thường

Thiết kế vỏ nhôm của HTC One rất chắc chắn, tôi hầu như không cảm thấy được sự di chuyển của thân máy khi bóp vào hai cạnh hay dùng lực để vặn máy. Thiết kế này cũng đem lại vẻ ngoài rất sang trọng cho HTC One. Kết hợp với độ mỏng (9,3 mm) và nắp lưng máy hơi cong, HTC One đem lại cảm giác thoải mái khi cầm trong tay.

HTC One: chỉ thiếu một chút!

Với kích thước và độ mỏng của mình, HTC One đem lại cảm giác thoải mái khi cầm trên tay

Ở phiên bản màu bạc, hai thanh nhôm ở mặt trước của máy có màu trắng, tương phản và nổi bật so với màu đen của màn hình. Thanh nhôm phía trên khá đông đúc với hai cảm biến, các khe loa và máy ảnh mặt trước. One chỉ có hai phím cảm ứng gồm nút Home ở bên phải và nút Back ở bên trái logo HTC phía dưới màn hình. Đôi khi việc bấm vào nút Home hơi khó khăn, do nó không nằm ở chính giữa như thường thấy trên các điện thoại Android. Khe cắm Micro USB nằm ở cạnh dưới, nhưng không nằm ở chính giữa mà lại hơi lệch sang bên.

HTC One: chỉ thiếu một chút!

Nút bật tắt nằm ở đỉnh máy, đồng thời cũng là điểm đặt đầu phát hồng ngoại cho chức năng điều khiển TV. Khi đánh giá nhanh chiếc HTC One bản màu đen, tôi nhận thấy nút bấm này quá nông và khó bấm, nhưng trên chiếc One màu bạc này thì nút nguồn dễ bấm hơn. Hai nút điều chỉnh âm lượng có hoa văn vân giống như trên chiếc Butterfly. Do thiết kế nguyên khối nên khay SIM được đặt ở cạnh máy và phải mở bằng que chọc.

HTC One: chỉ thiếu một chút!

Nút nguồn đồng thời là đầu phát hồng ngoại để điều khiển TV

Mặc dù thiết kế của HTC One rất tốt, vẫn có một số điểm tôi chưa hài lòng. Chất liệu nhôm tuy khiến cho máy sang trọng, nhẹ và chắc chắn, nhưng lại làm cho máy trơn hơn. Nếu cầm máy khi tay đang khô, bạn nên cẩn thận để tránh làm rơi máy. Chất liệu nhôm cũng khiến việc in logo Beats ở mặt sau khó khăn hơn và trên một số diễn đàn đã có trường hợp bị bay mất logo này sau một thời gian sử dụng.

HTC One: chỉ thiếu một chút!

Logo Beats Audio có thể "biến mất" sau một thời gian sử dụng

Màn hình đẹp, loa nổi bật

HTC One: chỉ thiếu một chút!

Với màn hình 4.7 inch và độ phân giải Full HD, HTC One là điện thoại có mật độ điểm ảnh cao nhất hiện nay, lên tới 469 ppi. Tấm nền màn hình sử dụng công nghệ Super-LCD3, là bản nâng cấp so với Super-LCD2 trên One X. Các thông số này đều hứa hẹn chất lượng hiển thị rất cao.

HTC One: chỉ thiếu một chút!

Thực tế thì màn hình của One hiển thị rất tốt: màu sắc khá chuẩn, góc nhìn rất rộng, độ sáng tối đa cao và khả năng nhìn tốt dưới ánh nắng. Trong số các đặc điểm trên, có lẽ góc nhìn là điểm khiến tôi ấn tượng nhất trên One, ở các góc rất hẹp mà nhiều điện thoại khác đã "chịu thua", One vẫn có thể hiển thị màu sắc tốt.

Nếu chuyển sang sử dụng One từ một máy có màn hình dưới qHD trở xuống (960 x 540), chắc chắn bạn sẽ rất ấn tượng với độ mịn và nét của màn hình chiếc điện thoại này. Tuy nhiên nếu đã quen sử dụng các điện thoại màn hình HD (từ 1280 x 720 trở lên), những chiếc điện thoại màn hình Full HD, trong đó có One, sẽ không đem lại nhiều sự khác biệt về độ nét. Dù sao thì khả năng hiển thị của HTC One vẫn là rất tốt

Hai loa của chiếc điện thoại này, được đặt ở phía trên và dưới màn hình, nổi bật cả về ngoại hình lẫn chất lượng. Các thiết kế ban đầu của HTC M7 cho thấy cụm loa trước khá xấu, nhưng khi nhìn máy thực tế thì thiết kế này lại rất ổn.

HTC One: chỉ thiếu một chút!

Loa của HTC One thể hiện rõ các hiệu ứng đa kênh

HTC One là một trong số ít thiết bị được trang bị loa hai kênh (stereo) và âm thanh của chiếc điện thoại này khiến cho tôi rất ấn tượng. Âm thanh của nó rất lớn và hiệu ứng đa kênh có thể thấy rõ khi xem phim, hoặc nghe những bài hát mà âm thanh của hai loa có sự tách biệt. Khi nghe bài hát "Whote Lotta Love" của Led Zeppelin, tôi thật sự có thể cảm thấy âm thanh "chạy" qua lại giữa hai kênh trái – phải ở đoạn giữa của bài hát. Tất nhiên âm thanh của HTC One không thể so với những dàn loa máy tính hoặc tai nghe kha khá một chút, và tôi vẫn sẽ sử dụng tai nghe khi có nhu cầu nghe nhạc trong thời gian dài; nhưng cũng phải thừa nhận HTC One là điện thoại có loa ngoài tốt nhất mà tôi từng sử dụng.

Máy ảnh

HTC One: chỉ thiếu một chút!

Máy ảnh có lẽ là phần được chú ý nhất của HTC One, khi được gắn liền với cụm từ mới mẻ: Ultrapixel. Tôi đã có một bài viết cụ thể về các trải nghiệm với máy ảnh của HTC One, cả về phần cứng, phần mềm và chất lượng ảnh, bạn đọc có thể tham khảo ở đây. Còn để kết luận ngắn gọn, có thể nói rằng máy ảnh trên HTC One tốt, không phải xuất sắc nhất, nhưng tôi hài lòng với khả năng của nó, và rất hứng thú với những phần mềm bổ sung của chiếc điện thoại này.

HTC One: chỉ thiếu một chút!

Bộ sưu tập, một thành phần của HTC Sense 5.0, với tính năng Video Highlight rất đáng giá

Hiệu năng cao, pin đủ dùng

HTC One: chỉ thiếu một chút!

HTC One có cấu hình thuộc hàng "đỉnh" hiện nay

HTC One được trang bị hệ thống xử lý Snapdragon 600 của Qualcomm, với vi xử lý bốn lõi ở xung nhịp 1,7 GHz, 2 GB dung lượng RAM và đồ họa Adreno 320. Cấu hình của One thuộc vào những điện thoại mạnh nhất hiện nay, và điều đó thể hiện rõ trong các kết quả đánh giá hiệu năng.

HTC One: chỉ thiếu một chút!

Khi sử dụng thực tế, tất cả các thao tác trên HTC One – từ chuyển màn hình, mở ứng dụng, chơi game, xem phim hay lướt web đều rất mượt. Máy đáp ứng tốt những game khá nặng như Riptide, Asphalt 7 hay Dead Trigger. One cũng chạy tốt các phim Full HD mà tôi tải về trên mạng, không hề giật hay bị lệch hình/tiếng. Tuy nhiên do dùng vỏ nhôm, dẫn nhiệt tốt nên đôi khi One hơi nóng khi chạy các game nặng.

HTC One: chỉ thiếu một chút!

HTC One đủ mạnh để chơi tốt những game nặng trên Android

Bên cạnh hiệu năng, một vấn đề cũng được quan tâm là thời gian sử dụng pin. Để có thời gian sử dụng pin dài, cần phải có sự cân bằng giữa hiệu năng, dung lượng pin và các yếu tố khác. Pin của HTC One có dung lượng 2300 mAh, là loại pin liền. Con số này không quá ấn tượng với một chiếc điện thoại với một điện thoại có cấu hình mạnh, màn hình với độ phân giải cao, nhưng thực tế sử dụng cho thấy thời gian sử dụng pin của One cũng ổn và đủ dùng.

HTC One: chỉ thiếu một chút!

Sau gần một ngày sử dụng HTC One mới gần hết pin

Trong quá trình sử dụng, tôi luôn bật kết nối 3G, và sử dụng 3G khoảng 1 giờ mỗi ngày. Thời gian còn lại tôi nghe gọi bình thường, thỉnh thoảng lướt web qua kết nối WiFi, chơi game khoảng 30 phút, chụp ảnh và quay phim khá nhiều. Hàng ngày tôi rút sạc vào lúc 7 giờ sáng, và với cường độ sử dụng như vậy, thường thì đến 10 giờ tối máy vẫn còn khoảng 20% pin. Như vậy pin của HTC One đủ để dùng ở mức độ vừa phải trong một ngày, đủ đáp ứng yêu cầu của tôi.

Phần mềm: còn những hạn chế

HTC One: chỉ thiếu một chút!

BlinkFeed là bổ sung đáng chú ý nhất trên Sense 5

HTC One không sử dụng phiên bản Android mới nhất (máy cài sẵn Android 4.1.2), nhưng là thiết bị đầu tiên của HTC được trang bị phần mềm Sense 5. Nhiều đặc điểm hình ảnh đã được cải tiến trên Sense 5, như phông chữ dễ nhìn hơn, màn hình mở khóa đơn giản hơn, danh sách ứng dụng kéo theo chiều dọc, hay các biểu tượng theo hướng tinh giản.

Thay đổi lớn nhất của Sense 5 có lẽ là BlinkFeed, một giao diện hiển thị tin tức ở màn hình chính, được sắp xếp theo các ô. Bên cạnh các trang tin, BlinkFeed còn hiển thị các cập nhật ở mạng xã hội.

HTC One: chỉ thiếu một chút!

BlinkFeed cho phép lựa chọn khá nhiều nguồn tin, nhưng lại không có nguồn tin tiếng Việt

Tuy có ý tưởng khá hay, BlinkFeed lại không thực sự hữu dụng, thậm chí đôi khi gây khó chịu. Ở chế độ mặc định, đây là màn hình đầu tiên hiện ra khi bạn bấm nút Home. Không phải lúc nào bạn cũng muốn nhìn vào một giao diện phức tạp, với quá nhiều thông tin. Thêm vào đó, bạn không thể đưa thêm các nguồn tin tiếng Việt vào BlinkFeed, khiến cho nó kém hấp dẫn hơn với người Việt. Theo đại diện của HTC thì hãng đang làm việc để cải thiện tình trạng này. Còn ở thời điểm hiện tại, nếu như không hài lòng với BlinkFeed thì giải pháp tốt nhất là cài đặt một launcher khác.

HTC One: chỉ thiếu một chút!

Hai nút cảm ứng của HTC One khiến tôi hay nhầm lẫn khi mới sử dụng

Với phiên bản Sense mới, cách bố trí nút cảm ứng của HTC One cũng thay đổi. Máy chỉ có hai nút cảm ứng là Home và Back, nằm ở hai bên của biểu tượng HTC. Thao tác để mở giao diện đa nhiệm là bấm hai lần vào phím Home, còn khi giữ phím này thì Google Now sẽ được kích hoạt. Việc bố trí phím như vậy khiến cho các ứng dụng của bên thứ ba thiếu đi nút Tùy chọn, và thường là một thanh đen rất to sẽ hiện lên các ứng dụng này, trông khá khó chịu.

HTC One: chỉ thiếu một chút!

Màn hình quản lý đa nhiệm của máy, hỗ trợ hiển thị 9 ứng dụng, đơn giản hơn hẳn so với Sense 4+ (bên phải)

Tôi cũng có một số vấn đề nhỏ khác với phần mềm của máy, như thỉnh thoảng bàn phím ảo tự động bị chuyển sang bàn phím tiếng Hindu, hay thanh thông báo không có các nút bật tắt nhanh kết nối. Vấn đề nút bật tắt có thể điều chỉnh bằng cách cài ứng dụng ngoài hay dùng các widget của HTC, nhưng còn vấn đề với bàn phím ảo thì tôi vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân.

Có khá nhiều phần mềm được cài sẵn trên HTC One, như Dropbox, Polaris Office hay SoundHound. Một trong những phần mềm hứa hẹn là TV, cho phép người dùng sử dụng kết nối hồng ngoại có sẵn trên HTC One để điều khiển TV, cũng như các dịch vụ truyền hình khác như Netflix. Tuy nhiên hiện tại ứng dụng này chưa hỗ trợ thị trường Việt Nam.

Kết luận: Còn thiếu một chút

Thật khó để không mong muốn sở hữu một chiếc HTC One, sau khi đã được cầm và sử dụng nó. Thiết kế tốt khiến cho tôi luôn cảm thấy thoải mái khi cầm chiếc điện thoại này, và kiểu dáng của nó cũng rất đẹp và gây ấn tượng. Hầu như mọi đặc điểm khác hiệu năng, máy ảnh, khả năng nghe gọi, hay chất lượng chụp ảnh đều tốt.

Tuy vậy, thành phần quan trọng nhất đối với trải nghiệm của một chiếc smartphone là phần mềm. Và ở mặt này, những nỗ lực của HTC chưa thực sự xuất sắc, nhất là đối với người dùng Việt Nam. Như đã nhắc lại nhiều lần, tôi rất thích những tính năng phần mềm về máy ảnh trên HTC One, nhưng Sense 5 và BlinkFeed lại chưa khiến tôi hài lòng.

HTC One là một chiếc điện thoại rất tốt, nhưng những vấn đề ở phần mềm khiến cho nó không thể trở nên tốt hơn. Hơi đáng tiếc, chỉ thiếu một chút nữa thôi là HTC One đã có thể tiệm cận với một chiếc điện thoại hoàn hảo!

Lê Anh

Chủ đề khác