VnReview
Hà Nội

Đánh giá Huawei Ascend G510

Ở phân khúc dưới 4 triệu đồng, chiếc Lumia 520 của Nokia bây giờ là thách thức lớn nhất trên thị trường. Các smartphone giá rẻ muốn cạnh tranh với sản phẩm của Nokia phải có một điểm đó gì vượt trội hơn và màn hình lớn hơn là cách nhiều nhà sản xuất lựa chọn.; 

Chiếc Huawei Ascend G510 vừa bán ra thị trường Việt Nam với giá 3,5 triệu đồng có màn hình khá lớn so với các smartphone cùng tầm giá, 4.5 inch, to hơn khá nhiều so với Lumia 520 (4 inch). Các thông số khác cũng ở mức tương đương hoặc gần bằng điện thoại của Nokia, như vi xử lý lõi kép 1.2GHz, RAM 512MB, camera 5MP, pin 1700 mAh và hệ điều hành Android 4.1 cũng là phiên bản khá mới.

Trong các điện thoại Android, chiếc smartphone này của Huawei cũng có các thông số hấp dẫn hơn các sản phẩm cùng tầm giá của các hãng lớn như Samsung, LG, HTC và Sony. Nó chỉ không hơn sản phẩm của các nhà sản xuất không phải là tên tuổi lớn trong thị trường smartphone như Lenovo, ZTE hay các sản phẩm mác Việt như FPT.  

Thiết kế

Hình thức của Ascend G510 nhìn chung không có gì đáng chú ý, nó trông na ná các sản phẩm cùng tầm giá của Lenovo, khá giống với Lenovo P700i, P770 và hai chiếc điện thoại FPT IV, V của FPT. Toàn bộ thân máy làm bằng chất liệu nhựa nhưng có cảm giác khá chắc chắn, không ọp ẹp. Các góc máy bo tròn và các cạnh ở lưng máy vát nên dễ cầm. Thêm nữa, vỏ nhựa phía sau có vân giúp tăng cảm giác bám tay.

Microphone nằm ở cạnh đáy máy

Thân máy dày 10mm và nặng 150g, kích cỡ ở mức chấp nhận được với smartphone cỡ lớn thuộc diện giá rẻ. Nắp lưng phía sau của máy tháo ra được để thay pin, lắp hai SIM kích cỡ thông thường và cắm thẻ nhớ ngoài. Thẻ nhớ ngoài có thể tháo lắp nóng được nhưng để lắp hai SIM thì phải tháo pin.

Các nút nguồn, âm lượng nằm bên cạnh trái

Các nút nguồn, chỉnh âm lượng và cổng micro-USB được đặt ở cạnh trái. Nếu cầm máy bằng tay phải, bạn sẽ cảm thấy bấm các nút này hơi bất tiện, không thoải mái được như bố trí chúng ở cạnh phải của máy. Tuy vậy, các nút này nổi và bấm nhẹ nhàng.

Máy được tích hợp công nghệ âm thanh DTS kiểu như Beats Audio trên các điện thoại HTC

Phía mặt sau của máy còn có logo của DTS, ám chỉ máy được tích hợp công nghệ âm thanh của hãng DTS của Mỹ. Người dùng có thể kích hoạt hoặc tắt chế độ âm thanh DTS trong phần thiết lập khi nghe nhạc hoặc xem video. Trong thử nghiệm thực tế, chúng tôi thấy bật chế độ DTS có tăng âm bass hơn một chút nhưng sự khác biệt không nhiều, rõ nét như chế độ Beats Audio trên các điện thoại HTC.  

Màn hình

Huawei Ascend G510 có màn hình IPS LCD 4.5 inch, cỡ khá lớn so với tầm giá của nó. Màn hình lớn là yếu tố quan trọng với những người thích lướt web, xem phim và chơi game trên điện thoại.

Độ phân giải của Ascend G510 cũng không phải quá tệ, 854 x 480 pixel và đạt mật độ điểm ảnh khoảng 218 ppi (ppi là điểm ảnh/inch). Xét về mật độ điểm ảnh, nó không sắc nét như chiếc Lumia 520 (235 ppi). Tuy vậy, chữ và hình ảnh hiển thị đủ tốt cho các nhu cầu sử dụng hàng ngày trên điện thoại. Chữ trên các trang web hiển thị dễ nhìn, không có vấn đề gì khi đọc trên máy hoặc cả khi xem hình ảnh trên YouTube và chơi game. Chiếc Lumia 520 của Nokia có ưu thế hơn về mức độ đen và sự sống động nhưng Ascend G510 có ưu thế là màn hình lớn hơn khoảng 25%.

Camera

Camera của máy không có đèn flash trợ sáng

Huawei Ascend G510 có camera chính 5MP và camera phụ độ phân giải VGA phía mặt trước. Chiếc camera chính không có đèn LED flash trợ sáng khi chụp đêm và chỉ có thể quay phim độ phân giải VGA (640 x 480 pixel), một điểm trừ so với các đối thủ cùng tầm giá như chiếc Lumia 520 hỗ trợ quay phim HD.

Ứng dụng camera cung cấp cho người dùng các lựa chọn về chế độ chụp (tự động, chân dung, ban đêm, tuyết, pháo hoa, ảnh nến…) và môi trường chụp (ban ngày, nhiều mây, nhiều sáng, đèn huỳnh quang…), cho phép điều chỉnh phơi sáng, ISO, kích thước ảnh (5MP, 3.2MP, 0.8MP hay 0.3MP) và chất lượng ảnh (gồm 3 mức: rất đẹp, đẹp và bình thường). Ngoài ra, bạn có thể áp dụng các hiệu ứng dụng tương tự Instagram cho các ảnh chụp.

Về chất lượng ảnh, nếu nhu cầu của bạn chủ yếu là để chia sẻ lên Facebook hoặc Instagram thì máy đủ đáp ứng. Ảnh chụp ở các môi trường ánh sáng thông thường có màu tự nhiên, ấm dù độ chi tiết không nhiều. Ảnh chụp ở môi trường ánh sáng thấp có hạn chế là không có đèn flash trợ sáng nên rất mờ.

Tốc độ chụp của máy cũng ở mức chấp nhận được đối với một máy giá rẻ, trung bình mỗi ảnh chụp mất khoảng 1 giây. Tuy vậy, khả năng tự lấy nét hơi kém, vì vậy người dùng sẽ phải tăng cường lấy nét mềm trực tiếp trên màn hình trong quá trình chụp.

Camera của Ascend G510 chỉ hỗ trợ quay phim độ phân giải VGA (640 x 480 pixel). Chất lượng camera cũng ở mức trên trung bình khá nhưng thua một số đối thủ như Lumia 520 ở khả năng quay phim độ phân giải HD.

Một số ảnh chụp và clip quay từ Ascend G510:

Ascend G510 chỉ quay được phim độ phân giải tối đa là VGA (640 x 480 pixel)

Phần mềm

Máy được cài sẵn phần mềm Android 4.1.1, phiên bản khá mới với smartphone giá rẻ. Đây là phiên bản Android cải thiện đáng kể hiệu năng hoạt động của điện thoại nhờ bổ sung được Google gọi là Project Butter. Ngoài ra, phiên bản này mang lại một số cải tiến hữu ích trên thanh thông báo như khả năng điều chỉnh nhanh các thiết lập hoặc thực hiện một số thao tác trực tiếp trên thanh thông báo như gọi lại cuộc gọi lỡ, trả hoặc lưu email hiển thị trên thanh thông báo…

Tương tự như các nhà sản xuất khác, Huawei đưa vào máy khá nhiều tùy biến riêng thông qua bộ công cụ và giao diện người dùng (skin) gọi là Emotion UI. Trong đó, thay đổi lớn nhất là việc bỏ khay danh mục ứng dụng. Tất cả các ứng dụng của Ascend G510 được trưng thẳng lên các màn hình chủ. Máy có tối đa 9 màn hình để người dùng hiển thị ứng dụng và các widget. Trung bình mỗi màn hình chủ hiển thị 16 icon ứng dụng. Trong trường hợp có quá nhiều ứng dụng, người dùng có thể nhóm các ứng dụng vào các thư mục riêng.

Bộ Emotion UI trên Ascend G510 còn cung cấp cho người dùng 5 chủ đề (theme – mỗi theme là một bộ giao diện riêng) để thay đổi cho đỡ nhàm chán. Thao tác chuyển đổi qua lại giữa các màn hình chủ cũng được Huawei bổ sung 8 hiệu ứng như xoay, lật qua, vặn… Một số người dùng có thể thích các hiệu ứng này nhưng lưu ý là sử dụng chúng có thể khiến máy tốn nguồn lực xử lý và hao pin nhanh hơn.

Bộ cấu hình nhóm các thiết lập phù hợp với nhu cầu ở từng thời điểm

Một thứ khá hữu ích nữa là các bộ cấu hình. Bộ cấu hình là nhóm các thiết lập trên điện thoại mà người dùng có thể tự tùy chỉnh cho phù hợp với nhu cầu của từng thời điểm khác nhau, ví dụ lúc họp, giờ đi ngủ hay lúc ở bên ngoài. Ngoài ra, Huawei cũng đưa vào máy một vài tùy biến khác như chế độ tiết kiệm pin, ứng dụng DLNA để chia sẻ với các thiết bị khác và ứng dụng "Trung tâm trợ giúp" hướng dẫn cách dùng điện thoại ở mức cơ bản.

Hiệu năng hoạt động và thời gian pin

Ascend G510 chạy trên bộ vi xử lý lõi kép Cortex-A5 xung nhịp 1.2GHz và RAM 512MB. Trên thông số, nó mạnh mẽ hơn các thành phần xử lý trên nhiều smartphone cùng tầm giá của các hãng lớn như chiếc Rhyme và Desire 200 vừa mới ra của HTC, Xperia E của Sony hay Optimus L5 II và Optimus L7 của LG.

Thông thường, các smartphone Android 4.1 hoạt động mượt mà nhờ vào công nghệ Google gọi là Project Butter, tối ưu hiệu năng và tốc độ xử lý các hiệu ứng đồ họa. Nhưng trong sử dụng thực tế, chiếc Ascend G510 không mượt như kỳ vọng, chỉ đáp ứng ở mức vừa phải với các công việc cơ bản trên điện thoại như chuyển đổi giữa các màn hình chủ, đóng và mở các ứng dụng, lướt web và chơi các game phổ thông như Temple Run, Angry Birds hay Riptide (game đua thuyền).

Máy cũng chơi tốt các phim độ phân giải VGA và mở được cả phim HD (720p) nhưng bị giật. Nếu so sánh, điện thoại của Huawei có trải nghiệm tương đương chiếc FPT IV ngoài trừ khả năng mở phim HD nhưng không mượt mà được như chiếc Lumia 520 của Nokia.

Màn hình lớn là ưu điểm của máy cho các công việc như lướt web, chơi game nhẹ

Tương tự như các smartphone Android giá rẻ, Ascend G510 có 4GB dung lượng bộ nhớ trong và chỉ còn hơn 1GB dành cho người lưu dữ liệu (ảnh, nhạc, phim và ứng dụng). Phần dung lượng bộ nhớ còn lại chưa đủ cài một game nặng như Asphalt 7, vì vậy quá trình sử dụng sẽ phải dựa chủ yếu vào thẻ nhớ ngoài. Khe cắm thẻ nhớ ngoài của máy có thể mở rộng lên tối đa 32GB.

Về thời gian pin, Ascend G510 sử dụng viên pin dung lượng 1.700mAh. Khi thử nghiệm xem phim, máy thể hiện rất ấn tượng. Chúng tôi mở đoạn giới thiệu (trailer) bộ phim Ion Man 3 ở độ phân giải VGA trong khi máy tắt các kết nối 3G, Wi-Fi, Bluetooth, độ sáng màn hình để 50% và âm lượng để ở mức 70%, máy chạy được tới 6h40 phút thì còn 10% pin. Đây là kết quả rất tốt.

Tuy nhiên, khi sử dụng bình thường, máy lại hao pin khá nhanh. Trong một ngày, chúng tôi sạc đầy vào lúc 7 giờ sáng, sau đó bật Wi-Fi để tự động nhận cập nhật email, Facebook và nghe nhạc trên máy khoảng 1h15 phút thì máy còn lại 85% pin. Tiếp tục xem YouTube khoảng 1 tiếng thì máy hao khoảng 20% và chơi tiếp 30 phút chơi game Temple Run OZ thì máy chỉ còn lại 35%. Như vậy, nếu sử dụng điện thoại ở cường độ khá và hay bật mạng để cập nhật email và Facebook tự động thì Ascend G510 sẽ không đủ dùng trong một ngày.

Kết luận

Huawei Ascend G510 không phải là smartphone có thiết kế đẹp nhưng có cảm giác chắc chắn, dễ cầm và bám tay. Máy có màn hình lớn hiển thị đủ sắc nét, camera không có đèn flash nhưng chất lượng ảnh khá đẹp khi chụp ở môi trường đủ sáng, hiệu năng hoạt động cũng ở mức chấp nhận được và hỗ trợ hai SIM. Chỉ có hạn chế đáng lưu ý nhất là pin của máy hao khá nhanh khi bật 3G/Wi-Fi để lướt web, xem YouTube và khi chơi game.

So với chiếc Lumia 520, Ascend G510 chạy không mượt mà bằng, thua ở khả năng quay phim HD và thương hiệu kém tin cậy hơn nhưng có ưu điểm là kích cỡ màn hình to hơn khoảng 20% và chạy hệ điều hành Android có nhiều ứng dụng hơn. Màn hình lớn vẫn tiếp tục là ưu điểm của máy khi so với các điện thoại Android cùng tầm giá của các hãng phổ thông như Sony Xperia E (3.5 inch), LG Optimus L5 II (4 inch), HTC Rhyme (3.7 inch) và HTC Desire 200 (3.5 inch).

Tuy vậy, nếu so với các thương hiệu sàn sàn với Huawei như Lenovo (có mẫu A706) hoặc các smartphone giá rẻ của FPT (FPT IV, FPT V), Hkphone (Revo HD IV) hay Mobistar thì ưu thế màn hình lớn của Ascend G510 không còn được duy trì, thậm chí điện thoại của Huawei còn yếu thế hơn nếu xét về sức mạnh vi xử lý và bộ nhớ RAM.

Nhìn chung, đây là lựa chọn đáng cân nhắc ở phân khúc giá dưới 4 triệu đồng, nhất là với những người thích một smartphone màn hình cỡ lớn để lướt web. Nhưng với những người thích điện thoại có thể chơi được cả game mạnh và xem được phim HD thì các máy của Lenovo hay FPT như đề cập ở trên sẽ có ưu thế hơn nhờ có RAM và vi xử lý mạnh hơn.

TP

Chủ đề khác