VnReview
Hà Nội

VnReview mổ smartphone đầu tiên của VNPT

Sau bài đánh giá chiếc VNPT Vivas Lotus S1, chúng tôi vừa tiến hành mổ điện thoại này để tìm hiểu chất lượng thiết kế, lắp ráp và cũng như nguồn gốc linh kiện bên trong máy.

Chiếc VNPT Vivas Lotus S1 là smartphone đầu tiên do VNPT Technology, một đơn vị thuộc tập đoàn VNPT, sản xuất tại Việt Nam. Có lẽ vì yếu tố này mà nó nhận được khá nhiều sự chú ý của người dùng trong nước khi được giới thiệu ra thị trường vào đầu tháng 9 với giá 3,9 triệu đồng. Nhưng đáng tiếc, sản phẩm đầu tay của VNPT thực sự không phải là chiếc smartphone hấp dẫn. Nó có thiết kế khá cục mịch, nặng và sử dụng cấu hình lạc hậu so với các sản phẩm trên thị trường hiện nay.

Sau khi đăng bài đánh giá chiếc VNPT Vivas Lotus S1, chúng tôi đã có dịp trao đổi với các lãnh đạo VNPT Technology để tìm hiểu thêm về việc sản xuất điện thoại này cũng như kế hoạch tương lai của VNPT ở lĩnh vực sản xuất smartphone.

Ông Huỳnh Song Trà, Phó TGĐ công ty VNPT Technology cho biết chiếc Vivas Lotus S1 được công ty bắt tay làm từ hơn 1 năm nay. Việc thiết kế chiếc điện thoại đầu tay này có sử dụng các thiết kế tham chiếu của nhà cung cấp giải pháp chip MediaTek. Các linh kiện bên trong máy được nhập khẩu từ các nhà cung cấp ở nước ngoài, sau đó các khâu như kiểm soát chất lượng linh kiện, lắp ráp và hoàn thiện đều được thực hiện tại Việt Nam. VNPT Technology đã đầu tư dây chuyền hàn linh kiện (SMT) và lắp ráp tại Việt Nam với năng lực lắp ráp khoảng 300 chiếc smartphone mỗi ngày.

Ông Trà chia sẻ việc sản xuất điện thoại tại Việt Nam ban đầu gặp nhiều khó khăn. Các công việc như lựa chọn và đàm phán với các đối tác cung cấp linh kiện đến việc nhập khẩu về Việt Nam đều mất nhiều thời gian. Việc nhập khẩu điện thoại nguyên chiếc về Việt Nam không mất thuế nhưng nếu nhập linh kiện để sản xuất ở Việt Nam ban đầu lại bị áp thuế, do vậy công ty phải mất vài tháng trao đổi với các cơ quan chức năng như thuế và hải quan để có chính sách thuế phù hợp với việc nhập khẩu linh kiện. Những khó khăn này dẫn đến việc sản xuất mẫu điện thoại đầu tiên Vivas Lotus S1 bị chậm, nên cấu hình phần cứng của điện thoại này khá lạc hậu so với các smartphone hiện nay.

Về phân khúc thị trường, ông Trà cho biết VNPT Technology hiện tại tập trung vào phân khúc giá rẻ do các phân khúc tầm trung và cao sẽ khó cạnh tranh với các hãng lớn đối với một nhà sản xuất mới. Dự kiến vào tháng 10-11 tới, công ty sẽ cho ra mắt thị trường 2-3 mẫu smartphone Android với cấu hình và thiết kế được cải thiện, thân máy gọn nhẹ hơn so với chiếc Vivas Lotus S1, trong đó có mẫu chỉ khoảng trên 2 triệu đồng.

Trở lại với bài mổ chiếc VNPT Vivas Lotus S1, quá trình mổ điện thoại này có nhiều nét tương đồng với chiếc FPT HD mà chúng tôi mổ vào tháng 5 vừa qua. Chúng tôi mất khoảng 1,5 tiếng cho việc tháo ra và lắp lại máy, trong đó tốn thời gian nhất là việc tháo và lắp các tấm bảo vệ chống nhiễu điện từ (EMI Shield) được hàn thẳng vào bo mạch tương tự chiếc FPT HD và các máy giá rẻ của HKPhone.

Thiết kế và lắp ráp

Qua quá trình mổ máy, chúng tôi nhận thấy chiếc VNPT Vivas Lotus S1 có thiết kế, lắp ráp và chất lượng linh không khác gì nhiều so với chiếc FPT HD và các smartphone giá rẻ của Hkphone chúng tôi đã từng mổ trước đây.

Mạch in của máy có thiết kế khá gọn gàng và nhỏ so;với kích thước của máy. Các tấm băng dán dùng để định vị các thành phần trên bo mạch với khung máy được cắt dán chuẩn và chuyên nghiệp. Tấm màn hình cũng rất dễ tháo do nó được gài vào khung máy chứ không sử dụng băng keo như các smartphone giá rẻ mà chúng tôi đã từng mổ. Máy cũng được lắp ráp chắc chắn với khung máy làm bằng kim loại magiê khá dày, vỏ mặt sau là loại nhựa PC cũng có chất lượng khá tốt và khuôn nhựa cũng được gia công chất lượng. 

Bo mạch của VNPT Vivlas Lotus S1 khá nhỏ gọn

Tuy vậy, định hướng tối ưu chi phí thể hiện rõ ràng trong quá trình lắp ráp điện thoại này. Cụ thể, nhiều thành phần gắn kết với bo mạch không dùng đầu nối (connector) mà được hàn thẳng vào bo mạch như nút nguồn, hai phím tăng giảm âm lượng và cụm 5 phím cảm ứng cảm ứng phía mặt trước màn hình. Việc hàn thẳng không dùng các connector sẽ giúp nhà sản xuất tiết kiệm chi phí nhưng sẽ khiến cho việc tháo lắp khó khăn và quá trình tháo lắp nếu không khéo sẽ làm đứt dây cáp flex nối các thành phần linh kiện với bo mạch. Các tấm chống nhiễu điện từ trên bo mạch cũng được hàn thẳng chứ không phải là kiểu mối gài nên việc tháo ra phải dùng tới máy khò nóng để làm lỏng lớp keo gắn các tấm chống nhiễu này với bề mặt của bo mạch.

Tháo các tấm chống nhiễu điện từ (EMI Shield) được hàn thẳng vào bo mạch cần dùng đến máy khò nóng

Nhìn vào bo mạch bên trong của Vivas Lotus S1 trông khá nhỏ gọn, chắc hẳn bạn sẽ tự hỏi tại sao điện thoại này lại cồng kềnh như thế? Từ các hình ảnh mổ, có thể dễ dàng nhận ra máy cồng kềnh là do các thành phần quyết định đến độ dày thân máy gồm lớp kính bảo vệ, tấm màn hình LCD, khung máy, tấm vỏ mặt sau đều dày hơn bình thường. Đặc biệt, cụm màn hình (gồm lớp kính bảo vệ, lớp cảm ứng gắn ở mặt sau tấm kính bảo vệ và tấm màn hình LCD) của chiếc Vivas Lotus S1 dày tới 4,5mm, trong đó tấm kính là 1,3 mm, tấm màn hình là 2,1mm và còn lại 1,1mm là khoảng trống khá lớn giữa hai thành phần này. Khoảng trống này không chỉ làm cho cụm màn hình trở nên dày hơn mà chất lượng hiển thị màn hình cũng bị suy giảm do ánh sáng đi qua bị phản xạ.

Các thành phần chính quyết định độ dày thân máy: kính bảo vệ tích hợp lớp cảm ứng (1,4mm), tấm màn hình LCD (2,1mm), khung máy (0,4mm), tấm vỏ nhựa mặt sau (1,1mm) và pin (4,4mm). Ngoài ra, giữa kính bảo vệ và tấm màn hình LCD có một lớp đệm mềm dày 1,1mm; giữa cụm màn hình với khung kim loại cũng có lớp đệm mỏng. 

Nguyên nhân sâu xa trong thiết kế cồng kềnh của chiếc Vivas Lotus S1 là do nhà sản xuất chưa tối ưu khâu thiết kế cơ khí. Có thể trong chiếc smartphone đầu tiên này, VNPT Technology đã không làm chủ được khâu thiết kế kiểu dáng cũng như thiết kế cơ khí của máy mà dựa trên thiết kế tham chiếu đã lỗi thời của MediaTek dành cho các điện thoại dùng chip MT6575 lõi đơn ra mắt vào đầu năm 2012.

Khi đã không làm chủ được các khâu trong quá trình thiết kế, nhà sản xuất sẽ khó có thể thay đổi được kiểu dáng cũng như các chi tiết cơ khí cấu thành máy. Nếu đúng là như vậy thì đóng góp của VNPT Technology ở điện thoại này chủ yếu nằm ở quá trình lắp ráp và hoàn thiện tại Việt Nam, một khâu mang lại giá trị gia tăng thấp trong quy trình sản xuất smartphone.

Linh kiện

Các linh kiện cơ bản của điện thoại này chủ yếu là sản phẩm của các hãng ít tên tuổi hoặc sản phẩm của hãng chuyên cung cấp cho các sản phẩm định hướng sản xuất giá rẻ, điển hình nhất là MediaTek – hãng bán dẫn của Đài Loan.

Nhiều linh kiện của MediaTek xuất hiện trên bo mạch của VNPT Vivas Lotus S1

Là sản phẩm sử dụng nền tảng của MediaTek nên không ngạc nhiên khi hãng này sở hữu tới 3 thành quan trọng bên trong chiếc Vivas Lotus S1. Đầu tiên là hệ thống vi xử lý tích hợp (SoC – System on Chip) MT6575 khá cũ, ra mắt đầu năm 2012. SoC này tích hợp bên trong nó một bộ vi xử lý lõi đơn 1GHz, nhân đồ họa GPU PowerVR SGX531 và một chip xử lý tín hiệu 3G. Hai thành phần còn lại của MediaTek ở điện thoại này là chip quản lý năng lượng và bộ truyền nhận sóng vô tuyến (RF Transceiver).

SoC MT7575A của MediaTek tích hợp một bộ vi xử lý lõi đơn 1GHz, nhân đồ họa PowerVR SGX531 và chip 3G

Chip quản lý năng lượng của MediaTek

Bộ truyền nhận sóng vô tuyến (RF Transceiver) của MediaTek

Ngoài ra, hai thành phần cơ bản khác của máy là chip tích hợp Wi-Fi 802.11 b/g/n, Bluetooth 2.1, FM và GPS (chip AcSiP của công ty Đài Loan AcSiP Technology) và cụm camera (camera 5MP phía sau và 0.3MP phía trước của công ty Trung Quốc SunWin) cũng đều là sản phẩm của những hãng ít tên tuổi.

Trong số các linh kiện cơ bản của điện thoại này thì chỉ có hai thành phần là bộ nhớ lưu trữ 4GB và RAM 512MB là sản phẩm của hãng có tên tuổi. Cả hai thành phần này được tích hợp chung trong module của Samsung nằm trên bo mạch với tên mã là Samsung KMN5U000ZM.

Module tích hợp 4 trong 1 (Wi-Fi, Bluetooth, FM và GPS) của hãng Đài Loan AcSiP thường được dùng trong các máy giá rẻ

Cụm camera trước và sau của công ty Trung Quốc SunWin, thương hiệu ít tên tuổi trong lĩnh vực camera cho thiết bị di động

Module tích hợp bộ nhớ lưu trữ 4GB và RAM 512MB của Samsung, tên tuổi lớn trên thế giới về linh kiện điện tử và sản xuất

Pin dung lượng 2200 mAh

Màn hình LCD của máy không để lại dấu hiệu rõ ràng nào để xác định được nguồn gốc xuất xứ. Khi chúng tôi tìm theo các thông tin lưu lại trên tấm màn hình, chỉ tìm thấy tấm màn hình LCD này được bán trên trang thương mại trực tuyến của Trung Quốc (phổ biến là trên trang Taobao) với giá khoảng 150 nhân dân tệ, tương đương khoảng 500.000 đồng.

Các thông tin trên màn hình không xác định được nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, nhưng có thể tìm thấy trên các trang web thương mại Trung Quốc 

Kết luận

VNPT Vivas Lotus S1 là smartphone giá rẻ có chất lượng vật liệu và lắp ráp khá chắc chắn nhưng khó tháo lắp và sửa chữa, nhiều chi tiết được hàn thẳng với bo mạch để tiết kiệm chi phí. Thiết kế của máy trông khá cục mịch và cồng kềnh do các chi tiết cơ khí không được tối ưu, đặc biệt là cụm màn hình và khung máy. Các linh kiện bên trong cũng sử dụng nhiều nguồn linh kiện từ các nhà cung cấp ít tên tuổi và các nhà cung cấp cho các sản phẩm định hướng giá rẻ.

Nhìn chung, trên sản phẩm này, VNPT Technology mới làm chủ thực sự được các công đoạn ở khâu lắp ráp và hoàn thiện ở Việt Nam, còn các công đoạn chiếm phần lớn giá trị gia tăng và quyết định khả năng tạo ra sự khác biệt ở sản phẩm là thiết kế kiểu dáng và thiết kế cơ khí thì công ty này chưa thể hiện được nhiều. Hy vọng VNPT Technology sẽ thể hiện được những điều này ở các mẫu smartphone sắp tới dự kiến ra mắt vào tháng 10 và 11 tới, nếu không thì những giá trị mà họ tạo ra ở những sản phẩm của mình chỉ là khâu đơn giản nhất của quy trình chế tạo smartphone chứ không làm chủ, hay nói chính xác hơn là không thực sự sản xuất được smartphone một cách hoàn thiện.

Bài liên quan:

Đánh giá điện thoại VNPT Vivas Lotus S1

BBT VnReview

Chủ đề khác