VnReview
Hà Nội

Đánh giá điện thoại Lenovo A516

Vừa qua, Lenovo đã giới thiệu một loạt điện thoại tại thị trường Việt Nam. Các mẫu điện thoại ra mắt lần này có tên gọi: A850, A516, A369i và A269i. Đây là những mẫu điện thoại thuộc phân khúc điện thoại phổ thông (dòng A-series) hướng đến đối tượng người dùng bình dân có nhu cầu sử dụng smartphone giá rẻ.

Trong bài viết dưới đây, chúng tôi đánh giá chiếc điện thoại Lenovo A516 – mẫu điện thoại nổi bật thứ hai sau mẫu Lenovo A850 thuộc nhóm sản phẩm ra mắt đợt này. So với mẫu Lenovo A850, mẫu A516 kém nổi bật hơn một chút với màn hình nhỏ hơn cùng thông số phần cứng thấp hơn. Mẫu máy này được trang bị màn hình IPS 4.5 inch, bộ vi xử lý lõi kép 1.3 GHz, bộ nhớ trong 4 GB, hỗ trợ khe cắm thẻ nhớ microSD, RAM dung lượng 512 MB. Thiết bị có camera VGA ở phía trước, một camera 5 megapixel ở phía sau, có hai khe sim và chạy hệ điều hành Android 4.2.2 Jelly Bean.

A516 sẽ được bán với giá khoảng gần 3 triệu đồng, và sẽ cạnh tranh với một số đối thủ như: Huawei Ascend G510, Nokia Lumia 520, VNPT Vivas Lotus S1….

Đánh giá điện thoại Lenovo A516

Lenovo A516

Thiết kế

Lenovo A516 mang đặc trưng của dòng máy giá rẻ với chất liệu thiết kế chủ yếu bằng nhựa và tổng thể nhìn đơn giản, quen mắt. Chiếc máy chúng tôi đánh giá có màu xám đen, khách hàng ưa màu sắc trẻ trung có thể lựa chọn phiên bản màu trắng hoặc đỏ.

Máy có độ dày 9,9 mm tương tự như mẫu điện thoại chúng tôi đã từng đánh giá là HTC Desire 500. Tuy nhiên nhờ cách phối hợp màu sắc và đường cong ở lưng, nếu nhìn từ bên ngoài vào thì chiếc HTC Desire 500 cho cảm giác mỏng gọn và mềm mại hơn hẳn so với A516.

Chạy xung quanh các cạnh của A516 là một khung thép nhỏ sáng bóng được thiết kế cách điệu vừa là khung đỡ vừa giúp máy nhìn sang trọng hơn. Ở phiên bản màu xám đen thì đường viền này gần như chìm vào tổng thể màu của máy nên nhìn không được nổi bật lắm, nhưng ở phiên bản trắng hoặc đỏ thì đường viền nổi bật hơn góp phần làm cho máy bớt đi sự đơn giản, cục mịch.

Đánh giá điện thoại Lenovo A516

Khung viền bằng kim loại, sáng

So với đối thủ đối thủ Huawei Ascend G510, các góc máy và các cạnh được bo tròn mềm mại hơn tạo cảm giác cầm máy ôm vào lòng bàn tay, không bị cấn tay. Mặt trước của hai chiếc máy có bố trí các nút cảm ứng cùng camera trước. Trên Lenovo A516, các phím cảm ứng lần lượt là "Back", "Home" và "Menu" được sắp xếp từ phải sáng trái. Tôi có thói quen hay cầm sử dụng điện thoại bằng tay trái, và thấy cách sắp xếp này không thực sự thoải mái.

Ở Lenovo A516, mặt sau ốp vào khung viền là lớp vỏ làm bằng nhựa phủ sơn nhũ bóng, tạo cảm giác hơi trơn khi cầm trên tay. Lớp vỏ này dễ bám vân tay nhưng cũng dễ lau sạch. Chiếc máy tỏ ra chắc chắn vì lớp vỏ nhựa khá cứng, cùng với các mối lắp ráp tương đối khít nên ấn vào mặt sau không bị cảm giác ọp ẹp, gõ vào thấy rất chắc chứ không lộp bộp như nhiều máy giá rẻ khác.

Đánh giá điện thoại Lenovo A516

Mặt sau

Camera chính của máy hơi nhô cao một chút so với bề mặt sau. Ở bên dưới tên thương hiệu Lenovo được gắn có vẻ không được chắc chắn cho lắm, sau một tuần sử dụng nó đã bị bong rộp lên mặc dù tôi sử dụng tương đối cẩn thận. Máy không có đèn flash, góp phần làm giảm chi phí. Góc phải phía dưới là các lỗ nhỏ nơi phát loa ngoài.

Cạnh trên có nút bật tắt nguồn ở chính giữa, gần đó là giắc âm thanh 3,5mm. Cạnh đáy có cổng microUSB, một lỗ nhỏ để thu tiếng nằm ngay sát viền màn hình, hai bên góc có hai khe nhỏ, khe phía bên phải để mở nắp pin, khe bên trái để xỏ dây đeo.

Đánh giá điện thoại Lenovo A516

Đánh giá điện thoại Lenovo A516

Cạnh trái máy không có nút cứng nào còn cạnh phải có nút tăng giảm âm lượng.

Đánh giá điện thoại Lenovo A516

Đánh giá điện thoại Lenovo A516

Màn hình

Lenovo A516 có màn hình kích cỡ 4.5 inch, độ phân giải 854 x 480 px với mật độ điểm ảnh là 217 PPI. Tuy nhiên sử dụng thực tế thì tôi thấy độ tương phản của chiếc máy này khá kém, màu sắc hiển thị nhợt nhạt. Mặt kính bảo vệ bên trên màn hình của A516 dường như được đặt hơi cao một chút so với tấm hiển thị khiến cho hình ảnh kém nổi bật hơn. Hiện tượng này đã từng được chúng tôi đề cập đến khi đánh giá chiếc điện thoại Lotus S1 của VNPT.

Đánh giá điện thoại Lenovo A516

Màn hình 4.5 inch

Độ sáng màn hình của Lenovo A516 chỉ ở mức trung bình, khi sử dụng trong nhà tôi luôn phải đặt ở mức cao nhất (nếu để chế độ tự động thì chế độ này cũng tự chỉnh về mức cao nhất). Với nhiều máy khác, tôi chỉ cần đặt ở mức 2/3 độ sáng cao nhất (khoảng 70%) là đã thấy đủ sáng. Ngoài ra góc nhìn của máy cũng không được tốt cho lắm, ở góc nhìn càng hẹp thì hình ảnh càng bị tối, màu sắc lúc này cũng có chút biến đổi.

Hiện tượng màn hình bị bóng lóa khi sử dụng là tương đối thường gặp trên điện thoại hiện nay, tuy nhiên máy bị bóng đến mức nào, và máy có công nghệ gì để giảm thiểu vấn đề đó thì cũng cần được nói đến. Đối với chiếc Lenovo A516 này, máy thường xuyên bị lóa khi sử dụng, đặc biệt khi sử dụng ngoài trời nắng sáng nên nhiều khi khiến tôi cảm thấy không thoải mái.

Nhìn bằng mắt thường sẽ không dễ nhận ra màn hình máy có chút ngả sang gam màu lạnh (xanh thẫm). Khi mở cùng một nội dung so với mẫu Lenovo A850, iPhone 4s thì sẽ thấy rõ hơn.

Đánh giá điện thoại Lenovo A516

Màn hình A516 (bên trái) hơi xanh hơn so với A850 (bên phải)

Chụp ảnh và quay phim

Máy ảnh chính của Lenovo A516 có độ phân giải 5.0 MP, ống kính khẩu độ 2.0, nhưng ảnh chụp bị thiếu sáng trong nhiều trường hợp. Mặc dù trong phần mềm chụp ảnh có tính năng điều chỉnh bù sáng, nhưng vấn đề này không cải thiện được nhiều. Tuy nhiên khi chụp với điều kiện ánh sáng tốt hay trời nắng thì chất lượng ảnh có lẽ đủ đáp ứng để chia sẻ qua mạng xã hội hoặc email.

Tốt nhất bạn không nên sử dụng tính năng zoom bởi camera của máy chỉ có khả năng zoom kỹ thuật số lên 4x, nhưng ảnh thu được khi sử dụng zoom sẽ bị vỡ và mất chi tiết nhiều. Một điều đáng tiếc nữa là máy ảnh không hỗ trợ khả năng lấy nét bằng cách chạm lên điểm tùy chọn trên màn hình, tôi xem đây là một thiếu sót lớn vì tính năng cơ bản này hiện đã có trên hầu hết các smartphone hiện nay.

Đánh giá điện thoại Lenovo A516

Camera mặt sau, không có đèn flash

Trong quá trình chụp ảnh, bạn cũng có thể kích hoạt một vài tính năng như: gán thẻ Geo Tagging dựa vào GPS, chế độ chụp ảnh tự động/ ban đêm/panorama, chụp khi mặt cười, điều chỉnh cân bằng trắng, hiệu ứng màu sắc… Ngoài ra tính năng chụp ảnh trên máy còn cho phép chụp liên tục 40 kiểu hoặc 90 kiểu ảnh, nhưng không có khả năng chọn ra bức ảnh đẹp nhất trong đó. Còn nếu muốn hẹn giờ tự chụp, người sử dụng có thể đặt 2 hoặc 10 giây.

Đánh giá điện thoại Lenovo A516

Máy ảnh phụ của máy có độ phân giải VGA 0.3MP, ngoài chức năng tự chụp bản thân khi cần thì camera phụ này không có gì đặc biệt.

Về quay phim, máy ảnh chính có khả năng quay HD với chất lượng khá tốt. Tính năng chống rung của máy khi được bật lên sẽ giúp máy giảm thiểu được khá nhiều rung lắc trong quá trình quay.

Nhìn chung camera của Lenovo A516 có giao diện đơn giản, dễ sử dụng. Chất lượng chụp không cao, chất lượng quay phim ở mức khá. Nếu muốn chụp ảnh ở không gian thiếu sáng, bạn sẽ gặp khó khăn vì chiếc máy này không có đèn flash. Đây là một nhược điểm của máy bởi flash đôi khi rất cần khi quay, chụp thiếu sáng, đồng thời có một tác dụng khác là thay chiếc đèn pin khi bạn về muộn hoặc muốn lấy đồ ở trong cốp xe khi không có nguồn sáng khác.

Về phần mềm xem ảnh, máy cho phép hiển thị với chế độ cuộn phim hoặc lưới. Ứng dụng xem ảnh có các mức hiển thị theo album, theo vị trí hoặc theo thời gian. Khi xem ảnh bạn có thể dễ dàng chỉnh sửa, cắt cúp và chia sẻ qua nhiều hình thức khác nhau: nhắn tin, Picasa, email, Facebook….

Dưới đây là một số ảnh chụp từ máy (bấm vào để xem ảnh gốc):

Đánh giá điện thoại Lenovo A516

Đánh giá điện thoại Lenovo A516

Ảnh chụp ngoài trời, khi trời có nắng. Ảnh sáng nhưng không sắc nét

Đánh giá điện thoại Lenovo A516

Ảnh chụp trong nhà, phòng khá sáng nhưng ảnh vẫn rất mờ

Đánh giá điện thoại Lenovo A516

Ảnh toàn cảnh (Panorama)

Phần mềm và tính năng

Lenovo A516 được cài sẵn hệ điều hành Android 4.2 Jelly Bean. Giao diện sử dụng của máy tương đối đơn giản, với các ứng dụng quen thuộc được tích hợp sẵn như Chrome, lịch, bản đồ, email, Google Maps, kho ứng dụng Google Play và YouTube. Máy cũng được cài sẵn ứng dụng văn phòng Kingsoft Office. Ngoài ra máy còn tích hợp sẵn một số tính năng thú vị như; tự tăng âm lượng chuông khi để trong túi, giảm chuông khi nhấc điện thoại lên, hay lắc điện thoại để tắt màn hình.

Máy có khả năng nghe nhạc với các định dạng WAV, AAC, AMR, MP3, FLAC, APE, OGG và chơi video định dạng 3GP, MP4, 3G2, MOV, H.264, H.263. Loa ngoài có chất lượng khá và được tích hợp khả năng khuếch đại âm thanh giúp cho âm lượng trở nên to hơn đáng kể (khoảng 2 lần) khi cần. Trong phòng rộng 20 m2 âm lượng đủ lớn để nghe rõ ràng, chỉ có một chút rè khi chỉnh âm lượng lên hết cỡ. Máy cũng hỗ trợ nghe đài FM với stereo và tính năng ghi âm FM.

Bộ nhớ trong của máy có dung lượng 4 GB, trong đó người dùng có thể sử dụng hơn 1 GB. Máy có khe gắn thẻ MicroSD, hỗ trợ tối đa thẻ 32 GB.

A516 cũng được cài đặt sẵn ứng dụng Lenovo Power, một chương trình quản lý pin dành riêng cho điện thoại Lenovo. Ở trong ứng dụng này, người dùng có thể xem chi tiết về việc sử dụng pin của các chương trình và phần cứng, cũng như lựa chọn, thiết lập các chế độ để tiết kiệm pin.

Đánh giá điện thoại Lenovo A516

A516 cũng có chức năng quản lý SIM tương tự như những chiếc điện thoại hai SIM khác. Người sử dụng có thể đặt tên từng SIM, thiết lập ưu tiên gọi, gửi tin nhắn, bật chế độ chuyển tiếp cuộc gọi nếu một SIM đang hoạt động hay kết nối dữ liệu, 3G từ một trong hai SIM. Kiểm nghiệm nghe gọi thực tế, máy cho kết nối cuộc gọi khá tốt, âm thanh khi nghe gọi rõ ràng, liên tục.

Hiệu năng hoạt động và thời gian pin

Lenovo A516 được trang bị hệ thống vi xử lý (System on Chip - SoC) MediaTek MT6572, chip lõi kép ARM Cortex-A7 tốc độ 1.3 CHz, GPU Mali-400 MP, RAM 512MB, bộ nhớ trong 4GB (còn khoảng 1,2 GB trống dành cho người dùng).

Về mặt thao tác trên màn hình cảm ứng khi sử dụng thực tế, chiếc máy tỏ ra chưa mượt mà, đôi khi phải vuốt một vài lần máy mới nhận. Máy đáp ứng được các công việc cơ bản trên điện thoại như chuyển đổi giữa các thành phần trên giao diện, lướt web, chơi các game phổ thông có đồ họa nhẹ và vừa phải như Temple Run OZ, Angry Bird Space, Kingdoms & Lords hay phát các đoạn phim HD 720p. Nhìn chung, do cấu hình bình thường nên máy xử lý tạm được nhưng không mượt. Khi thao tác nhanh, mở menu ứng dụng, cuộn trang hoặc chơi game nặng thì máy chạy hơi giật.

Đánh giá điện thoại Lenovo A516

Khi đo bằng các phần mềm đánh giá hiệu năng quen thuộc như Antutu và Quadrant, máy cho điểm số ở mức trung bình thấp. Cụ thể, máy đạt 3304 điểm khi dùng ứng dụng Quadrant, và 10762 điểm với ứng dụng AnTuTu.

Lenovo A516 sử dụng pin Li-Ion dung lượng 2000 mAh. Khi sử dụng thực tế, tôi nạp đầy pin cho máy, để độ sáng màn hình ở mức cao nhất, có kết nối Wi-Fi, âm lượng mức 60%, chơi game 30 phút thì hết 15% pin, xem tiếp đoạn phim ngắn 30 phút nữa mất 9% pin và lướt web trên mạng Wi-Fi 30 phút cũng mất 9% pin, tức còn 67% sau 1,5 tiếng chơi game, xem phim và lướt web. Sau đó, tôi để máy chờ không sử dụng khoảng 7 tiếng thì máy còn khoảng 50% pin. Như vậy, nếu nhu cầu sử dụng của người dùng ở mức cao hơn, chẳng hạn như lướt web, xem phim và chơi game tổng cộng khoảng 3 tiếng mỗi ngày, thì máy có thể đáp ứng đủ pin cho một ngày làm việc.

Khi thử xem phim HD liên tục bằng phần mềm MXPlayer với điều kiện tắt các kết nối 3G/Wi-Fi (để chế độ máy bay), thoát các ứng dụng không cần thiết, độ sáng màn hình ở mức 80%, âm lượng đặt ở mức 60% thì máy chạy được 5 tiếng 25 phút từ lúc đầy pin đến khi còn 1% pin. Khu vực nóng nhất là ở ngay dưới camera mặt sau, nhưng cũng không quá nóng.

Kết luận

Lenovo A516 hiện có giá bán lẻ là 2,89 triệu đồng. Máy đáp ứng được các nhu cầu cơ bản của một người dùng smartphone như có màn hình rộng để lướt web, xem phim, chơi được các game yêu cầu cấu hình trung bình ở hệ điều hành Android, hay chụp ảnh, quay phim để chia sẻ lên mạng xã hội.

Tuy nhiên, máy cũng chỉ đáp ứng được ở mức khá các tính năng ấy, chứ không có điểm nào thực sự nổi bật. Thiết kế của máy nhạt nhòa, khả năng hiển thị của màn hình lẫn khả năng chụp ảnh đều không tốt, và hiệu năng cũng không thuyết phục. Trong tầm giá dưới 3 triệu đồng, hãng Mobiistar có điện thoại Touch Lai 502 với màn hình lớn (5 inch) và độ phân giải cao hơn (960 x 540), còn Nokia cũng có điện thoại Lumia 520 đáng chú ý nhưng giá lại đắt hơn vài trăm ngàn. Các hãng lớn cũng có một số đại diện, như LG Optimus L5, Samsung Galaxy Young hay Sony Xperia E, nhưng những điện thoại này cũng không nổi bật hơn so với những sản phẩm kể trên.

Nhật Minh

Chủ đề khác