VnReview
Hà Nội

Đánh giá OPPO Find Way S

Gần đây nhiều người đã biết đến chiếc smartphone lai máy tính bảng (phablet) OPPO N1, nhưng phablet đầu tiên của nhà sản xuất điện thoại Trung Quốc OPPO bán ra thị trường là chiếc OPPO Find Way S chứ không phải là N1. Đây là chiếc phablet thuộc phân khúc tầm trung, vừa lên kệ với giá 8,69 triệu đồng.

Các smartphone Trung Quốc hiện nay vẫn được coi là những lựa chọn giá rẻ dành cho những người không có điều kiện mua sản phẩm của các nhà sản xuất Hàn Quốc, Mỹ và Nhật. OPPO là một trong số các công ty Trung Quốc muốn thay đổi tiếng xấu đó bằng việc ra mắt các sản phẩm tiên phong. Chiếc OPPO Find 5 là smartphone đầu tiên trên thế giới sử dụng màn hình Full-HD. Ngoài ra, nó còn sử dụng bộ vi xử lý tích hợp (SoC) lõi tứ xịn từ Qualcomm, RAM 2GB, camera 13MP dùng cảm biến của Sony và có thiết kế đẹp.

Chiếc OPPO N1 vừa ra mắt cũng là smartphone đầu tiên sử dụng camera xoay và là một trong số ít sản phẩm hiện nay có cảm biến ở nắp lưng. Bên cạnh việc ra mắt các sản phẩm sáng tạo, OPPO cũng rất biết cách thu hút sự chú ý của giới đam mê công nghệ. Mới đây, họ đã hợp tác với Cyanogenmod, đội phát triển ROM nổi tiếng nhất thế giới hiện nay. Chiếc OPPO N1 sẽ có hai phiên bản, trong đó có một phiên bản cài sẵn bản ROM của Cyanogenmod. Hợp tác này đã tỏ ra rất hiệu quả, sự kiện ra mắt chiếc N1 được báo chí quốc tế, đặc biệt là các báo công nghệ chú ý tương đương với các hãng lớn.

Tuy nhiên, ở phân khúc giá rẻ và tầm trung, các sản phẩm của OPPO không thu hút được sự chú ý như các máy cao cấp. OPPO không đi theo định hướng giá rẻ mạnh mẽ như các nhà sản xuất điện thoại Trung Quốc khác, chẳng hạn Lenovo hay Gionee. Mặc dù các sản phẩm giá rẻ và tầm trung của OPPO cũng sử dụng nền tảng của MediaTek nhưng các thành phần khác trên điện thoại như màn hình và camera đều được đầu tư nguồn linh kiện tốt, thiết kế cũng được chăm chút. Do đó, mức giá các sản phẩm ở phân khúc giá rẻ và tầm trung của OPPO không hấp dẫn như các máy Lenovo, Gionee hay Haier. Chiến lược này tiếp tục thể hiện rõ rệt trên chiếc OPPO Find Way S.

Chiếc Find Way S có màn hình lớn 5.5 inch, thuộc nhóm sản phẩm phablet (smartphone lai máy tính bảng). Máy được trang bị bộ cấu hình tương đối tốt với;bộ vi xử lý MediaTek lõi tứ 1.5GHz, RAM 1GB, bộ nhớ trong 16GB, camera chính 8MP sử dụng cảm biến Sony, camera phụ 5MP và viên pin dung lượng 3.000 mAh. Sản phẩm này có những điểm gì thuyết phục chúng ta bỏ ra 8,69 triệu đồng mua nó?

Thiết kế phần cứng

Không như Samsung áp dụng ngôn ngữ thiết kế chung cho các mẫu smartphone của mình, OPPO tạo ra thiết kế riêng cho từng dòng sản phẩm. Cái tên Find Way S có cảm giác như nó là phiên bản tiếp theo của chiếc Find Way bán ra hồi đầu năm nay nhưng thực tế không phải. Kiểu dáng thiết kế và kích thước của nó đều khác hẳn chiếc Find Way.

Find Way S có kích thước lớn so với chiếc Find Mirror (phía trên)

Find Way S là smartphone cỡ lớn, thân máy khá dày và trọng lượng cũng đem lại cảm nhận tương đối nặng khi cầm. Cụ thể, máy dày 9,67mm và nặng 185g. Kiểu dáng của máy trông khá mềm mại với các góc máy bo tròn, vỏ nhựa polycarbonate phía sau vát nhẹ và được sơn mịn giống chiếc Find Way giúp máy dễ cầm và không trơn tay. Đặc biệt, hai đường viền dọc phía màn trước màn khá mỏng giúp máy trông thanh thoát và đẹp hơn. OPPO Việt Nam cho biết sản phẩm này hiện chỉ có phiên bản màu trắng ngà, còn phiên bản màu đen sẽ ra mắt muộn hơn.

Sản phẩm hiện chỉ có màu trắng ngà, phiên bản màu đen sẽ được bán trong thời gian tới

Các phím và cổng kết nối của máy vẫn được sắp xếp ở những vị trí giống như các máy OPPO khác. Phím nguồn ở cạnh trái, âm lượng ở cạnh phải, cổng âm thanh nằm trên đỉnh máy và cổng sạc microUSB được đưa xuống đáy máy. Hai phím nguồn và âm lượng hoạt động nhạy nhưng khi sử dụng bằng một tay thì ngón tay bấm phải vươn khá vất vả do máy dài (152mm) và các phím này lại được đặt ở phía trên của các cạnh máy.

Tương tự như chiếc Find Way và Find Mirror, chiếc Find Way S sử dụng hai SIM thuộc loại SIM cỡ nhỏ (microSIM), bộ nhớ trong 16GB và không có khe cắm thẻ nhớ. Bộ nhớ trong của máy còn hơn 12GB dành cho người dùng, đủ với hầu hết người dùng. Tuy vậy, những người thích xem phim hoặc chơi các game nặng trên điện thoại thì dung lượng như vậy có thể hơi ít.

Phía trên màn hình có camera 5MP, loa thoại và hai cảm biến ánh sáng, tiệm cận ở bên trái

Phía dưới là các phím Menu, Home và Back

Camera 8MP, đèn LED flash trợ sáng và lỗ mic phụ ở bên cạnh camera dùng để chống ồn

Dưới khe loa một chấm nhỏ lồi lên nhắm giúp loa không bị che lấp ảnh hưởng đến âm lượng khi đặt máy lên các mặt phẳng như trên bàn. Nhưng trong thực tế, âm lượng bản nhạc hoặc phim vẫn bị nhỏ hơn khi khá nhiều khi đặt máy lên bàn.

Find Way S có thân máy dài trong khi các phím nguồn và âm lượng nằm sát trên đỉnh máy nên khi sử dụng một tay phải vươn các ngón khá vất vả  

Giắc âm thanh nằm trên đỉnh máy

 

Cổng micro-USB phía dưới đáy máy

Màn hình

Màn hình IPS LCD 5.5 inch của máy có độ phân giải 1280 x 720 pixel và đạt mật độ điểm ảnh 267 PPI, mức khá cao với một chiếc phablet tầm trung và sắc nét hơn các phablet cùng tầm giá của các hãng khác như Samsung Mega 5.8 (188 PPI). OPPO cũng trang bị cho màn hình của điện thoại này kính chống xước Gorilla Glass 2 và cảm biến ánh sáng để tự động điều chỉnh độ sáng màn hình theo ánh sáng môi trường.

Màu sắc của màn hình ngả nhẹ sang màu vàng nên gam màu hiển thị ấm và độ tương phản cao khiến hình ảnh trên màn hình trông rất đẹp mắt. Góc nhìn của màn hình cũng khá tốt, có thể thoải mái chơi các game đua xe (Asphalt 7 và 8) và đua thuyền (Riptide GP) cần nghiêng màn hình để điều khiển bởi mắc sắc chỉ bị thay đổi chút ít. Màn hình của máy có độ sáng khá tốt, nhỉnh hơn một chút so với chiếc Lumia 625 của Nokia. Tuy vậy, màn hình này có điểm hạn chế là bị bóng nên khi sử dụng ngoài trời sẽ khó nhìn hơn.

Camera

Find Way S sở hữu camera 8MP phía sau có đèn LED flash trợ sáng, ống kính khẩu f/2.0 và camera 5MP phía trước tương tự chiếc Find Way và Find Mirror. Cả hai camera này đều có thể quay phim độ phân giải Full-HD.

Ứng dụng camera được thiết kế theo định hướng đơn giản kiểu như iPhone. Các tùy chỉnh liên quan đến chất lượng ảnh như cân bằng trắng, ISO, chất lượng phân giải, độ sắc nét… đều bị lược bỏ và áp dụng cơ chế tự động. Người dùng chỉ có một số tùy chỉnh như tắt bật đèn flash, HDR, toàn cảnh (panorama), chế độ chụp ban đêm, thể thao và làm mịn ảnh (Beauty Plus).

Khi chụp ảnh bằng camera sau, máy mặc định chụp ở chất lượng 8MP ở tỷ lệ 4:3 với dung lượng khoảng 3MB mỗi ảnh và 6MP ở tỷ lệ 16:9 với dung lượng mỗi ảnh khoảng 2MB, còn quay phim thì có thể chọn quay giữa hai độ phân giải Full-HD hoặc HD. 

Tốc độ chụp camera của máy khá nhanh nhưng vẫn chậm hơn một chút so với chiếc OPPO Find Mirror, smartphone được chúng tôi đánh giá cao về khả năng camera. Các ảnh chụp thể hiện màu sắc khá tốt, màu sắc thể hiện chuẩn và độ bão hòa màu cân bằng. Độ chi tiết đạt mức chấp nhận được dù không phải là cao với chiếc camera 8MP. Tuy vậy, các ảnh chụp hay có hiện tượng hơi thừa sáng kể cả với ảnh chụp trong nhà và ngoài trời. Ở chế độ HDR, ảnh chụp cũng có sự cải thiện đáng kể, đặc biệt độ tương phản giữa các vùng tối và sáng.

Một số ảnh chụp từ máy ở tỷ lệ 16:9 và 4:3 (bấm vào ảnh để xem kích cỡ lớn hơn):

Ảnh chụp có bật HDR (bên phải) và không bật HDR (bên trái)

Ảnh toàn cảnh panorama

Camera trước 5MP cũng là điểm nhấn thú vị trên các smartphone của OPPO. Camera này có tốc độ chụp khá nhanh, ảnh có chế độ làm mịn da mặt (Beauty Plus) trông rất nịnh mắt. Các ảnh chụp chân dung từ camera trước có thể chỉnh sửa môi má hồng hơn, cằm nhọn hơn và thêm mi mắt hoặc áp dụng các hiệu ứng màu sắc kiểu như Instagram.

Phần mềm và các tính năng

Find Way S được cài sẵn phiên bản Android 4.2 cùng với giao diện người dùng và các tính năng riêng của OPPO tương tự như trên chiếc Find Mirror chúng tôi có bài đánh giá gần đây.

Ngoài những tính năng quen thuộc của Google dành cho các máy chạy hệ điều hành Android, nhà sản xuất OPPO bổ sung vào máy một số tiện ích như quản lý file, la bàn, ghi âm, đèn flash và đặc biệt là kho ứng dụng NearMe App được nhà sản xuất tập hợp nhiều ứng dụng phổ thông và cho phép người dùng cài đặt ứng dụng vào máy chỉ với một chạm.

Kho ứng dụng NearMe Apps của OPPO cung cấp khá nhiều ứng dụng phổ thông, có thể cài một chạm và cho phép gỡ cài các ứng dụng đã cài trên máy

Bên cạnh đó, các tính năng thú vị và hữu ích xuất hiện trên chiếc Find Mirror cũng có mặt trên Find Way S. Các tính năng này gồm hẹn giờ tắt bật máy; từ chối cuộc gọi đến bằng cách gửi tin nhắn theo mẫu tạo sẵn hoặc tự tạo; kết thúc cuộc gọi bằng cách bấm nút nguồn; chạm hai lần vào màn hình để mở khóa màn hình; lật úp máy để tắt chuông cuộc gọi đến; đưa máy lên tai để nghe luôn cuộc gọi không cần vuốt tay lên màn hình; màn hình luôn bật khi camera mặt trước phát hiện thấy khuôn mặt của bạn. Trong sử dụng thực tế, chúng tôi thấy các tính năng đều hoạt động tốt.

Find Way S được cung cấp khá nhiều tính năng thú vị

Hiệu năng hoạt động

Find Way S được trang bị bộ vi xử lý MT6589T của MediaTek. Đây là bộ vi xử lý mới của nhà sản xuất chip Đài Loan, có tốc độ cao hơn bộ vi xử lý MT6589 được dùng trên chiếc OPPO Find Mirror và Lenovo P780. Dòng chip lõi tứ MT6589 của MediaTek có 3 phiên bản MT6589, MT6589M và MT6589T. Trong đó, MT6589T là phiên bản mới có hiệu năng mạnh nhất, với bốn lõi xử lý 1.5GHz (hai phiên bản kia chỉ đạt 1.2GHz) và nhân đồ họa cũng có tốc độ cao nhất, 357 MHz (hai phiên bản kia có tốc độ 286MHz với bản MT6589 và 156MHz với bản MT6589M).

Sự khác biệt này có thể nhận thấy rõ trong kết quả đo điểm hiệu năng (benchmark). Find Way S đạt điểm hiệu năng cao hơn khá nhiều so với các smartphone sử dụng bộ vi xử lý lõi tứ MT6589 tốc độ 1.2GHz như OPPO Find Mirror. 

Trong sử dụng thực tế, máy đáp ứng đủ nhanh các công việc thông thường như lướt web, đóng mở các ứng dụng, mở menu ứng dụng và chuyển đổi giữa các màn hình chủ. Máy xem tốt phim Full-HD, chơi mượt các game phổ thông và có đồ họa khá như Temple Run OZ và đua thuyền Riptide GP. Các game có đồ họa nặng như Asphalt 7 cũng chạy tương đối mượt nhưng bản Asphalt 8 thì hơi giật.

Máy chơi khá mượt Asphalt 7 nhưng bản Asphalt 8 thì bị giật

Là chiếc phablet có màn hình to nên Way S được trang bị viên pin dung lượng lớn, 3.000 mAh. Với viên pin này, máy xem phim HD liên tục được 6 giờ 14 phút từ lúc pin đầy đến khi còn 10% trong điều kiện độ sáng màn hình và âm lượng đặt mức 70%, tắt các kết nối 3G/Wi-Fi. Đây là kết quả tốt khi các smartphone tầm trung khác thường chỉ đạt 4-5 tiếng.

Khi đánh giá thời gian chơi game giả lập bằng phần mềm GLBenchmark 2.5.1 ở độ sáng 100% và tốc độ 60 khung hình mỗi giây (fps), máy chạy được 4 giờ 45 phút từ lúc đầy đến lúc còn 10% pin. Đây cũng là kết quả khá ấn tượng, cao hơn nhiều so với các máy LG Optimus G (3 giờ 27 phút), Samsung Galaxy Win (2 giờ 5 phút), HTC Desire 500 (2 giờ) và OPPO Mirror (4 giờ 4 phút) ở cùng điều kiện đánh giá. 

Kết luận

OPPO Find Way S là phablet tầm trung có thiết kế khá đẹp mặt dù thân máy và trọng lượng hơi cồng kềnh. Các yếu tố màn hình, camera, hiệu năng xử lý và thời gian pin cũng thuộc diện khá tốt, đặc biệt là thời gian pin. Máy cũng được nhà sản xuất đưa vào nhiều tính năng phần mềm thú vị và hữu ích với người dùng. 

Nhìn chung, sản phẩm này tương đối toàn diện, không có yếu điểm nào đáng chú ý. Máy không có khe cắm thẻ nhớ ngoài nhưng bộ nhớ trong 16GB (còn lại hơn 12GB dành cho người dùng) đủ dùng với hầu hết người dùng thông thường. Tuy vậy, mức giá 8,69 triệu đồng của Find Way S có thể sẽ khiến nhiều người dùng phải cân nhắc bởi thương hiệu OPPO dù sao vẫn còn mới mẻ và hơn nữa lại là công ty Trung Quốc.

Trong khi đó, tầm giá của máy bây giờ có khá nhiều lựa chọn tốt từ các hãng thương hiệu lớn như Google Nexus 4, LG Optimus G, Samsung Galaxy S III, Galaxy Mega 5.8 và Nokia Lumia 920. Các sản phẩm này có màn hình nhỏ hơn Find Way S nhưng đều là các smartphone cao cấp có thiết kế đẹp và cấu hình mạnh. 

Thanh Phong

Chủ đề khác