VnReview
Hà Nội

Đánh giá điện thoại LG G2

LG G2 là sản phẩm cao cấp đầu tiên của LG chứa đựng nhiều thứ độc đáo. Nó là smartphone đầu tiên trên thế giới đưa hai nút hay sử dụng nhất trên điện thoại là nút nguồn và âm lượng ra phía mặt sau thay vì để các cạnh máy như tất cả các smartphone hiện nay. Ngoài ra, đây là cũng là sản phẩm áp dụng triệt để;triết lý tăng kích cỡ màn hình nhưng không tăng nhiều kích thước của sản phẩm.

Sau chiếc Optimus G ra mắt khá thành công vào năm ngoái, LG tiếp tục khẳng định thương hiệu trên thị trường smartphone bằng siêu phẩm 5.2 inch có cái tên ngắn gọn là G2. Chính thức có mặt tại Việt Nam từ tháng 9/2013, LG G2 hiện có giá bán 11,5 triệu đồng với bản 16GB và 13,5 triệu đồng với bản 32GB. 

Được đánh giá là chiếc smartphone phá cách với triết lý "học từ thói quen người dùng", chúng ta hãy cùng xem siêu phẩm cao cấp nhất của LG có những "vũ khí" gì khiến chúng ta bỏ ra hơn chục triệu đồng để mua nó?

Thiết kế 

Nhắc đến G2 không thể không nhắc đến một chiếc điện thoại phá cách trong thiết kế: toàn bộ phím nguồn và tăng giảm âm lượng nằm ở mặt sau của máy, thay vì nằm ở cạnh trái hoặc phải như những sản phẩm khác. Khi cầm máy lên, ngón trỏ đã mặc nhiên đặt đúng vị trí cụm phím này, dù là người có bàn tay to hay nhỏ. Có nhiều ý kiến cho rằng sự phá cách này chỉ mang tính chất gây sự chú ý và có chút lập dị, nhưng định kiến này sẽ nhanh chóng bị xoá bỏ sau một thời gian sử dụng thực tế, bởi tình huống bạn phải thao tác bằng một tay khá nhiều.

Với kích thước màn hình 5.2 inch, bạn sẽ phải vươn ngón tay để với tới nút nguồn một cách khó khăn. Nếu chỉ trải nghiệm tại các showroom hoặc mượn máy của bạn bè để "ngó nghiêng" một chút, điều này không phải là trở ngại, nhưng hãy tưởng tượng khi bạn sở hữu nó, thường xuyên mở điện thoại để trả lời tin nhắn Facebook, gửi nhận email, liên lạc với bạn bè, mỗi lần với tay mở khoá như vậy quả thực là cực hình.

Cụm phím Nguồn và tăng/giảm âm lượng ở mặt sau

Song song với thiết kế về cụm phím nguồn, G2 tiếp tục mang lại cảm giác thuận tiện cho người sử dụng bằng thiết kế thu gọn phần viền màn hình và hai cạnh trên dưới đến mức tối đa (2,5 mm). Nhờ vào thiết kế này mà so với màn hình 4.7 inch của HTC One, G2 có kích thước 5.2 inch nhưng chiều dài chỉ lớn hơn 1,1 mm, chiều rộng tăng thêm 2,7 mm.

Viền màn hình chỉ có 2,5 mm

Cảm nhận đầu tiên khi cầm G2 trên tay là sự thoải mái, bởi cũng giống như nhiều sản phẩm đi trước của LG, G2 cũng có thiết kế vát cong mặt sau. Trọng lượng của máy là 143 g tương đương với HTC One, nhưng HTC One mỏng 9,3 mm còn G2 chỉ có 8,9 mm.

Khác với các dòng sản phẩm cao cấp được làm bằng kim loại như iPhone của Apple, Xperia của Sony, toàn bộ vỏ máy của G2 được làm bằng nhựa. Tuy nhiên, nhà sản xuất đã gia công rất tỉ mỉ và hoàn hảo, không hề có cảm giác ọp ẹp, kém sang trọng ở chiếc smartphone này.

G2 được gia công rất tỉ mỉ

Mặt sau của máy là các đường kẻ chéo giống như sợi vải dệt nhưng là vân chìm, nhìn khá đẹp song lại bám vân tay. Nếu chọn phiên bản màu trắng, nhược điểm này sẽ khó bị phát hiện hơn.

Mặt sau với thiết kế vân chìm

Tất cả các kết nối như giắc cắm tai nghe, cổng sạc và loa ngoài của G2 được bố trí ở dưới đáy máy giống như iPhone, còn đỉnh máy là mic sử dụng khi ghi âm, quay video và đặc biệt là xuất hiện thêm một cổng hồng ngoại cho phép sử dụng ứng dụng Quick Remote để điều khiển hầu hết các thiết bị trong gia đình.

Cạnh dưới của máy gồm: giắc cắm tai nghe, cổng sạc, loa ngoài

Cạnh trên của máy gồm mic và cổng hồng ngoại

Được thiết kế nguyên khối, không thể mở nắp sau nên G2 có một khe micro SIM được bố trí ở cạnh bên trái của máy.

Khe micro SIM nằm ở cạnh trái của máy

Màn hình

LG G2 sở hữu màn hình IPS 5.2 inch độ phân giải Full HD 1920 x 1280 pixel với mật độ điểm ảnh 424 ppi. Điều này dễ hiểu bởi G2 là smartphone cao cấp nhất của LG ở thời điểm hiện tại. Được áp dụng công nghệ Zero Gap, màn hình của G2 mỏng hơn nhưng cho hình ảnh nổi hơn so với các màn hình khác.

Đáng nể hơn, góc nhìn của G2 gần như là không thay đổi với mọi góc độ. Điều này mang lại trải nghiệm tuyệt vời khi chơi game đòi hỏi phải thay đổi góc nhìn như: Temple Run, Asphalt…, hoặc khi nằm xem phim và ảnh.

Nhìn góc thẳng đứng từ trên xuống

Nhìn từ góc nghiêng khoảng 60 độ

Về độ sáng tối đa của G2, chúng tôi đo được 402 nits, đây không phải là con số không cao tuy nhiên độ sáng không phải là yếu tố quyết định tất cả. Thực tế dưới ánh nắng mặt trời buổi trưa khá gay gắt, màn hình hiển thị khá dễ nhìn, không hề có cảm giác bị chói, hay loá.

Sử dụng tấm nền IPS chất lượng cao, G2 hiển thị các màu sắc trung thực nhưng màu trắng có xu hướng ngả xanh một chút. Nhìn chung, G2 cho chất lượng hiển thị tươi mắt nhưng không bị chói hay ám màu. Ở mọi góc nhìn đều làm hài lòng người sử dụng. Có thể nói chất lượng hình ảnh của G2 được coi là xuất sắc so với những smartphone cao cấp hiện nay.

Camera

Thói quen chụp ảnh mọi lúc mọi nơi để chia sẻ lên các trang mạng xã hội ngày càng phổ biến, do đó khi đánh giá một chiếc điện thoại, không ít người bật camera lên trước tiên.

Là một siêu phẩm của LG, G2 không chịu thua kém ở khía cạnh này. Được trang bị camera trước 2 MP và camera sau 13 MP cùng công nghệ chống rung quang học OIS (Optical Image Stabilizer), G2 cho phép chụp trong điều kiện thiếu sáng tốt hơn. Tốc độ chụp và lưu ảnh của máy cũng rất nhanh, gần như không có độ trễ. Nhưng như là luật bù trừ, G2 mất điểm khi chỉ có 1 đèn flash đơn và cường độ ánh sáng của chiếc đèn này tương đối yếu.

Để đáp ứng các nhu cầu chụp ảnh khác nhau, nhà sản xuất tích hợp cho G2 12 chế độ chụp như: Shot and Clear giúp xoá chi tiết thừa ra khỏi khung hình, Dual camera cho phép đưa cả hình ảnh của 2 camera trước sau vào cùng 1 khung hình, Night Scene hỗ trợ chụp ban đêm, VR Panorama, Time Catch shot…

12 chế độ chụp của G2

Không có nút chụp ảnh vật lý nhưng G2 lại cho phép thiết lập nút tăng/giảm âm lượng là nút chụp hình. Tuy nhiên ở tư thế xoay ngang máy để chụp thông thường, việc bấm nút tăng/giảm âm lượng chưa được tiện dụng cho lắm, lúc này phím chụp trên màn hình vẫn thực sự phát huy ưu điểm của nó.

Một số ảnh chụp từ camera 13 MP của G2 (bấm vào ảnh để xem ảnh gốc):

Ảnh chụp lúc 7h sáng

Ảnh chụp buổi tối, ánh sáng chủ yếu là đèn neon của các gian hàng tại hội chợ

Ở chế độ quay video, G2 cho chất lượng full HD 1920 x 1080 pixel, bitrate 154kbps với định dạng mp4. Được trang bị công nghệ chống rung quang học, nhưng chất lượng hình ảnh cũng không cải thiện được nhiều nếu quá trình quay bị rung mạnh. Tuy vậy, không thể phủ nhận chất lượng video của máy khá ấn tượng, màu sắc và độ chi tiết thể hiện tốt, khung hình chạy mượt.

Video độ phân giải Full HD quay từ camera của G2

Phần mềm

G2 chạy trên hệ điều hành Android 4.2.2 với giao diện tuỳ biến Optimus UI. Máy được cài sẵn 2 chủ đề: Basic (giao diện cơ bản nhất, mặc định khi bật máy lần đầu tiên được thiết lập sẵn) và Marshmallow (giao diện theo phong cách hoạt hình, với màu sắc và kiểu chữ khá ngộ nghĩnh).

Chủ đề mặc định Basic

Chủ đề ngộ nghĩnh Marshmallow

Để giảm thao tác cho người sử dụng khi cần bật, tắt, thay đổi các chế độ trên máy, G2 được trang bị thanh Notification rất phong phú nhưng lại hơi rối mắt, bao gồm: thanh công tắc, thanh Mini Apps, thanh chỉnh độ sáng, chỉnh âm lượng. Những phần này chiếm nhiều diện tích khiến cho khoảng không gian để thông báo các sự kiện còn rất hạn chế. Tuy nhiên, phần mềm vẫn cho phép người sử dụng tuỳ chỉnh bằng cách ẩn, hiện thanh công cụ theo ý muốn của mình.

Thanh Notification của LG G2

Ngoài các tính năng thông thường của smartphone, G2 thực sự là chiếc điện thoại thông minh với rất nhiều tính năng khác được nhà sản xuất đưa vào:

- Knock ON: tương tự như một số máy Lumia, tính năng này cho phép chạm 2 lần để Mở khoá màn hình, nhưng vượt trội hơn, G2 còn có thể Khoá màn hình cũng bằng thao tác tương tự. Tính năng này khá tiện khi cần đọc tin nhắn SMS, Facebook, hay đơn giản nhất là để xem giờ, thay vì phải cầm máy lên và nhấn phím nguồn ở mặt sau.

- Slide Aside: hoàn toàn mới mẻ trên các thiết bị chạy Android. Tính năng cho phép sử dụng 3 ngón tay di cùng lúc từ phải sang trái để lưu lại tác vụ đang sử dụng và quay về màn hình chính, di cùng lúc từ trái sang phải để hiển thị lại các tác vụ đã lưu. So với việc sử dụng nút Home để thay đổi giữa các tác vụ thì Slide Aside tiện lợi hơn rất nhiều. Tuy nhiên, chức năng này cho có thể lưu tối đa 3 tác vụ.

Tính năng Slide Aside lưu các tác vụ đang sử dụng

- Guest Mode (chế độ khách): thực sự cần thiết khi cho người khác mượn điện thoại hoặc khi cho trẻ em sử dụng để chơi game mà không sợ thông tin cá nhân vô tình bị xâm phậm hay các tuỳ chỉnh bị thay đổi ngoài ý muốn. Chế độ này yêu cầu có 2 mật khẩu mở khoá máy: mật khẩu thật và mật khẩu vào Guest Mode. Khi mở máy bằng mật khẩu Guest Mode, giao diện chỉ hiển thị các ứng dụng đã được "chủ nhân" cho phép, và ngay khi khoá rồi mở lại bằng mật khẩu thật, mọi thứ lại đâu vào đó.

Giao diện khi đăng nhập bằng mật khẩu dành cho khách - Guest Mode

Ngoài các tính năng riêng đã nói ở trên, G2 cũng có các tính năng tương tự như ở Samsung Galaxy S4 như: Smart Screen - màn hình sẽ luôn sáng nếu camera trước vẫn phát hiện người sử dụng đang theo dõi, Smart Video – video sẽ tự động dừng (pause) nếu camera trước nhận diện rằng người sử dụng đang nhìn về hướng khác mà không theo dõi video, Answer Me – tự động trả lời cuộc gọi khi đưa máy lên tai…

Hiệu năng

G2 được trang bị Snapdragon 800, hệ thống vi xử lý tích hợp (SoC) cao cấp nhất của Qualcomm hiện nay. Với bốn nhân xử lý Krait 400 tốc độ 2.26 GHz, dung lượng RAM 2 GB và đồ họa Adreno 330, hệ thống xử lý của Qualcomm cung cấp cho G2 đủ sức mạnh để đáp ứng tốt tất các tác vụ trên Android.

Trải nghiệm thực tế cho thấy tốc độ thao tác trên G2 thực sự đáng ngạc nhiên. Không hề có độ trễ khi mở ứng dụng, hay thay đổi các tuỳ chỉnh, chế độ, dù đang phải chạy cùng lúc nhiều tác vụ. Không xét đến các ứng dụng cơ bản như đọc báo mạng, Facebook, Office, G2 đáp ứng xuất sắc cả những ứng dụng nặng đồ họa như xem phim Full HD và chơi game nặng như Asphalt 8.

Đánh giá trên các phần mềm đo benchmark phổ biến hiện nay như: AnTuTu, Quadrant, G2 cũng đạt điểm số rất ấn tượng

Pin

Đi đôi với một chiếc smartphone mỏng là viên pin có dung lượng hạn chế nhưng G2 thì hoàn toàn khác. Với độ mỏng 8,9 mm, G2 vẫn sở hữu viên pin 3000 mAh tương đương với Sony Xperia Z1. Sử dụng chip SnapDragon 800 tiết kiệm điện, thời lượng sử dụng của G2 phải nói là ấn tượng.

Qua các bài thử thách pin, G2 đã cho kết quả vượt mặt các đối thủ cùng phân khúc. Đối với bài test thời  gian gọi điện, sau 20 tiếng thì pin còn 10% và đến khi hết sạch pin là 21 tiếng 35 phút, trong khi ở Z1, con số này là khoảng hơn 15 tiếng.

Thử nghiệm pin khi xem phim với độ sáng màn hình và âm lượng đều ở mức 70%, G2 cho kết quả: 11 tiếng 55 phút liên tục, làm hài lòng tất cả những tín đồ của môn nghệ thuật thứ 7.

Trải nghiệm sử dụng G2 thực tế 8h sáng đến 12h đêm, với độ sáng màn hình 60%, 3G tắt, wifi bật liên tục, lướt web khoảng 1 tiếng và nghe gọi một vài cuộc thì máy chỉ hao khoảng 40% pin.

Như vậy pin của G2 có thể đáp ứng hầu hết nhu cầu người sử dụng trong một ngày mà không cần phải sạc lần nào, đối với những người ít phụ thuộc vào điện thoại thì 2 ngày mới phải sạc một lần.

Kết luận

Là sản phẩm cạnh tranh với các đối thủ siêu cấp như HTC One, Samsung Galaxy S4, Lumia 1020, G2 được trang bị phần cứng khủng, màn hình đẹp, thiết kế đột phá và nhiều chức năng thông minh.

Không được nhiều người nhắc đến như những "gã khổng lồ" Samsung, Apple, nhưng LG vẫn luôn là một thương hiệu điện tử uy tín, chất lượng phát triển từ những thời kỳ đầu đến nay. Sự ra mắt của G2 chính là minh chứng rõ ràng nhất cho điều đó.

Nếu bạn là một người thích phong cách sành điệu, sở hữu các thiết bị có thương hiệu, thì G2 không phải là lựa chọn của bạn. Ngược lại, bạn cần một chiếc điện thoại có hiệu suất cao, nhiều tính năng và thường xuyên phải đi ra ngoài nên cần có thời gian pin lâu thì G2 là "best choice" lúc này.

Đức Nguyễn

Chủ đề khác