VnReview
Hà Nội

So tủ chống ẩm giá 2 triệu đồng: Nikatei NC-30S và Euroka HD-40HG

Tủ chống ẩm là sản phẩm hầu như phải có với những người đam mê chụp ảnh để bảo quản, tránh cho máy ảnh và các ống kính không bị ẩm mốc.

Tủ chống ẩm có nhiều thương hiệu khác nhau. Trong bài viết này hôm nay, chúng tôi sẽ so sánh hai mẫu tủ chống ẩm thể tích 30 lít đến từ 2 thương hiệu khá phổ biến là Nikatei và Euroka. Cả 2 đều có mức giá khoảng 2 triệu đồng.;

Công nghệ hút ẩm

Với tủ chống ẩm, chúng ta không bàn về thiết kế vì kiểu dáng các loại tủ chống ẩm xưa nay thường là hình chữ nhật hoặc hình vuông. Thứ chúng ta cần quan tâm nhất ở đây là công nghệ chống ẩm của 2 model này. Hầu hết tủ chống ẩm hiện nay sử dụng 2 công nghệ là vật liệu hấp thụ hơi ẩm bên trong tủ rồi đẩy ra bên ngoài sử dụng bộ sưởi nhiệt PTC (để dễ hình dung, nó tương tự như hạt silica gel hay được biết đến là hạt chống ẩm thường thấy trong các gói bánh kẹo) hoặc sử dụng công nghệ mới hơn là sử dụng IC làm lạnh. Mỗi loại đều có những ưu và nhược điểm riêng.

Công nghệ truyền thống có trên tủ chống ẩm Euroka HD-40HG có bộ phận hút ẩm chứa các vật liệu hấp thụ hơi ẩm và đẩy ra bên ngoài để duy trì độ ẩm, khô, cô lập và ngăn không cho hơi ẩm phát tán tiếp xúc với đồ vật chứa trong tủ, sau đó được đẩy ra ngoài theo đường xả. Giải thích như vậy thì công nghệ chống ẩm của Euroka HD-40HG có vẻ thô sơ và hiệu quả kém nhưng đây là hãng đã có tên tuổi lâu năm trên thị trường và được nhiều người lựa chọn vì độ ổn định. Còn 1 ưu điểm của công nghệ này nữa là độ ẩm có thể giảm xuống rất thấp từ 5-10%, nên có thể sử dụng trong 1 số lĩnh vực khác ngoài bảo quản máy ảnh và vật tư ảnh.

Khác với Euroka, công nghệ được trang bị trên Nikatel NC-30S là IC làm lạnh bán dẫn điện tử. Cách hoạt động với phương thức khá giống với điều hòa nhiệt độ, làm lạnh môi trường không khí bên trong tủ, ngưng đọng hơi nước lại sau đó giải phóng ra bên ngoài. Ưu điểm của công nghệ mới này là hút ẩm rất nhanh, chỉ trong khoảng 5-6 tiếng đã đạt được mức thiết lập nhưng công nghệ cũ trên Euroka HD-40HG phải đến gần 7-8 tiếng mới đạt ngưỡng độ ẩm tương đương. Công nghệ hút ẩm IC mới cũng đi theo là mặt bằng giá thành sản phẩm cũng nhỉnh hơn đôi chút nhưng lợi thế là tốc độ hút ẩm và sự êm ái khi vận hành là những điểm đáng để đánh đổi.

Tuy nhiên công nghệ IC là phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn điện, nếu không có nguồn điện vào thì tủ sẽ dừng hẳn và không hoạt động. Lợi thế của việc sử dụng vật liệu hút ẩm trên Euroka HD-40HG là khi mất điện thì tủ vẫn hút được ẩm chỉ không cho môi trường ẩm ổn định khi không có điện điều khiển. Nếu chẳng may mất điện với cả hai model tủ chống ẩm đều có thiết kế rất kín, độ ẩm bên trong tủ thay đổi rất ít trong vài tiếng đó, nên đây chưa hẳn là điều đáng bận tâm. Trong tủ Euroka HD-40HG bộ phận hút ẩm chiếm không gian lớn hơn so với công nghệ của tủ Nikatei.

Đồng hồ hiển thị và bộ điều khiển

Đồng hồ ẩm kế tích hợp và bộ điều khiển cũng là một chi tiết đáng chú ý khi mà Nikatel NC-30S được trang bị đồng hồ hiển thị điện tử có đèn có thể nhìn được trong đêm rất trực quan, kèm theo đó có cả hiển thị nhiệt độ bên trong tủ.

Euroka lại chỉ trang bị đồng kim hồ cơ học trên model HD-40HG này và tủ cũng không có hiển thị nhiệt độ bên trong. Dù sao đây cũng là một loại ẩm kế chất lượng do Đức sản xuất. Độ chính xác của 2 đồng hồ này cũng không có sự chênh lệch đáng kể. Sai số 2-3% là rất bình thường. Đồng hồ kim số sau một thời gian hoạt động sẽ cho sai số lớn dần, chúng ta sẽ phải hiệu chỉnh lại.

Tủ Euroka mỗi khi cần thay đổi độ ẩm bên trong tới 1 ngưỡng mong muốn thường phải mở cửa tủ ra vặn núm xoay điều chỉnh lên rồi xuống đôi ba lần mới tới ngưỡng đó. Ngoài ra, khi mở cửa tủ cũng đã khiến môi trường không khí bên trong bị thay đổi cũng làm ảnh hưởng tới hiệu suất và thời gian hoạt động. Cái núm này cũng không cho được thiết lập chính xác cao, ví dụ chúng ta đã điều chỉnh độ ẩm tủ về 30% nhưng sau 1 thời gian, do môi trường bên ngoài tủ quá khô làm cho độ ẩm bên trong tủ cũng thay đổi theo xuống mức 15-20%, không khí quá khô sẽ khiến các thiết bị trong tủ bị ảnh hưởng. Vì vậy chúng ta thường phải để ý xem qua đồng hồ ẩm kế để điều chỉnh cho phù hợp.

Ngược lại với tủ Nikatei, việc tích hợp phím bấm điều khiển bên ngoài cho phép người dùng thiết lập chính xác đơn vị số độ ẩm bên trong tủ bằng 1 lần bấm duy nhất, sau đó tủ sẽ tự hoạt động và độ ẩm trong tủ chỉ dao động ở ngưỡng mình đã đặt +/- 1 vài % thôi.

Đó là những điểm chính chúng ta cần quan tâm khi mua tủ chống ẩm. Một số ưu nhược điểm khác mình nhận thấy trong quá trình sử dụng cả 2 tủ chống ẩm này đó là ở model Nikatei được trang bị bên trong khoang tủ với đèn LED soi sáng để chúng ta quan sát được bên trong dễ dàng hơn.

Ngoài ra mình đánh giá cao cách thiết kế khay kéo và trang bị tấm mút xốp chống xốc để tránh va đập. Điều này thể hiện được những nhà sản xuất mới sẽ có nhiều thời gian để nghiên cứu, rút kinh nghiệm từ những thiếu sót của người đi trước.

Kết luận

Hai sản phẩm tủ chống ẩm đến từ 2 thương hiệu Euroka và Nikatei khá phổ biến trên thị trường hiện nay. Sản phẩm của Euroka đã có tên tuổi lâu năm trên thị trường, giá thành mềm hơn. Nikatel là người đi sau, sử dụng công nghệ mới và có nhiều cải tiến, trang bị để tăng tính tiện dụng nhưng giá thành đắt hơn. Cả 2 dòng sản phẩm đều được bảo hành 5 năm. Mong rằng với bài so sánh này, các bạn chưa biết có thêm những kinh nghiệm về các loại công nghệ hút ẩm sử dụng trong tủ chống ẩm đồng thời những điểm mạnh, điểm yếu trên 2 dòng thiết bị để có kinh nghiệm chọn mua phù hợp.

Xem thêm video So sánh tủ chống ẩm Nikatel NC-30S & Euroka HD-40HG

Huy Anh

Chủ đề khác