VnReview
Hà Nội

Lần đầu cho 2 điều hòa “đấu súng”: đọ khả năng lọc bụi, hao điện, ồn và làm mát

Lọc không khí đang là tính năng được nhiều người quan tâm khi chọn mua điều hòa do tình trạng ô nhiễm không khí nặng nề, đặc biệt là ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM.

Hiểu rõ điều đó, nhiều nhà sản xuất điều hòa đã ra mắt sản phẩm có thêm khả năng lọc không khí. Tuy nhiên, hiệu quả lọc không khí của những loại điều hòa này như thế nào đang là điều nhiều người băn khoăn.

Trong bài viết này, VnReview sẽ tiến hành so sánh 2 điều hòa có chức năng lọc không khí từ hai hãng điều hòa tiêu biểu trên thị trường hiện nay với mong muốn giúp bạn đọc biết được khả năng lọc không khí trong thực tế như thế nào. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng so sánh khả năng của hai máy ở các yếu tố cơ bản khác như hiệu quả làm mát, độ ồn và tiêu thụ điện.

Hai mẫu điều hòa được sử dụng để so sánh là LG V10APF và Panasonic CU/CS-VU9UKH-8. Cả hai đều là điều hòa biến tần (inverter) một chiều thuộc phân khúc cao cấp. Hai máy có công suất tương đồng 9000 BTU, có khả năng lọc không khí và dùng loại gas làm lạnh R32 phổ biến hiện nay. Điều hòa LG có thêm Wi-Fi để điều khiển từ xa qua điện thoại, thời gian bảo hành lâu hơn và giá bán thấp hơn 3 triệu đồng.

Điều hòa LG V10APF

Điều hòa Panasonic CU/CS-VU9UKH-8

Về thiết kế, cục lạnh trên điều hòa LG có bảng hiển thị thông tin nhiệt độ, nồng độ bụi (PM1.0, PM2.5 và PM10) cùng với biểu tượng thông báo tình trạng không khí trực quan. Trong khi đó, cục lạnh của điều hòa Panasonic không có màn hình hiển thị nhưng có biểu tượng cảnh báo về tình trạng không khí.

Hai điều hòa được chúng tôi lắp ở hai phòng ngủ có diện tích tương đồng trong một căn hộ chung cư ở khu vực Cầu Giấy, Hà Nội. Diện tích của mỗi phòng khoảng 18 mét vuông, lớn hơn chút so với khuyến nghị của nhà sản xuất dành cho những điều hòa công suất 9000 BTU (15 mét vuông).

Khả năng lọc không khí trước và sau khi bật điều hòa

Bài test đầu tiên giữa hai máy là so sánh khả năng lọc không khí, chức năng điểm nhấn của cả 2 sản phẩm. Trong bài test này, chúng tôi sử dụng chiếc máy đo bụi không khí chuyên dụng HT9600 để đo hai chỉ số bụi PM2.5 và PM10 trước và sau khi bật điều hòa ở chế độ làm mát cũng như chế độ chỉ thổi quạt gió.

Cả hai điều hòa đều được trang bị cảm biến đo bụi trong môi trường. Điều hòa LG có bảng điều khiển hiển thị 6 mức cảnh báo về tình trạng không khí theo màu sắc (xanh, vàng, da cam, đỏ, hồng và tím tùy theo mức độ bụi trong không khí, trong đó tím là ô nhiễm ở mức cao nhất) cùng với các con số về nồng bụi PM1.0, PM2.5 và PM10 theo thời gian thực trong phòng. Còn điều hòa Panasonic chỉ hiển thị 2 đèn cảnh báo về tình trạng không khí: đỏ là ô nhiễm và trắng an toàn.

Trong thời gian chúng tôi test khả năng lọc bụi, môi trường không khí ở khu vực test thường vượt ngưỡng an toàn dựa theo kết quả đo bằng máy đo bụi chuyên dụng. Bản thân hai điều hòa cũng thường hiện lên cảnh báo tình trạng không khí không tốt tùy theo mức độ trong thực tế. Tin vui là sau thời gian bật ở những khung thời gian khác nhau, cả hai điều hòa đều chứng tỏ khả năng lọc bụi hiệu quả.;Thời gian bật điều hòa càng lâu thì không khí trong phòng càng sạch hơn.

30 phút bật điều hòa ở chế độ làm mát: Khung thời gian thử nghiệm đầu tiên với thời gian ngắn 30 phút ở chế độ làm mát vào buổi chiều ngày trời nắng. Trước lúc bật điều hòa, nồng độ bụi ở cả hai căn phòng đều cảnh báo màu vàng, mức bắt đầu có ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.

Trước lúc bật, chỉ số PM2.5 và PM10 của điều hòa LG là 49 μg/m3 và 149 μg/m3, còn Panasonic là 49 μg/m3 và 154μg/m3.

Sau 15 phút chạy điều hòa, nồng độ bụi trong hai căn phòng đều giảm, cho thấy tính năng lọc bụi đã mang lại những hiệu quả nhất định trong thời gian ngắn. Cụ thể, tỷ lệ bụi PM2.5 và PM10 ở điều hòa LG là 30 microgam/m3 (μg/m3) và 91 μg/m3, còn điều hòa Panasonic là 39 μg/m3 và 117 μg/m3.

Sau 15 phút bật điều hòa, chỉ số bụi trên cả hai điều hòa đều giảm

Sau 30 phút, nồng độ bụi tiếp tục giảm thêm đáng kể. Tỷ lệ bụi PM2.5 và P10 trên máy điều hòa LG giảm còn 26 μg/m3 và 78 μg/m3, còn điều hòa Panasonic là 31 μg/m3 và 97 μg/m3. Như vậy, cả hai máy đều giảm được một nửa độ bụi so với ban đầu, trong đó mức độ giảm của điều hòa LG nhỉnh hơn chút.

Kết quả sau 30 phút, chỉ số bụi trên cả hai điều hòa đều giảm mạnh, trong đó điều hòa LG giảm nhiều hơn.

8 tiếng bật điều hòa ở chế độ làm mát: Tiếp đến, chúng tôi thử nghiệm khả năng lọc không khí khi bật điều hòa ở chế độ làm mát qua đêm với thời gian 8 giờ liên tục. Trước lúc bật, nồng độ bụi thực tế trong phòng vượt ngưỡng an toàn: chỉ số PM2.5 và PM10 lần lượt là 57 μg/m3 và 911 μg/m3 trong phòng điều hòa LG; và 64 μg/m3 và 1135 μg/m3 trong phòng điều hòa Panasonic. Khi đó, chỉ số PM10 được cảnh báo ở mức ô nhiễm nghiêm trọng. Nguyên nhân chỉ số PM10 tăng cao bất thường có thể do là cách vị trí chúng tôi lắp điều hòa khoảng vài trăm mét có chung cư khác đang trong quá trình xây dựng và căn chung được mở cửa để đón không khí bên ngoài vào.

Trước lúc bật điều hòa 8 tiếng, chỉ số bụi trong cả 2 phòng đều ở mức cao, đặc biệt là chỉ số bụi PM10.

8 tiếng có lẽ là khoảng thời gian quá đủ để có thể làm sạch không khí trong phòng. Nồng độ bụi mịn trong cả hai căn phòng đã giảm rất mạnh, biểu tượng cảnh báo chất lượng không khí trên cả hai điều hòa đều hiện lên màu xanh an toàn với sức khỏe. Cụ thể, chỉ số PM2.5 và PM10 ở phòng điều hòa LG chỉ còn 4 μg/m3 và 26 μg/m3, thấp hơn chút so với phòng Panasonic với chỉ số lần lượt là 14 μg/m3 và 47 μg/m3.

Sau 8 giờ, chỉ số bụi giảm xuống mức rất trong lành.

1 giờ ở chế độ quạt gió cho thoáng phòng, không làm mát. Không chỉ ở chế độ làm mát, thử nghiệm với chế độ chỉ bật quạt gió hay hút ẩm (Dry) thì hai điều hòa cũng lọc bụi hiệu quả tương tự. Trước bài thử nghiệm này, nồng độ bụi PM2.5 và PM10 cũng đều ở ngưỡng có hại cho sức khỏe nếu tiếp xúc trong thời gian dài. Sau 1 giờ bật ở chế độ chỉ chạy quạt gió không làm mát, nồng độ bụi thực tế cả hai căn phòng đều giảm với hiệu tương tự chế độ làm mát.

Trước lúc bật điều hòa, cả hai phòng đều chỉ số bụi ở mức không an toàn.

Sau 1 giờ, chỉ số bụi đã giảm. Chiếc LG giảm về ngưỡng xanh, còn Panasonic vẫn chớm vạch vàng nhưng cũng đã an toàn hơn.

Qua các thử nghiệm trên, có thể thấy cả hai điều đều có hiệu quả tốt ở khả năng lọc bụi trong không khí khi chạy ở các chế độ làm mát, hút ẩm hay chỉ bật quạt gió để không khí trong nhà thông thoáng. Giữa hai máy thì điều hòa LG ghi điểm tốt hơn tất cả các bài thử nghiệm. Ngoài loại bụi PM2.5 và PM10 thì điều hòa LG còn lọc được loại bụi siêu mịn PM1.0 cỡ nhỏ hơn.

Hiệu quả làm mát và tiêu thụ điện

Những ngày đầu mùa hè ở Hà Nội năm nay thời tiết vẫn khá dễ chịu. Trong thời gian chúng tôi trải nghiệm hai điều hòa này, thời tiết dao động khoảng 30-32 độ C, có chút oi bức nhưng chưa phải là những đợt nóng cao điểm của mùa hè. Ở điều kiện thời tiết như vậy, hai máy đều cho thấy hiệu quả làm mát tốt và tiêu hao điện tiết kiệm, nhất là bật trong thời gian dài. Cũng lưu ý là tiêu thụ điện cũng như tốc độ làm mát phụ thuộc rất lớn vào sự chênh lệch giữa nhiệt độ phòng và nhiệt độ môi trường, chênh lệch càng nhiều thì càng hao điện hơn.

Cả hai điều hòa đều duy trì nhiệt độ và độ ẩm ổn định trong quá trình sử dụng.

Trong hai lần test chạy 8 tiếng qua đêm với điều kiện môi trường khoảng 31-32 độ C, hai điều hòa đều duy trì nhiệt ổn định và đúng với thiết lập trên bảng điều khiển, một hôm đặt 26 độ C và một hôm đặt 27 độ C. Độ ẩm trong quá trình bật qua đêm cũng được duy trì ổn định, dao động trong khoảng 65-70%, ở mức dễ chịu.

Với lần test ngắn trong 2 giờ buổi chiều khi nhiệt độ môi trường 32 độ C, hai máy mất khoảng 30 phút để đưa nhiệt độ phòng xuống mức 27 độ C ở chế độ làm mát nhanh, Jet Mode trên điều hòa LG và iAuto trên điều hòa Panasonic. Ở chế độ làm lạnh nhanh, hai điều hòa đều chạy hết công suất với mức tiêu thụ điện tối đa 1000W và quạt gió thổi ở mức cao nhất. Cảm nhận thực tế thấy hơi mát lan tỏa trong phòng rất nhanh.

Tiêu thụ điện trong 30 phút ở chế độ làm lạnh nhanh.

Về tiêu thụ điện, điều hòa LG chạy hao điện hơn Panasonic trong các lần test với thời gian ngắn nhưng tiết kiệm hơn khi bật trong thời gian dài. Cụ thể, ở lần test 30 phút trong chế độ làm lạnh nhanh với nhiệt độ môi trường 31 độ C, điều hòa LG chạy hết 0,98 số điện, còn Panasonic hết 0,35 số điện. Trong bài test làm mát 2 tiếng với quạt gió cao nhất, nhiệt độ phòng đặt 26 độ và nhiệt độ môi trường 32 độ C, điều hòa LG sử dụng 0,81 số điện, còn điều hòa Panasonic hết 0,56 số điện.

Tiêu thụ điện trong 8 giờ ở chế độ làm mát phòng đặt 27 độ, nhiệt độ môi trường 31-32 độ.

Trong hai lần chạy qua đêm 8 tiếng (một hôm đặt nhiệt độ phòng 26 và một hôm đặt nhiệt độ phòng 27 độ) với nhiệt độ môi trường khoảng 31 độ, điều hòa LG sử dụng lần lượt 0,78 số điện và 0,93 số điện, trong khi điều hòa hòa Panasonic chạy hết tương ứng là 0,93 số điện và 1,56 số điện.

Kết quả tiêu thụ điện trên cũng cho thấy điều hòa sẽ tiết kiệm điện hơn khi chạy liên tục trong thời gian dài. Vì vậy, chúng ta đừng tưởng rằng bật tắt điều hòa thường xuyên để tiết kiệm điện vì kết quả thực tế lại hoàn toàn ngược lại.

Đo độ ồn khi hoạt động

Đây cũng là yếu tố người tiêu dùng quan tâm khi lựa chọn điều hòa. Các điều hòa inverter thường được các nhà sản xuất quảng bá chạy êm ái. Quá trình đo độ ồn của 2 điều hòa được chúng tôi thực hiện vào ban đêm, thời điểm độ ồn môi trường yên tĩnh, dao động khoảng 35-36dB. Kết quả đo thực tế cho thấy cả hai điều hòa đều chạy khá êm cả khi bật quạt gió thổi ở mức cao nhất, trong đó điều hòa LG gây ồn ít hơn.

Cụ thể, ở 3 mức quạt gió thấp, trung bình và cao, độ ồn của điều hòa LG đo được tương ứng là 38dB, 41dB và 47dB, tương ứng trên điều hòa Panasonic là 41dB, 47dB và 52dB. Khi để quạt gió ở chế độ tự động, độ ồn của điều hòa Panasonic ổn định ở mức 42dB, còn điều hòa LG dao động từ 37-42d do ở chế độ quạt này thì điều hòa LG lặp lại chu kỳ thay đổi luồng gió từ thấp lên cao. Xét ở khía độ ồn thì chế độ quạt gió tự động của Panasonic dễ chịu hơn vì duy trì ồn đều, không giảm lại tăng lên như LG.

Điều hòa LG: độ ồn theo 3 mức quạt thổi gió từ thấp, trung bình và cao.

Điều hòa Panasonic: độ ồn theo 3 mức quạt thổi gió từ thấp, trung bình và cao.

Để các bạn dễ hình dung thì Tiêu chuẩn quốc gia về độ ồn của Bộ Tài nguyên Môi trường đưa ra với khu cần đặc biệt yên tĩnh để học tập và chữa bệnh như thư viện, trường học và bệnh viện là 50dB vào ban ngày (từ 6-18h), 45dB vào ban đêm (từ 18-22h) và 40dB vào giờ ngủ (tư 22-6h); còn với khu dân cư và khách sạn thì độ ồn cho phép là 60dB vào ban ngày, 55dB vào ban đêm và 50dB vào giờ ngủ.

Trong thực tế, hai điều hòa phát ra tiếng ồn nhỏ, không đủ gây chú ý khi chạy ở mức quạt gió thấp và trung bình. Tuy nhiên, tiếng ồn của điều hòa Panasonic sẽ đủ để khiến bạn chú ý khi quạt gió thổi ở mức cao.

Video so sánh hiệu quả lọc bụi, tiêu thụ điện, độ ồn và làm mát giữa hai điều hòa LG và Panasonic.

Tổng kết

Kết quả thử nghiệm của hai điều hòa này thực sự khiến chúng tôi thấy vui mừng vì sự hiệu quả của chức năng lọc bụi trong không khí. Cả hai điều hòa đều giúp không khí trong phòng trở nên trong lành, ít bụi hơn và kết quả này càng tốt lên khi bật trong thời gian dài. Giữa hai máy thì điều hòa LG mang lại kết quả đo tốt hơn ở cả hai chỉ số bụi PM2.5 và PM10.

Các yếu tố về khả năng làm mát, tiêu thụ điện, độ ồn và độ ẩm trên cả hai điều hòa đều ở mức khá tốt. Tuy nhiên, chúng tôi cũng lưu ý là thời điểm test thì nhiệt độ môi trường ở mức 31-32 độ C, chưa phải là nhiệt độ cao điểm của mùa hè. Nếu nhiệt độ môi trường ở mức cao 35-37 độ C thì mức tiêu thụ điện chắc chắn sẽ cao hơn. Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật bài test mức tiêu thụ điện của hai máy vào những ngày trời nắng nóng cao để cập nhật thêm thông số chính xác hơn cho bạn đọc. Giữa hai máy thì điều hòa LG ghi điểm ở khả năng chạy êm hơn và hao ít điện hơn khi bật trong thời gian dài, còn điều hòa Panasonic tiết kiệm điện hơn khi chạy trong khoảng thời gian ngắn dưới vài giờ.

Nhóm PV

Chủ đề khác