VnReview
Hà Nội

Lần đầu cho 2 bình nóng lạnh “đấu súng”: đọ tốc độ làm nóng, giữ nhiệt và tiêu thụ điện

VnReview đã làm nhiều bài so sánh về smartphone, máy tính bảng và cả điều hòa. Nhưng đây là lần đầu tiên chúng tôi tiến hành so đọ trực tiếp giữa 2 máy nước nóng, còn được nhiều người quen gọi là bình nóng lạnh.

Hai sản phẩm được đem ra so sánh lần này là bình nóng lạnh Panasonic DH-30HAM và Ariston SL 30 ST 2.5 FE-MT. Cả hai sản phẩm đều thuộc loại bình nóng lạnh gián tiếp với dung tích bình chứa 30 lít, công suất 2.500W và có giá bán trên thị trường cũng tương đồng, khoảng 4 triệu đồng. Ở thị trường máy nước nóng, Panasonic và Ariston cũng đang là những thương hiệu có thị phần lớn.

Trong bài so sánh này, VnReview sẽ tập trung so tốc độ làm nóng nước, khả năng giữ nhiệt, tiêu thụ điện và thiết kế của hai sản phẩm để đánh giá xem sản phẩm nào có ưu thế hơn.

Thiết kế và các thông số cơ bản

Nhìn vào bảng thông số trên, chúng ta có thể thấy hai bình nóng lạnh này tương đồng với nhau về dung tích, kích cỡ, vật liệu thanh đốt, công suất, hệ thống cầu dao chống giật điện ELB và thời gian bảo hành. Tuy vậy, hai sản phẩm cũng có những khác biệt về kiểu dáng, chất liệu bình chứa, chất liệu cách nhiệt, khả năng chống nước và ngưỡng nhiệt độ làm nóng nước tối đa.

Hai bình có kích cỡ tương đồng

Bình nóng lạnh Panasonic có thiết kế bo cong nhìn mềm mại và vỏ lại được làm bằng thép rất chắc chắn. Đặc biệt, lớp vỏ của bình nóng lạnh này được sơn tĩnh điện và được thiết kế chống nước đạt chuẩn IPX4. Theo nhà sản xuất thì vỏ của Panasonic DH-30HAM có thể chống nước bắn từ mọi hướng và nước phun ở cường độ khoảng 10 lít mỗi phút.

Bình nóng lạnh Panasonic DH-30HAM có vỏ bằng thép, chống nước đạt chuẩn IPX4.

Trong khi đó, bình nóng lạnh Ariston dùng chất liệu vỏ nhựa nhưng được lắp ráp nhìn khỏe khoắn. Theo nhà sản xuất, lớp vỏ của Ariston SL 30 ST 2.5 FE-MT cũng có khả năng chống nước nhưng ở mức thấp, với chuẩn IPX1 chỉ đủ hạn chế thấm nước nhỏ giọt theo phương thẳng đứng (từ trên xuống).

Bình nóng lạnh Ariston;SL 30 ST 2.5 FE-MT có vỏ nhựa, chống nước đạt chuẩn IPX1.

Ở bên trong, hai sản phẩm cùng sử dụng thanh đốt bằng đồng nhưng có sự khác biệt về chất liệu bình chứa. Sản phẩm của Panasonic sử dụng bình chứa bằng thép không gỉ sản xuất tại Nhật Bản có khả năng chống ăn mòn cao và chống đóng cặn. Nhờ chất liệu bình chứa bằng thép không gỉ nên bình nóng lạnh này không cần đến thanh anode (còn gọi là thanh magiê) để chống lại hút các yếu tố ăn mòn trong quá trình sử dụng như các bình nóng lạnh sử dụng bình chứa có lớp tráng men thông thường. Việc loại bỏ thanh anode giúp người dùng bình nóng lạnh của Panasonic không còn phải lo đến việc bảo trì thay thế linh kiện theo định kỳ. Trong khi đó, bình chứa của Ariston làm bằng sắt nhưng được tráng lớp men titan để chống lại hiện tượng oxy hóa.

Lớp cách nhiệt bên trong cũng có sự khác nhau. Sản phẩm của Panasonic sử dụng xốp Styrofoam được cấp bằng sáng chế tại Nhật giúp tạo ra các túi khí nhỏ giữa bình chứa và xốp giúp giảm thất thoát nhiệt. Còn sản phẩm Ariston dùng lớp cách nhiệt Urethane được dùng phổ biến trên các bình nước nóng hiện nay.

Ở bên trong, bình chứa của hai sản phẩm có chất liệu khác nhau. 

Ở bên ngoài, cả hai sản phẩm đều có đèn báo hoạt động. Bình nóng lạnh của Panasonic chỉ có một đèn màu vàng cảnh báo khi nước đang đun nhưng khi đun xong thì không có đèn trạng thái nào. Trong khi đó, bình nóng lạnh Ariston có 2 đèn, đèn đỏ sáng lên khi nước đang đun và đèn xanh sẽ sáng lên khi nước sẵn sàng sử dụng. Bên cạnh đó, sản phẩm của Ariston có nút xoay điều chỉnh nhiệt độ, còn sản phẩm của Panasonic chỉ có một mức nhiệt tối đa là 75 độ C. Điều này xuất phát từ thực tế, nhiều người dùng không thường xuyên điều chỉnh nhiệt độ của bình nước nóng.

Bình nóng lạnh Panasonic chỉ có một đèn trạng thái.

Sản phẩm của Ariston có 2 đèn báo: đèn đỏ sáng lúc đang đun và đèn xanh sáng khi nước đủ nóng, sẵn sàng sử dụng.

Nhìn chung, thiết kế của mỗi bình nóng lạnh có những điểm ưu nhược riêng. Bình nóng lạnh của Panasonic có ưu thế hơn ở khả năng chống nước tốt hơn và bình chứa bằng chất liệu thép không gỉ chống ăn mòn tốt hơn so với bình chứa bằng sắt tráng men trên sản phẩm của Ariston. Tuy vậy, bình nóng lạnh của Ariston có đèn báo và nhiều mức nhiệt để lựa chọn.

So sánh tốc độ làm nóng nước và giữ nhiệt

Theo thông số của hai nhà sản xuất công bố, bình nóng lạnh Panasonic DH-30HAM sẽ tắt đèn trạng thái khi nước trong bình đạt nhiệt độ cài đặt 75 độ C, còn bình nóng lạnh Ariston SL 30 ST 2.5 FE-MT sẽ chuyển sang đèn xanh ngừng đun khi nước đạt 70 độ C. Cũng theo thông số ghi trên sản phẩm, thời gian cần để bình của Panasonic đạt nhiệt độ 75 độ C là khoảng 60 phút, còn bình của Ariston đạt nhiệt độ 70 độ C là 42 phút.

Tuy nhiên trong thực tế, chúng tôi thử đo thời gian làm nóng nước của hai bình ở 3 khung giờ: 15 phút, 30 phút và 1 giờ. Sau các khung giờ, chúng tôi sử dụng một máy đo nhiệt độ nước và đo nước chảy ra ở mức nóng nhất từ hai vòi hoa sen. Kết quả, nước từ bình nóng lạnh Panasonic đạt nhiệt độ nhỉnh hơn chút so với bình nóng lạnh Ariston ở cả ba khung giờ. Cụ thể, bình Panasonic đạt nhiệt độ nước lần lượt là khoảng 49 độ C, 58 độ C và 67 độ C sau 3 khung giờ tương ứng 15 phút, 30 phút và 1 tiếng. Trong khi đó, bình Ariston đạt nhiệt độ nước tương ứng là 48 độ C, 56 độ C và 64 độ C.

Nhiệt độ nước sau 15 phút bật bình: ảnh bên trái là bình Panasonic, bên phải là bình Ariston.

Nhiệt độ nước sau 30 phút bật bình: ảnh bên trái là bình Panasonic, bên phải là bình Ariston.

Nhiệt độ nước sau 1 giờ bật bình: ảnh bên trái là bình Panasonic, bên phải là bình Ariston.

Kết quả trên cho thấy cả hai bình nóng lạnh này đều có thể cung cấp nước nóng đủ để tắm sau chưa đến 15 phút bật bình. Trong đó, sản phẩm của Panasonic đạt nhiệt độ nước cao hơn chút trong cùng khoảng thời gian.

Để so sánh hiệu quả giữ nhiệt của hai bình nóng lạnh, chúng tôi bật bình sau 1 giờ để nhiệt độ nước đạt ngưỡng cao nhất (trên 67,1 độ C với bình Panasonic và gần 65 độ C với bình Ariston) rồi tắt bình và đo nhiệt độ nước sau một ngày. Kết quả, bình nóng lạnh của Panasonic có hiệu quả giữ nhiệt nhỉnh hơn. Cụ thể, nước trong bình Panasonic đạt mức nhiệt độ là 45,7 độ C, còn bình Ariston là 44,5 độ C.

Nhiệt độ nước sau một ngày tắt bình nóng lạnh: bình Panasonic (bên trái) và Ariston (bên phải).

So sánh tiêu thụ điện

Để so sánh tiêu thụ điện giữa 2 sản phẩm, chúng tôi thực hiện 2 bài so sánh: đầu tiên là cho hai bình làm nóng nước từ đầu cho đến khi đèn trạng thái tắt (tức là nước trong bình đã sẵn sàng sử dụng) và thứ hai là giả lập sử dụng nước ấm trong một ngày với gia đình 4 người (sử dụng 360 lít nước ấm ở nhiệt độ pha khoảng 40-41 độ C ở các khung giờ khác nhau để tắm, rửa rau và rửa bát). Lưu ý ở cả hai bài so thì cả hai bình nóng lạnh đều được bật nhiệt độ ở mức cao nhất.

Ở bài so đầu tiên, bình nóng lạnh Panasonic tắt đèn trạng thái cho thấy nước trong bình đã sẵn sàng sau 41,5 phút bật bình và tiêu hao gần 1,7 số điện. Trong khi đó, bình Ariston thông báo hoàn tất việc làm nóng nước sau hơn 48 phút và tiêu hao 1,85 số điện.

Bình Panasonic dùng hết 1,66 số điện (ảnh bên trái) để làm nóng từ đầu đến khi đèn thông báo tắt, còn Ariston hết 1,85 số (ảnh bên phải).

Ở bài so giả lập sử dụng thực tế trong 1 ngày với 360 lít nước ấm, cả hai bình nóng lạnh đều tiêu hao khá nhiều điện. Cụ thể, bình nóng lạnh Panasonic dùng hết 8 số điện, trong khi đó bình Ariston sử dụng hết 8,2 số điện.

Giả lập sử dụng và bật liên tục trong ngày: bình Panasonic dùng hết 8 số điện (ảnh bên trái), còn bình Ariston dùng hết 8,2 số điện (ảnh bên phải).

Như vậy ở cả hai bài so thì bình nóng lạnh Panasonic đều tiêu hao điện thấp hơn một chút dù hai bình có cùng dung tích và công suất 2.500W. Kết quả này cũng cho thấy cả hai bình nóng lạnh đều sử dụng khá nhiều điện nếu chúng ta bật thường xuyên cả ngày và sử dụng ở cường độ khoảng 90 lít nước ấm trong một ngày với mỗi người.

Video so sánh hai máy nước nóng Panasonic DH-30HAM và Ariston SL 30 ST 2.5 FE-MT.

Tổng kết

Cả hai bình nóng lạnh của Panasonic và Ariston trong bài so sánh này đều có thiết kế nhỏ gọn, được bảo hành tới 7 năm với bình chứa và sử dụng thanh đốt bằng đồng làm nóng nước vừa nhanh vừa sạch. Ở khía cạnh thiết kế, sản phẩm của Panasonic sử dụng bình chứa bằng thép không gỉ bền hơn, chống ăn mòn và đóng cặn, đồng thời vỏ ngoài có khả năng chống nước tốt hơn.

Trong sử dụng thực tế, cả hai bình đều chứng tỏ hiệu quả làm nóng nước nhanh và giữ nhiệt độ của nước tốt. Tuy nhiên, sản phẩm của công ty Nhật có kết quả tốt hơn Ariston ở tốc độ làm nóng nước cũng như giữ nhiệt. Còn về tiêu thụ điện thì sự chênh lệch khi sử dụng hàng ngày giữa hai bình nóng lạnh là không nhiều.

Nhóm PV

Chủ đề khác