VnReview
Hà Nội

Máy giặt lồng đứng Nhật và Hàn “đấu súng”: cái kết bất ngờ

Ở mảng điện thoại, VnReview thường xuyên có màn so sánh giữa các sản phẩm cùng phân khúc với nhau. Nhưng với máy giặt thì đây là lần đầu tiên chúng tôi so sánh trực diện hai máy với nhau nhằm giúp bạn đọc dễ dàng nhận thấy sự khác biệt của từng sản phẩm.

Hai máy giặt được lựa chọn "đấu súng" đến từ hai hãng có thị phần lớn ở thị trường máy giặt Việt Nam hiện nay. Đó là LG của Hàn Quốc với chiếc máy giặt LG TH211SSAV và Panasonic của Nhật với máy giặt Panasonic NA-FS11V7LRV.

Cả hai sản phẩm đều là máy giặt lồng đứng ra mắt trong năm 2019 và có khối lượng giặt lớn nhắm đến các gia đình đông người. Chiếc máy giặt LG có khối lượng giặt 12kg, còn sản phẩm của Panasonic có khối lượng giặt 11,5kg. Mức giá niêm yết của hai sản phẩm cũng chênh nhau rất ít: 12,99 triệu đồng với máy giặt của LG và 13,29 triệu đồng với máy giặt của Panasonic.

Bây giờ, chúng ta sẽ bắt đầu đi vào so sánh các chi tiết giữa hai máy.

Thiết kế

Hai máy có sự khác biệt rõ rệt về kích cỡ

Ngay từ cái nhìn đầu tiên, hai máy đã cho thấy sự khác biệt rõ rệt về kích thước. Chiếc Panasonic trông "đô con" hơn hẳn dù khối lượng giặt còn ít hơn 0,5kg so với máy giặt LG. Nếu liên tưởng đến lĩnh vực điện thoại thì máy giặt LG giống như chiếc smartphone đời mới với thiết kế viền mỏng thon gọn, còn máy giặt Panasonic là smartphone màn hình viền dày tỷ lệ 16:9 của vài năm về trước. Kích cỡ gọn giúp máy giặt LG tiết kiệm không gian, đặc biệt là với những gia đình có diện tích hạn chế.

Cả hai đều có vỏ; dày dặn, cứng cáp bằng kim loại hoặc thép

Phần vỏ bên ngoài của hai máy có màu sắc khác nhau, chiếc Panasonic màu bạc còn chiếc máy giặt của LG màu xám. Lớp vỏ của hai máy đều sử dụng chất lượng kim loại dày dặn cho cảm nhận cứng cáp. Hai máy cũng đều dùng nắp đậy bằng kính cường lực, có trợ lực để nắp đóng từ từ không bị rơi trong quá trình đóng mở nắp. Do nắp máy của LG có tiết diện nhỏ nhẹ hơn nên bắt đầu có trợ lực khi mở nắp được một nửa hành trình, còn nắp của máy giặt Panasonic phải mở ra gần kịch hành trình mới có trợ lực.

Nắp máy LG nhỏ gọn hơn nên trợ lực từ khi mở nắp một nửa hành trình

Nắp máy Panasonic lớn nên phải mở gần kịch hành trình mới có trợ lực

Bảng điều khiển trên hai máy có giao diện tiếng Việt trực quan nhưng có sự khác nhau về vị trí. Bảng điều khiển của LG nằm ngay bên ngoài mặt trên của máy giặt nên dễ tiếp cận. Tuy vậy, vị trí này cũng dễ rớt nước lên bảng điều khiển hơn trong quá trình sử dụng. Trong khi đó, Panasonic đưa bảng điều khiển ra phía sau, hạn chế nước rớt vào nhưng hơi khó với tay, nhất là với những bà bầu. Bên cạnh đó, các phím bấm trên bảng điều khiển của Panasonic là phím cơ, cần bấm mạnh tay hơn chút so với các phím bấm điện tử trên máy LG.

Bảng điều khiển máy giặt Panasonic và LG đặt ở vị trí khác nhau.

Bảng điều khiển LG (trên) đổ keo cả 2 mặt, còn Panasonic (dưới) có một mặt trên không đổ keo chống nước.

Hình ảnh mổ máy của VnReview cho thấy ở bên trong, bảng điều khiển của LG được đổ lớp keo nhựa dày để chống nước ở cả hai mặt. Trong khi đó bảng điều khiển của máy giặt Panasonic chỉ được đổ keo chống nước ở mặt dưới, còn mặt phía trên không có keo nên có nguy cơ bị ngấm nước hoặc ẩm trong quá trình sử dụng hoặc dễ bị oxi hóa trong thời tiết nồm ẩm.

Cận cảnh lồng giặt

Lồng giặt của LG nhỏ và sâu hơn máy giặt Panasonic. Chất liệu lồng giặt cũng có sự khác nhau. Toàn bộ lồng giặt và mâm giặt của LG làm bằng thép không gỉ, còn máy giặt Panasonic sử dụng kết hợp thép không gỉ và nhựa. Chất liệu lồng giặt 100% bằng thép chắc chắn có thể giúp máy giặt LG chịu được tốc độ vắt cao hơn, vắt quần áo khô hơn và giảm được thời gian phơi hoặc sấy. Bên cạnh đó, với lồng giặt bằng thép không gỉ thì các chu trình giặt bằng nước nóng sẽ an toàn hơn lồng giặt có chất liệu nhựa, khả năng vệ sinh lồng giặt cũng sạch hơn và diệt khuẩn lồng giặt tốt hơn.

Hộc đựng bột/nước giặt và nước xả trên máy giặt Panasonic

Hộc đựng nước giặt và nước xả vải trên máy giặt LG

Tuy vậy ở phía trên lồng giặt, có một chi tiết trên Panasonic nhìn "đa năng" hơn hẳn đó là hộc đựng bột/nước giặt. Hộc đựng của Panasonic có tới 3 ngăn đựng bột giặt, nước giặt và nước xả. Hai ngăn đựng bột và nước giặt đều có trục quạt xoay để đánh tan bột và nước giặt. Trong khi đó, hộc đựng của LG chỉ có 2 ngăn đựng bột giặt và nước xả, không có ngăn đựng nước giặt riêng. Bên cạnh đó, ngăn đựng bột giặt của máy LG trống trơn, không có thành phần nào để giúp đánh tan bột giặt. Rất có thể LG cho rằng máy giặt này có lực nước phun mạnh và vòng quay lớn nên hãng không cần phải đánh tan bột giặt ngay trên hộc đựng.

Động cơ máy giặt

Sự khác biệt quan trọng nhất giữa hai máy giặt thực ra lại nằm ẩn sâu ở bên trong. Hình ảnh mổ xẻ cho thấy máy giặt của LG sử dụng động cơ truyền động trực tiếp, còn sản phẩm của Panasonic dùng động cơ truyền động dây curoa truyền thống.

Động cơ truyền động qua dây curoa trên máy giặt Panasonic

Ở máy giặt truyền động qua dây curoa, chuyển động quay của lồng giặt được thực hiện thông qua dây curoa nối giữa động cơ (motor) của máy giặt và lồng giặt. Loại động cơ này có ưu điểm là chi phí sản xuất rẻ nhưng sau một thời gian sử dụng, dây curoa và bánh đà thường bị giãn, dão ra làm giảm khả năng truyền động, gây ra tiếng ồn và rung lắc khó chịu. Quá trình truyền động qua dây curoa cũng tạo ra lực ma sát nên tốn điện năng hơn.

Động cơ truyền động trực tiếp trên máy giặt LG

Khác với máy giặt truyền động gián tiếp, máy giặt truyền động trực tiếp loại bỏ cơ chế truyền động thông qua dây curoa do động cơ được gắn trực tiếp vào lồng giặt, khi động cơ quay thì lồng giặt cũng quay theo. Nhờ cấu tạo đồng nhất từ động cơ cho đến lồng giặt, các máy giặt truyền động trực tiếp thường có tốc độ vắt cao hơn, phát ra tiếng ồn ít hơn và hạn chế được rung lắc trong quá trình vận động.

Bộ phận làm nóng cho chức năng giặt nước nóng trên máy giặt Panasonic được đặt bên ngoài hộp đựng lồng giặt. 

Cả hai máy giặt này đều có chức năng giặt nước nóng. Theo hình ảnh mổ, ở máy giặt Panasonic, bộ phận làm nóng nước được đặt bên ngoài phía dưới hộp lồng giặt, còn LG đưa vào bên trong hộp chứa lồng giặt.

So sánh sử dụng trong thực tế

Xét về tính năng giặt, hai máy đều có rất nhiều chế độ từ giặt thông thường, giặt chăn màn, giặt đồ trẻ em, giặt nhẹ, giặt nhanh, giặt ngâm, giặt nước nóng và chế độ vệ sinh lồng giặt. Tuy vậy, sự khác biệt về động cơ của máy giặt thể hiện rất rõ rệt trong kết quả so sánh sử dụng thực tế giữa hai máy.

Để so sánh hai máy trong thực tế, chúng tôi đã thực hiện nhiều lần giặt trên hai máy ở các chế độ khác nhau với lượng quần áo giống nhau. Các đồ giặt được lựa chọn với nhiều chất liệu từ vải bông, cotton cho đến vải len. Trong quá trình so sánh, chúng tôi cũng sử dụng một số công cụ đo chuyên dụng như máy đo độ ồn, máy đo tiêu thụ điện kết hợp với quan sát thực tế.

Chiếc áo được làm bẩn ở nhiều vị trí để thử hiệu quả làm sạch của 2 máy giặt

Đầu tiên là so sánh về hiệu quả giặt sạch. Ở bài so này, chúng tôi sử dụng một chiếc sơ mi trắng và làm bẩn bằng cách đổ cafe, tương ớt, xì dầu lên các khu vực khó làm sạch như cổ áo, tay áo, nách áo... Tiếp đến cả 2 máy giặt được thiết lập ở chế độ giặt nước nóng mức cao nhất, là chế độ chuyên dụng để tẩy sạch các vết bẩn và diệt khuẩn.

Chiếc áo được giặt sạch sau chương trình giặt bằng nước nóng.

Sau khi kết thúc quá trình giặt, cả hai máy đều cho hiệu quả làm sạch rất tốt, không còn vết bẩn nào bám lại ở những vị trí bị bôi bẩn. Ở chế độ giặt nước nóng, cả hai máy đều tốn khá nhiều thời gian cho quá trình làm nóng nước và làm mềm các vết bẩn trên quần áo. Cụ thể, máy giặt LG mất 2 giờ 30 phút để hoàn tất mẻ giặt nước nóng. Trong khi đó, mẻ giặt này trên máy giặt Panasonic ngốn tới 3 giờ 45 phút.

Tiếp đến là bài so sánh về hiệu quả vắt khô. Với thử nghiệm này, chúng tôi sử dụng lượng quần áo giống nhau, trọng lượng 2,5kg khi khô và chế độ giặt được lựa chọn là chế độ giặt thông thường. Kết quả sau khi mẻ giặt kết thúc, lượng quần áo trên máy giặt LG là 3,65kg, còn trên máy giặt Panasonic là 4,06kg. Con số này cho thấy đồ giặt trên máy giặt LG được vắt khô hơn máy giặt Panasonic, giúp rút ngắn được thời gian phơi quần áo.

Quần áo sau khi giặt từ máy giặt LG khô hơn Panasonic với cùng lượng đồ giặt ban đầu 2,5kg.

Về tiêu thụ điện, máy giặt LG cũng thường tiêu hao điện ít hơn so với máy giặt Panasonic ở các chế độ giặt được so sánh.

Tiêu thụ điện ở chế độ giặt thông thường

Chẳng hạn như ở chế độ giặt thông thường, một mẻ giặt trên máy giặt LG kết thúc sau 1 giờ và tiêu hao 0,052 số điện; còn máy giặt Panasonic mất 53 phút và 0,071 số điện.

Tiêu thụ điện ở chế độ giặt nước nóng

Với chế độ giặt nước nóng mức cao nhất, máy giặt LG tiêu hao 1,87 số điện trong một mẻ giặt, còn máy Panasonic tốn 3,69 số điện.

Ở khía cạnh độ ồn khi hoạt động, cả hai máy đều hoạt động khá êm ái trong phần lớn thời gian của chu trình giặt. Thời điểm hai máy thường phát ra độ ồn ở mức cao nhất và gây chú ý nhất là ở chu trình vắt khô đồ giặt. Kết quả đo thực tế cho thấy LG cũng ghi điểm tốt hơn ở điểm này, với độ ồn cao nhất khi vắt là 53,2dB so với 60,9dB trên máy giặt Panasonic.

Độ ồn của hai máy khi vắt ở vòng quay cao

Một điểm nữa chúng tôi để ý trong quá trình giặt thực tế là máy giặt Panasonic thật ra không có chế độ giặt nhanh. Khi chọn chế độ giặt nhanh, máy giặt Panasonic vẫn chạy hết 49 phút cho một mẻ giặt, chỉ kém 4 phút so với chế độ giặt thường của máy giặt này. Trong khi đó, máy giặt LG có 2 chế độ giặt nhanh gồm chế độ giặt nhanh thường chỉ mất 24,5 phút và chế độ giặt nhanh TurboWash mất 42,5 phút giặt.

Hai máy giặt này cũng đều có một chức năng hữu ích là gỡ xoắn rối cho đồ giặt. Tuy vậy, chế độ gỡ xoắn rối trên máy giặt Panasonic gọi là "Gỡ rối tự động" là chế độ riêng, người dùng cần chọn thủ công sau mỗi lần giặt. Còn tính năng chống xoắn rối đồ giặt TurboDrum trên máy giặt LG được tích hợp mặc định vào tất cả các chu trình giặt, nên tiện lợi hơn trong quá trình giặt thực tế. Về hiệu quả, đồ giặt trên cả hai máy đều đỡ được hiện tượng xoắn rối tương đồng nhau, giúp việc lấy quần áo ra phơi nhàn nhã hơn và bớt nhăn hơn.

Video so sánh hai máy giặt trong trải nghiệm thực tế.

Tổng kết

Máy giặt LG ghi điểm tốt hơn máy giặt Panasonic trong phần lớn các tiêu chi so sánh trong thực tế. Cụ thể, máy giặt LG hoạt động tiết kiệm điện hơn, vắt khô hơn, gây ồn nhỏ hơn và thời gian giặt của các chế độ thường nhanh hơn so với máy giặt Panasonic. Tuy vậy ở khả năng giặt sạch, hai máy đều gây ấn tượng tốt tương đương, đặc biệt là khi giặt ở chế độ nước nóng.

Bên cạnh hiệu quả thực tế, LG cũng ghi điểm ở thiết kế nhỏ gọn, chất lượng lồng giặt 100% bằng thép không rỉ và có hỗ trợ Wi-Fi để điều khiển qua điện thoại.

Nhóm PV

Chủ đề khác