VnReview
Hà Nội

Đánh giá máy chiếu Sony 5.500 USD: TV OLED trong giới máy chiếu

Chất lượng hình ảnh giống như một chiếc Porsche nổi lên giữa dàn xe Wolkswagen.

Với mức giá lên tới 5.500 USD, mẫu máy chiếu VPL-VW325ES (VPL-VW290ES ở một số thị trường) vẫn chỉ được xếp vào phân khúc giá rẻ trong dải sản phẩm home cinema 4K HDR của Sony. Mặc dù vậy, chất lượng của nó vẫn rất đáng nể nhờ vào độ tương phản xuất sắc. Nó đắt gấp 5-6 lần nhiều mẫu máy chiếu khác, nhưng hình ảnh cũng đẹp hơn hẳn.

Bài đánh giá máy chiếu home cinema VPL-VW325ES do biên tập viên Cnet Geoffrey Morrison thực hiện, VnReview lược dịch gửi tới bạn đọc.

Tổng quan

Đặc trưng công nghệ của máy chiếu Sony là SXRD (thực chất là LCoS - Liquid Crystal on Silicon). Sony sử dụng ba con chip có độ phân giải 4K DCI để tạo nên độ tương phản cực cao, yếu tố quyết định lớn nhất đến chất lượng hình ảnh máy chiếu. Theo đo đạc của tôi (tác giả Cnet), tương phản của sản phẩm cao gấp 10 lần hầu hết các máy chiếu mà tôi từng đánh giá - tất nhiên nhiều chiếc cũng có giá thấp hơn.

Nhờ độ tương phản ấn tượng, hình ảnh nó cho ra rất thực và sống động, có chiều sâu mà không có sản phẩm rẻ tiền hơn nào có thể sánh bằng. Tất nhiên, không có gì là hoàn hảo và máy chiếu Sony vẫn có điểm yếu. Đối nghịch với độ tương phản cực cao đó là độ sáng lại thấp, chỉ có 1.500 lumen.

So với tiêu chuẩn ngày nay khi nhiều máy chiếu đã cung cấp tới 2.500 lumen, thậm chí số ít đạt tới 3.000 (tất nhiên có thể cao hơn nữa nếu chi nhiều tiền hơn), con số đó là điểm trừ đáng tiếc. Tuy vậy, tối hơn không có nghĩa là tệ hơn, VW325ES giống với TV OLED, độ sáng thấp nhưng tương phản cao, và hình ảnh vẫn rất đẹp.

Cấu hình

  • Độ phân giải: 4K DCI (4.096 x 2.160 pixel).

  • Kích thước: 60 - 300 inch.

  • Độ sáng: 1.500 lumen.

  • Độ phóng đại: x2.06.

  • Nguồn sáng: đèn 225W.

Đây là một mẫu máy chiếu cung cấp độ phân giải 4K DCI nguyên bản, thay vì 4K UHD hay 4K pixel shift như nhiều sản phẩm giá rẻ hơn khác.

Một điểm nữa khiến sản phẩm Sony có giá cao vượt trội đó là con chip hiển thị SXRD độc quyền. Hầu hết máy chiếu các hãng khác sẽ sử dụng chip DLP do Texas Instruments sản xuất, hay như Epson thì sử dụng chip LCD (công nghệ chiếu 3LCD).

Đối với Sony, họ chọn công nghệ chiếu LCoS và tự chế tạo những con chip có độ phân giải 4.096 x 2.160 pixel. Chúng đắt hơn và tiên tiến hơn, chỉ được tìm thấy trên máy chiếu Sony hoặc JVC (phiên bản LCoS của họ có tên "D-ILA"). LCoS sẽ có độ tương phản cao nhất.

Sony không nói rõ tuổi thọ đèn chiếu và đây là một vấn đề. Một mẫu đắt tiền hơn và cũ hơn mà tôi đang sử dụng đã bị suy giảm đáng kể sau khoảng 3.000 giờ chiếu. Giả sử xem mỗi ngày 4 tiếng, bạn sẽ phải thay bóng sau mỗi 2 năm.

Chất lượng hình ảnh

Thử đặt cạnh VW325ES hai mẫu máy chiếu rẻ hơn đến từ Epson và LG, ta sẽ có cái nhìn chính xác hơn về chất lượng hiển thị của một sản phẩm trị giá 5.500 USD. Mẫu Epson Home Cinema 5050UB có giá 3.000 USD, LG HU810P cũng khoảng tầm đấy. Liệu trả giá gần gấp đôi cho sản phẩm Sony có phải một quyết định xứng đáng?

Mặc dù về lý thuyết, độ sáng trên máy chiếu Sony thấp hơn đáng kể hai sản phẩm rẻ hơn, nhưng kết quả lại rất trái ngược. Mắt tôi dường như chỉ xoáy sâu vào nó. So với Epson, màu đen từ máy chiếu Sony sâu hơn và các chi tiết sáng chói cũng rõ rệt hơn. Điều đó khiến hình ảnh trở nên chân thực hơn. Điều kiện ánh sáng càng thấp, màu đen sâu càng nổi bật.

Hình ảnh Epson không hề tồi, nhưng Sony vẫn nhỉnh hơn. Nói một cách dễ hiểu, TV OLED luôn giành chiến thắng trong các cuộc thi đấu trực tiếp đã vài năm nay. Và công nghệ LCoS trên sản phẩm Sony chính là một phiên bản OLED trong giới máy chiếu. Độ tương phản vượt trội là "át chủ bài" để nó đánh bại đối thủ kể cả khi thua kém về độ sáng.

Tiếp theo là chi tiết, và thật ngạc nhiên, Sony cũng nhỉnh hơn Epson và còn bỏ xa LG HU810P. Khi bạn chú ý săm soi đến các chi tiết như những sợi tóc và nếp nhăn trên khuôn mặt nhân vật, Sony cung cấp hình ảnh 4K sắc nét hơn hai chiếc còn lại. Một phần là nhờ vào phần cứng chuyên dụng mà Sony thiết kế.

Con chip xử lý tương tự như các mẫu TV cao cấp của hãng, đem tới khả năng xử lý hình ảnh HDR tốt hơn nhiều mẫu máy chiếu khác. Một trong những vấn đề chung của các máy chiếu là xử lý HDR khó khăn, do giới hạn về độ sáng hoặc độ tương phản. Song, Sony VW325ES có thể tái hiện đầy đủ tín hiệu HDR và tạo ra hình ảnh rất ít bị artifact. Điều mà tôi dễ nhận ra trên các máy chiếu thấp hơn.;

Tuy nhiên, không có nghĩa là nó lấn át hoàn toàn đối thủ. Màu sắc trên máy chiếu Sony rất chính xác và chân thực với nguồn tín hiệu không phải HDR, còn nếu là HDR thì nó lại không có chiều sâu và độ nổi khối như LG và Epson. Với hầu hết nội dung, VW325ES lên màu rất tốt và vượt trội hơn hai chiếc kia, nhưng chỉ riêng HDR thì không ấn tượng bằng.

Kết luận

Đây quả là máy chiếu đem tới cảm giác xem phim rạp gần nhất, hơn bất kỳ sản phẩm nào tôi đã đánh giá gần đây. Tuy nhiên, 5.500 USD không phải con số nhỏ, chúng ta có thể làm được rất nhiều thứ với từng đấy tiền. Hoặc bạn có thể mua chiếc Epson 5050 với chất lượng hình ảnh xuất sắc mà vẫn còn dư tới 2.500 USD.

Còn nếu sẵn sàng chi ra số tiền đó, đây hẳn là chiếc Porsche trong giới máy chiếu, nó thực sự rất ổn. VW325ES ở chế độ Reference cung cấp độ sáng 126 nit, kém hơn so với Epson 5050 khi có thể đạt tới 192 nit. Bù lại, độ tương phản là lợi thế vượt trội. Epson 5050 chỉ cung cấp được 5.203:1, còn Sony là 9.014:1. Điều quan trọng là bạn chọn đánh đổi độ sáng hay độ tương phản để đưa ra lựa chọn phù hợp.

Ưu điểm:

  • Hình ảnh ấn tượng.

  • Tương phản tuyệt vời.

  • Hoạt động êm ái.

Nhược điểm:

  • Giá cao.

  • Độ sáng thấp.

  • Màu sắc chưa tốt.

Ambitious Man

Chủ đề khác